Hoa Kỳ làm thế nào để thắng “chiến tranh kinh tế” trước Trung Quốc?

0
1856

Từ khoảng 10 năm trở lại đây, Hoa Kỳ đã và đang nhận ra rằng Trung Quốc không chỉ là một đối thủ quân sự mà còn là một đối thủ kinh tế ngang tầm.

Hai quốc gia đang có chiến tranh cả lạnh và nóng để giành ưu thế trong cả đổi mới và năng lực sản xuất vì phần lớn lợi ích kinh tế của Bắc Kinh trong các ngành công nghiệp tiên tiến đến từ sự mất mát của Washington – và ngược lại. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thừa nhận như vậy vào năm ngoái khi ông tuyên bố rằng: “Đổi mới công nghệ đã trở thành chiến trường chính của sân chơi toàn cầu và sự cạnh tranh để giành quyền thống trị công nghệ sẽ trở nên khốc liệt chưa từng thấy”.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Chiến tranh kinh tế không phải là chưa từng xảy ra.

Nhưng, “chiến tranh kinh tế” khác với “cạnh tranh kinh tế”.

Ví dụ, Canada và Hoa Kỳ cạnh tranh về kinh tế, nhưng cả hai quốc gia đều hiểu rằng thương mại được thực hiện trên cơ sở khi cả hai quốc gia đều đạt được lợi ích ngang bằng nhau trong sự hiểu biết và tôn trọng.

Ngược lại, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tấn công trực diện vào công nghệ và năng lực công nghiệp của Hoa Kỳ chỉ để ăn cắp những sở hữu trí tuệ của những con người tài năng, đã mất biết bao thời gian để làm việc và sáng tạo mới gặt hái được thành công.

Kế hoạch Trung và Dài hạn Quốc gia về Phát triển Khoa học và Công nghệ năm 2006 của Bắc Kinh có thể được coi là một đòn tấn công ban đầu trong cuộc xung đột này, tiếp theo vào năm 2015 là chiến lược “Made in China 2025” của Tập Cận Bình.

Cả hai đều xác định những công nghệ then chốt mà Trung Quốc tìm cách đạt được sự tự cung tự cấp, và cả hai đều được hỗ trợ bởi những hạn chế đối với việc tiếp cận thị trường của các công ty nước ngoài trong các ngành công nghiệp then chốt, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ phổ biến, chuyển giao công nghệ bắt buộc, trợ cấp khổng lồ cho các công ty Trung Quốc, v.v.

Trong thế kỷ trước, Từ năm 1900 đến năm 1945, Đức đã sử dụng một loạt các hoạt động thương mại không công bằng để giành quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu, cuối cùng là để phục vụ cho sức mạnh quân sự của mình.

Trong thế kỷ này, Trung Quốc đã đưa chiến tranh kinh tế lên một tầm cao mới hơn. Các cuộc tấn công lâu dài và ngày càng gia tăng của Trung Quốc được thiết kế để đè bẹp các đối thủ cạnh tranh của họ—và tham vọng lớn nhất của Trung Quốc là khiến Hoa Kỳ trở thành một nước chư hầu về kinh tế.

Cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là một phản ứng hay có thể gọi là một chiến lược được xây dựng sơ sài – đối với các cuộc tấn công kéo dài của Trung Quốc vào năng lực công nghiệp và công nghệ của Hoa Kỳ.

Vào thời điểm đó, hầu hết các chuyên gia ở Washington cho rằng điều này là do xu hướng bảo hộ của Trump hơn là sự thừa nhận rằng Hoa Kỳ đang trong một cuộc chiến kinh tế toàn diện.

Chỉ trong hai năm gần đây, ý định và mức độ xâm lược kinh tế của Trung Quốc mới được hiểu rộng rãi hơn. Lệnh cấm xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn tiên tiến mới của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang Trung Quốc là bằng chứng cho thấy ông và một số người trong chính quyền của ông đã bắt kịp đối thủ.

Bất chấp lệnh cấm của Tổng thống Biden, Hoa Kỳ phần lớn vẫn chưa chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng cho một cuộc chiến kinh tế kéo dài với Trung Quốc. Các hoạt động đổi mới theo chủ nghĩa trọng thương của Bắc Kinh – tìm cách giành được phần lớn sản lượng của ngành công nghiệp tiên tiến bằng cách sử dụng các chiến thuật bị Tổ chức Thương mại Thế giới coi là bất hợp pháp – vượt xa các chính sách công nghiệp của các quốc gia khác.

