Garland , TX.- Người Việt Dallas – Trưa Chủ Nhật ngày 7 tháng 1 năm 2018, Chùa Bồ Đề Đạo Tràng thành phố Garland đã tổ chức buổi gây quỹ xây dựng Tôn Tượng Phật. Chương trình khai mạc đúng giờ Ngọ, 12 giờ trưa. Chúng tôi đến trễ, bãi đậu xe không còn chỗ trống và theo lời của các hướng dẫn viên hướng về bãi đậu xe của nhà bank Chase đối diện. Mở đầu là lời phát biểu của Thượng Tọa Trụ Trì Thích Phước Hạnh, nguyên văn như sau:
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Ngưỡng bạch Hòa thượng chứng minh
Kính bạch chư tôn thiền đức Tăng Ni
Kính thưa quý vị quan khách, cùng quý Phật tử đồng hương thương mến.
Nhân lễ vía Đức Phật Di Đà, hôm nay, chủ nhật, ngày 07/01/2018, Tiệc Chay Xây Tượng Phật được tổ chức tại Chùa Bồ Đề Đạo Tràng, thành phố Garland, Dallas, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, dưới sự chứng minh của chư Tôn Đức, và cùng tham dự đông đủ của quý Phật Tử Đồng Hương xa gần.
Với tấm lòng thành kính, Ban Tổ Chức, chúng con xin hân hoan chào mừng sự hiện diện của Chư Tôn Đức, quý vị khách mời, quý đồng hương Phật Tử, xin chắp tay cầu nguyện gửi tới quý Ngài, quý liệt vị, lời cầu chúc an lành đầu năm mới 2018.
Kính bạch quý Ngài,
Kính thưa quý liệt vị,
Dung nhan Phật/ tốt lạ thường
Hào quang chiếu sáng/ khắp cùng mười phương
Từ bi/ oai đức không lường
Ra đời tế độ/ dẫn đường chúng sanh.
Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, thấm tình đạo vị giải thoát của Đức Phật, quý Ngài và quý vị đã về đây tham dự Tiệc Chay cùng với chúng con. Chúng con cảm thấy hạnh phúc, được che chở bằng tình thương đích thực của đại chúng như thời Phật.
Người Việt Nam hầu hết, chúng ta sinh ra đều trong gia đình con nhà Phật. Lớn lên rong ruổi theo cuộc đời ô trược, bỏ nước ra đi, tha hương cầu thực. Chẳng may, chúng ta vấp ngã, gặp những chướng ngại trong đời. Có lúc gian nan vất vả, con đường chúng ta sắp đi phía trước không phải không có đá, sỏi, hay những hố sâu, gò nổi gập ghềnh. Có lúc chịu thất bại trắng tay, nhưng tất cả người Việt Nam chúng ta đều tin vào Đức Phật gia hộ. Những lúc khổ đau trong cuộc đời, ngoài Đức Phật, chúng ta chẳng còn biết dựa vào ai nữa. Chúng ta chỉ biết nghiêng mình và cúi đầu trước Đức Phật. Dựa vào Đức Phật, nhìn lên tượng Phật, bao nhiêu khó khăn, não phiền đều vơi đi. Chúng ta lấy lại quân bình, thăng bằng trong tâm, bình an xuất hiện trong cuộc sống và ta bắt đầu làm lại từ đầu.
Tượng Phật được dựng lên ở đâu, lập tức có hoà bình an lạc cho chúng sinh ở đó. Mới tuần rồi, thời tiết khắc nghiệt dưới 32 độ F, tưởng như không thể thỉnh Phật lên các trụ xi măng, kịp cho Tiệc Chay hôm nay được. Nhưng tinh thần các anh em Phật tử ở Chùa vẫn không bị khuất phục bởi thời tiết đông đá lạnh buốt ấy. Các pho tượng Phật vừa được đưa về tới Chùa, thì cũng vừa được quý Phật tử tôn trí trang nghiêm nhanh chóng. Có một điều kỳ diệu xảy ra, dường như Phật gia hộ, hay tâm Phật lớn của người con Phật, không ai than thở gì hết. Và hôm nay, quý vị có mặt, hưởng ứng lời mời của Ban Tổ Chức, về Chùa tham dự Tiệc Chay xây chỗ thờ Phật, thời tiết bỗng dưng trở nên ấm áp. Trời mưa mạn đà la, chư Thiên các cõi Trời cũng đang rãi hoa cúng Phật. Trời đất và lòng người hoà quyện vui mừng nghinh đón các tượng Phật mầu nhiệm đã ngự trị tại Chùa Bồ Đề Đạo Tràng.
