Thursday, March 28, 2024

Chỉ thị của Trump đặt nguồn tin tình báo Mỹ vào nguy hiểm, suy yếu CIA

WASHINGTON (New York Times) — Chỉ thị của Tổng thống Trump cho phép Tổng trưởng Tư pháp William Barr tiết lộ bất cứ thông tin tình báo nào dẫn đến cuộc điều tra Nga tạo ra một cuộc đối đầu tiềm năng với CIA, tướt bỏ quyền lực quan trọng nhất của Cơ quan Tình báo Trung ương là chọn bí mật nào có thể được công bố còn thông tin nào nên được giữ kín.

Trump vào hôm thứ Sáu cho hay, ông muốn Barr tìm hiểu “tận cùng” xem các cơ quan tình báo biết gì về cuộc điều tra ban vận động tranh cử của ông Trump. Tổng thống hứa, “Chúng ta sẽ bóc trần mọi thứ.”

Ông Trump đặt những câu hỏi về sự liên can của CIA vào nguồn gốc dẫn đến cuộc điều tra Nga, và các viên chức khác cho biết, Barr muốn biết thêm về những nguồn tin ở Nga, trong đó có nội gián quan trọng – người đã giúp CIA kết luận: Tổng thống Nga Vladimir Putin ra chỉ thị thâm nhập vào bầu cử Mỹ 2016.

Chỉ thị tiết lộ thông tin tình báo được xem là cú đấm trả của ông Trump vào cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt. Kể từ khi kết quả điều tra của Robert Mueller được công bố, Tổng thống tìm cách tập trung sự chú ý vào những cáo buộc của ông ta rằng FBI và các cơ quan tình báo do thám chiến dịch tranh cử của ông ta. Chỉ thị này có thể cung cấp thêm đạn dược cho nỗ lực này.

Các cơ quan tình báo vào hôm thứ Sáu cho thấy dấu hiệu họ sẽ không dễ dàng từ bỏ những bí mật. Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Dan Coats cho hay, các cơ quan dưới quyền quản lý của ông sẽ cung cấp cho Bộ Tư pháp “tất cả những thông tin thích hợp” cho cuộc điều tra của họ. Nhưng ông Coats  – một chính trị gia lão luyện – cũng đưa ra một cảnh báo không mấy tế nhị rằng, những bí mật của cơ quan ông phải được bảo vệ. “Tôi tin tưởng rằng Tổng trưởng Tư pháp sẽ làm việc với Cơ quan An ninh Quốc gia theo các tiêu chuẩn đã được xác lập từ lâu để bảo vệ những thông tin tuyệt mật mà nếu công khai sẽ đặt an ninh quốc gia vào tình trạng nguy hiểm,” Dan Coats nói.

Theo một số cựu viên chức, Coats và Giám đốc CIA Gina Haspel sẽ đấu tranh mạnh mẽ để bảo đảm những thông tin gía trị nhất của họ, đó là danh tánh các nguồn tin, được bảo vệ. Bà Haspel được xem là một “võ sĩ” chính trị đáng gờm, nhưng bà cũng thận trọng để có thể  gặt hái mối quan hệ công việc chặt chẽ với William Barr, một cựu viên chức nói.

Tuyên bố của ông Coats cho thấy các viên chức tình báo tin, việc ông Trump cho phép  Barr tiết lộ tài liệu mật có thể làm nguy hiểm khả năng giữ kín danh tánh các nguồn tin  bí mật của cơ quan. Nổi bật nhất trong những nguồn tin chắc chắn là người thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin – nhân vật đã cung cấp cho CIA về sự liên can của lãnh đạo Nga vào can thiệp bầu cử Mỹ 2016.

Quan ngại về nguồn tin, người được tin vẫn còn sống, là một trong số những vấn đề nổi lên trước quyết định của Trump dùng thông tin tình báo để theo đuổi các kẻ thù chính trị. Quyết định này cũng khiến cho các cựu viên chức an ninh quốc gia và các nhà lập pháp Dân chủ lo ngại rằng, những nguồn tin khác hoặc phương thức thâu thập  thông tin tình báo – một trong số những bí mật được giữ kín nhất của chính phủ Mỹ – có thể được công khai, không do rò rỉ cho báo chí như lâu nay chính phủ vẫn lên án, mà do Tổng thống xác định việc này phù hợp với các mục tiêu chính trị.

Trước đây, các viên chức tình báo từng lo ngại, những phát giác của họ bị bóp méo bởi nghị sự chính trị – đáng chú ý là những quan ngại trong thời kỳ chiến tranh Iraq về thông tin Saddam Hussein có vũ khí hàng loạt đã bị chọn để biện minh cho cuộc chiến. Nhưng quyết định của ông Trump khác biệt.

