NỖI THẤT VỌNG LỚN: Hoa Kỳ mất địa vị cường quốc số 1 thế giới

0
2379

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khi trở về từ chuyến công du Trung Quốc gần đây, ông đã đưa ra những tuyên bố khi được phỏng vấn, những phát biểu khá thẳng thắn, không e dè khiến cường quốc Hoa Kỳ phải cảm thấy khó chịu.

Ông đã nói rằng châu Âu không thể mù quáng đi theo sự dẫn dắt của Hoa Kỳ và nên tránh “bị kéo vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”. Nhận xét này, có lẽ ám chỉ đến Đài Loan, đã khiến một số nhà quan sát cho rằng Macron đang cắt xén mặt trận xuyên Đại Tây Dương chống lại Trung Quốc của Hoa Kỳ, mặc dù ông tiếp tục nhắc lại sự ủng hộ của Pháp đối với việc giữ nguyên trạng ở Đài Loan.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Các nhà lãnh đạo ở Washington phải đối mặt với một sự thật khó chịu và phải thừa nhận một điều: Một EU tự lực sẽ là một đối tác tốt hơn với Hoa Kỳ hơn là một EU phụ thuộc.

Hãy nghe quan điểm của một lãnh đạo Châu Âu như thế này: “Nếu phương Tây chúng ta không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Ukraine; làm sao chúng ta có thể nói một cách đáng tin cậy về Đài Loan?

Đặc biệt là khi các tổng thống tiền nhiệm và đương nhiệm của Hoa Kỳ, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, đều yêu cầu người châu Âu nắm quyền sở hữu nhiều hơn đối với an ninh của chính họ.

Các chuyên gia chính trị không cảm thấy ngạc nhiên lắm về những bình luận thẳng thừng của Macron, nhưng nhận xét của ông ấy cho mọi người thấy rõ động lực sâu xa hơn cho chuyến đi tới Trung Quốc: rằng Liên minh châu Âu nên tự đưa ra tiếng nói của riêng mình trong các vấn đề thế giới và không để thế giới quan và lợi ích của mình bị định hình bởi bất cứ cường quốc nào khác, cho dù đến từ Washington hay Bắc Kinh.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ có thể chưa sẵn sàng để nghe điều đó trong thời điểm hiện nay, nhưng sự thật khó chịu là Macron đang nói rất to không chỉ cho Hoa Kỳ nghe mà cho cả thế giới cùng nghe điều mà nhiều đối tác châu Âu muốn nói ra nhưng chưa thể nói, hay chưa phải lúc, và Macron đã nói giùm họ.

Đằng sau những cánh cửa đóng kín, các nhà lãnh đạo châu Âu thực sự lo lắng về việc bước chung bước với Washington trong một cuộc xung đột công khai với Trung Quốc. Người châu Âu lo ngại về nhiều khía cạnh trong hành vi của Trung Quốc, từ các hoạt động thương mại không công bằng đến vi phạm nhân quyền. Ủy ban châu Âu đã sẵn sàng đối mặt với một số vấn đề này và thậm chí Châu Âu từng gọi Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế”, một thuật ngữ mà Paris đã chấp nhận. Nhưng nhiều người châu Âu không cảm thấy thoải mái khi bị lôi kéo vào một cách tiếp cận đối đầu mà đôi khi họ cho rằng có liên quan nhiều hơn đến nỗi lo sợ mất đi vị thế bá chủ toàn cầu của Hoa Kỳ hơn là việc hoạch định những chính sách đúng đắn về lâu dài.

Đó là một thực tế mà Hoa Kỳ sẽ cần phải chấp nhận khi hợp tác với châu Âu để xây dựng một cách tiếp cận chung để đối phó với Trung Quốc.

Nếu Hoa Kỳ muốn thành công trong việc chống lại Bắc Kinh sẽ liên quan nhiều đến việc xây dựng một chiến lược kinh tế thống nhất cũng như về các vấn đề quân sự, và Hoa Kỳ phải chú ý đến những nghi ngờ, sắc thái và lợi ích của các đối tác châu Âu, là khối thương mại lớn nhất thế giới— nếu Hoa Kỳ thực sự muốn cách tiếp cận của họ hoạt động tốt nhất có thể.