Điều đặc biệt nữa là, dù tu pháp môn nào của Phật, ai cũng biết niệm “A Di Đà Phật”.
Khi tiếng niệm Di Đà
Vang vọng trong tâm ta
Từ bùn nhơ tham dục
Bừng nở đoá liên hoa
Giá trị câu niệm Phật nằm ở chỗ đó, khi cất tiếng niệm Phật thì lòng bỗng nhẹ nhàng, thanh tịnh, không còn các niệm xấu ác chen vào. Và lúc này, người niệm Phật đang sống trong cõi Phật. Cho nên, công đức xây tượng Phật rất lớn, không phải ai cũng làm được. Có người thật nhiều tiền, nhưng suốt đời vẫn không làm được một pho tượng. Thậm chí lúc chết, biết ra đi hai bàn tay trắng, nhưng vẫn không cúng nỗi Phật một tượng. Ai có đầy đủ phước báu, đầy đủ nhân duyên, thì mới khởi tâm, phát tâm thực hiện các công trình xây tượng Phật.
Quý Phật tử phát tâm xây dựng tôn tượng Đức Phật A Di Đà là muốn noi gương hạnh nguyện của Ngài: đem ánh sáng vô lượng, đem công đức vô lượng, đem thọ mạng sống lâu vô lượng đến cho mọi người, muôn loài. Được cúng dường xây tượng Phật như thế là trồng gốc Phật sâu trong tâm khảm của mình trong đời này và sau khi qua đời, được vãng sanh về cõi Phật A Di Đà.
Quý Phật tử phát tâm xây dựng tôn tượng Đức Phật Di Lặc là muốn noi gương hạnh nguyện của Ngài: ban niềm vui hoan hỷ cho thế gian. Người sầu khổ là người thiếu phước. Người hoan hỷ là người có phước. Người hoan hỷ là người có hạnh phúc. Người có hạnh phúc trong lòng là người không trách móc người khác, không than phiền lỗi lầm người khác. Được cúng dường xây tượng Phật như thế là trồng gốc Phật sâu cho mình trong đời này, đời sau được sanh về cõi trời Đâu Suất Đà Thiên, nghe Đức Phật Di Lặc thuyết pháp.
Quý Phật tử phát tâm xây dựng tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm là muốn noi theo hạnh nguyện của Ngài: biết lắng nghe những nỗi khổ khó khăn của người thân trong gia đình, không kết án buộc tội họ, không nghi kỵ họ vì lý do gì. Người biết lắng nghe nỗi khổ khó khăn người khác là người luôn luôn không nói những lời thô lỗ, cộc cằn, không chỉ trích, đổ tội cho người khác. Được cúng dường xây tượng Bồ Tát Quan Âm như thế là trồng gốc Phật sâu cho mình trong đời này và đời sau.
Quý Phật tử phát tâm xây dựng tôn tượng Bồ Tát Địa Tạng là muốn noi theo gương của Ngài: Nguyện không giam cầm ai bằng hiểu lầm tự mình nghĩ ra, bằng suy nghĩ cố chấp của mình, không cột chặt người thân bằng hiểu biết sai lầm của mình. Ngược lại, nguyện chặt đứt những mắt xích đen tối của thiếu hiểu biết, thiếu tình thương với nhau trong cuộc sống. Rộng hơn, nguyện đến những nơi khó khăn, tối tăm, những nơi bị giam cầm tù tội do vô minh gây ra, và biết hy sinh thời gian, đem công sức tài năng mình có, lăn xả giúp ích cho đời, thoát ra khỏi gông cùm xiềng xích đau khổ. Được cúng dường xây tượng Bồ Tát Địa Tạng như thế là trồng gốc Phật sâu cho mình trong đời này, đời sau không bị rớt trong địa ngục khổ đau.
