Các Vị Chánh Án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ và Vấn Đề Tiền Bạc

0
1421

Luật pháp và đạo đức là hai điều khác nhau. Năm 1991, Chánh án Clarence Thomas được chuẩn thuận làm chánh án Tối Cao Pháp Viện, cũng là năm mà các vị chánh án trong TCPV Hoa Kỳ đồng ý tuân theo  quy tắc đạo đức do Hội Đồng Tư Pháp- Judicial Conference– đặt ra từ năm 1973. Hội đồng này là cơ quan lập ra chính sách chung trong ngành tư pháp của tổ chức chính quyền. Quyết định tuân theo Bộ Luật Ứng Xử này chỉ mang tính chất tự nguyện, bởi vì thực ra Bộ Luật Ứng Xử chỉ nói là áp dụng cho các vị chánh án ở tòa án cấp liên bang, không hề nói sẽ áp dụng cho các vị chánh án trong TCPV Hoa Kỳ. Bộ Luật này quy định việc công bố, báo cáo những nguồn lợi tức, thu nhập ngoài việc làm cho chính phủ mà các vị chánh án nhận được hàng năm, chẳng hạn như tiền đầu tư, quà biếu. Nếu không tiết lộ cũng không bị hậu quả trừng phạt cụ thể nào, chỉ có điều sẽ bị xấu hổ đối với công chúng mà thôi. Đó chính là lý do vì sao Chánh án Clarence Thomas phải đối đầu, phải trả lời về những tiết lộ liên quan đến những phẩm vật, món quà lại quả, mà ông không tiết lộ, công bố trong nhiều năm. Những vật đó bao gồm những chuyến đi nghỉ mát sang trọng, chuyển nhượng bất động sản , và trả tiền học trường tư cho đứa cháu họ mà ông nhận làm cháu đỡ đầu. Tất cả đều được người bạn của ông tên là Harlan Crow đứng ra chi trả. Ông Hill Crow là một tỷ phú thường hay cho Đảng Cộng Hòa rất nhiều tiền. 

Lý luận cho rằng các Chánh án TCPV không bị ràng buộc bởi Luật Ứng Xử – Code of Conduct – với lý do là Luật Ứng Xử chí áp dụng cho các Tòa án cấp Liên Bang ở dưới, do Quốc Hội lập ra. Trong lúc đó,Tối Cao Pháp Viện do Hiến Pháp thành lập, chỉ chịu sự ủy nhiệm của Hiến Pháp mà thôi. Từ năm 2011, câu hỏi về đạo đức của vị chánh án TCPV đã được xì xầm bàn tán qua mối quan hệ giữa ông Thomas và ông Crow- ngoài ra Chánh Án Thomas còn dấu, không tiết lộ thu nhập của vợ ông, bà Virginia, khi bà được hai tổ chức Heritage Foundation, và Hillsdale College trả tiền công làm cố vấn. Hai tổ chức này là bộ não hoạch định chiến lược cho nhóm bảo thủ, và là một định chế quan trọng của Cơ Đốc Giáo. Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện ông John Roberts chỉ rõ ra rằng khi Hội Đồng Tư Pháp- Judiciary Conference được Quốc Hội lập ra cách đây một thế kỷ là để giám sát “những tòa án do Quốc Hội lập ra”.  Do đó, Hội đồng không có quyền giám sát Tối Cao Pháp Viện.

