Thursday, March 28, 2024

Mừng kính các thánh tử đạo VN và kỷ niệm 100 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

Waller, TX.- Người Việt Dallas – Phái đoàn giáo dân Giáo xứ Thánh Phêrô Dallas thuộc nhóm bảo trợ Tu Hội Tận Hiến đã khởi hành từ thành phố Dallas lúc 5 giờ sáng Thứ Bảy ngày 28 tháng 10 năm 2017 trong một ngày thời tiết trở lạnh. Đến  9 giờ 15 mọi người đã có mặt tại Trung tâm Truyền giáo Thánh Anrê, thành phố Waller thuộc tiểu bang Texas cách Houston khoảng 60 dặm tham dự MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM VÀ MỪNG KỶ NIỆM 100 ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI FATIMA.

Phái đoàn đến nơi vào lúc chương trình vừa bắt đầu với nghi thức cầu nguyện khai mạc, chuẩn bị cho đề tài thuyết trình đầu tiên: “Chân dung Đức Maria trong sách Tin Mừng Thánh Lu-ca” do Linh mục Nguyễn Công Đoan phụ trách. Linh mục Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ đã từng là Bề trên Miền Dòng Tên Việt nam từ năm 1975-2003. Sau đó ngài đã được Cha Bề Trên Tổng Quyền Peter-Hans Kolvenbach bổ nhiệm là Phụ tá Bề Trên Tổng quyền đặc trách Vùng Đông Á- Úc. Từ năm 2008, ngài là Giám đốc Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng tại Giêrusalem.  

Trong khi nhắc lại cuộc sống trong tù được gọi là “cải tạo” của Cộng Sản Việt Nam. Linh mục Nguyễn Công Đoan kể lại “chuyện người tù Thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu” về Đức tin của người Công Giáo.

“Tôi bỗng dưng được nổi tiếng ké nhờ ông Nguyễn hữu Cầu. Ông đứng lên làm chứng về ơn đức tin ông đã được trong khám tử hình, lại còn khai thêm tên người làm phép Rửa cho ông mấy năm sau, khi cùng nhau vác cuốc ra đồng ở trại Lao Động Z30A, núp sau chân núi Chứa Chan. Anh em trong trại hay gọi đùa là núi “Chán Chưa”! thế mà có người ở hoài chưa chán đấy!

Ông đã được biết Chúa nhờ bao nhiêu người ông đã có “duyên” gặp từ khi vào tù và ông đã sống đức tin một cách sâu xa với chuỗi mân côi và chặng đàng thánh giá. Cái xâu chuỗi ông dùng thật là hy hữu, có lẽ phải đề nghị GUINESS đưa vào kỷ lục thế giới, nhưng cái ơn kiên trì trong đức tin và sự biến đổi nội tâm thì GUINESS không thể kiểm chứng được, mà chỉ có những người cùng chung đức tin mới cảm thông được và ca ngợi Thiên Chúa cùng với Đức Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”.
Tại sao Kinh Mân Côi và Đàng Thánh Giá lại có hiệu quả kỳ diệu như thế? Nên nhớ hồi đó ông Cầu chưa được lãnh nhận bí tích nào cả, nhưng ông vẫn xác tín là nếu ngày mai người ta thi hành án tử hình thì ông sẽ được gặp Chúa và Đức Mẹ. 

Ở trong tù thì làm gì có Sách Thánh mà đọc, nên Kinh Mân Côi và Đàng Thánh Giá là sách Phúc Âm thu gọn để nghiền ngẫm mà biết Chúa, yêu Chúa và theo Chúa. Cái thú vị là sách này có thể giữ an toàn, không sợ bị cán bộ xét phòng tịch thu; có thể đọc và nghiền ngẫm mà không cần ánh sáng bên ngoài, trong tư thế nào cũng được.

Tôi đã học từ Bà nội tôi mà biết dùng chuỗi Mân Côi để tính đường dài, và trong tù thì còn dùng để tính giờ nữa! Nhờ thế mà suốt ngày cứ “xem phim” cuộc đời Chúa Cứu Thế từ đầu đến cuối, xem hoài không chán, càng xem càng mê! Trong phòng tử hình tối thui, ông Cầu đã biết tính giờ từ sáng đến tối bằng 6 lần 15 mầu nhiệm Mân Côi và 3 lần 14 chặng đàng Thánh Giá. Đồng hồ này chính xác hơn đồng hồ điện tử! Đồng hồ này ông chờ nó sẽ điểm giờ một lần duy nhất khi nào người ta gõ cửa gọi ra cho về chầu Chúa. Khốn nỗi Chúa lại sai thiên thần tháo chuông cất đi… cho ông chờ dài cổ, rồi lấy mất luôn cái xâu chuỗi vô giá của ông.