Kính bạch quý Ngài,
Kính thưa quý liệt vị,
Ngày sẽ hết/ ta sẽ không ở lại
Ta sẽ đi/ và không biết đi đâu
Nhưng ta nhớ/ trần gian này mãi mãi
Vì nơi đây/ ta sống đủ vui sầu.
Đúng. Cuộc đời đâu có gì phải bận tâm vui và buồn, hơn và thua, được và mất… Những gì ta làm cho trần gian này, trần gian này sẽ biết ơn ta mãi mãi. Ta cúng dường xây tượng Phật để cho mọi người chiêm bái Phật là ta diệt được hằng hà sa số nghiệp chướng trong đời. Ta không mong điều xấu, giông ba bão tố cuộc đời đến với ta. Nhưng nếu sóng gió cuộc đời đến với ta thì sao? Nương nhờ công đức xây tượng Phật này; nhiều lúc suy sụp tinh thần lại được Phật ra tay giúp đỡ; nhiều lúc khủng hoảng tinh thần, bị stress do công ăn việc làm, nhưng lại được Phật xuất hiện kịp thời giúp đỡ, vượt qua dễ dàng; nhiều lúc tưởng như chết đuối trong danh lợi, nhưng được Phật ra tay cứu độ, vượt qua cơn thập tử nhất sinh, chết đi sống lại, và ta thấy ta có phước hơn nhiều người không biết Phật.
Chúng con vô cùng niệm ơn công đức quý Ngài, đã thân hành đến chứng minh, vô cùng cảm ơn quý vị đã hoan hỷ nhận lời mời của Ban Tổ Chức cùng về tham dự, vô cùng cảm ơn quý Phật tử Ban Trai Soạn đã sáng tạo các món ăn chay tinh khiết, đậm chất Sen của Phật, chất giải thoát nhẹ nhàng, cảm ơn hết quý Phật tử xa gần đã thầm lặng, công quả công đức, cúng dường cho đại tiệc hôm nay.
Trong giờ phút thiêng liêng này, tất cả chúng ta, những người con Phật:
Hãy để tâm tĩnh lặng
Theo tiếng niệm Di Đà
Hãy sống vui an lạc
Mai về chốn quê xa
Kính mời đại chúng chắp tay thành tâm cung thỉnh Phật, quang giáng Tiệc Chay, chứng giám lòng thành của chúng ta, xin tất cả cùng niệm danh hiệu Ngài 3 lần: Nam Mô A Di Đà Phật.
Thay lời cho Ban Tổ Chức, chúng con long trọng tuyên bố, Tiệc Chay Xây Tượng Phật được bắt đầu. Kính chúc đại chúng thưởng thức tiệc chay ngon miệng.
Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát.”
Tiếp theo là đạo từ của Hòa Thượng chứng minh Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa, Viện Chủ Từ Đàm Hải Ngoại, thành phố Irving. Trong khi tiệc chay bắt đầu, nhiều tiếng ồn nổi lên đã làm cho Hòa Thượng phải lên tiếng “xin quý Phật tử vài phút im lặng…” để nói về ý nghĩa việc xây dựng Tôn Tượng Phật với bốn tôn tượng Phật rất quen thuộc của Phật Giáo là Phật A Di Đà, Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Di Lặc và Bồ Tát Địa Tạng. Tiếp tục chương trình, một nữ Phật Tử đã nói lên tâm tư của mình trong ý nghĩa xây dựng Tôn Tượng Phật.
Nhiều khuôn mặt quen thuộc như ông bà Nguyễn Tuệ, đại diện Chùa Đạo Quang đã ủng hộ Thầy Trụ Trì Thích Phước Hạnh, ông Wilfong và ông bà Trần Lộc đại diện Nghĩa trang Restland, nữ Phật Tử Minh Bản của Linh Sơn A Di Đà, chị Hoài Trang cùng nhiều Phật tử gần xa đã tề tựu đóng góp tịnh tài xây dựng Tôn Tượng Phật tại Bồ Đề Đạo Tràng. Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin chuyển đến quý độc giả Phật tử về ý nghĩa bốn Tôn Tượng Phật xây dựng:
Nam mô có nguồn gốc là từ Namah (tiếng Phạn) hoặc Namo (tiếng Pali) có nghĩa quy y, kính lạy, quy phục, đem mình về với. Nam mô A Di Đà Phật (南 無 阿 彌 陀 佛, chú ý chữ 無 phải đọc là mô chứ không phải vô) là Hán dịch từ tiếng Phạn Namah Amitabhàya buddhàya có nghĩa là quy y Đức Phật A Di Đà.
