Monday, March 18, 2024

“Tị Nạn” – Danh xưng chẳng ai muốn!

Bài viết này tôi dành cho những người mang cái mác “Tị Nạn”, những ai tự nhận mình là không phải là “tị nạn” thì cũng nên đọc để tự xét mình có phải “tị nạn” hay không.

Danh xưng “tị nạn” đã có từ khi có con người trên trái đất này, loài bò sát cũng “tị nạn”, loài sống ở dưới nước cũng “tị nạn”, loài có cánh bay cũng “tị nạn”.  Tất cả muôn loài trên trái đất này phải chấp nhận cái định luật “Tôi muốn sống” là phải “tị nạn”.  Chỉ có loài thực vật vì chúng nó không có chân nên bất đắc dĩ không phải “tị nạn””.  

Nói đến đây, tôi lại chợt nhớ khi còn ở Việt Nam sau ngày 30/4/1975. Người ta đói vì bao tử hoành hành, và đói cả tinh thần, mất tự do nên phải tìm đường “tị nạn”. Cái cột đèn nếu có chân, nó cũng muốn “tị nạn” vì không có điện.  

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Rau muống cũng đã “tị nạn” sang Hoa Kỳ để bà con người Việt thưởng thức món quốc hồn quốc tuý vì nó nhớ đến người Việt “tị nạn”. Tại sao tôi nói câu này? Muốn đem rau muống ra nước ngoài thì chỉ có cách đem dấu hạt giống rau muống cho thật kỹ để không bị kiểm soát tại hai cửa khẩu phi trường ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Như vậy không gọi rau muống “tị nạn” thì gọi là gì? Tôi nói, quý vị đừng cười, những năm đầu khi mới đặt chân lên Hoa Kỳ, tôi đã thèm rau muống như nhớ người yêu, cứ đến bữa ăn cứ cảm thấy thiếu cái gì. Bà xã tôi người Nam còn thèm rau muống huống gì tôi. Một đĩa rau muống xào tỏi ở nhà hàng không có rẻ đâu nhé, ai đã từng đến nhà hàng ăn món này thì biết tôi nói đúng.

Nói đến đây tôi lại nhớ một bản tin mà tôi không ngờ được là ở tiểu bang Georgia mới cho phép trồng rau muống. Khiếp thật! 48 năm nay dân Việt ở Georgia ăn toàn rau muống “tị nạn lậu”, trồng rau muống lậu tại nhà, chuyển rau muống lậu từ các tiểu bang khác đến. Cái cọng rau muống cứ như thể là cư dân lậu Nam Mỹ lén vào Hoa Kỳ vậy. Rau muống vừa lậu vừa mắc ăn mới ngon có phải không quý vị. Nghĩ cũng buồn cười, “rau muống lậu” thì có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, nhưng “di dân lậu” thì không ăn được nên đả kích tống chúng nó ra khỏi Hoa Kỳ. Ý tôi đang nói đến những con zombies Mít Vàng MAGA đấy các bạn.

Quay trở lại, khi chúng ta nói đến danh xưng người “tị nạn”, người ta nói “cây lành chim đậu”, trước đây tôi có viết về những con người mất gốc chủng tộc mà có người cứ nhận mình có gốc chủng tộc nên mới phát sinh là thượng đẳng hạ đẳng. Bây giờ, tôi dẫn quý vị đến một góc nhìn khác về thân phận và chứng bệnh tâm thần của những kẻ “tị nạn”.  

Mấy người Việt đi diện HO, du học, lấy chồng, lấy vợ người nước ngoài hay làm ăn buôn bán gì đó để được chính thức nhập cư hợp pháp ở Hoa Kỳ thì họ không cảm thấy danh xưng “tị nạn” gắn trên trán của họ, nên tôi không đề cập đến họ làm gì. Vì khi họ đến đây, cơm nước đã dọn sẵn đầy đủ, cộng đồng người Việt đã thành lập đầy đủ nên chỉ mời quý vị lên xơi.  

Tị nạn” hợp pháp và không hợp pháp đều có chung một hoàn cảnh là nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ ngôn ngữ tiếng nói, nhớ con phố góc hẻm, nhớ mưa lũ, nhớ nắng cháy da, nhớ món đặc sản của quê hương, nhớ tiếng ồn ào và tiếng kèn xe inh ỏi. Nhớ nhất là mùi pháo đỏ và các lễ hội. Có nhiều cái nhớ lắm nếu ký ức còn hoạt động tốt. Hoặc nhớ con chó ghẻ mà ngày nay người Việt gọi là con cún đang ăn món phân thải của loài người.