Được biết Chúa, yêu Chúa và theo Chúa trên chính con đường thập giá, không phải đi mà nằm, nằm sẵn trên thánh giá, chỉ chờ người ta dựng lên là sẽ được nghe Chúa nói “Ngay hôm nay con sẽ được ở trên thiên đàng với Ta“. Thật là tuyệt vời phải không, anh Cầu!

Nhưng Chúa lại không cho anh được “phong thánh tức khắc” (Santo subito), mà để cho anh vác cây cuốc làm cây thập giá, không phải mấy năm, mà mấy chục năm. Rượu để lâu năm mới ngon! Nay Chúa đã đưa chai rượu chôn kỹ hơn ba chục năm để cho mọi người thưởng thức.

Xin tạ ơn Chúa muôn đời.

Nhiều người nhắn tin, yêu cầu tôi “phát biểu cảm tưởng”, thì tôi cũng xin nói thêm. Chuyện “như một sự tình cờ”. Có một bài ca sinh hoạt quen thuộc: “Gặp nhau đây, rồi chia tay, đường trường sông núi hẹn nhau ta sum vầy”. Gặp nhau trong tù cũng vậy thôi. Gặp nhau đây, rồi chia tay…vì lệnh “chuyển trại” có thể tới bất cứ lúc nào. Một điều ông Cầu nói có thể gây thắc mắc, đó là tôi nói chỉ làm Phép Rửa cho ông thôi. Lý do khiến phải rất thận trọng khi làm phép Rửa trong tù là vì “sau đó  thì saỏ” Làm sao giúp người đã chịu phép Rửa tiếp tục phát huy đời sống đức tin, rồi sau khi ra tù sẽ có cộng đoàn tín hữu nào đón nhận. Trường hợp ông Nguyễn hữu Cầu, tôi an tâm “làm liền”, vì thấy ông đã được Thiên Chúa trực tiếp tôi luyện, cho đối diện với cái chết từng ngày suốt hai năm trời, thực hành – tuy chưa đọc – lời trong thư  Hip-ri (12,2-3) “mắt chăm chú nhìn vào Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn đức tin. Vì niềm vui đang chờ mình ở phía trước, chính Người đã chịu khổ hình thập giá, coi thường ô nhục, và nay đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu đựng một sự chống đối như thế từ phía những người tội lỗi, để anh em khỏi sờn lòng nản chí”.

Trong câu chuyện đức tin của ông Cầu cũng như trong nhiều chuyện khác ở trong tù, tôi chỉ là

Như Một Sự Tình Cờ

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,
và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,
thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,
đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,
truyền cảm thông cho lữ khách dơn côi,
nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,
đem ủi an cho những kiếp đọa đày.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con vào thôn xóm
đem an hòa cho những ai bất thuận,
đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,
đem ủi an cho người đang sầu khổ,
đem niềm vui cho những ai bất hạnh,
đem vận may cho người gặp rủi ro.

Lạy Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,
đem may mắn cho những ai gặp được
giữa đường đời khi lỡ bước bơ vơ.
Cứ cho con đừng bao giờ khiếp sợ:
giữa biển đời mang con tim núi lửa,
với đôi tay êm ái của mẹ hiền.

Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả
cho mọi người được hạnh phúc yên vui,
còn phần con, xin gởi hết nơi Ngài
là Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống,
Ngài cho con tất cả niềm hy vọng,
để tin yêu mà vui sống trọn đờị 

Trại lao động cải tạo Z30A – 1987 – L.M. Nguyễn Công Đoan, S.J

Trong ba đề tài thuyết trình đều do linh mục Nguyễn Công Đoan đảm trách.

