Thursday, March 28, 2024

Tình Hình Hiện Nay Ở Biển Đông

Mischief
Cali Today News – Cách đây hai năm, bãi đá san hô trong vòng tranh chấp ở biển Biển Đông (Nam Trung Hoa) chỉ là vài hòn đá nhỏ, và đài khí tượng. Sau đó Trung Cộng xông xáo bồi đắp đất cát, vét bùn, xây công sự. Bây giờ ở trên đảo có sân chơi bóng rổ, đường chạy bộ, và cả phi đạo cho máy bay phản lực quân sự đáp.
– Tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông trở thành một vấn đề địa dư chính trị toàn cầu, liên hệ đến nhiều nước. Nếu không được thu xếp ổn thỏa sẽ trở nên nguy hiểm, không tránh khỏi chiến tranh.
Cali Today News – Trong vùng Biển Đông, có vài đảo san hô tên là Mischief và North Danger, một tiểu đội lính Phi Luật Tân khoảng bảy người với bảy con chó sống bơ vơ trên hoang đảo toàn bãi cát. Gọi cồn cát này là Flat Island kể ra cũng không đúng, bởi vì làm gì có đảo nào ở đây. Đi bộ loanh quanh trên bãi cát vài phút là hết. Đây là cù lao nhỏ nhất trong quần đảoTrường Sa, chỉ thấy toàn là đá, san hô, và vũng nước nông có cá lội lăn tăn. Hải quân Phi Luật tân gửi ra đây nước uống, nhiên liệu và đồ dự trữ mỗi hai tháng một lần. Vì vậy, để sinh tồn, mấy người lính trong tiểu đội phải đi bắt cá, ăn cắp trứng chim biển để mà sống. Hạ sĩ Ariel Lego ví von: “Đây là bãi biển nghỉ mát, nhưng không có bãi biển.”.
Đảo Flat Island thì quá nóng, và nước mặn, và nhỏ quá, nên không ai dám đến ở. Ấy vậy mà những đảo nhỏ này bị bốn nước dành quyền làm sở hữu chủ: Trung Cộng, Việt nam, Đài Loan, và Phi Luật Tân. Riêng Phi Luật Tân có vài người sống trên đó. Trong nhiều năm, hòn đảo là trạm nghỉ chân của thuyền đánh cá của Trung Cộng, Việt nam, hay Phi, nó nằm cách Phi Luật Tân một ngày thuyền tính từ đảo Palawan đi ra. Nhưng kể từ tháng Năm năm nay, tầu tuần duyên Trung Cộng đến đây biểu lộ ý đồ xâm lược của siêu cường mạnh nhất trong vùng.
Vài ngày sau, ngày 10 tháng Năm, chiến hạm Mỹ có gắn hỏa tiển rada hướng dẫn, đi ngang đảo Fiery Coast Reef, một hòn đảo khác thuộc Trường Sa, vùng đang có tranh chấp. Trước đây, nơi đây chỉ là đảo hoang với vài hòn đá, bây giờ biến thành một mảnh đất rộng 680 mẫu tây (275 hectare). Trung cộng đã xây dựng tất cả 7 hòn đảo nhân tạo trong vùng Biển Đông kể từ năm 2014 cho đến nay. Khi xâm nhập ranh giới 12 hải lý của eo biển Fiery Cross, chiến hạm U.S.S William P. Lawrence muốn xác định nguyên tắc “tự do thông quá” trên biển cả mà Ngũ Giác Đài chủ trương, để thách đố những tham vọng quá đáng của Trung Cộng. Bắc Kinh bèn trả lời bằng cách tung lên chiến đấu cơ phản lực để phản đối chiến hạm Hoa Kỳ đã “xâm nhập trái phép vùng biển gần các đảo…và làm cho nguy hại đến hòa bình, ổn định trong vùng.”. Một trang báo cậy đăng có trả tiền trên nhật báo Hoàn Cầu của Trung Cộng cảnh cáo rằng “hành động của Hoa Kỳ ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là thái độ hống hách, kiêu ngạo của siêu cường độc nhất trên thế giới.”.