Tuy nhiên Quốc Hội đã áp dụng những luật đạo đức đối với các quan chức cấp liên bang, trong đó có cả các vị Chánh Án Tối Cao Pháp Viện. Hơn nữa, luật về đạo đức, quy tắc ứng xử của chánh án còn buộc các vị chánh án phải công bố, tiết lộ những món quà họ nhận được, và cấm các chánh án không được nhận “bất cứ món gì có giá trị” do người nào, hay cơ sở kinh doanh nào trước đó đã dính líu đến Tòa án. Khi yếu tố “thanh liêm, công bằng” được đặt ra, lập tức vị Chánh án liên hệ phải xin rút lui, đứng ra ngoài, không can dự đến vấn đề tranh tụng. Chánh án Roberts xác nhận những luật về đạo đức vừa kể trong một bản văn viết của ông- statement- song ông cũng nói thêm rằng: “TCPV chưa bao giờ đề cập đến việc Quốc Hội có thể áp dụng những yêu cầu về đạo đức như vừa kể đối với Tối Cao Pháp Viện.” (Ông khoe rằng các vị Chánh Án Tối Cao Pháp Viện thường ứng xử hoàn hảo hơn cả những quy định theo Luật Ứng Xử về đạo đức.). Nếu các vị Chánh Án cần phải đề cập đến vấn đề đạo đức, có lẽ họ sẽ cảm thấy việc áp dụng Luật Ứng Xử đối với các vị Chánh án sẽ vi phạm nguyên tắc Tam Quyền Phân Lập. Như thế, chúng ta thấy việc tiết lộ những vụ tai tiếng sẽ diễn biến ra sao: “ Các vị Chánh án trong Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, theo hệ thống tổ chức chính quyền Mỹ, sẽ tự quy định việc xử lý cho chính mình, không ai được xen vào.”

Chánh án Roberts vẫn khăng khăng giữ vững lập trường của mình kể từ lúc chuyện nhận quà cáp của ông Thomas được tiết lộ. Tháng trước, qua một văn bản, ông Roberts đã chính thức từ chối không chịu nhận lời mời ra khai trước Ủy Ban Tư Pháp của Thượng Viện để nghe điều trần về “Cải tổ Nguyên Tắc Đạo Đức của Tối Cao Pháp Viện” viện dẫn lý do cần phải “bảo tồn tinh thần độc lập của ngành tư pháp, một điều tối quan trọng.”. Ông còn đính kèm một văn bản có chữ ký của tất cả chín vị Chánh Án Tối Cao Pháp Viện. Trong đó nói rằng các vị Chánh Án tự nguyện tuân theo quy tắc ứng xử về đạo đức. Bản đính kèm của Chánh Án Roberts cho thấy đây là trường hợp được sự đồng thuận hiếm có của tất cả các vị Chánh Án TCPV. 

Khi được bổ nhiệm làm chánh án tòa liên bang ngồi trong Tối Cao Pháp Viện hay những tòa án thấp hơn do Quốc Hội lập ra chiếu theo Điều III của Hiến Pháp, những vị chánh án này được quyền giữ chức vụ suốt đời, và những luật sư khi chọn đi làm chánh án cấp cao như vậy thừa hiểu rằng họ sẽ chỉ nhận được số lương nhất định, tuy cao hơn rất nhiều người Mỹ khác, song không phải là con đường đi tìm lợi lạc vật chất phủ phê. Năm 2007, Chánh án Roberts viết thư sang Quốc Hội chỉ trích Quốc Hội đã không tăng lương đầy đủ cho ngành tư pháp, và xem đó “là một cuộc khủng hoảng hiến pháp vì đe dọa đến tinh thần độc lập của các vị thẩm phán liên bang.” Hiện nay, lương của các Chánh Án Tối Cao Pháp Viện ở mức xấp xỉ $300,000 đô la, và các vị Chánh án không thể kiếm thêm được tiền ngoài cách đi dạy học thêm, hay viết sách. Nhưng nhiều người theo đuổi nghề làm chánh án xuất thân từ những gia đình danh gia vọng tộc và giàu có, hay trở nên giàu có sau khi lập gia đình, cưới được vợ con nhà giàu. Vì thế đa số các vị chánh án đều có một cuộc sống sung túc, so với các bạn đồng liêu hành nghề trong lĩnh vực tư.

Chánh án Thomas sinh trưởng trong gia đình nghèo, và phần lớn cuộc đời đi làm của ông chỉ làm công chức trong chính phủ. Năm 2001, năm đầu tiên có hồ sơ về tài sản của các vị chánh án, đa số các vị chánh án đều có tài sản khoảng trên dưới hàng chục triệu đô la, riêng ông Thomas thì chỉ có vài trăm ngàn đô la. Theo hãng tin Bloomberg, tình hình tài chính mới nhất của các Chánh án TCPV tiết lộ cho thấy có ít nhất sáu vị Chánh án TCPV có tài sản nhiều triệu đô la, và ông Roberts là người giàu nhất. Ông Thomas hình như là người có ít tiền nhất, mặc dù tin mới nhất cho biết ông đã dấu không báo cáo thu nhập của vợ ông. Hồi năm 2012, bà Virginia đã nhận được một số tiền thù lao làm “cố vấn” do một người bạn tên là Leonard Leo thu xếp trả cho bà một cách gián tiếp. Ông Leo này là một nhân vật phụ trách vận động bổ nhiệm chánh án có khuynh hướng bảo thủ vào TCPV.