Đề tài phù hợp chương trình chung là ĐỨC MARIA, NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO. Đức Mẹ là Nữ Vương các thánh Tông Đồ, vì Đức Mẹ đã lãnh nhận Tin Mừng là chính Đấng Cứu Thế và là người đầu tiên đem Tin Mừng cho hai mẹ con  vị Tiền Hô. Đức Mẹ là Nữ Vương các thánh Tử Vì Đạo, vì suốt đời Đức Mẹ thông phần đau khổ của Đấng Cứu Thế, nhất là dưới chân thập giá. Từ đó đưa đến ba đề tài chính riêng biệt:

-Đức Mẹ trong sách Tin Mừng theo thánh Lu-ca

-Đức Mẹ trong sách Tin Mừng Gio-an

-Đức Mẹ trong sách Khải-huyền

Qua ba đề tài trên mặc dù với sự hiểu biết sau sắc của diễn gia và nhiệt tình lắng nghe của cộng đoàn giáo dân, đa số người nghe rất mơ hồ về ý nghĩa Đức Mẹ trong ba sách thánh trên. Nếu ba bài thuyết trình của linh mục Nguyễn Công Đoan dành cho các các linh mục, các nam nữ tu sĩ thích hợp và dễ đón nhận hơn…

Tiếp theo chương trình qua hơn ba giờ tiếp nhận tìm hiểu về Kinh thánh với diễn giả Linh mục Nguyễn Công Đoan, chương trình ngồi tòa giải tội và chuẩn bị cho chương trình kế tiếp là Lần Chuỗi Lòng Thương Xót và Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Suốt thời gian 261 năm, đã có trên 130,000 Kitô hữu anh dung hy sinh mạng sống để làm chứng cho tin mừng. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày PHONG THÁNH 117 VỊ TỬ ĐẠO VIỆT NAM đã tuyên bố: “Các vị Tử Đạo Việt Nam “gieo trong lệ sầu” , có nghĩa là các Ngài đã khởi sự giữa lớp người đồng hương và giữa nền văn hóa dân tộc một cuộc đối thoại sâu rộng và cởi mở, bằng cách nêu cao chân lý và tin vào Chúa là sự kiện phổ cập tất cả toàn cầu. Đồng thời các Ngài góp phần vào việc nhận định các giá trị và nghĩa vụ thích hợp với nến văn hóa tôn giáo trong thế giới Đông phương…”

Đến hơn bốn giờ chiều chương trình cung nghinh Tượng Đức Mẹ Thánh Du và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Bắt đầu xuất phát từ lều được làm hội trường. Đoàn người đi dọc theo con đường ban tổ chức đã định sẵn. Nắng vàng vẫn còn rực rỡ đã làm cho không khí ấm lại và mỗi người đều cầm cành lá thiên tuế trong suốt cuộc hành trình. Trên đường cung nghinh mọi người đọc kinh lần chuỗi và dừng lại đôi ba lần hướng về Đức Mẹ và Các Thánh Tử Đạo.

Chương trình kết thúc một ngày Tĩnh Tâm là Thánh Lễ bế mạc do Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, Phụ tá Tổng Giám Mục Địa Phận Toronto Canada chủ sự. Một bữa cơm chia tay ngay sau đó, một số người ra về nhưng phái đoàn Dallas còn ở lại nghỉ đêm. Sáng hôm sau, lúc 6 giờ 30 Cha Bề Trên Nguyễn Việt Hưng đã dành cho phái đoàn Bảo trợ Tu Hội Tận Hiến giáo xứ Thánh Phêrô một Thánh lễ đặc biệt với sự Chủ tế Đức Cha Nguyễn Mạnh Hiếu và bốn vị linh mục đồng tế. Trong lời mở đầu trước khi Thánh lễ bắt đầu, Cha Bề Trên Nguyễn Việt Hưng đã nhắc lại cái duyên không được dài lâu của Tu Hội Tận Hiến với Giáo xứ Thánh Phêrô. Thời gian đã hơn 6 năm, ngày nay Tu Hội Tận Hiến không còn ở Giáo xứ nữa nhưng tình cảm và sự hỗ trợ vẫn còn tiếp tục. Chị Trần Thị Thu Hương là người đại diện vẫn luôn là gạch nối trong sự gắn bó với mọi người. Nhân dịp này, phái đoàn Dallas xin chân thành cám ơn Cha Bề Trên Nguyễn Việt Hưng, Cha Trưởng Ban Tổ Chức Phạm Hữu Tâm một ngày Tĩnh Tâm, một cuộc hành hương chan chứa yêu thương.

Xin chúc mừng Trung tâm Truyền giáo Thánh Anrê Dũng Lạc còn được gọi Nhà Tĩnh Tâm Lê Thị Thành đang trên đà phát triển tốt đẹp với sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm, thiện nguyện. Chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh và tấm lòng của những con người đã bỏ công sức xây dựng nơi đây.

TRẦN KIM DINH   

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img