Biển Đông được xếp vào hàng vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trên thế giới về mặt thương mại – và cũng là khu vực đang bị tranh dành nhiều nhất hiện nay. Mỗi năm, hơn $5 ngàn tỉ (trillion) hàng hóa mậu dịch đi ngang qua vùng biển này, chiếm gần một phần ba dịch vụ thương mại toàn cầu. Eo biển Malacca là yết hầu nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nằm ở tận cùng phía nam của Biển Đông. Eo biển là giao điểm thông quá của con đường tiếp tế dầu hỏa, chuyên chở số dầu hỏa gấp bốn lần số dầu đi ngang qua kênh đào Suez. Vào lúc cả thế giới đều thèm muốn hải sản, Biển Đông lại là nơi có rất nhiều tôm cá, hải sản, chiếm gần một phần năm ngư sản của toàn thế giới.Chưa hết, dưới mặt nước trong xanh này còn tàng trữ một khối lượng dầu khí rất lớn. Đó là lý do vì sao sáu chính phủ – gồm Trung Cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai và Brunei đều lên tiếng đòi dành chủ quyền trên vùng biển rộng 3.5 dậm vuông dựa trên nhiều nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ khác nhau.
Hiện nay đang xảy ra cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa các nước liên hệ trong vùng Biển Đông, giữa một bên là cựu siêu cường, và một bên là siêu cường mới trổi dậy. Trong lúc Hoa Kỳ không dành quyền làm chủ một hòn đảo nào, họ chỉ muốn các tầu hải quân Hoa Kỳ và tầu bè thương mại được tự do lưu thông trên mặt biển. Hoa Thịnh Đốn cương quyết sẽ giữ tuyến đường giao thông trên biển được hoàn toàn tự do, và an toàn cho mọi quốc gia. Trong lúc đó, một nước Trung Cộng đang muốn vươn lên hàng cường quốc, muốn dành quyền làm chủ tất cả những biển đảo này: Một thứ học thuyết Monroe của Trung Cộng: Biển Đông là của Hoa Lục. Theo học giả Ian Storey thuộc viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Isahk Insitute ở Singapore: “Tranh chấp ở Biển Đông xoay quanh vấn đề nước nào sẽ đóng vai trò con chó giữ nhà ở Á châu. Đây là một vấn đề lớn, mang tính chất địa dư chính trị toàn cầu.”.
Hồi tháng Năm, Ngũ Giác Đài ghi nhận trong vài năm qua, tầu vét bùn Trung Cộng đã làm chủ gần 3,200 acre diện tích các đảo trong khu vực đảo Trường sa. (Cùng thời gian đó, các nước khác gộp lại chỉ dành được khoảng 50 acre, hay 20 acres mà thôi). Đô đốc Hải Quân Hoa Kỳ Harris Jr. Tư Lệnh Lực Lượng Hải Quân Mỹ ở Thái Bình Dương gọi việc làm của Trung Cộng giống như xây “Vạn Lý Trường Thành bằng cát.”. Sau khi Trung Cộng thiết lập đài radar và hệ thống phóng hỏa tiển trên vùng đảo Hoàng Sa, Đô đốc Harris báo cáo với Quốc Hội Hoa Kỳ hồi cuối tháng Hai như sau: “Theo ý kiến của tôi Trung Cộng đang quân sự hóa vùng Biển Đông. Quí vị phải tin như vậy, trừ phi qúi vị cho rằng quả đất bằng phẳng như hình chữ nhật..”.
