CÔN ĐỒ” đe dọa “CÔNG TỐ VIÊN”? Chuyện chỉ xảy ra ở Mỹ!

0
2652

Các chuyên gia pháp lý cảnh báo hôm thứ Năm rằng cơn giận dữ của Donald Trump đối với Biện lý quận Manhattan, Alvin Bragg có thể khiến ông ta phải nhận trách nhiệm nặng nề hơn.

Donald Trump đã nhiều lần công kích ông Alvin Bragg, gọi anh ta là “thú vật” và kêu gọi những người ủng hộ ông ta “phản đối mạnh mẽ” nếu ông ta bị bắt giữ. Chưa hết, vào sáng sớm thứ Sáu Trump lại lên tiếng cảnh báo về “những cái chết có thể xảy ra và sự hủy diệt” nếu ông ta bị buộc tội trong vụ án, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi những người ủng hộ ông ta giữ bình tỉnh và chỉ nên phản đối trong “hòa bình“.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Sang đến ngày thứ Bảy, Trump tiếp tục công kích Alvin Bragg khi chia sẻ một bài báo từ tờ National File cực hữu có hình ảnh Trump tay cầm một cây gậy đánh bóng chày với vẻ mặt khinh khỉnh, láu cá bên cạnh hình ảnh mặt của Alvin Bragg.

Norm Eisen, cựu cố vấn đặc biệt của Đảng Dân chủ trong cuộc luận tội đầu tiên của Trump, đã gọi bài đăng của Trump là “mối đe dọa bệnh hoạn” và “lời kêu gọi bạo lực” và nói rằng: “Đe dọa một công tố viên là một tội ác ở New York. Ông ta đã phạm nhiều tội ác, và tội ác mới nhất này đang làm dày thêm hồ sơ xấu xí của ông ta”.

Nhìn lại cả thế giới này, tôi phải thành thực nói rằng, những chuyện như một người dân lên tiếng đe dọa công tố viên, Bộ Tư pháp, kêu gọi người ủng hộ sử dụng bạo lực, kích động người ủng hộ chống lại các chính sách của chính phủ đương nhiệm, kêu gọi người ủng hộ xuống đường, biểu tình chống lực lượng thực thi pháp luật là không hề xảy ra ở các nước dân chủ tự do, mà chỉ xảy ra ở nước Mỹ.

Quý vị sống ở Mỹ, hãy nhìn sang nước Đức một chút, để thấy rằng phong trào Reichsbürger, một mạng lưới cực đoan nhỏ bao gồm các nhóm nhỏ và cá nhân trải khắp nước Đức đã đưa ra một số quan điểm cực đoan và bác bỏ tính hợp pháp của nhà nước.

Vào tháng 12 năm ngoái, 25 người đã bị bắt vì tình nghi âm mưu tấn công tòa nhà quốc hội Đức, lật đổ trật tự hiến pháp và đưa nhân vật lãnh đạo của nhóm – nhà quý tộc Heinrich XIII Prince Reuss – lên làm Tổng thống.

Vào thứ Tư tuần rồi, cảnh sát Đức đã tiến hành tiếp các cuộc đột kích liên quan đến nhóm cực hữu này và bắt giữ thêm một người bị nghi ngờ là thành viên và là người đã bắn vào cảnh sát Đức khi bị vây bắt.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann cho biết vụ nổ súng đã “cho thấy mức độ nguy hiểm của vấn đề và nhiệm vụ của chính phủ Đức là dẹp tan hoàn toàn nhóm cực hữu Reichbürger.”

Tôi xin mang đến cho quý vị hiểu sơ qua một số nét về nhóm cực hữu này tại Đức, phong trào Reichbürger với số người ủng hộ khoảng 23.000 thành viên Reichsbürger, tăng từ 19.000 vào năm 2019, họ tin vào thuyết âm mưu QAnon cho rằng nước Đức hiện đại không phải là một quốc gia có chủ quyền, rằng nước Đức vẫn là một quốc gia đang bị chiếm đóng dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ và do đó họ không nhìn nhận đây là một chính phủ hợp pháp. Một số người tin rằng Đế chế Đức năm 1871 vẫn tồn tại trong khi những người khác muốn khôi phục Đệ tam Đế chế của Adolf Hitler. Nhưng, tựu trung những người ủng hộ phong trào Reichbürger tin vào các hệ tư tưởng cánh hữu, dân túy, bài Do Thái và Đức quốc xã.

Từ những niềm tin mù quáng như vậy, họ tin là họ có quyền lực của những người Đức thuần chủng thượng đẳng, không phải nộp thuế và không phải chịu hình phạt bất kể là họ làm việc gì sai và muốn thành lập các cơ quan chính trị lâm thời.

Việc nhà chức trách Đức can thiệp ngay khi tình hình còn trong tầm kiểm soát, lúc còn phôi thai để ngăn chặn một âm mưu đảo chính có thể giải quyết một vấn đề rộng lớn hơn về chủ nghĩa cực hữu ở Đức.

Vấn đề ở đây không phải là phong trào Reichsbürger, được đánh giá gần như là một tà giáo cực hữu chống chính quyền, mà vấn đề là hệ tư tưởng cực hữu ngày càng có nhiều người hành động theo niềm tin của họ, dễ lôi kéo những người nhẹ dạ.

Nhóm này đã trở nên nổi tiếng trong đại dịch Covid-19, là thời điểm gia tăng đáng kể các thuyết âm mưu ở Đức, đặc biệt là liên quan đến các nhóm Reichsbürger và QAnon.