Chỉ thị cho phép Tổng trưởng Barr tự mình quyết định tiết lộ những thông tin tình báo đứng đằng sau quyết định khởi sự cuộc điều tra liệu các cố vấn hay cộng sự của Trump có bắt tay với Nga hay không.

Chỉ thị của ông Trump cũng tạo nên bóng ma quan ngại, các viên chức từ FBI đến CIA, đến Cơ quan An ninh Quốc gia – cơ quan đang giám sát các viên chức Nga sẽ bị chất vấn về nguồn tin và ý định của họ.

Chỉ thị có thể gây tổn hại to lớn đối với CIA, và các cơ quan tình báo khác, làm cạn kiệt các nguồn tin và cản trở khả năng thâu thập thông tin tình báo, theo ông Adam Schiff – Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện. “Tổng thống dường như có ý định tiết lộ thông tin tình báo để vũ khí hoá chúng,” ông Schiff tuyên bố trong một buổi phỏng vấn.

Ông Trump từ lâu đã cho rằng mình là mục tiêu của “nằm vùng,” tố cáo bị cựu Tổng thống Obama nghe lén điện thoại (mặc dù không đưa ra bằng chứng nào), hay bị FBI bí mật tìm cách làm suy yếu tranh cử, và lãnh đạo tình báo trước đây bóp méo kết quả điều tra để chứng minh Nga can thiệp bầu cử nhằm giúp ông ta đắc cử.

Trump công khai đứng về phía Putin, bảo rằng, không có chứng cớ Nga can thiệp bầu cử Mỹ, ngay cả khi kết quả điều tra của Mueller mười mươi cho thấy, lãnh đạo Nga đứng đằng sau việc đánh cắp và công bố email cũng như các dữ liệu khác của Dân chủ, hay tung chiến dịch trên mạng xã hội để ủng hộ ông Trump, và cả những nỗ lực  xáo trộn hệ thống ghi danh bầu cử.

Photo Credit: Reuters

Nhưng đây là nguồn nhân lực, con người nên đặc biệt làm lo ngại một số viên chức đương nhiệm và cựu viên chức tình báo. Được CIA nuôi dưỡng lâu năm, nguồn tin được nổi lên ở vị trí có thể cung cấp những thông tin quan trọng về vai trò của lãnh đạo Nga trong chiến dịch can thiệp bầu cử Mỹ.

Cựu Giám đốc CIA John Brennan dưới thời ông Obama sẽ trực tiếp đem những báo cáo từ nguồn tin này đến Toà Bạch Ốc, giữ không cho chúng nằm trong báo cáo tình báo thường nhật cho Tổng thống vì quan ngại tài liệu  sẽ được phổ biến rộng rãi. Thay vào đó, ông bỏ chúng vào phong bì cho ông Obama, và chỉ có một số rất ít các cố vấn đọc được.

Nguồn tin cung cấp chứng cớ cho một trong những kết luận tình báo quan trọng cuối cùng được Obama công khai trước khi rời Toà Bạch Ốc: Đích thân Putin đứng đằng sau vụ tin tặc Nga.

John Sipher – cựu viên chức CIA lãnh đạo hoạt động Nga – bày tỏ quan ngại, việc cung cấp cho tổng thống danh tánh các nguồn tin hay các viên chức CIA giám sát những nguồn tin này có thể đặt những bí mật đó vào nguy hiểm vì chắc chắn chúng sẽ phổ biến rộng rãi.

Trump vào hôm thứ Sáu cũng khiêu khích hai đồng minh thân cận là Anh và Úc khi bảo với các ký giả rằng, ông ta muốn Tổng trưởng Tư pháp kiểm tra xem vai trò của họ trong việc chia sẻ thông tin tình báo về Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Tổng thống muốn ám chỉ đến cuộc điều tra của FBI vào cựu cố vấn vận động tranh cử  George Papadopoulos. Một nhà ngoại giao Úc Châu vào mùa hè năm 2016 đã báo cho FBI biết, Papadopoulos chia sẻ với ông ta, Nga đưa ra đề nghị sẽ giúp chiến dịch tranh cử của ông Trump bằng cách công bố những email đánh cắp được từ Dân chủ. FBI đã chiêu mộ một người mật tin có tên Stefan Halper để trò chuyện với Papadopoulos. Đây là kỹ thuật điều tra bị ông Trump tố cáo Cơ quan điều tra liên bang đã do thám chiến dịch tranh cử của ông ta.

Ông Schiff cam kết, uỷ ban của ông sẽ để ý để ý cặn kẽ tất cả những hành động của ông Barr trong cuộc điều tra này.

Hương Giang (Theo New York Times)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img