Để trả đũa, Hoa Kỳ tăng cường việc tuần tra trên vùng Biển Đông cả trên không, và trên mặt biển. Ngày 17 tháng Năm, trong lúc máy bay thám thính của Hoa Kỳ đang bay trên vùng trời mà Hoa Thịnh Đốn gọi là không phận quốc tế, hai chiếc chiến đấu cơ phản lực của Trung Cộng bay vọt lên nghênh chiến, họ bay sát máy bay Mỹ, chỉ cách 50 feet, tức khoảng 15 mét. Ngũ Giác Đài gọi đó là khoảng cách “không an toàn”, hăm dọa sẽ bắn hạ. Trong khi đó, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Cộng đưa ra lập luận khác. Y nói: “Tầu chiến và máy bay Hoa Kỳ thường xuyên làm công tác thám thính duyên hải Trung Hoa. Điều này gây nguy hại cho an ninh hàng hải và không phận của Trung Hoa.”.
Sự việc như trên rất nguy hiểm: Hồi năm 2001, một vụ đụng độ trên không giữa các chiến đấu cơ khiến cho một phi công Trung Cộng bị chết và cả một phi hành đoàn Mỹ bị giam trên hòn đảo thuộc tỉnh Hải Nam, đưa đến cuộc khủng hoảng chính trị giữa hai nước. Ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên Cứu Biển Nam Trung Hoa, một tổ chức do chính phủ Trung Cộng tài trợ nói rằng: “Nếu vấn đề biển Biển Đông không được dàn xếp khéo, chắc chắn sẽ có sự đụng độ nặng giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ.”.
Ý NIỆM CHO RẰNG KIỂM SOÁT MỘT MẢNH ĐẤT giúp quốc gia đang kiểm soát mảnh đát đó có chủ quyền đối với vùng biển xung quanh bắt nguồn từ thời có các đế quốc của thế kỷ thứ 17, khi các cường quốc Âu châu muốn độc quyền cai trị đất đai thuộc địa. Quyền tự do đi lại, quyền thông quá trên biển cũng đều bắt nguồn từ luật lệ do đế quốc đặt ra. Nhưng nước Trung Hoa, khi đó đang suy tàn dưới triều đại yếu đuối. Họ là nạn nhân của đế quốc. Khi đòi dành quyền làm chủ Biển Đông, Trung Cộng nhắc lại điều này, và nhiều lần khác khi nói về chính sách đối ngoại của Trung Cộng. Họ nói rằng trong một thời gian dài, các đế quốc đã xâu xé, hiếp đáp nước Trung Hoa yếu đuối. Bọn đế quốc đã ăn cắp lãnh thổ Trung Hoa, giống như nước Anh đã lấy Hong Kong, và làm nhục người dân Trung Hoa. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, nước Trung Cộng hùng mạnh đứng ra bảo vệ gia sản của mình. Hồi mùa Thu năm ngoái,họ Tập nói: “Những đảo nhỏ trong biển Nam Trung Hoa là lãnh thổ của Trung quốc từ ngàn xưa. Chính phủ Trung cộng có trách nhiệm phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.”.
Trung cộng dành quyền làm chủ hầu hết toàn bộ Biển Đông khi họ đưa ra tấm bản đồ hình chữ U, với chín đường chỉ vẽ ranh giới từ hồi năm 1947. Đường ranh giới vẽ bằng những dấu chấm trên bản đồ có thể nói lên cảm nghĩ của người làm bản đồ vào lúc đó, nhưng không phản ảnh thực tế vào giữa thế kỷ thứ 20. Thậm chí ngay bây giờ, Bắc Kinh cũng không giải thích rõ tại hội nghị quốc tế vì sao họ đòi dành chủ quyền như vậy.
Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp trên bản đồ không quan trọng bằng việc Bắc Kinh vội vàng xây cất công sự trên Biển Đông. Chiếu theo Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển chỉ có những cấu trúc thiên nhiên của biển đảo, hay chứng tích là có đời sống kinh tế,và con người mới được dùng để chứng minh cho việc dành chủ quyền về “khu vực đặc quyền kinh tế”, hay EEZ.Trung cộng ký tên vào Công Ước Quốc tế này, nhưng Hoa Kỳ không ký, và không buộc Mỹ phải tôn trọng về vấn đề này. Exclusive Economic Zone, hay EEZ có thể kéo dài ra thêm 200 hải lý. Vấn đề EEZ cực kỳ quan trọng, nó cho phép quốc gia duyên hải dành chủ quyền trên tất cả những tài nguyên thiên nhiên trong khu vực biển, mặc dù tầu bè các nước khác có thể giao thương qua lại.
Nhưng tình thế bây giờ đảo lộn khi các hòn đảo bị Trung Cộng sửa sang biến đổi thành những đảo được trang bị vũ khí. Năm 2013, chính phủ Phi Luật Tân nộp đơn kiện trước trước Tòa Án Quốc Tế ở Hague phản đối việc dành chủ quyền trên Biển Đông của Trung Cộng. Trong ít tuần nữa, Tòa Án Thường Trực Quốc Tế về Hòa Giải sẽ đưa ra phán quyết, có thể sẽ làm tình hình trong vùng thêm căng thẳng. Dù sao đi nữa, Bắc Kinh đã nói trước rằng họ sẽ không tuân theo quyết định của Tòa án quốc tế. Mọi người đoán rằng quyết định này sẽ nghiêng về phía có lợi cho Phi Luật Tân. Ngoài ra, Tòa án quốc tế cũng không có quyền lực để thi hành quyết định của mình.
Hành vi vội vàng kiến tạo, chỉnh trang các hòn đảo ở Biển Đông của Trung Cộng làm cho các nước Á châu nghĩ đến vai trò lãnh đạo của người Mỹ từ bấy lâu nay, và họ chuyển sang nhờ vả Hoa Kỳ. Trung cộng hiện nay là đối tác buôn bán lớn nhất với các nước Á châu khác trong vùng, nhưng không một nước nào muốn Trung cộng đối sử với họ giống như ngày xưa. Thời kỳ các nước nhỏ Á châu phải triều cống hoàng đế Trung Hoa. Cựu Tổng thống Phi, ông Benigno Aquino III nói rằng chúng tôi không biết có phải Trung Cộng muốn ăn hiếp các nước nhỏ như ngày xưa hay không. Nhưng tôi cảm thấy rằng Trung Cộng có thói xấu là cố ép các nước khác làm theo ý của họ, nếu bạn cong lưng chịu lép vé, họ sẽ tiếp tục đè thêm mãi.
Cho đến bây giờ, Hoa Thịnh Đốn không chịu nhượng bộ. Vào một ngày nóng nực mới đây, hàng không mẫu hạm khổng lồ chạy bằng nguyên tử của Hoa kỳ, USS John C. Stennis chạy ngang qua Biển Đông. Hàng Không Mẫu Hạm này coi như một lãnh thổ của Hoa Kỳ rộng 4.5 mẫu tây, lên đênh trên biển. Hộ tống cho Hàng Không Mẩu Hạm Stennis có 3,000 quân nhân, và ba tầu chiến gắn hỏa tiễn, và chiến hạm Aegis đi theo. Trên không cò có hàng đàn phi cơ phản lực bay lượn kín bầu trời. Đô Đốc Marcus Hitchcock tư lệnh Hàng Không Mẫu Hạm Stennis xác định: “Chúng tôi cương quyết bảo đảm an ninh trên biển. Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào công trình phát triển kinh tế và thương mại ở trong vùng.”.