Kho dự trữ vũ khí của phong trào Reichbürger đã khiến nhà chức trách Đức đặc biệt lo ngại. Số liệu mới nhất của chính phủ cho thấy khoảng 400 thành viên sở hữu vũ khí. Theo Viện Đối thoại Chiến lược, một nguyên nhân khác gây lo ngại cho chính phủ Đức là một số lượng đáng kể các thành viên của nhóm được cho là quân nhân đang tại ngũ hoặc cựu quân nhân, kể cả các đơn vị tinh nhuệ, những người được đào tạo bài bản và trong một số trường hợp đặc biệt họ có giấy phép được sở hữu vũ khí hợp pháp.

Bộ Nội vụ cho biết rằng: “Chúng tôi bảo vệ nền dân chủ của mình trước các mối đe dọa cực đoan. Chúng tôi sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn này cho đến khi chúng tôi phát hiện và tháo dỡ hoàn toàn các cấu trúc cực đoan này. Không ai sẽ được an toàn nếu để chúng còn tự do và đe doạ nền dân chủ của đất nước.”

Tôi đưa ra trường hợp thực tế nhất đang xảy ra ở Đức để quý vị thấy rằng, nhận thức của một chính phủ, của lực lượng thực thi pháp luật Đức rất nghiêm minh, cứng rắn, không phân biệt là ai, là một cựu Hoàng tử, hàng quý tộc rất được trọng vọng ở Đức. Trong Quốc hội Đức không có chuyện Dân biểu hay Thượng nghị sĩ la lối, phá rối bài phát biểu của các vị lãnh đạo, không có chuyện đăng bài trên mạng xã hội để công kích chính phủ Đức hay kêu gọi xuống đường chống chính phủ, phong trào Reichbürger ở Đức chưa hề đăng bài trên mạng xã hội để công khai đả kích chính phủ hay kêu gọi bạo lực, xuống đường, chỉ mới nhen nhúm kế hoạch tấn công Tòa nhà Quốc Hội Đức với khoảng vài chục người tham gia mà đã bị chính phủ Đức làm gọn gàng, gom hết vô trong tù, chờ ra tòa, các thành viên còn bên ngoài, không ý định tham gia làm phản đều bị kiểm tra và thu hồi giấy phép sở hữu vũ khí.

Trở lại với nước Mỹ, nơi mà bây giờ, có thể nói là bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra mà không hề bị trừng phạt hay không lo trách nhiệm giải trình, và điều mà hầu như bất cứ người Mỹ nào còn yêu nền dân chủ nước nhà đều tự hỏi rằng, làm sao mà một người làm đảo chính lại có thể không bị gì sau hơn 2 năm, vẫn tiếp tục ra tranh cử với cơ may có thể thắng cử một lần nữa, để tôi trả lời cho quý vị với câu hỏi tại sao đó, dễ thôi, vì đó là nước Mỹ, chỉ có nước Mỹ mới có những chuyện lạ đời như vậy diễn ra.

Cựu công tố viên liên bang Andrew Weissmann, người từng phục vụ trong nhóm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, đã so sánh bài đăng của Trump với một bức ảnh mà cố vấn lâu năm của Trump, Roger Stone đã đăng về một thẩm phán giám sát phiên tòa điều tra của ông Mueller trong hình chữ thập khi ông đang được tại ngoại. Weissman đã tweet rằng một thẩm phán có thể cần phải áp đặt một lệnh bịt miệng tương tự đối với Trump như thẩm phán đã làm trong trường hợp của Roger Stone sau bài đăng.

Andrew Weissmann viết về bài đăng của Trump rằng: “Thật nhục nhã và đáng xấu hổ. Ngôn ngữ của ông ta có ý mời gọi, kích động bạo lực.”

Cựu luật sư bảo thủ George Conway, một người thường xuyên chỉ trích Trump, nói trên MSNBC rằng: “Ông ta đả kích công tố viên vì cảm thấy mình bị sỉ nhục nhưng đồng thời, cũng là dịp ông ta kêu gọi sự ủng hộ và quyên góp từ nhữnng người ủng hộ. Đó mới là điều nguy hiểm. Ông ta sẽ còn hành động như vậy trong thời gian sắp tới, kéo dài đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Tôi nghĩ rằng có thể ông ta sẽ nhận được sự đề cử của Đảng Cộng hòa, và ông ta chắc chắn sẽ kích động bạo lực, như ông ta đã làm vào ngày 6 tháng 1 và không hề bị gì tính đến nay đã sau hơn 2 năm. Tôi tin rằng ông sẽ còn nhiều hành động mạnh hơn thế nữa nếu không có vị thẩm phán nào ra lệnh bịt miệng ông ta. Thật đáng buồn!”

Đại bồi thẩm đoàn Manhattan điều tra vụ thanh toán tiền bịt miệng đã đột ngột hủy bỏ cuộc họp vào thứ Tư và chuyển sang một vụ án khác vào thứ Năm, nghĩa là một cuộc bỏ phiếu về việc có nên truy tố Trump hay không sẽ diễn ra sớm nhất là ngày mai, thứ Hai.

Lời kết:

Tôi nghĩ rằng, có lẽ có lẽ Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, Alejandro Mayorkas, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Merrick Garland nên làm một chuyến công du đến hai quốc gia đồng minh, đến Đức để học cách trị đám bảo thủ cực đoan như thế nào và đến Nam Hàn để học xem cách bỏ tù một cựu Tổng thống ra làm sao.

Tôi xin lỗi quý vị thính giả đang sống ở Mỹ, khi tôi phải nói thẳng và nói thật rằng, đôi khi những nước dân chủ non trẻ lại trưởng thành hơn quốc gia dân chủ đầu đàn, sự khác biệt đó chính là nhận thức và dân trí.

Việt Linh 26.03.2023