Monday, March 18, 2024

Trump muốn “hòa bình” cho Ukraine và thế giới? Nói láo!

Cơ hội gần đây nhất của công chúng Mỹ để nhìn thấy Donald Trump ở thời điểm tồi tệ nhất khi Trump có mặt tại Hội trường của CNN ở New Hampshire với cuộc phỏng vấn cùng Kaitlan Collins, trong đó Trump đưa ra một loạt những lời nói dối đều đặn là những thứ rác rưởi đại diện cho những tác động chính sách đối ngoại của một nhiệm kỳ thứ hai của Trump nếu ông ta trúng số độc đắc, thắng cử trong năm 2024. Đây cũng chính là dịp để người Mỹ trên khắp cả nước hiểu những chính sách ma quỷ của Trump sẽ gây rối loạn và gây tổn hại nghiêm trọng như thế nào đối với sự ổn định toàn cầu và lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ nếu ông ta thực sự may mắn giành được chiến thắng.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Một trong những điều đáng ngạc nhiên nhất trong buổi phỏng vấn đó là câu tuyên bố của Trump nói rằng ông ta có thể kết thúc chiến tranh ở Ukraine “ chỉ trong vòng 24 giờ ,” mà không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về cách thức làm như thế nào. Khi người điều hành Kaitlan Collins ép ông ta đưa ra câu trả lời về việc ông ta ủng hộ phe nào trong cuộc chiến, Trump đã thẳng thừng từ chối ủng hộ Ukraine. Thêm vào đó, ông ta cố gắng làm chệch hướng câu hỏi bằng cách nói rằng: “Tôi muốn mọi người ngừng chết.”

Ý ông ta muốn nói đến một thế giới trong đó Putin đứng đầu và các đồng minh của Hoa Kỳ bị bỏ rơi có khả năng bắt đầu tự trang bị vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự dày dặn kinh nghiệm hiểu rõ dụng ý của Trump và biết kế hoạch tồi của ông ta là gì. Trump là người đại diện cho một quan điểm cực đoan về tư tưởng chính sách đối ngoại theo trường phái biệt lập, thân Nga. Nếu điều đó trở thành chính sách của Hoa Kỳ vào năm 2024 và có vẻ như điều đó chắc chắn sẽ xảy ra nếu ông ta may mắn được trở thành tổng thống một lần nữa, lúc đó thế giới sẽ như thế nào.

Dựa trên các phần của cuộc phỏng vấn với Sean Hannity đã được chỉnh sửa, kế hoạch của Trump là cắt viện trợ cho Ukraine và gây áp lực buộc Ukraine chính thức nhượng lại các vùng đất nói tiếng Nga của đất nước cho Vladimir Putin. Đây rất có thể là Crimea, Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và một phần của Kherson Oblast. Trump sẽ cho Putin mọi thứ ông ta muốn: Đây chính xác là những khu vực mà Nga tuyên bố đã sáp nhập vào mùa thu năm 2022 sau khi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý gian lận. Trump cũng nhắc lại những điểm nói chuyện của Điện Kremlin về cuộc chiến này là về việc giải phóng những cá nhân nói tiếng Nga bị áp bức khỏi chính phủ Zelensky chuyên chế.

Không có gì bí mật khi Trump luôn ủng hộ Nga, lặp lại các quan điểm của nước này bởi vì ông ta có một điểm yếu đặc biệt đối với Putin. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump đã từng phủ nhận việc Nga từng xâm lược Ukraine, bất chấp cuộc xâm lược Crimea, Lugansk và Donetsk đã xảy ra trong năm 2014. Điều này nói lên một sự dối trá của một tên nô tài vì bảo vệ cho ông chủ sẽ sẵn sàng chà đạp lên sự thật.

Sau đó, khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, Trump đã rút lại các biện pháp trừng phạt đối với Nga và giảm dần các biện pháp trừng phạt mới sau khi có những bằng chứng khá rõ ràng là Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016. Tồi tệ hơn, ông ta đứng về phía Putin và chống lại các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật của Hoa Kỳ về vụ can thiệp trong tranh cử Tổng thống năm 2016. Trump đã từ chối tiết lộ những gì ông ta đã nói chuyện với Putin ở Helsinki năm 2018, khiến các quan chức tình báo Hoa Kỳ bị đẩy vào bóng tối.

Các kế hoạch chính sách đối ngoại trong tương lai của Trump trong nhiệm kỳ thứ hai thậm chí còn thân thiện với chế độ chuyên chế hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Nhiều nguồn tin sâu bên trong chế độ cũ, bao gồm Tham mưu trưởng John Kelly, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và John Bolton đều xác nhận rằng Trump có ý định rời khỏi NATO. Trump cũng sẵn sàng rút hoàn toàn Hoa Kỳ ra khỏi Nam Hàn. Mark Esper đã rất thất vọng trước sự liều lĩnh của Trump đến mức được cho là ông hy vọng Biden sẽ thắng cử. Khi đối mặt với những cáo buộc này, người phát ngôn của Trump đã không phủ nhận chúng, thay vào đó tuyên bố rằng những người lên tiếng là những kẻ hiếu chiến và Trump chỉ muốn hòa bình.