Hải quân Hoa Kỳ có mặt ở vùng Á châu- Thái Bình Dương từ năm 1853. Đó là năm Thuyền trưởng Matthew Perry của Hoa Kỳ lái tầu chiến ghé hải cảng Nhật, dùng chính sách ngoại giao bằng tầu chiến để buộc Nhật Bản phải thoát khỏi vòng tự cô lập. Sau một thời gian dài hoạt động ở biển Đại Tây Dương, Hoa Kỳ xoay qua làm chủ Thái Bình Dương với việc chiếm hữu những đảo như Hawaii, Guam, và Phi Luật Tân qua việc đánh bật Tây Ban Nha ra khỏi nước này. Thế Chiến thứ Hai củng cố vai trò thống trị của Hải Quân Mỹ trên tất cả các đại dương của thế giới, và Thái Bình Dương được coi như một cái hồ của Mỹ. Trong số bảy hiệp định phòng thủ tập thể Mỹ ký kết trên khắp thế giới, có đến 5 hiệp định là ở Á châu-Thái Bình Dương.
Tổng thống Barack Obama sinh ra ở Hawaii, và lớn lên một phần ở Indonesia. Khi nhậm chức, ông cương quyết sẽ trở thành vị Tổng thống của vùng Thái Bình Dương, thế kỷ của Thái Bình Dương. Trong lúc vùng Trung Đông không chấp nhận chính sách đối ngoại của ông Obama, ông chuyển trục sang Á châu, kể cả việc chuyển lính Mỹ sang Thái Bình Dương. Năm 2010, khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tổ chức Hội Nghị Quốc Tế ở Việt nam, bà tuyên bố: Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia, và chú trọng đặc biệt đến quyền tự do giao thông trên biển cả….và tôn trọng luật quốc tế về Biển Đông.”. Tuy nhiên, Bắc Kinh thì cho rằng việc “tái cân bằng”, hay sau này gọi là “chuyển trục” của Mỹ chẳng qua chỉ là một hình thức bao vây Trung Cộng. Họ gọi bằng cái tên cho đẹp để giữ phép lịch sự. Cựu Đại Tá Trung Cộng Liu Minfu, một bình luận gia quân sự của Tầu, nhận định rằng: “Khi dùng Biển Đông để vây chặn Trung Cộng, Mỹ đã biến vấn đề thuộc địa phương vùng trở thành một vấn đề toàn cầu. Bây giờ thì có quá nhiều quốc gia dính líu vào tranh chấp ở Biển Đông, và điều đó rất nguy hiểm.”.
Kinh phí dành cho quốc phòng của các nước Đông Nam Á tăng vọt vì họ lo sợ trước thái độ hung hăng của Trung Cộng. Theo tài liệu HIS Jane’s chuyên nghiên cứu về ngân sách quốc phòng thế giới, năm ngoái, Việt Nam, Indonesia và Phi Luật Tân là những nước nằm trong nhóm 10 nước tăng ngân sách quốc phòng nhanh nhất trên thế giới. Ông Bilahari Kausikan, nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore nhận xét: “Tôi nghĩ các nước Á châu giật mình về thái độ bất ngờ, và cách thức dành chủ quyền vội vã của Trung cộng ở Biển Đông. Điều này khiến cho chúng ta phải băn khoăn tự hỏi liệu Bắc Kinh có thực sự coi Thái Bình Dương to lớn đến mức để Hoa Kỳ và Trung Cộng phải đối đầu nhau.”.
Nước Phi Luật Tân đón quân đội Hoa Kỳ quanh trở lại, mặc dù vị Tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte có vẻ như muốn sửa chữa mối liên hệ về kinh tế giữa Phi và Trung Cộng. Hồi thập niên 1990’s người Phi chấm dứt sự có mặt của quân đội Mỹ trên lãnh thổ. Việt Nam từng có lính cộng sản đánh đuổi quân đội Mỹ ra khỏi Việt nam vài thập niên trước đây, nay được ông Obama đến thăm, và bãi bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương hôm 23 tháng Năm. Lệnh này áp dụng từ hồi năm 1984. Dù ông Obama nói việc bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương không phải vì Trung Cộng, Nhưng ít có quan sát viên nào tin như vậy. Ông Anthony Zinni, đại tướng bốn sao hồi hưu của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ nói: “Tất cả đều vì thái độ của Trung Cộng.”. Hãng thông tấn Xin Hua của nhà nước Trung Cộng thì nói: “Bất chấp ông Obama có chối gì đi nữa, Hoa Kỳ tin rằng Việt Nam là nước thích hợp để giúp Hoa Thịnh Đốn giải quyết vấn đề Biển Đông.”.