A Di Đà (zh. 阿彌陀) là danh từ phiên âm có gốc từ hai chữ trong tiếng Phạn: amitābhavà amitāyus. Amitābha dịch nghĩa là “vô lượng quang” – “ánh sáng vô lượng”; amitāyus có nghĩa là “vô lượng thọ” – “thọ mệnh vô lượng”.
A Di Đà được thế gian hình tượng hóa thành vị Phật của thế giới Tây phương cực lạc, nơi chỉ có vui mà không có khổ.
Vô lượng quang biểu hiện ý nghĩa không gian vô tận, cùng khắp không gian. Vô lượng thọ biểu hiện thời gian vô cùng, thời gian không giới hạn. Các ý nghĩa này là muốn hiển thị Tâm linh bất nhị của Đạo Phật. Bất nhị cũng không phải là một, mà là không có số lượng. Cùng khắp không gian, cùng khắp thời gian và không có số lượng, đó mới là ý nghĩa thực sự của danh xưng A-Di Đà tức là vô lượng quang, vô lượng thọ. Cùng khắp không gian, cùng khắp thời gian, không có số lượng cũng có nghĩa là không có không gian, không có thời gian, không có số lượng, đó là vì Tâm như hư không vô sở hữu hay Phật tánh bất nhị, bất biến, bất sinh bất diệt, cũng có nghĩa là Niết Bàn (Nirvana).
Phật (Buddhàya) không phải là một vị thần linh, mà chỉ là một người giác ngộ, tự mình thân chứng bản tâm bất nhị là bản thể của vũ trụ vạn vật. Kinh điển Phật giáo nói rằng khi Đức Phật Thích Ca ngộ đạo dưới gốc cây bồ đề, thì các thần thông, là những thuộc tính vốn có của tâm giác ngộ, hiện ra đầy đủ, nên: Về mặt không gian Ngài nhìn thấy suốt cả Tam thiên đại thiên thế giới, còn gọi là Tam giới tức là Ba cõi thế giới, bao gồm Dục giới [欲 界 sa.(tiếng sanskrit) kāmaloka, thế giới mà chúng ta đang sống]; Sắc giới [色界, sa. rūpaloka thế giới cõi trời nơi chúng sinh có thọ mạng lâu dài hơn cõi thế gian] và Vô Sắc giới [無色界, sa. arūpaloka, thế giới nơi chúng sinh không còn thân thể vật chất mà chỉ còn tinh thần, ý thức]. Về mặt thời gian, Ngài nhìn thấy suốt cả quá khứ vị lai không có bắt đầu, không có kết thúc. Về mặt số lượng, Ngài nhìn thấy vô lượng vô biên thế giới, vật thể, chúng sinh, không phân biệt lớn nhỏ, từ vũ trụ bao la đến thế giới vi mô của những vật thể cực kỳ nhỏ bé mà ngày xưa không có danh từ diễn tả, nên tạm gọi là vi trần (hạt bụi nhỏ). Thật ra Ngài nhìn thấy cả thế giới hạ nguyên tử ( Sub Atomic) thấy cả những vật thể như hạt quark, electron, neutrino. Cái thấy đó vô cùng siêu việt, Ngài nhận ra cả những khoảnh khắc thời gian cực ngắn gọi là sát-na nhiều lần nhỏ hơn một giây đồng hồ (second). Đó gọi là chánh biến tri, biết cùng khắp không gian thời gian. Vì sao cái biết lại tuyệt đối như vậy ? Bởi vì Thích Ca chính là Tâm bất nhị, chính là Tam giới. Bộ Kinh Thành Duy Thức Luận (成唯識論 ) của ngài Huyền Trang dịch, đã tổng kết : “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” Tức là cái vũ trụ tưởng đâu là ở bên ngoài, độc lập khách quan, cũng chỉ là biến hiện của Tâm mà thôi. Cái tâm linh giác ngộ đó, mọi chúng sinh đều có sẵn, và không hề thua kém chút nào so với Phật Thích Ca, bởi vì đều chung một Tâm bất nhị, nhưng vì mê muội chạy theo thế giới vật chất nhỏ bé tầm thường, chúng không “ngộ” được mà thôi, và vì không giác ngộ nên chúng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi đầy đau khổ. Đức Phật thấu hiểu tính chất trống rỗng của nguyên tử vật chất, một điều mà phải đến cuối thế kỷ 20, nghĩa là 25 thế kỷ sau thời Đức Phật, những nhà bác học hàng đầu của nhân loại mới hiểu, khi họ khám phá ra hạt quark với đặc tính lạ lùng.