Trên khắp lục địa châu Âu, các nhà lãnh đạo đã điều chỉnh cẩn thận cách tiếp cận của họ đối với Bắc Kinh và rõ ràng là họ đang cố gắng cân bằng lợi ích kinh tế với các ưu tiên khác.

Macron không đơn độc về mặt này, và chuyến thăm Trung Quốc của ông, cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, hầu như không phải là một sự kiện riêng lẻ. Vài tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tới Trung Quốc, sau đó vài tuần là Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez. Cả hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp thân mật với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đang bận rộn đàm phán các thỏa thuận kinh doanh cho mỗi nước. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni có kế hoạch tới Bắc Kinh vào tháng 5 để làm điều tương tự.

Trong khi đó, ngay cả những người lớn tiếng nhất ủng hộ liên kết với Hoa Kỳ ở Trung và Đông Âu vẫn là một phần của diễn đàn 14+1 với Bắc Kinh—sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã không thay đổi điều đó.

Trường hợp điển hình, chỉ vài tuần trước khi bắt đầu chiến tranh—vài ngày sau khi Trung Quốc khẳng định “tình bạn vô hạn” với Nga—Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đến thăm Trung Quốc trong Thế vận hội Mùa đông 2022, bất chấp sự tẩy chay của các quốc gia khác trong khối Châu Âu. Những xu hướng ngoại giao này sẽ phải thay đổi bởi các quốc gia Đồng Minh ở Châu Âu và Hoa kỳ cần phải chấp nhận thực tế đắng cay này.

Mặc dù chính quyền Biden nên được ca ngợi vì đã tạo nên sự đoàn kết mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương trong việc hỗ trợ Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga, nhưng chính quyền Biden thực sự đã không thành công trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc.

Sáng kiến xuyên Đại Tây Dương có chữ ký của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Hội đồng Thương mại và Công nghệ, đã không dẫn đến sự thống nhất về các tiêu chuẩn kỹ thuật số và chuỗi cung ứng. Ngược lại, chính quyền Biden còn tăng gấp đôi chủ nghĩa bảo hộ thời Trump. Các nhà đàm phán xuyên Đại Tây Dương vẫn tranh cãi về thuế thép của Trump ngay cả khi Đạo luật Giảm lạm phát, được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào tháng 8 năm 2022, cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ bằng chi phí của các đối tác châu Âu.

Hơn nữa, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu nghi ngờ sự chân thành của những người đối thoại Mỹ khi Washington đặt ra tiêu chuẩn kép cho hành vi của chính họ. Chẳng hạn, trong khi Hoa Kỳ gây áp lực buộc châu Âu cắt đứt quan hệ với Trung Quốc nhưng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc lại đạt mức cao kỷ lục 690 tỷ USD vào năm 2022.

Bất chấp những căng thẳng đang diễn ra, Washington không cần phải tuyệt vọng, bởi vì một châu Âu tự trị và độc lập hơn sẽ chỉ có lợi cho nỗ lực chống lại Trung Quốc của Hoa Kỳ về lâu dài.

Để cạnh tranh với Bắc Kinh, Washington sẽ cần một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy, chứ không phải một nhóm đối tác thụ động và chỉ biết làm theo yêu cầu từ Washington.

Có một cách khác để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc một cách hiệu quả hơn mà không khiến người châu Âu lặp đi lặp lại các quan điểm của Mỹ, đó là bằng cách để yên cho các quốc gia châu Âu củng cố chủ quyền của mình, Hoa Kỳ có thể giảm nguy cơ EU dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng bên ngoài của Trung Quốc. Và đó chính xác là những gì Paris đã và đang thúc đẩy.

Trong sáu năm qua, tham vọng của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron là tăng cường quyền tự chủ của châu Âu, bảo vệ cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng quan trọng, đồng thời phát triển các công cụ địa chính trị cần thiết để lục địa này cạnh tranh và bảo vệ lợi ích cũng như an ninh của chính mình.

Trong vài tháng qua, EU đã bắt đầu đạt được mục tiêu này trên một số lĩnh vực. Họ đã đồng ý về các cơ chế chống cưỡng chế để bảo vệ các thành viên của mình trước áp lực thương mại mang tính săn mồi, chủ yếu nhằm phản ứng lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cô lập và bắt nạt Litva vì đã lên tiếng ủng hộ Đài Loan.