Ngày 24 tháng Năm, trong bài diễn văn đọc tại Hà Nội, ông Obama nói về vấn đề Biển Đông như sau: “Tất cả các nước đều có chủ quyền, bất kể đó là nước lớn hay nước nhỏ, lãnh thổ của họ phải được tôn trọng. Nước lớn không nên ăn hiếp nước nhỏ.”. Theo một viên chức thuộc bộ quốc phòng Mỹ, trước đó hai tháng, ông Obama đã cảnh cáo ông Tập Cận Bình về việc Trung Cộng dành chủ quyền trên đảo Scarborough Shoal của Phi, trong một phiên họp. Đảo này chỉ cách thủ đô Manila của phi có 185 hải lý về phía tây. Cách đây bốn năm, Trung cộng đã chiếm quyền kiểm soát đảo này sau khi hai bên thương thuyết bằng đường lối ngoại giao do Hoa Thịnh đốn gợi ý mà không xong. Bây giờ các nhà bình luận quân sự người Tầu thảo luận với nhau trên mạng làm thế nào để cải tạo đảo Scarborough, biến nó thành một đảo nhân tạo khác.
Nhưng liệu siêu cường mới nổi này có giảm bớt tham vọng của mình hay không, khi họ coi Biển Đông như sân sau nhà của họ? Trung cộng chỉ có một hàng không mẫu hạm, con tầu làm ở Ukraine trước đây, nay được tân trang. Con tầu này có một thời được dùng làm sòng bài nổi. Sau đó, người ta cải biến nó thành tầu buôn vượt đại dương. Nghe nói Trung Cộng đang làm một hàng không mẫu hạm thứ hai để tuần tra Biển Đông. Trung cộng cũng mới làm được tên lửa Đông Phong 21 D có khả năng bắn chìm tầu hải quân. Ngũ Giác Đài e ngại hỏa tiển này có thể đánh đắm tầu chiến của Mỹ cỡ khổng lồ như Hàng Không Mẫu Hạm Stennis. Như vậy chỉ cần chưa đầy một chục lính Tầu, là họ có thể chiếm đảo Flat Island dễ dàng, không phải đổ mồ hôi, trừ phi vì cái nóng nhiệt đới. Chính vì vậy, Tòa Bạch Ốc cứ phải im hơi lặng tiếng trong nhiều tháng, mặc dù ông Obama hứa hẹn với các nước Á châu khác. Theo ông Storey chắc chắn “Hoa Kỳ không muốn có chiến tranh với Trung cộng chỉ vì vài hòn đá, vài hòn đảo. Chính vì vậy nước Mỹ có rất ít chọn lựa.”.
TRƯỚC KHI CÓ NHỮNG QUỐC GIA DÀNH CHỦ QUYỀN VỚI NHAU Ở BIỂN ĐÔNG, hay cãi nhau về Khu Đặc Quyền Kinh Tế EEZ đã có những người sống bằng nghề đánh cá trong vùng biển này. Tại một hòn đảo xa lắc của Việt Nam, hòn đảo Lý Sơn, ông Nguyễn Quốc Trinh, chủ tịch hiệp hội ngư phủ địa phương mô tả về hành vi bí mật của các tầu tuần dương Trung Cộng tấn công các tầu đánh cá của ngưu phủ người Việt. Những chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ mong manh không thể nào địch lại được những tầu sắt lớn của Trung Cộng. ngư dân Việt nam bị cưỡng bức trước họng súng của tầu tuần duyên Trung Cộng. Ông Trinh than: “Bọn Tầu khựa làm cho chúng tôi không còn có thể đánh bắt cá ở những khu vực chúng tôi vẫn làm ăn từ nhiều đời.”. Hồi đầu tháng Năm, một tầu đánh cá khác của Việt Nam đanh đánh bắt cá trên vùng quần đảo Hoàng Sa cũng bị tầu Hải quân Trung Cộng tấn công, đuổi vào bờ. Hồi năm 1974, Hải quân Trung Cộng đã cưỡng chiếm đảo Hoàng Sa sau một cuộc đụng độ đẫm máu với Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.