Một hạt quark đơn lẻ không tồn tại, phải 3 hạt quark hợp lại mới thành lập được hạt proton hoặc hạt neutron, đây là 2 thành phần của hạt nhân nguyên tử. Rồi các điện tử (electron) xoay quanh hạt nhân tạo thành nguyên tử vật chất, rồi các nguyên tử của 4 loại nguyên tố C, H, O, N tạo thành các phân tử hữu cơ, từ đó hình thành sinh vật và con người. Nhưng quark và electron cũng như tất cả mọi hạt cơ bản khác (subatomic particles) cũng chỉ là hạt ảo. Do đó cái vũ trụ hình thành từ hạt ảo chỉ có trong tâm tưởng chứ không phải sự thật khách quan ở bên ngoài. Chính vì Đức Phật hiểu bản chất trống rỗng của nguyên tử, Ngài mới đưa ra thuyết triết học tánh không Śūnyatā (Emptiness) của vạn vật (Trình bày cô đọng trong Bát Nhã Tâm Kinh chỉ có 260 chữ). Tại sao từ bản chất là không lại xuất hiện thế giới, vũ trụ, vạn vật ? Đó là do trùng trùng duyên khởi, sự kết hợp có điều kiện mà hạt nhân đầu tiên lại không thể khẳng định, chẳng hạn một hạt quark thì không tồn tại, nhưng 3 hạt quark hợp lại thì xuất hiện hạt proton hoặc hạt neutron, để rồi từ đó hình thành nguyên tử và vạn vật. Đức Phật tạm đưa ra thuyết “thập nhị nhân duyên” để giải thích sự hình thành của vật chất và sinh vật trong đó có con người. Ngày nay với việc phát minh ra máy vi tính, con người đã chứng minh một cách rõ ràng rằng những hiện tượng ảo trên màn hình vi tính như : hình ảnh, màu sắc, âm thanh, chữ viết v.v… chỉ là trùng trùng duyên khởi của điện tử (electron) quy về hai trạng thái của dòng điện, có dòng điện chạy qua (số 1), không có dòng điện chạy qua (số 0), từ đó hình thành kỹ thuật số theo hệ thống nhị phân, và phát triển thành công nghệ thông tin với vô số ứng dụng như hiện nay.
Trở lại với thế giới đời thường, Đức Phật thấy rằng tất cả sơn hà đại địa, nhà cửa lâu đài, vạn vật, con người đều chỉ là nhân duyên (sự kết hợp có điều kiện) của cái không (trống rỗng không là gì cả, cái hư không vô sở hữu (không phải là sự thật tuyệt đối). Chỉ có cái bản tâm bất nhị, bất biến, bất sinh bất diệt, vô ngã (không phân biệt ta và người), vô lượng (không có số lượng), tuyệt đối ( vô phân biệt, không có các cặp phạm trù mâu thuẫn) mới đích thực là mình, tất cả chúng sinh đều có chung một tâm đó. Vì thế Ngài nói rằng : tất cả chúng sinh đều là Phật đã thành (chứ không phải sẽ thành) bởi vì cái bản tâm đó đã sẵn có (trước khi vũ trụ được thành lập) chỉ cần buông bỏ cái tâm nhỏ hẹp, mê muội, chấp trước (không phải là mình thật) để hòa nhập vào cái tâm vô lượng quang, vô lượng thọ (tức A Di Đà), cái đó còn gọi là Niết Bàn 涅槃, sa. nirvāṇa tức là bất sinh bất diệt hay là không còn sinh diệt (diệt tận 滅盡).