Khi tất cả các yếu tố này được kết hợp với nhau, không khó để tìm ra cách mọi thứ có thể trở nên sai lầm nghiêm trọng rất nhanh chóng trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Để dễ phân tích, chúng ta hãy giả sử rằng Trump sẽ thực hiện chính xác những gì ông ta đã nói: cụ thể là cắt đứt viện trợ cho Ukraine, gây áp lực buộc Zelensky phải nhượng đất, rút ​​Mỹ khỏi khối NATO và rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ khỏi Nam Hàn. Cứ cho là những viễn cảnh này sẽ thực sự xảy ra một khi Trump có lại được quyền lực. Thế rồi sao?

Đi sâu vào từng trường hợp để mổ xẻ vấn đề, trước hết với cuộc chiến ở Ukraine:

Mỹ cung cấp phần lớn trong tổng số viện trợ cho Ukraine. Nếu không có viện trợ của Hoa Kỳ, chiến thắng cho Ukraine có thể trở thành bất khả thi, mặc dù nước này gần như chắc chắn sẽ từ chối chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản mà Trump đề xuất. Thay vào đó, họ sẽ tuyệt vọng tìm kiếm thêm đạn dược từ bất kỳ nguồn nào họ có thể có được và từ chối chấp nhận một loạt các điều kiện ngừng bắn nhục nhã. Cuộc chiến, dù tàn khốc như bây giờ, có thể sẽ kéo dài hơn nếu không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Một nước Nga kiệt quệ thiếu phương tiện để tiến sâu hơn vào Ukraine và sẽ tiếp tục gây áp lực buộc nước này phải chấp nhận thỏa thuận do chính quyền Trump đưa ra. Ukraine sẽ thiếu phương tiện để đánh đuổi cuộc xâm lược, nhưng họ sẽ không bao giờ chấp nhận một thỏa thuận một chiều nhục nhã như vậy. Nếu bị ép buộc, chính phủ Ukraine có thể quyết định rằng cách duy nhất để bảo đảm một nền hòa bình vững chắc là phải cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Giờ đến chuyện Trump sẽ rút Mỹ ra khỏi khối NATO:

Không có Mỹ trong NATO, mọi thứ có thể tan rã nhanh chóng ở châu Âu. Ba Lan, Baltics, Thụy Điển và Phần Lan đều cảm thấy họ đang ở trong tầm ngắm của Nga. Khi NATO tan vỡ, Ba Lan có thể quyết định rằng cách duy nhất để ngăn chặn Nga kết liễu Ukraine, tái vũ trang và xây dựng lại một “Thế giới Nga”, để làm được điều đó có nghĩa là tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu với tư cách là các quốc gia vệ tinh, nhỏ và yếu sẽ phải đưa ra quyết định gửi lực lượng của chính mình để chiến đấu bên cạnh Ukraine.

Nếu trường hợp tham chiến của các nước nhỏ xung quanh Ukraine tham chiến cùng Ukraine để chống lại Nga thì điều này còn tồi tệ hơn hiện trạng khi các lực lượng NATO không trực tiếp tham chiến. Nó có thể sẽ dẫn đến việc Nga tấn công Ba Lan. Ba Lan cũng sẽ được khuyến khích bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình, không còn có sự bảo vệ thông thường hoặc hạt nhân của Hoa Kỳ dưới sự bảo vệ của NATO.

Cũng khó có thể đánh giá thấp sự hoảng loạn tuyệt đối mà việc Mỹ từ bỏ Ukraine và rút khỏi NATO sẽ gây ra giữa các quốc gia nhỏ vùng Baltic như Estonia, Latvia và Litva và ở Phần Lan. Các quốc gia này không có khả năng tự bảo vệ mình trước Nga nếu không có sự can thiệp nhanh chóng và dứt khoát của Mỹ và NATO. Và Nga coi tất cả những quốc gia nhỏ này là một phần của “Thế giới Nga” truyền thống.

Điều này sẽ dẫn đến một khả năng đáng sợ khác: Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, buộc Ukraine nhượng đất cho Nga vì hòa bình, nhưng không rời NATO? Đây là một giả thuyết khác mà các chuyên gia quân sự đã nghĩ đến. Giả sử Nga xâm chiếm các quốc gia vùng Baltic sau một thời gian tái vũ trang và tổ chức lại, và Mỹ của Trump cùng với đồng minh của Putin là Hungary sẽ bỏ phiếu bác bỏ yêu cầu của các quốc gia Baltic về việc áp dụng Điều 5, quy định rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia NATO là một cuộc tấn công vào tất cả, nhưng cần có sự đồng ý hoàn toàn của tất cả các thành viên mới có hiệu lực.

Nếu Nga biết trước rằng Trump đồng tình với những tuyên bố của họ rằng vùng Baltics thuộc về Nga theo truyền thống và Mỹ của Trump sẽ phủ quyết yêu cầu theo Điều 5, thì điều đó có thể khiến châu Âu ít chuẩn bị cho sự xâm lược hơn nữa của Nga so với khi Mỹ đã rời khỏi NATO. NATO hầu như không chuẩn bị trước sẽ bị Mỹ hành động như một kiểu “đâm sau lưng chiến sĩ” trong hàng ngũ của mình. Các quốc gia thành viên của NATO còn lại sẽ không sẵn sàng để đi một mình bên ngoài cấu trúc NATO.