Trong số những thuyền đánh cá sơn mầu sặc sỡ ở hải cảng Tanmen thuộc đảo Hải Nam, người ta trông thấy bóng dáng những con tầu sắt khổng lồ của lực lượng tuần duyên Trung cộng. Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm làng đánh cá Tanman, và khen ngợi ngư dân địa phương siêng năng đánh cá, tự túc, không cần sự trợ cấp của chính quyền. Ông ta khuyến khích ngư dân nên hỗ trợ cho việc cải tạo những đảo san hố, đá trọc thành những đảo nhân tạo có ích lợi.”.
Chính những chiếc tầu tuần duyên xuất phát từ làng đánh cá Tanmen đã thực hiện vụ cưỡng chiếm đảo Scarborough Shoal của Phi Luật tân. Vào cuối tháng ba năm nay, khoảng 100 thuyền đánh cá của Trung cộng lai vãng đến vùng biển gần Mã Lai. Chúng được tầu tuần duyên của Trung cộng hộ tống. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng tiếp tục chối leo lẻo. Họ nói: “Những thuyên đánh cá Trung hoa chỉ đi đánh bắt cá trong vùng biển họ vẫn thường đi đánh cá. Hoạt động của họ thuần túy là đi đánh cá.”. Nhưng nhiều ngư dân ở làng Tanmen không đồng ý với lời nói của Bộ Ngoại Gia Trung Cộng. Ngư phủ Chen Yiquan, người từng bị bắt giam ở Phi Luật tân suốt một năm vì tội bắt rùa trái phép nói: “Ở đây không phải vấn đề đánh bắt cá, không phải vấn đề cùng nhau chia sẻ số cá ngoài biển. Đây là vấn đề chính trị cả thôi. Ở làng Tanmen bây giờ có nhiều tầu hải quân hơn là thuyền đánh cá.”.
Những hoạt động bán quân sự, hay những đoàn tầu bán dân sự đang khuấy động Biển Đông. Năm 2009, những tầu đánh cá Trung Cộng dám khiêu khích cả tầu thám thính Hoa Kỳ Impeccable đang hoạt động trên Biển Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 75 dậm (tức 120 cây số). Tầu tuần duyên của Trung Cộng thường hay xả súng nước bắn vào các tầu đánh cá, hay các thương thuyền ngoại quốc. Hồi tháng Ba, sau khi một tầu tuần tiểu của Nam Dương bắt giữ chiếc tầu đánh cá của Trung cộng ở Jakarta về tội đánh cá trái phép, một tầu tuần duyên Trung Cộng lao tới đòi dùng vũ lực để giải cứu chiếc tầu đánh cá của Trung Cộng đang bị tầu chiến Nam Dương kéo. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng lên tiếng nói rằng vùng biển xảy ra vụ này là “vùng đánh cá lâu đời” của tầu đánh cá Trung Cộng. Nơi đây cách xa duyên hải Nam Dương, hay những đảo đang bị tranh chấp. Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp của tổ chức Center for Strategic and International Studies nhận xét: “Chính quyền Trung cộng hay dùng những tầu hải giám để dương oai sức mạnh quân sự của mình ở Biển Đông. Điều này rất nguy hiểm. Chỉ cần một tính toán sai lầm là họ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng, hay chiến tranh lớn.”.