Một số chuyên gia kinh tế mỹ tin rằng, chỉ cần phớt lờ Trung Quốc thì họ sẽ tự thay đổi hướng đi—hoặc cho rằng Trung Quốc không thể thành công vì họ không phải là một quốc gia dân chủ, không có một thị trường tự do hoặc có dân số già khá nhiều, nhưng trên thực tế đã cho thấy những quan điểm đó của những chuyên gia kinh tế là sai hoàn toàn, họ đã tự vùi đầu họ vào cát để không phải thấy sự vùng lên của đối thủ đang ngày càng mạnh mẽ, cương quyết để tìm chiến thắng trước đối thủ số 1 là Hoa Kỳ bằng bất cứ giá nào.

Trung Quốc đã tính toán rất thực tế và chấp nhận rủi ro cao: Chiến thắng trong cuộc chiến sẽ thúc đẩy tiền lương trong nước, khả năng cạnh tranh cũng như an ninh kinh tế và quốc gia. Thua thì sẽ làm ngược lại, đó là khởi động một cuộc chiến làm tiêu hao sức mạnh của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ hiểu rõ Trung Quốc hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới và từ đó, Hoa Kỳ nhận thấy họ cần phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ coi trọng việc lập kế hoạch cho chiến tranh quân sự. Họ dành nguồn lực đáng kể cho các cuộc tập trận chiến tranh và hỗ trợ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Họ có nhiều trường cao đẳng chiến tranh để nghiên cứu chiến đấu. Họ thu hút vô số chuyên gia quân sự tài giỏi để tư vấn về mọi khía cạnh của chiến tranh. Họ sử dụng các nhà sử học để học hỏi kinh nghiệm chiến trường từ các cuộc xung đột trước đó. Và họ phối hợp với các cơ quan từ khắp chính phủ liên bang.

Một hệ thống sẵn sàng đối phó như vậy phần lớn không có trong chiến tranh kinh tế. Không có kế hoạch. Không có đánh giá. Không có chiến lược. Không có hệ thống an ninh kinh tế.

Có thể nói, nếu không có cuộc xâm lược Đài Loan, có vẻ như không có cuộc tấn công kinh tế nào của Trung Quốc có thể đánh thức Washington khỏi giấc ngủ say.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chiến lược ở Washington không – ít nhất là chưa – coi vấn đề quan hệ kinh tế với Bắc Kinh là một cuộc chiến sẽ dẫn đến kết quả thắng hay thua.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng các đối thủ nước ngoài có thể thực sự tấn công các lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Hoa Kỳ, nhưng họ không sẵn sàng thừa nhận rằng những điều đó có thể xảy ra trong tương lai gần.

Câu hỏi là người Mỹ có quá chủ quan trước một Trung Quốc đang ngày rất mạnh hay không?

Có thể lắm, vì hầu hết các cố vấn kinh tế vẫn đưa ra khái niệm về lợi thế so sánh, trong đó họ chỉ nghĩ đơn giản không phải là một cuộc chiến tranh kinh tế mà chỉ là cạnh tranh kinh tế.

Họ nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể giỏi sản xuất máy bay chở khách, trong khi Trung Quốc giỏi sản xuất thiết bị 5G.

Nhưng các khoản trợ cấp khổng lồ của Trung Quốc và các hành vi không công bằng khác được sử dụng để xây dựng các ngành công nghiệp tiên tiến trong nước — về thiết bị viễn thông, đường sắt cao tốc, thiết bị xây dựng, hàng không vũ trụ, chất bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, ô tô, máy tính, trí tuệ nhân tạo, v.v. đều được làm với lợi thế so sánh và bảo hộ mạnh mẽ.