Sang đến Châu Á, một bức tranh không quá ảm đạm ở Thái Bình Dương, nhưng nó vẫn được xem là khá tồi tệ. Không có Mỹ với tư cách là người bảo đảm an ninh, và với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến, đại diện cho một kẻ thù quá lớn để chống lại nếu không có liên minh của Mỹ, các nước láng giềng như Hàn Quốc sẽ bị cám dỗ phát triển vũ khí hạt nhân. Họ có thể lấy tín hiệu từ Israel và Triều Tiên, những nước đã sử dụng mối đe dọa chiến tranh hạt nhân để ngăn chặn các cuộc xâm lược tiềm tàng hoặc để đạt được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán. Kiểu rút tiền mặt toàn cầu mà Trump muốn, có thể không dẫn đến các cuộc chiến tranh mới nhưng có thể sẽ khuyến khích nhiều quốc gia phát triển phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nếu không có Mỹ hỗ trợ các đồng minh toàn cầu của mình, các quốc gia như Nga, Trung Quốc và Triều Tiên sẽ được hưởng lợi giống như cách mà Iran được hưởng lợi từ việc Mỹ rút khỏi vùng Vịnh sau khi rút quân khỏi Iraq vào năm 2012, việc các đồng minh người Kurd của người Mỹ bị bỏ rơi vào năm 2019, và quyết định đơn phương của Trump vào năm 2020 nhằm nhanh chóng rút khỏi Afghanistan vào năm 2021. Tổng thống Biden đã phải tuân theo thỏa thuận để thực hiện điều cuối cùng, với kết quả thảm hại bằng sự rút quân trong hỗn loạn. Sự mất ổn định này sẽ khuyến khích hành động xâm lược quân sự. Các quốc gia khách hàng bị Mỹ bỏ rơi có thể sẽ tìm kiếm quyền tự chủ và an ninh thông qua phương tiện thực tế duy nhất hiện có: cụ thể nhất là phổ biến vũ khí hạt nhân. Các quốc gia bị chính quyền Trump phản bội thậm chí có thể tìm cách hợp tác với nhau để bí mật phát triển vũ khí hạt nhân, giống như cách mà nhà khoa học hạt nhân Pakistan Abdul Qadeer Khan bị cáo buộc đã giúp đỡ các chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Pakistan và Iran.

Thực sự là Trump đã làm cho thế giới nguy hiểm hơn?

Thế giới đã trở nên bất ổn hơn kể từ khi Donald Trump ban hành sắc lệnh “Nước Mỹ trên hết” bằng ngôn ngữ đen tối, khiến các đồng minh và đối thủ lo ngại. Nói rộng hơn, luận điệu Nước Mỹ trên hết của Trump dường như chủ yếu là theo lệnh từ giáo chủ Putin nhằm phá vỡ các liên minh và thể chế đã giữ cho thế giới hòa bình kể từ sau Thế chiến II. Và rõ ràng hơn nữa, là Trump muốn rút Mỹ khỏi vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ trong việc duy trì chúng, như vậy lợi thế sẽ rơi vào tay Nga mà không cần phải giao chiến.

Lời kết:

Có thực là Trump tuyên bố muốn ngăn chặn chiến tranh, xây dựng an ninh vững mạnh cho Hoa Kỳ và “chấm dứt những cái chết ở Ukraine hay không?

Thưa không, đó là những lời nói dối trá của một kẻ nói láo 30.573 lần trong một nhiệm kỳ 4 năm tệ hại, thối nát và đầy tham nhũng.

Tuy nhiên, khi chúng ta tìm hiểu và phân tích sâu hơn về những giả thuyết và hành động có thể xảy ra một khi nước Mỹ phải đón nhận lần thứ hai một nhà độc tài quay trở lại thì chắc chắn ông ta sẽ thực hành các chính sách tai hại mà ông ta đã công khai bày tỏ từ bây giờ thì đó không phải là hòa bình mà Trump muốn, mà ngược lại, đó là chiến tranh hủy diệt sẽ nở rộ khắp nơi, thế giới sẽ có nhiều chiến tranh hơn, nhiều cái chết hơn, một nước Mỹ sẽ suy yếu hơn trên bình diện quốc tế, các đối thủ trong khu vực được khuyến khích phát triển và thủ đắc nhiều vũ khí hạt nhân.

Theo một cách nào đó, phổ biến vũ khí hạt nhân giữa các quốc gia giống với vấn nạn mà người Mỹ đang gặp phải trong nước với tất cả những loại súng với quan điểm: Càng có nhiều súng thì càng có nhiều người chết hơn. Càng nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, thì càng có nhiều nguy cơ khiến một quốc gia cảm thấy bị dồn vào chân tường và sẽ sử dụng chúng. Thế giới sẽ rách nát hơn và nước Mỹ sẽ không là ngoại lệ.

Việt Linh, 05.06.2023

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img