Người Việt Dallas – Hầu hết người Việt tị nạn chúng ta ai cũng mong trở thành công dân Hoa Kỳ. Theo thời gian lệ phí kèm theo đơn ghi danh dần dần tăng một cách chóng mặt. Từ mấy chục đồng lệ phí đối với những người nộp đơn trước đây, thời điểm này đã gần đến con số một ngàn dollar. Nhưng lệ phí chỉ là chuyện nhỏ, có nhiều trường hợp hoàn toàn miễn phí cho những người lợi tức thấp. Rất ít người từ chối nộp đơn thi quốc tịch, ngoài lý do không đủ tiếng Mỹ mặc dù đã đủ điều kiện thời gian là ở Hoa Kỳ 3 năm đối với người có phối ngẫu là công dân Hoa Kỳ hoặc 5 năm thời gian theo luật định. Một điều mọi người e ngại là khi trở thành công dân Hoa Kỳ là phải thi hành nhiệm vụ pháp lý hay còn gọi tham gia nghĩa vụ bồi thẩm đoàn.
Trong các cuộc bầu phiếu từ Tổng Thống, Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu và các chức vụ khác liên quan đến hành pháp, lập pháp địa phương đến trung ương, tỷ lệ đi bầu của cộng đồng Việt Nam vẫn còn thấp. Mọi người ai cũng hiểu theo hiến pháp là nghĩa vụ và vinh dự. Nhưng đi bầu phiếu không bắt buộc, không bị chế tài; tuy nhiên khi được gọi chuẩn bị làm bồi thẩm từ thành phố nơi cư ngụ gởi về thì không tránh né đâu được. Những bản tin trước đây, cựu Tổng Thống Goerge W. Bush, cựu Tổng Thống Barrack Obama mới đây đã phải thi hành nghĩa vụ này không được miễn trừ…
Thứ Tư, ngày 6 tháng 12 năm 2017, tôi là một “Juror bất đắc dĩ”, tôi đi kèm một người anh vợ được gọi làm bồi thẩm viên. Trong thơ trả lời trong đề mục miễn trừ, tôi có ghi rõ “không đọc và viết tiếng Anh”. Thật vậy, theo luật định những người đã trên 50 tuổi và thời gian ở Mỹ trên 20 năm có thể thi quốc tịch bằng ngôn ngữ mẹ của mình. Sự trả lời chính xác và không còn gì để nghi ngờ. Nhưng thay vì được tha bổng, anh vợ tôi lại nhận một lá thơ từ chối và bắt anh đối mặt với quan tòa. Cuộc hành trình của chúng tôi từ 7 giờ sáng đến 1 giờ 30 chiều, chúng tôi cũng không gặp ông chánh án. Tôi không được gọi và không có thẻ vẫn được vào trong tòa. Cô thư ký bảo tôi ngồi hàng ghé sau cùng trong tòa. Cũng may, trong nhóm được gọi lại có người quen thân là chủa nhân Lee’s Sandwich Trần Kỳ Minh trên giấy tờ là Mike Chen. Bốn mươi ba (43) người được mời vào phòng, ông anh vợ mang số 11, ông Trần Kỳ Minh số 14 và một người được biết là quan tòa của thành phố Dallas mang số 41…
Đi vào rồi lại đi ra, tôi chưa được cô thư ký cho phép gặp ông chánh án. Tôi muốn được trình bày sự thật của vấn đề là “anh vợ tôi không thể đọc và viết tiếng Anh” để lần sau khỏi phải gọi đi làm bồi thẩm nữa vì sự lập lại này thật vô lý!
Giờ phút cuối cùng chọn người đã đến, ông Mike Chen tức Trần Kỳ Minh được chiếu cố là một trong các bồi thẩm viên của bồi thẩm đoàn. Chúng tôi chào tạm biệt. Riêng tôi và anh vợ tôi thui thủi ra về nhưng trong lòng còn ấm ức là chưa gặp được ông chánh án. Không biết sự việc này còn tái diễn hay không?
TL