Trung Quốc muốn thống trị thông qua sự chiếm đoạt công nghiệp: thúc đẩy các công ty của chính họ trong khi đè bẹp khả năng cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài. Đây là lý do tại sao có mối tương quan tiêu cực mạnh mẽ giữa sự thay đổi tỷ trọng tương ứng trong sản lượng toàn cầu mà Trung Quốc và Hoa Kỳ nắm giữ trong các ngành công nghiệp tiên tiến từ năm 1995 đến năm 2018. Nói một cách khác, Trung Quốc đã giành được cổ phần trong các ngành mà Hoa Kỳ đã đánh mất.

Washington cũng kiên trì bám vào học thuyết thị trường tự do rằng các công ty tối đa hóa phúc lợi kinh tế khi họ hành động vì lợi ích của mình mà không cần sự trợ giúp của chính phủ hoặc định hướng chiến lược.

Tuy nhiên, quá nhiều chuyên gia kinh tế ở Washington không mở rộng logic đó sang khả năng chiến tranh kinh tế mà họ chỉ nghĩ đơn giản, đây chỉ là “cạnh tranh kinh tế” giữa hai cường quốc có cùng lợi ích có thể chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau.

Nhưng, rất tiếc, người Mỹ đã lầm, Trung Quốc không hề xem đây là “cạnh tranh kinh tế” mà họ nghiêm túc xem đây là một cuộc “chiến tranh kinh tế”, mà đã là chiến tranh, tất nhiên phải có người thắng kẻ bại.

Đả nói đến “chiến tranh kinh tế” thì cũng nên nói đến “chiến tranh quân sự”, hai loại chiến tranh này có những liên quan mật thiết và thường xảy ra trước hoặc sau một cuộc chiến.

Chắc chắn, “chiến tranh kinh tế” và “chiến tranh quân sự” là khác nhau; có rất ít thương vong trực tiếp do “chiến tranh kinh tế” và các trận chiến này thường diễn ra trong một khoảng thời gian dài hơn “chiến tranh quân sự” nhiều. Nhưng cả hai cuối cùng đều đe dọa khả năng tồn tại độc lập của một nhà nước.

Điều duy nhất tồi tệ hơn việc không có được một chiến lược cho một cuộc chiến cần thiết là không chiến đấu với nó.

Washington cần cam kết tiến hành một cuộc “chiến tranh kinh tế” với mục đích bao trùm là ngăn chặn Bắc Kinh đạt được vị trí lãnh đạo toàn cầu trong hầu hết các ngành công nghiệp tiên tiến—và bảo đảm tỷ lệ phụ thuộc kinh tế của Trung Quốc vào Hoa Kỳ (và các đồng minh thân cận) lớn hơn đáng kể so với ngược lại.

Sau đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát triển và vận hành một chiến lược như vậy. Cho đến nay, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã thất bại trong việc tạo ra một chiến lược “cạnh tranh kinh tế” thực sự của Hoa Kỳ.

Thay vào đó, trong phạm vi mà chính quyền Hoa Kỳ đưa ra bất cứ điều gì về chủ đề này, nó thường là danh sách các thành tích, chính sách ưu tiên hoặc ý định chính sách trong tương lai. Điều này được thể hiện trong sáng kiến ​​kinh tế sinh học của Tòa Bạch Ốc mới được đưa ra gần đây, đề xuất cách phát triển ngành công nghệ sinh học Hoa Kỳ nhưng không dựa trên phân tích cạnh tranh của ngành kinh tế. Chương trình cũng có phạm vi hẹp, do Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ phụ trách. Bất kỳ chiến lược hiệu quả nào của ngành công nghệ sinh học—đặc biệt là đối với Trung Quốc—cần phải kết hợp với các chính sách thương mại, chính sách thuế, chính sách quản lý, v.v.

Lời kết:

Tóm lại người Mỹ chưa làm đủ và quá xem nhẹ một cuộc “chiến tranh kinh tế” đang diễn ra, người Mỹ đã quá thờ ơ, xem thường đối thủ và chỉ cố tình xem đó chỉ là một cuộc “cạnh tranh kinh tế” đơn giản, không hơn không kém.

Nhưng Trung Quốc, đối thủ mạnh và nguy hiểm nhất của Hoa kỳ, họ không nghĩ như vậy, vì họ thuộc làu binh pháp Tôn Tử có viết rằng: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Người Trung Quốc biết về người Mỹ nhiều hơn người Mỹ biết về họ.

Việt Linh 18.04.2023