Bồ Tát Quan Âm
(Tiếng Phạn: अवलोकितेश्वर nghĩa là “Đấng quán chiếu âm thanh của thế gian”) là một vị Bồ-tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật. Được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn thân nữ, Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ-tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa, cũng như không chính thức trong Phật giáo Nguyên thủy.
Tên nguyên bản tiếng Phạn của vị Bồ-tát này là Avalokiteśvara. Tên tiếng Hán Quán Thế Âm Bồ-tát (觀世音菩薩) được phiên dịch từ tên tiếng Phạn này, “Avalokiteśvara Bodhisattva”. Bồ-tát này thường được mô tả dưới nhiều dạng thân nam hay nữ.Trong Phật giáo Trung Quốc được biết đến với tên gọi đơn giản là Quan Âm (Guan Yin). Tại Cam-pu-chia, ông được gọi là Lokesvarak; ở Nhật Bản, ông được gọi là Kanzeon hay Kannon.
Namo Avalokiteshvara Bodhisattva (Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát) là câu niệm hồng danh của ngài Quán Thế Âm Bồ tát.
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo Phẩm Phổ môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sở dĩ ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp liền nhất tâm niệm danh hiệu của bồ tát, ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh, vị Bồ-tát này mang tên là Quán Tự Tại dựa trên pháp môn tu tập của ngài. Khi quán chiếu thâm sâu vào chính mình, ngài nhận thấy năm uẩn không có tự tính và đều là giả tạm, ngộ ra được điều đó, ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn.
Tên Avalokiteśvara được kết hợp bởi ava “xuống”; lokita , một phân từ quá khứ của động từ lok nghĩa là “quán chiếu”, ở đây được sử dụng theo nghĩa tích cực; và cuối cùng là īśvara nghĩa là “chúa tể”, “người cai trị”. Kết hợp lại, cái tên ấy có nghĩa là “chúa tể quán chiếu xuống (thế giới)”. Tuy cụm từ loka (thế giới) không có nhưng được hiểu ngầm.
Bản dịch tiếng Hoa đầu tiên về cái tên này được dịch bởi Đường Huyền Trang, dịch ra là Guānzìzài; từ bản dịch này cái tên dần dần được thay đổi thành là Guanyin ( Trung Quốc : 觀音 ) hay dịch sang tiếng Việt là Quan Âm như ngày nay ta thường gọi.
Cái tên ban đầu Phật giáo dùng để nói lên rằng vai trò của một vị Bồ tát là rất cao cả. Một số người đã nghĩ rằng cái tên nguyên gốc có thể bị ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo, cho rằng ông là một minhsavara , thuật ngữ ” Śvara” liên quan đến thần Vishnu (trong Vaishnavism ) hoặc Śiva (trong Shaivism ) cũng có nghĩa là “Chúa tể” , “Thượng đế”, “Đấng sáng tạo” và “Người cai trị”. Nhưng những người tôn thờ Avalokiteśvara đã nhắc lại rằng Đức Phật vốn dĩ phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế hay Thiên Chúa.
Bồ Tát Di lặc
Theo kinh điển Phật giáo, Di Lặc là vị Phật sẽ xuất hiện trên Trái Đất, đạt được giác ngộ hoàn toàn, giảng dạy Phật Pháp, giáo hóa chúng sinh, và chứng ngộ thành Phật. Phật Di Lặc sẽ là vị Phật kế tiếp Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Cõi giáo hóa của Bồ Tát hiện nay là nội viên của cõi trời Đâu-suất (sa. tuṣita). Bồ Tát Di-lặc được tiên tri sẽ giáng sinh trong kiếp giảm của tiểu kiếp kế tiếp, khi nhân thọ là 80.000 năm, tức khoảng hàng trăm triệu năm nữa theo năm Trái Đất, khi Phật Pháp đã hoàn toàn bị loài người lãng quên.
Sự tích về Phật Di Lặc được tìm thấy trong các tài liệu kinh điển của tất cả các tông phái Phật giáo (Nguyên thủy, Đại thừa, Kim cương thừa), và được chấp nhận bởi hầu hết các Phật tử như là một sự kiện sẽ diễn ra khi Phật Pháp đã bị lãng quên trên Trái Đất, và Bồ Tát Di-lặc sẽ là bậc giác ngộ Pháp và thuyết lại cho chúng sinh, tương tự như những vị Phật lịch sử đã làm trong quá khứ.
