Friday, March 29, 2024

Sắc lệnh chính phủ Biden về Trung Quốc gây khó khăn cho Hunter Biden 

(Washington Examiner) – Tổng thống Joe Biden mới đây ký sắc lệnh nhắm vào các nhà đầu tư Mỹ vào những ngành công nghiệp quốc phòng và theo dõi của Trung Quốc, nêu danh một số công ty có dính líu tới con trai ông, Hunter Biden.

Trong  khi hiện chưa rõ những hạn chế mới có thể ảnh hưởng đến Hunter Biden như thế nào, nhưng sắc lệnh đánh dấu một số công ty có mối quan hệ với Bohai Harvest RST – một quỹ đầu tư do con trai đương kim tổng thống đồng sáng lập vào năm 2013. 

Mối quan hệ giữa Hunter Biden với ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên được Viện Trách nhiệm Chính phủ tường trình vào năm 2018, và đây là một nguồn gây tranh cãi lớn đối với chiến dịch vận động tranh cử của Joe Biden. Cộng hoà dùng mối quan hệ giữa Hunter Biden với Bohai Harvest làm bằng chứng chỉ  ra chính phủ Biden sẽ mềm yếu với Trung Quốc, trong khi cánh tả bác bỏ những cáo buộc chống lại Hunter. 

Chính phủ bây giờ dường như đã xác nhận những yếu tố chính trong tường trình đó, xem đây là chính sách chính thức của Toà Bạch Ốc. 

Được ban hành vào ngày 3 tháng 6, sắc lệnh cấm người Mỹ mua và bán các cổ phiếu được niêm yết công khai của 59 công ty Trung Quốc liên quan đến Quân đội Nhân dân Trung Hoa, bao gồm tập đoàn China General Nuclear (CGN), và Aviation Industry Corporation (AI)- hai công ty có mối quan hệ mật thiết với Bohai Harvest RST.

Theo ước tính của NBC News, cổ phiếu của Hunter Biden trong BHR có giá trị vào khoảng $4,2 triệu Mỹ kim. 

Bộ Ngân khố nói rõ, những hạn chế áp dụng cho những quỹ đầu tư mà người Mỹ bị cấm mua bán cổ phiếu, nhưng câu hỏi vẫn nằm ở chỗ, liệu những quy định này có áp dụng đối với những quỹ đầu tư nước ngoài không được niêm yết trên thị trường chứng khoán như BHR hay không. 

Những hạn chế mới của chính phủ Biden là sự khác biệt đáng chú ý với chính sách ít đối đầu với Trung Quốc hơn của chính phủ Obama. Chúng nhằm mục đích “bảo đảm những đầu tư của Mỹ không hậu thuẫn các công ty Trung Quốc đang làm suy yếu an ninh hay giá trị của Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta,” theo Toà Bạch Ốc. 

Những hạn chế này cũng lôi kéo sự chú ý vào những khoản đầu tư nước ngoài của Hunter Biden – chủ đề mà Joe Biden vẫn làm giảm tầm quan trọng trong suốt thời gian vận động tranh cử. 

Bohai Harvest RST trở  thành “nhà đầu tư cố định” trong cổ phiếu IPO 2014 của CGN. Năm sau đó, công ty hợp tác với AVIC để mua lại Henniges – nhà sản xuất phụ tùng xe hơi có trụ sở ở Michigan. Thoả thuận đó đòi hỏi phải có phê chuẩn liên bang do những ứng dụng quân sự có thể có trong những sản phẩm của Henniges, bao gồm các bộ phận chống rung và niêm phong. 

Đây không phải là lần đầu tiên các công ty được BHR đầu tư bị săm soi pháp lý. Vào năm 2015, công tố viên liên bang truy tố CGN tội ăn trộm bí mật hạt nhân. Vào năm 2019, Bộ Thương mại đánh dấu Megvii, nhà phát triển AI được niêm yết là công ty đầu tư của BHR, vì liên quan đến ngược đãi nhân quyền ở Tân Cương. 

Vào tháng 11 năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm đầu tư cả vào AVIC và CGN. Sắc lệnh của Biden bỏ một số công ty nhưng duy trì cả hai danh sách và xác định thêm một số công ty con của AVIC cũng bị cấm. Các nhà đầu tư Mỹ bây giờ có hạn chót đến ngày 2 tháng 8 để chấm dứt những giao dịch cổ phiếu bị đánh dấu, trong khi những cổ đông hiện tại có thời gian cho đến tháng 6 năm 2022 chuyển hướng các khoản đầu tư trước khi lệnh cấm có hiệu lực. 

Vào tháng 2, Tuỳ viên báo chí Toà Bạch Ốc Jen Psaki cho truyền thông hay, Hunter Biden đang tìm cách “giải phóng” đầu tư của anh ta vào BHR. Theo hồ sơ hiện tại, Hunter Biden vẫn còn sở hữu 10% cổ phần BHR. 

Quyết định trên thách thức những dự đoán ban đầu rằng Joe Biden sẽ tránh đối đầu với Trung Quốc theo cách làm suy yếu những đối tác của con trai ông, trong khi biến một trong những chỉ trích chính về hoạt động của Hunter Biden thành chính sách. 

Hương Giang (Theo Washington Examiner)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img