Thursday, March 28, 2024

Phát hiện tình trạng nô lệ lao động ở Ấn Độ qua vệ tinh

Khi Jess Wardlaw bắt đầu tham gia làm việc trong dự án “Tìm kiếm nô lệ từ không gian”, cô đã lúng túng và tức giận khi phát hiện sự phổ biến của chế độ nô lệ lao động trong thế giới hiện đại.

“Tìm kiếm nô lệ từ không gian” là dự án của phòng nghiên cứu Nhân Quyền thuộc Đại học Nottingham của Anh. Mục tiêu của dự án là sử dụng các hình ảnh vệ tinh của Google để nhận dạng và phát hiện các dấu hiệu nô lệ lao động ở Ấn Độ.

Từ những hình ảnh và thông tin thu thập được, các thành viên của dự án sẽ gửi thông tin, báo cáo cụ thể cho các tổ chức phi chính phủ địa phương và giới chức chính quyền.

Đây cũng là sáng kiến và là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các thành viên tham gia dự án cũng như mục đích chính của Đại học Nottingham khi thành lập Phòng Nghiên cứu Nhân quyền. Là nghiên cứu sinh trong Đại học Nottingham, Jess Wardlaw rất quan tâm đến các thuộc tính không gian của dự án.

Trước khi tham gia “tìm kiếm lô lệ từ không gian”, Jess Wardlaw vừa hoàn thành một dự án nghiên cứu khác mà ở đó cô có thể giúp phát triển các mô hình 3D của bề mặt Sao Hỏa. Nhưng sau khi nhận thấy rằng, có khoảng 45,8 triệu nô lệ lao động trên toàn thế giới (theo báo cáo của Chỉ số nô lệ toàn cầu), Jess Wardlaw đã trở nên hoàn toàn mê mẩn trong việc hoàn tất những gì cần có của dự án.

Các hình ảnh vệ tinh giúp phát hiện ra các lò gạch (hình tròn) có nô lệ lao động.

“Sự quan tâm của tôi bắt nguồn từ khía cạnh khoa học công dân và không gian địa lý của dự án. Thực tế là tôi có thể làm điều gì đó để nó giúp nhân loại. Đây là một phần thưởng hoàn chỉnh cho chính tôi”, Jess Wardlaw nói.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức trong Đại học Nottingham cho biết, các tình nguyện viên tham gia dự án đã được yêu cầu phải xác định rõ vị trí các lò gạch, nơi có nô lệ lao động thông qua hình ảnh vệ tinh Google và một phần dữ liệu của The Zooniverse. (The Zooniverse là nền tảng để các nhà nghiên cứu có thể thu thập dự liệu cho các dự án từ các tình nguyện viên quan tâm đến khám phá khoa học).

Bang Rajasthan rộng 2.600km² ở Ấn Độ đã được chọn là nơi thí điểm cho chương trình bởi khu vực này được báo cáo là có rất nhiều lao động đang bị bóc lột trong các lò gạch. Trên các bức ảnh vệ tinh, những lò gạch có màu nâu nhạt, hình tròn hay chữ nhật, có kích cỡ tương đồng với một sân vận động khi quan sát từ không gian.

Theo một nghiên cứu vào năm 2015 của Trung tâm Khoa học và Môi trường, có ít nhất 10 triệu người Ấn Độ đang làm việc như nô lệ tại các lò gạch.

Theo báo cáo năm 2016 của Tổ chức Lao động Quốc tế, gần 70% trong số 5 triệu nhân công tại lò nung ở Nam Á được ước tính đang làm việc trong các cơ sở lao động cưỡng bức. Khoảng một phần năm là người chưa đủ tuổi lao động.

Báo cáo của Chỉ số lao động toàn cầu chỉ ra rằng, Ấn Độ hiện có 18 triệu người đang sống như nô lệ lao động (chiếm gần ½ trong tổng số 36 triệu nô lệ trên toàn cầu).

Nhiều người Ấn Độ bị lừa vào làm việc trong các nông trại, nhà thổ, cửa hiệu nhỏ hay nhà hàng để kiếm tiền trả khoản nợ của họ hoặc món nợ để lại từ người thân.

 Hình thức bóc lột lao động kiểu này đặc biệt phổ biến trong ngành xây dựng, nhất là ở các khu vực sản xuất gạch và khai thác đá không được quản lý chặt chẽ.

Hiện chưa có số liệu chính thức về số người được sử dụng để cắt, nặn hay nung những viên gạch làm từ đất sét chủ yếu bằng tay tại hàng chục nghìn lò gạch ở Ấn Độ.

Theo một nghiên cứu vào năm 2015 của Trung tâm Khoa học và Môi trường, có ít nhất 10 triệu người Ấn Độ đang làm việc như nô lệ tại các lò gạch. Các nô lệ lao động này phải làm việc 10 tiếng mỗi ngày, ngủ trong những căn phòng chật hẹp và không có nước sạch hay nhà vệ sinh…

Jakub Sobik, phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ chống Nô lệ lao động ở London cho biết, sáng kiến về tìm kiếm nô lệ từ không gian được GS chuyên nghiên cứu về chế độ nô lệ thời hiện đại đồng thời là Giám đốc của Phòng Nghiên cứu Nhân quyền Kevin Bales đưa ra.

Vì tính chất đặc biệt và có hình tròn nên những lò gạch có thể được xác định từ hình ảnh vệ tinh. Chính GS Kevin Bales đã chọn chúng làm trung tâm cho dự án.

Một khi dự án đã thu thập đủ dữ liệu, bước tiếp theo là xác định có bao nhiêu lò gạch và thông tin này cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Ấn Độ.

Hiện nhóm nghiên cứu cũng đang sử dụng các dữ liệu và thuật toán để mở rộng dự án trong những năm tới.

Ngọc Khuê

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img