Nếu năm đức Phật xuất hiện trên Trái Đất được xem là hóa thân của Ngũ Phật thì Bồ Tát Di-lặc được xem như hóa thân của Thành sở tác trí (xem Phật gia, Ngũ trí).
Có thuyết cho rằng, chính Bồ Tát Di-lặc là người khởi xướng hệ phái Duy thức của Đại thừa. Một số học giả cho rằng, vị này chính là Maitreyanātha (sa. Maitreya-nātha), thầy truyền giáo lý Duy thức cho Vô Trước (sa. asaṅga). Truyền thống Phật giáo Tây Tạng cho rằng, Ngài là tác giả của năm bài luận, được gọi là Di Lặc (Từ Thị) ngũ luận:
- Đại thừa tối thượng luậnhoặc Cứu cánh nhất thừa bảo tính luận (sa. mahāyānottaratantra)
- Pháp pháp tính phân biệt luận(sa. dharmadharmatāvibaṅga)
- Trung biên phân biệt luận(sa. madhyāntavibhāga-śāstra)
- Hiện quán trang nghiêm luận(sa. abhisamayālaṅkāra)
- Đại thừa kinh trang nghiêm luận(sa. mahāyānasūtralaṅkāra)
Địa Tạng Bồ Tát
Là một vị Bồ-tát được tôn thờ trong Phật giáo Đông Á, thường được mô tả như một tỉ-khâu phương Đông. Địa Tạng Bồ-tát được biết đến bởi lời nguyệncứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời kỳ sau khi Phật Thích-ca Mâu-ni nhập Niết-bàn cho đến khi Bồ-tát Di Lặc hạ sanh, và nguyện không chứng Phật quả nếu địa ngục chưa trống rỗng. Do đó, Địa Tạng thường được xem như là vị Bồ-tát của chúng sanh dưới địa ngục hay là giáo chủ của cõi U Minh.[2] Trong văn hóa Nhật Bản, Địa Tạng là Bồ-tát hộ mệnh cho trẻ em, cũng như bảo vệ các vong linh của trẻ em hoặc bào thai chết yểu. Địa Tạng thường được mô tả là một tỉ-khâu trọc đầu với vầng hào quang, một tay cầm tích trượng để mở cửa địa ngục, tay kia cầm ngọc Như Ý tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm. Một số tranh tượng ở Trung Quốc và Việt Nam cũng khắc họa Địa Tạng Vương Bồ tát đội mũ thất phật và mặc cà sa đỏ – hình ảnh tu sĩ Phật giáo Bắc Truyền, hình tượng nhân vật Đường Tăng trong tiểu thuyết Tây Du Ký rất giống hình tượng của Đức Bồ Tát.
Địa Tạng Vương Bồ tát là một trong 6 vị bồ tát quan trọng của Phật giáo Đại thừa. 5 vị còn lại là các Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát và Di Lặc Bồ tát.
Theo tình hình chung của buổi gây quỹ qua lời chia sẻ của Thượng Tọa Thích Phước Hạnh, Trụ Trì Chùa Bồ Đề Đạo Trang vào khoảng trên ba chục ngàn mỹ kim. Chi tiết hơn Thượng Tọa Thích Phước Hạnh cho biết thêm tượng Phật Di Lặc xây dựng $7,500.00, có người cúng đã cúng dường $3,000 còn thiếu $4,500.00. Bốn tảng đá khắc chữ nghệ thuật, công tác xây dựng mỗi tảng đá là $2,500 chưa có ai ủng hộ cúng dường. Nhân dịp này, Thầy Trụ Trì chuyển lời chân thành cảm tạ quý ân nhân Phật tử, đồng hương đã ủng hộ cho buổi lễ gây quỹ thành công và cũng kêu gọi quý Phật tử quảng đại giúp cho ý nguyện viên thành: Tượng đài Phật Di Lặc và bốn tảng đá khắc chữ chờ đợi sự cúng dường của quý vị.
Xin quý vị liên lạc về Chùa Bồ Đề Đạo Tràng:
105 Grant St, Garland, TX 75042
KIM DINH