Dĩ nhiên, còn có nhiều vị Chánh án khác nhận được bổng lộc, thù lao ngoài công việc chính của mình, và họ có báo cáo đầy đủ. Năm 2018, bà chánh án Ruth Ginsburg, khi đó là một trong những vị chánh án giàu có nhất trong TCPV, đã báo cáo rằng bà được nhà tỷ phú Morris Kahn đài thọ chi trả cho chuyến đi thăm Jordan và Do Thái của bà, nhân dịp bà đi nhận giải thưởng Thành Tích Suốt Đời Làm Việc. Trong khoảng thời gian từ 2004 đến 2020, chánh án Stephen Breyer, một chánh án giàu có khác, báo cáo ông gia đình Pritzker đài thọ vài chuyến đi du lịch. (Trong đó, có vài chuyến đi chơi ông được đài thọ vì ông làm Juror trong Ban Thi tuyển giải Kiến trúc của công ty kiến trúc Pritzker). Công ty kiến trúc này cũng tặng cho Đảng dân Chủ số tiền hơn $20 triệu đô la.

Vụ chánh án Thomas được tỷ phú Crow tặng quà, và đài thọ tiền đi chơi nổ ra chỉ vì ông Thomas không công bố, không báo cáo về những món quà này. Quy tắc ứng xử cho phép nhận quà nếu công bố những món quà, tặng phẩm nhận được. Dù sao đi nữa việc công bố giá trị tặng vật cũng không làm cho công chúng khó chịu, vì phần lớn những món quà tặng này không gây ảnh hưởng đến lá phiếu của vị Chánh án. Thực ra, trong trường hợp của chánh án Anthony Kennedy, những món quà tặng đắt tiền có phần nào gây khó chịu bởi vì ông Chánh án Kennedy thường có những lá phiếu liên quan đến những vụ án nổi tiếng, ồn ào về chính trị. Đối với chánh án Thomas, ông thường giữ lập trường bảo thủ kiên định khi ông bỏ phiếu tại Tối Cao Pháp Viện trong suốt ba thập niên vừa qua. Do đó, những món quà tặng cho ông, hay những khoản tiền vợ ông nhận được có thể được xem như sự trả ơn của nhóm bảo thủ đối với những lá phiếu của ông trong lúc làm việc ở Tối Cao Pháp Viện.

Chỉ có một vị Chánh án duy nhất trong Tối Cao Pháp Viện đã phải từ chức vì bị tai tiếng trong việc nhận quà biếu. Đó là Chánh án Abe Fortas, xảy ra vào năm 1969. Ông này đã nhận số tiền hối lộ tương đương với $165,000 đô la ngày nay của một người bạn làm việc trong ngành đầu tư chứng khoán. Người bạn đó bị kết án vì bán chứng khoán không đăng ký. 

Tiêu chuẩn đạo đức của viên chức làm việc trong chính phủ ngày nay bị suy giảm vì thái độ của ông Donald Trump. Tư cách của ông ta rất xấu, thiếu đạo đức, nhưng ông vẫn tiếp tục nổi tiếng. Tuy nhiên, bây giờ chính là thời điểm cho chúng ta cơ hội vượt khỏi sự tai tiếng của một vị Chánh án TCPV. Nếu quy luật cho rằng các vị Chánh Án TCPV không bị ràng buộc bởi Quy Tắc Ứng Xử, chúng ta cũng nên đồng ý với ý kiến cho rằng không một quan chức nào được đứng trên luật pháp cả. Tối cao Pháp Viện không thể vừa là nhà làm luật duy nhất, thẩm phán duy nhất, và nhân viên công lực duy nhất khi phán xét về thái độ ứng xử, tư cách đạo đức, hay những vấn đề khác của thành viên trong Tối cao Pháp Viện.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo THE NEW YORKER   ngày 22/5/2023