Dù quý vị có đến định cư ở bất cứ nơi nào trên thế giới này, quý vị chỉ là công dân hạng thứ ba. Khổ nhất là những người di cư bất hợp pháp, cái lo sợ canh cánh trong lòng là không biết lúc nào cảnh sát hay sở di trú cho nhân viên công lực đến bắt đi. Đi làm thì chỉ làm lậu, làm cật lực để có đồng lương rẻ mạt cho cuộc sống qua ngày, mua xe cũ thì không có giấy tờ và cũng chẳng cần ai đứng ra bảo lãnh, không bằng lái xe, không bảo hiểm, đau bệnh thì tự chịu, nặng quá thì có người hàng xóm gọi 911, xe cứu thương chở đến bệnh viện cấp cứu, sau đó vào nhà tù mặc cho định mệnh đưa đẩy trở về chốn cũ.

Hầu hết nhũng người di dân lậu được thu nhận ở các nông trại Mỹ, quyền lợi lao động không có, 4 giờ sáng là phải thức dậy lo cơm nước ăn sáng và mang theo, vệ sinh xong thì có xe đến rước đi làm việc. Họ sống cùng nhau trong một căn nhà tập thể. Cuộc đời của họ chỉ có thế cho hết kiếp, may mắn vớ được em nào thì lập gia đình và có con, nhưng gánh nặng này còn cực hơn khi còn độc thân vui tính.  

Tôi nhớ khi còn trẻ, ông cậu họ của tôi có nói một câu như thế này để đời: “Cháu sống một mình ăn trọn ổ bánh mì, có vợ chiA đôi, có con chia ba…”, hồi đó tôi Ăn dữ lắm, chia hai làm sao chịu được, đã vậy còn chia ba thì khủng khiếp quá. Thế mà khi yêu ai thì có chia sáu chia bẩy gì cũng được. Thế mới nói, khi yêu thì bất cần hậu quả. Thằng bố vượt rào câu châm ngôn của ông cậu, nhưng thằng con trai 41 tuổi của tôi thì trung thành với bí quyết: “thà độc thân chứ không cưới vợ”; dại gì chia đôi chia ba, nhà tôi thì ăn ngủ không yên vì không có cháu nội.

Quý vị thấy đấy!  Có rất nhiều cái khổ của những người di dân bất hợp pháp, vô tổ quốc, vô quốc tịch, vô quyền lợi. Mà tôi nói trắng ra thêm là không có quyền công dân, chẳng có nhân quyền gì ráo, cũng không có chính quyền hay chính phủ nào bảo vệ cho họ. Nếu xếp hạng nhũng loại người trong một quốc gia thì những người di cư bất hợp pháp bị xếp hạng chót nhất, những loại vật nuôi như chó mèo còn được hội bảo vệ súc vật đòi hỏi quyền lợi.

Quý vị lên Google hay YouTube tìm kiếm những hoàn cảnh của những nhóm người vô tổ quốc sống ở Philippines, người Việt sống ở sông Mekong giáp ranh giữa Việt Nam và Cambodia thì sẽ rõ. Không những bản thân họ đã khổ, mà ngay con cái của họ cũng nối khố cái khổ theo họ. Chẳng có trường lớp công lập nào thu nhận các đứa trẻ không có giấy tờ.

Chẳng riêng gì những quốc gia mà tôi mới đề cập ở trên, mà khắp thế giới này, nơi nào cũng có tệ nạn di dân lậu, từ Á Châu cho đến Phi Châu, từ Trung Đông cho đến Âu Châu, từ Châu Mỹ cho đến Úc Châu. Tệ nạn di dân không có quốc gia nào mà không có, ngoại trừ Bắc Hàn, chẳng có người “tị nạn” nào muốn đến đó cả.

Vậy mà ở Hoa Kỳ, cứ gióng lên những tiếng chuông cảnh báo “di dân lậu bất hợp pháp” cả trăm năm nay, là vì cớ gì? Tôi sống ở Hoa Kỳ hơn 44 năm nay, ngày nào mà tôi không nghe đám Cộng Hoà bảo thủ không than vãn. Họ tự hào văn hoá da trắng thượng đẳng, thông minh thượng đẳng, đẹp trai đẹp gái thượng đẳng, mập mạp thượng đẳng, Cơ Đốc giáo thượng đẳng, vậy mà họ cứ sợ cái không thượng đẳng lấn át cái thượng đẳng của họ, như vậy không ảo tưởng thì gọi là cái gì?

