Thursday, March 28, 2024

Trump khởi kiện Uỷ ban 6/1, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, tìm cách giữ kín tài liệu 

(Politico) – Cựu Tổng thống Donald Trump chính thức khởi kiện Ủy ban Đặc biệt Hạ viện và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia,  tìm cách ngăn chặn công bố hồ sơ Toà Bạch Ốc của ông ta liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol. 

Toán luật sư đại diện ông Trump vào thứ Hai đệ đơn kiện 26 trang lên toà liên bang D.C, tuyên bố cuộc điều tra của Uỷ ban Đặc biệt “moi móc thông tin bất hợp pháp và nhũng nhiễu.” Vụ kiện nêu danh Uỷ ban Đặc biệt Hạ viện, Chủ tịch Bennie Thompson (Dân chủ -Mississippi), và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, và Giám đốc cơ quan David Ferriero.

Đơn kiện lập luận rằng, việc Uỷ ban điều tra 6/1 đòi hỏi một số lượng lớn hồ sơ từ chính phủ Donald Trump như,  những trao đổi nội bộ của ông ta với luật sư, chiến dịch vận động tranh cử và các viên chức cao cấp khác, vi phạm đặc quyền hành pháp. Trong vụ kiện, nguyên đơn yêu cầu toà liên bang vô hiệu hoá toàn bộ yêu cầu từ Uỷ ban, ngăn chặn Cơ quan Lưu trữ Quốc gia giao nộp bất cứ tài liệu nào cho Quốc hội theo yêu cầu của Uỷ ban vì chúng được đặc quyền hành pháp bảo vệ. 

Toán luật sư đại diện cựu Tổng thống cũng yêu cầu toà buộc Lưu trữ Quốc gia trước hết phải xác định tất cả những tài liệu nào từ Toà Bạch Ốc của Trump liên quan đến yêu cầu từ Uỷ ban, rồi sau đó, họ sẽ xem xét lại toàn bộ trước khi chia sẻ chúng với Quốc hội. Thủ tục này có thể mất vài năm trời. 

Vụ kiện khởi sự một cuộc chiến pháp lý phức tạp và quan trọng về những cuộc điều tra của Quốc hội và đặc quyền hành pháp. Dưới thời cựu Tổng thống Nixon, Tối cao Pháp viện thừa nhận, các cựu tổng thống có thể quan tâm đến việc che giấu tài liệu khỏi con mắt công chúng. Nhưng đây là tranh chấp pháp lý công khai đầu tiên giữa một đương kim tổng thống và người tiền nhiệm về việc liệu có khẳng định đặc quyền hành pháp hay không. 

Trump lập luận một cách mạnh mẽ rằng, yêu cầu tài liệu của Uỷ ban 6 tháng 1 quá rộng lớn đến nỗi vi hiến. Thêm nữa, vụ kiện khẳng định Uỷ ban thiếu “mục đích lập pháp” hợp pháp khi đòi số tài liệu này. Cả hai lập luận này đều được ông Trump đưa ra trong vụ kiện Dân chủ đòi hồ sơ tài chánh của ông ta từ công ty kế toán Mazar USA vào năm 2019. Vụ kiện này cuối cùng lên Tối cao Pháp viện và Tòa Tối cao nhận thấy những hạn chế của các quốc điều tra Quốc hội liên quan đối với đương kim tổng thống, không phải cựu tổng thống, nhưng các vị thẩm phán cũng nhấn mạnh thẩm quyền rộng lớn của Quốc hội trong những yêu cầu thông tin liên quan đến nỗ lực lập pháp. 

Trong lập luận Uỷ ban 6/1 thiếu mục đích pháp lý hợp lệ trong việc tìm kiếm hồ sơ, các luật sư của ông Trump dựa vào một quy định đối với các nhà điều tra quốc hội là phải chứng minh được tài liệu họ đang tìm kiếm phục vụ công tác lập pháp. 