Trong lúc Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ đưa máy bay bay hàng đàn trên không trung, tầu chở khách của Trung cộng đem du khách Tầu đi ngoạn cảnh đảo Hoàng sa. Hồi tháng Ba, một cựu quân nhân Tầu, ông Wang Xinjian, đáp du thuyền Coconut Princess đi thăm Hoàng sa. Ông nói: “Tôi có cảm tưởng như mình đang sống trong truyện thần thoại. Nước nào muốn lấy đất của tổ quốc tôi, nước đó đang mơ ngủ.”. Đầu tháng Năm, ca sĩ nổi tiếng nhất của Trung Cộng về dân ca, đến đảo Fiery Cross Reef để trình diễn văn nghệ. Trong đó anh ta hát bài vè để ca ngợi những anh hùng bảo vệ Biển Đông: “Ode to the South Sea Defenders”.
Tình hình ở Phi Luật Tân thì ngược lại. Mặc dù đã tăng ngân sách quốc phòng 15% từ năm 2014, đến năm 2015 nhưng nước Phi vẫn muôn đời thiếu ngân sách, thiếu căn cứ, và thiếu cả tầu thuyền. Khi Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tuyên bố trên hàng không mẫu hạm Stennis hồi tháng Tư rằng Hoa Kỳ và Phi Luật Tân sẽ tổ chức những cuộc tuần tiểu hỗn hợp chung. Không biết Phi Luật Tân sẽ lấy tầu ở đâu ra mà hoạt động chung. Đơn đặt mua tầu chiến mới vẫn chưa thấy. Một trong những chiếc tầu cũ do Hoa Kỳ để lại, được chính phủ Phi cho đồn trú tại đảo Thomas Shoal từ năm 1999 làm căn cứ. Còn chiếc tầu Sierra Madre cũ kỹ, rỉ xét chỉ dùng làm nơi cư trú của bảy người lính hải quân và vài con chuột cống.Đại tá Arnel Duco, Phó tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Hải Quân miền Tây Phi Luật Tân nói rằng: “Chúng tôi không thể nào so sánh với sức mạnh quân sự của Trung Cộng. Vì vậy chúng tôi phải canh tân, và dùng tất cả những con tầu, cây dừa có sẵn trong tay để phong thủ.”.
Trung sĩ Hải quân Roland Wong, được biệt phái đồn trú trên tầu Sierra Madre trong sáu tháng. Là một người lính Phi Luật Tân, anh tâm sự: “đó là một việc làm cô đơn và buồn nản vô cùng.”. Hiện nay, anh Wong được điều đi đồn trú trên đảo Nanshan Island, một đảo khác trong khu quần đảo Trường Sa. Khác với đảo Flat Island, trên đảo Nanshan có hồ nước mặn, và người lính có nơi để tắm rửa. Hòn đảo là nơi có rất nhiều chim biển, đầy phân chim hôi thối. Ấy vậy mà hòn đảo nhỏ xíu, nằm ở phần cuối của Biển Đông, là nơi tranh hùng của nhiều nước trong bối cảnh địa dư chính trị toàn cầu hiện nay. Anh Wong nói: “Chúng tôi ở một nơi hẻo lánh, xa cách tất cả mọi nơi.”. Nhìn chiếc xe ủi đất nằm trơ trụi, trở nên rỉ xét như một bức tượng nằm giữa đảo Nanshan, biểu tượng sự suy đồi về giấc mơ của Hải Quân Phi Luật Tân. Anh Wong nói: “Tất cả chúng tôi đều sợ rằng, một ngày nào đó người Tầu sẽ đến đây chiếm cứ.”
Bài tường thuật của Hannah Beech trên báo TIME ngày 6/6/2016
Nguyễn Minh Tâm dịch

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img