Trump còn nói láo trong mùa tranh cử tổng thống ngày 16 tháng 6 năm 2015 rằng: “Khi Mexico gửi người của mình, họ không gửi những gì tốt nhất của họ cho bạn. Họ đang gửi những người có nhiều vấn đề và họ đang mang những vấn đề đó đến với chúng ta. Họ đang mang ma túy. Họ đang mang tội ác. Họ là những kẻ hiếp dâm. Và tôi cho rằng chỉ có một số ít là người tốt”.  

Câu nói cuối của Trump “Và tôi cho rằng chỉ có một số ít là người tốt”. Mẹ bố khỉ! Đúng là đạo đức giả! Câu trước, hắn quất người Mễ rướm máu trong tim, làm ô nhục quốc thể của một quốc gia người Mễ, câu sau y lại vuốt đuôi người Mễ. Thế mà đám zombies Mỹ Trắng thượng đẳng và đám zombies Mít Vàng và Đít Vàng hạ đẳng ở Việt Nam cũng tin mới là lạ chứ. Chẳng những các con chiên ngu ngốc tin, mà ngay cả các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo như Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo cũng tin như vậy mới kinh hoàng chứ. Chẳng lẽ tôi là một người “Vô Thần” lại lôi câu tiết trong các đoạn thánh kinh, rằng Chúa bảo như thế, nên chúng làm như thế, đem ra đây để dạy dỗ những kẻ “ta không thể ngủ” này sao?

Nói thẳng ra, không có “những người nhập cư lậu” thì người Mỹ mới chết, chính phủ Mỹ mới chết, dân “tị nạn” chính thức mới chết. Thị trường lao động Mỹ thì cứ thừa ra đấy, nhưng có ai chịu làm nhũng công việc đồng áng, ai vắt sữa bò sữa dê, ai chịu khó hái nho, hái cà chua, hái dâu, hay hái những loại trái cây khác? Ai chăm sóc sân cỏ nhà bạn? Ai chăm sóc đường phố, khu chung cư của bạn? Ai phải dùng những hoá chất để rửa sạch các máy móc mổ heo mổ bò mổ gà sau nửa đêm? Có nhiều thứ lắm không thể kể hết được. Những người Mỹ Trắng thượng đẳng Cơ Đốc giáo nhất định là không làm, Mỹ Đen Cơ Đốc giáo đã bị nô lệ một thời chắc chắn cũng không làm, Mỹ Vàng Cơ Đốc giáo thì lại càng không làm. Chỉ có những người di dân lậu đến từ Nam Mỹ Cơ Đốc giáo thì chấp nhận làm những công việc tay chân nặng nhọc, nguy hiểm này thôi.  

Tổ chức Sáng lập Hiệp hội Công nhân Nông trại Châu Mỹ cho biết những cư dân bất hợp pháp từng sống nhiều năm ở Florida, Georgia, Kentucky và Pennsylvania. Họ đã từng lao động những vụ mùa của các loại như cà chua, jalapeños, ớt chuông, ớt poblano, cà tím, dâu Tây, hành Tây, dưa chuột và thuốc lá. Trong mùa đại dịch COVID-19, họ vẫn phải tiếp tục làm những công việc này để cung cấp thực phẩm cho người dân Mỹ có thực phẩm tươi trên bàn ăn. Chưa nói vấn đề họ phải dầm mưa dãi nắng trên công việc đồng áng, họ phải chịu đựng những chứng bệnh đau nhức thấp khớp, cảm cúm và nỗi lo sợ lớn hơn cả là sợ mắc phải chứng bệnh coronavirus. Cứ mỗi buổi chiều về, nỗi sợ chung của họ sau khi xong việc đồng áng là đếm số người thiếu hụt, vì có thể có một hoặc vài nạn nhân nào đó chết trên cánh đồng vì thời tiết khắc nghiệt không ai hay.  Chúng ta có bao giờ nghĩ đến cảnh khốn khổ này của họ hay không?