Uỷ ban Đặc biệt nhiều lần bác bỏ những tuyên bố cho rằng họ đang thực hiện một cuộc điều tra không có mục tiêu lập pháp. Nghị quyết thành lập uỷ ban xác định một loạt những mảng mà họ có thể đưa ra chính sách, từ việc những phần tử cực đoan trong nước sử dụng mạng xã hội đến việc các cơ quan tình báo giải quyết thông tin đe doạ tình hình an ninh tại Điện Capitol. 

Vụ kiện cũng tập trung vào Đạo luật Hồ sơ Tổng thống – Presidential Records Act, luật liên bang quản trị việc truy cập vào hồ sơ Toà Bạch Ốc. Toán luật sư  của ông Trump cho rằng, nếu Đạo luật cho phép một đương kim tổng thống phủ quyết đặc quyền của một cựu tổng thống thì điều này vi hiến. Câu hỏi này chưa bao giờ được đưa ra đầy đủ trước toà. 

Đơn kiện cũng yêu cầu toà ngăn chặn Cơ quan Lưu trữ Quốc gia chia sẻ số tài liệu mà cựu Tổng thống cho rằng thuộc đặc quyền. Nhiều chuyên viên pháp lý chỉ ra, chỉ có đương kim tổng thống mới có thể khẳng định đặc quyền hành pháp, nhưng cho đến nay chưa có toà nào phán quyết về vấn đề liệu đặc quyền hành pháp sẽ mở rộng bao xa sau khi tổng thống rời nhiệm kỳ. 

Vụ kiện cũng yêu cầu toà làm chậm lại thủ tục chia sẻ tài liệu với Quốc hội, vì nguyên đơn cần thêm thời gian để xem xét số tài liệu trên trước khi xác định tài liệu nào thuộc phạm vi đặc quyền. 

Uỷ ban Đặc biệt điều tra vụ bạo động 6 tháng 1 vào cuối tháng 8 tống trát đòi Lưu trữ Quốc gia hàng loạt hồ sơ liên quan đến những trao đổi của chính phủ ông Trump trong ngày vụ tấn công xảy ra. Uỷ ban cũng yêu cầu tài liệu từ ngày 1 tháng 4 năm 2020 liên quan đến những kế hoạch chiến dịch tranh cử  tổng thống của ông Trump, gồm hồ sơ liên quan đến thăm dò và tài liệu dự đoán Trump có thể thất cử. 

Theo trát đòi và theo trình tự, lãnh đạo cơ quan lưu trữ đã  giao giao đợt đầu gồm hàng trăm trang những tài liệu đó cho ông Trump và luật sư xem xét. Cơ quan sẽ tiếp tục  gởi cho họ những tài liệu khác phục vụ yêu cầu theo từng đợt.

Cựu Tổng thống và luật sư xác định ít nhất hơn 30 hồ sơ đợt đầu nằm trong phạm vi đặc quyền hành pháp, có nghĩa là, theo quan điểm của họ, ông Trump có quyền giữ kín. Cựu Tổng thống vào ngày 8 tháng 10 gởi thư do hãnh đạo lưu trữ, nêu rõ quan điểm và yêu cầu cơ quan giữ kín số tài liệu này. 

Tuy nhiên, Toà Bạch Ốc của Tổng thống Joe Biden lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Vào 13 tháng 10, ông Biden chính thức thông báo không khẳng định đặc quyền hành pháp đối với số tài liệu trên. Đương kim Tổng thống Mỹ muốn trao chúng cho Quốc hội. 

Vụ kiện sẽ củng cố một số nhân chứng khác đang đối mặt với trát đòi từ Uỷ ban 6/1. Cựu Chiến lược gia Toà Bạch Ốc Steve Bannon cũng viện dẫn tuyên bố đặc quyền hành pháp của ông Trump để chống lại trát đòi, từ chối giao nộp tài liệu và ra lấy lời khai. Uỷ ban Đặc biệt vào thứ  Ba ngày 19 tháng 10 sẽ bỏ phiếu buộc Bannon tội khinh thường Quốc hội. 

Hương Giang (Theo Politico)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img