Đạo luật về Chips của EU, Đạo luật về Công nghiệp Net Zero và Đạo luật về Nguyên liệu thô quan trọng có thể không được chú ý, nhưng chúng là những bước quan trọng để giúp người châu Âu ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn nhiều về pin, nguyên liệu thô, hydro và linh kiện điện tử của các công nghệ chính.

Đặc biệt, Paris đã đi đầu trong những nỗ lực này. Về các vấn đề công nghệ rộng lớn hơn, Pháp là một trong những quốc gia hạn chế Huawei cứng rắn nhất và các công chức của nước này đã bị cấm tải xuống TikTok.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula vor der Leyen đã nói rằng, mục tiêu không phải là tách rời hoàn toàn, mà là “giảm thiểu rủi ro” cho các ngành công nghiệp châu Âu khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

May mắn cho người Châu Âu, trải nghiệm về việc phải chịu ơn Trung Quốc về dược phẩm, khẩu trang trong đại dịch COVID-19, hoặc chứng kiến cách Nga cố tình tận dụng sự cung cấp khí đốt và năng lượng để gây ảnh hưởng chính trị, đã khiến các lãnh đạo các nước Châu Âu thức thời hơn, không còn muốn phải kéo dài sự phụ thuộc vào các cường quốc như Trung Quốc, Nga và cả Hoa Kỳ.

Một châu Âu tự chủ và độc lập hơn trong nhiều quyết định quan trọng hơn cũng đang dần bắt đầu thức dậy sau kỳ nghỉ của mình trong lịch sử về các vấn đề quân sự. Chi tiêu quốc phòng đang gia tăng trên khắp lục địa Châu Âu. Pháp đã tăng ngân sách quốc phòng lên 25% kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Macron bắt đầu vào năm 2017. Pháp hiện đang xem xét một dự luật, nếu được thông qua, sẽ tiếp tục xu hướng đó và cuối cùng sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quân sự của quốc gia trong suốt thời gian Macron tại vị. Đức, các quốc gia Bắc Âu và Ba Lan cũng đã công bố mức tăng tương tự.

Tóm lại, các quốc gia Châu Âu đang mạnh mẽ hơn, tự chủ hơn, họ đã mạnh dạn thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng quá lâu bởi Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Thay vì mong đợi sự liên kết, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ cần tìm kiếm những nơi mà lợi ích của cả hai bên đều có thể đồng ý và hợp tác cùng nhau. Hiện tại, sức mạnh chính của châu Âu là tận dụng sức mạnh thương mại của mình. Hoa Kỳ không nên làm suy yếu điều này bằng chủ nghĩa bảo hộ, hoặc bằng cách phản đối sự xuất hiện của một ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Emmanuel Macron luôn rõ ràng rằng người châu Âu sẽ phải giữ tư thế “bình đẳng” giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Một châu Âu thống nhất sẽ bảo vệ lợi ích và thế giới quan của chính mình cuối cùng sẽ là một đối tác mạnh mẽ hơn đối với Washington về lâu dài.

Lời kết:

Một EU độc lập, tự chủ về thương mai và quốc phòng có vẻ không hấp dẫn đối với Hoa Kỳ, nhưng Washington nên nhớ rằng đó cũng là một EU mà Trung Quốc không thể chia rẽ và điều khiển họ như Hoa Kỳ đã giữ vững vị trí đàn anh trong hơn nữa thế kỷ qua.

Chính trị trong nước của Hoa Kỳ đang rối tung lên và hầu như giới tinh hoa chính trị Mỹ chưa thể tìm ra cách tốt nhất để giải quyết, các chính sách đối ngoại thay đổi xoành xoạch, không ổn định của Hoa Kỳ giờ đây cũng không giành được sự tin tưởng của các quốc gia Châu Âu và Đồng Minh. Ngày nào Hoa Kỳ còn chưa ổn định được chính trị trong nước thì ngày đó, tiếng nói của Hoa Kỳ sẽ khó được thế giới xem trọng.

Tôi đã từng nói một câu tương tự trong một bài bình luận cách đây không lâu, giờ chỉ muốn nhắc lại một lần nữa, Hoa Kỳ muốn là bá chủ thế giới trong khi chuyện trong nhà vẫn còn hỗn loạn, phép nước không nghiêm, không “tề gia, trị quốc” được thì làm sao “bình thiên hạ” được đây?

Việt Linh 17.04.2023