Trong khi chính phủ liên bang xem họ là những công nhân “cần thiết” khi bắt đầu có đại dịch, nhưng họ vẫn dễ bị trục xuất. Vì tình trạng pháp lý của họ, họ cũng bị đối xử bất bình đẳng cấm không được nhận trợ giúp từ chương trình “Đại Dịch Cứu Trợ Khẩn Cấp” mặc dù họ là người đóng thuế đầy đủ. Việc không có tư cách pháp nhân khiến họ luôn phải đối mặt với những trường hợp rủi ro và an toàn trong công việc. Hợp pháp hoá tình trạng di trú của họ sẽ cho phép họ làm việc được tự do mà không phải lo lắng về việc bị tách rời khỏi nhà cũng như những người thân trong gia đình của họ.

Đó là lời phát biểu của người đại diện cho Hiệp Hội Công Nhân Nông Trại Châu Mỹ trong ngày lễ Độc Lập July 4, 2021 tại “People House”, đó là cái tên tôi dùng thay cho “White House”. Tổng thống Joe Biden muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với con đường trở thành công dân Mỹ cho những người nông dân và những người nhập cư khác trong buổi lễ nhập quốc tịch.

Tôi mong rằng bài viết này sẽ có những người Việt phản đối việc di dân bất hợp pháp sống trên đất Hoa Kỳ đọc được để họ thay đổi lối suy nghĩ thiển cận. Họ phải hiểu rằng, mỗi lần họ ra siêu thị mua trái cây hoặc những thực phẩm với giá rẻ trên bàn ăn của họ thì họ nên nhớ công lao của những người di dân bất hợp pháp này. Những công việc mà người dân Mỹ da trắng, da đen hoặc các giống dân da vàng khác không có đủ sức chịu đựng được sức lao động cực nhọc với giá lương thấp. Họ là nguồn lao động chủ yếu của các nhà nông trại Mỹ , nhờ vào những con người chịu khó nhọc này mà các nông trại có thể được sinh tồn cho tới ngày nay.  

Nghĩ tới những người nhập cư lậu này, tôi lại nhớ đến những người nô lệ da đen ở miền Nam Hoa Kỳ đã đi gặt hái bông gòn cho các chủ nhân người da trắng thời chiến tranh Nam Bắc trong cuộc giải phóng nô lệ năm (1861 – 1865), giá trị nhân phẩm của người nô lệ da Đen bị cướp đoạt, bị hành hạ, hãm hiếp, treo cổ nếu người chủ không vừa ý. Tôn giáo cũng đã đóng góp không ít trong việc đồng loã những tội ác này.  Quyển sách “Thánh Kinh Nô Lệ” xuất bản năm 1807, được dùng bởi các nhà truyền giáo người Anh để dạy bảo số phận nô lệ của họ phải luôn biết vâng lời.

Nhân tiện nói về danh xưng “tị nạn”, tôi xin cống hiến thêm đến quý vị danh xưng  HYPHENATED-AMERICAN, tiếng Việt dịch là NGƯỜI MỸ CÓ GẠCH NỐI.

Bài này đáng lẽ ra tôi viết dài nói nhiều chi tiết về sự tai hại của cái “gạch ngang như cua” này, nhưng tôi chỉ tóm tắt vài hàng tâm sự nhất thời khi cái hàng chữ này đập vào mắt, đã khiến tôi phải suy nghĩ và đóng góp chút kiến thức để hầu quý vị.

Hyphenated-Americans: Nguồn gốc của danh xưng này được sử dụng để phân biệt những người di cư từ các nước Âu Châu đến Hoa Kỳ, đặc biệt dùng “GẠCH NỐI” trực tiếp nói đến German-Americans và Irish-Americans “tị nạn” trong thời Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914-1918). Đến nỗi Tổng Thống Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson là những người thẳng thắn chống ngôn từ “hyphenates” (gạch nối) để nói về những người di dân. Các nhà nghiên cứu và các nhà tranh luận hiện nay đề cập đến vấn đề “NHẬN DIỆN NGƯỜI MỸ CÓ DẤU GẠCH NỐI” (hyphenated-American identifies) để thảo luận về các vấn đề như đa văn hoá (multiculturalism) và nhập cư đến đất Hoa Kỳ.

Điều trớ trêu là cứ thế hệ nào đến Hoa Kỳ có quốc tịch Mỹ vài chục năm lại phân biệt gạch nối đến các thế hệ đến Hoa Kỳ sau đó, rồi cứ như thế trong vòng luẩn quẩn. Họ không nhận thức rằng chính họ cũng là những “gạch nối” trước kia. Quý vị nếu đọc một bản tin án mạng hay trộm cắp mà họ nêu đích danh nguồn gốc của người Mỹ đã có quốc tịch Hoa Kỳ lâu năm, giả dụ họ nói rằng tên Mr. B, một người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American) bị bắt quả tang lấy trộm món hàng trong một cửa tiệm bị còng tay đưa về bót điều tra. Nếu quý vị là người Việt thì quý vị sẽ nghĩ như thế nào? Và quý vị cũng đặt trường hợp của quý vị vào một người dân Mỹ, thì quý vị sẽ có cảm nghĩ gì? Tôi dành câu trả lời này để quý vị mở rộng lối suy nghĩ để thấy sự tai hại chỉ vì “chữ gạch nối” nguy hiểm này. Tôi chỉ đề cập đến những người có quốc tịch Hoa Kỳ. Còn những thành phần “thường trú nhân” thì miễn bàn.

Nói đến vấn đề này, làm tôi liên tưởng đến thời đại hiện nay. Mặc dù người Việt có quốc tịch Hoa Kỳ nói riêng và người Á Châu nói chung nhưng vẫn bị phân biệt bởi từ phân biệt chủng tộc “NGƯỜI MỸ CÓ GẠCH NỐI” như Vietnamese-American, Chinese-American, Korean-American, Japanese-American chứ không phải là người Mỹ, thật là khó hiểu!

Cái vô ý thức của người Mỹ nói riêng và nhân loại nói chung khi thiếu học thức, kiến thức và cộng thêm tính kỳ thị thì khi họ dùng ngôn từ “NGUỒN GỐC CÓ DẤU GẠCH NỐI”. Họ đã không thực sự hiểu về lịch sử của nhân loại, họ không hiểu lịch sử di dân từ khi con người có đôi chân để mưu cầu sự sinh tồn vì thiên tai, vì kinh tế, vì chính trị, vì chiến tranh, vì tôn giáo khắc nghiệt. Người Việt ta có câu “Đất lành chim đậu” cũng đủ nói lên cái tự nhiên về cuộc di dân của nhân loại.

Nhân nói đến vấn đề “tị nạn” này, thì có câu chuyện liên quan đang xảy ra tại tiểu bang Florida, khi những tài xế xe tải gốc Latinh gia tăng áp lực tẩy chay chính quyền tiểu bang Florida, họ tuyên bố ngừng giao hàng trên toàn tiểu bang và kêu gọi đình công của lao động nhập cư vào ngày 1 tháng 6. Các doanh nghiệp cam kết đóng cửa trong ngày để phản đối cuộc càn quét những người nhập cư của Thống đốc Ron DeSantis với luật nhập cư mới.

Dự luật 1718, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 là luật mới nghiêm ngặt của tiểu bang hạn chế các dịch vụ xã hội dành cho người nhập cư không có giấy tờ, yêu cầu các doanh nghiệp có hơn 25 nhân viên phải sử dụng E-verify, một hệ thống liên bang xác định xem nhân viên có thể làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ hay không đồng thời yêu cầu các bệnh viện thu thập thông tin về bệnh nhân không có giấy tờ, vô hiệu hóa giấy phép lái xe do các tiểu bang khác cấp cho những người không có giấy tờ. Những yêu cầu khắt khe này sẽ có tác động đáng kể đến các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và khách sạn của Florida. Đây là những ngành mà người nhập cư chiếm đại đa số lao động và việc không cho phép các doanh nghiệp có thể sử dụng những lao động này sẽ có tác động thực sự lớn đến nền kinh tế của chính tiểu bang Florida.

Ron DeSantis chính là một “Người Mỹ có gạch nối” – Italian American, một gốc gác “tị nạn” mà ông ta đang cố tình quên, tương tự như hắn ta, có rất nhiều “Người Mỹ có gạch nối” – Vietnamese American cũng đang cố tình chối bỏ gốc gác “tị nạn” của mình, những người này có chung một quan điểm là đả kích, tấn công những người “tị nạn” đến sau họ. Những kẻ “qua cầu rút ván” một cách đáng khinh bỉ.

Tôi chỉ còn muốn dùng một “từ gạch nối khốn nạn” để dành cho những giống người vô ý thức về nhân loại là “Human-Animals”. 

Trấn Nguyễn, 04.06.2023

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img