Thursday, March 28, 2024

Sắc màu Tết Việt trên đất Anh

 

Mẫn Thục, London

 

<photo1>

Lời toà soạn: Người Việt tại Anh là một cộng đồng lớn và đa dạng, nhưng vẫn còn là một cộng đồng “khép kín” với nhiều người – cả trong nước và hải ngoại. Chúng tôi hy vọng rằng, với những bài viết của Mẫn Thục, chúng ta sẽ có dịp biết đến một cộng đồng lớn nhưng còn đang “thầm lặng này”. Mỗi bài viết của Mẫn Thục như là một phát vẽ chân dung của cộng đồng Việt tại Anh. Cali Today hân hạnh giới thiệu đến quý độc giả cây bút Việt trẻ tuổi ở xứ Sương Mù này. Nguyễn Xuân Nam.

Cali Today News – “Cả năm có ngày Tết là vui. Vui ấy là vui chung cả mọi người, vui suốt trong xã hội, vui khắp một quốc dân; trong thế giới dễ không đâu có một cuộc vui hoàn toàn như vậy. Dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui…”

Học giả, nhà báo Phạm Quỳnh đã đề bút viết lời ngỏ như thế cho số Tết Mậu Ngọ năm 1918 của tờ báo Nam Phong do ông làm chủ bút, đây cũng được xem như ấn phẩm báo Tết đầu tiên của làng báo Việt Nam. Hơn trăm năm trôi qua, những người con mang dòng máu Việt đã đi khắp bốn phương, cũng mang theo giọng nói quê nhà, mang những tập tục, truyền thống, mang ngày lễ ngày hội quê mình đến những miền sẽ thành quê mới. Có những đất mà người cùng tiếng nói tụ tập thành phố, thành phường, lập hội, lập chợ. Lại có những xứ đồng hương thưa thớt, có những miền đến Tết Âm lịch hãy còn đang giữa mùa đông, mùa xuân vẫn lạc bước phía sau, chưa thấy cảnh “giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở” như nhà báo Phạm Quỳnh mô tả. Liệu cái Tết ở phương xa có giữ nguyên hương vị, có còn là “một cuộc vui hoàn toàn” chăng, hay Tết càng khiến cho nỗi lòng phức tạp xen lẫn nhiều nỗi buồn vui? Nhật báo Calitoday xin gửi đến quý độc giả bức tranh Tết Việt ở Vương quốc Anh, để cùng chia sẻ chút không khí Tết, tâm trạng Xuân trong cộng đồng người Việt bốn phương với nhau.

 

Một cái tên cho Tết

 

Trước đây, những người châu Á có đặc điểm da vàng, tóc đen, dáng người nhỏ bé sẽ có lúc có gặp phải trải nghiệm không mấy thích thú khi đi chợ hay đi mua sắm ở Anh: họ thỉnh thoảng được người bán hàng chào hỏi bằng câu “Ni hao!” Đúng vậy, bất kể bạn là người Việt, Philipine, Thái hay Cambodia, người “Tây” đều dễ nhầm bạn là người Trung Quốc. Càng ngày, cái sự “xã giao bề mặt” đó mới trở nên ý tứ hơn, những người bán hàng nếu muốn tỏ ra thân thiện ít nhất cũng sẽ hỏi “Where are you from?” thay vì khiến khách hàng phật lòng bằng sự phỏng đoán có phần hời hợt của mình.

Cũng là trước đây, không hiếm thấy trường hợp gần đến Tết Âm lịch, những người bạn nước ngoài có quan hệ không quá thân cận với bạn có thể hỏi bạn một câu xã giao, “Bạn có ăn Tết Tàu không?” Hoặc bạn sẽ nhận được một (vài) tấm thiệp điện tử với hai màu chủ đạo đỏ – vàng cùng dòng chữ Happy Chinese New Year. Nếu lời chúc đó được trao cho một người Việt, hẳn người ấy sẽ không tiếc chút thời gian mà giải thích rằng ngoài Trung Quốc ra thì vẫn còn bốn quốc gia khác mừng ngày Tết cổ truyền theo lịch âm, trong đó có Việt Nam, nên dịp này hẳn là được gọi là Tết Âm lịch (Lunar New Year) sẽ thỏa đáng hơn. Một chút việc tưởng chừng là nhỏ như vậy, mà muốn thay đổi đã không dễ dàng. Tuy nhiên với sự kiên trì của những người “khó tánh” dần dần cái ấn tượng “Tết Tàu” cũng đã bị lay chuyển chút ít, nhiều người phương Tây đã nhận định Tết Âm lịch là dịp lễ hội truyền thống của vài quốc gia Đông phương còn dùng Âm lịch thay cho khái niệm đó là Tết của người Hoa. Chặng đường tuy còn xa, nhưng chỉ cần có người chịu bước ra những bước chân đầu tiên, vậy khoảng cách đến mục tiêu sẽ ngày càng ngắn lại.

 

Tết ở Anh có gì vui?

 

Nếu hỏi một người Việt ở Anh rằng Tết của họ có gì vui, có khả năng cao câu trả lời sẽ là “Về nhà vui!” Và câu trả lời này cũng không mấy bất ngờ, bởi cộng đồng người Việt ở Anh còn khá trẻ. Họ không có một lịch sử di cư, định cư lâu đời như người Việt ở Pháp, ở Mỹ, bởi vậy cũng hầu như rất hiếm thấy các gia đình tam, tứ đại đồng đường, hay thân thuộc sống gần nhau, lái xe mấy tiếng có thể gom đủ mặt cô dì chú bác anh chị em họ, vì thế cái tinh thần, cái cốt lõi nhất của Tết là sự đoàn viên vẫn phần nhiều nằm ở phía quê hương. Ở Anh, có thể họ đã nhập quốc tịch, đã lập gia đình, đã sinh con cái, đã hòa nhập vào xã hội Anh và tìm thấy ở nơi này một mái nhà, nhưng chưa đủ lâu, chưa đủ sâu để thành quê nhà. Trước đây, mỗi năm cứ đến giáp Tết thì cái không khí vui vẻ, háo hức, rộn ràng nhất tập trung ở Terminal 4 của sân bay Heathrow, nơi dễ thấy từng đoàn người tay đẩy hành lý tay dắt con nhỏ chờ về quê ăn Tết, hòa vào dòng du khách nước khác chuẩn bị bay sang Việt Nam để cảm nhận không khí lễ hội.

Tuy vậy, không phải ai cũng có điều kiện trở về. Bởi vì Tết Âm lịch quá gần kỳ nghỉ Giáng sinh và Tết Dương lịch, nên rất khó để thu xếp thời gian. Chi phí quá cao cho một chuyến về, bao gồm vé máy bay và chi tiêu trong thời gian ở quê vốn là một rào cản với nhiều người. Càng chưa nói đến hai năm 2020 và 2021, khi đại dịch Covid-19 khiến cho đường bay Anh-Việt bị đóng cửa, càng khiến cho việc “về nhà ăn Tết” trở thành bất khả với hầu hết mọi người. Thời điểm cận Tết Nhâm Dần 2022, đường bay quốc tế từ Anh đã được mở lại một phần nhưng số chuyến bay hạn chế, giá vé bay một chiều (kèm gói cách ly 7 ngày tại khách sạn) được cho là “cắt cổ” so với thời điểm thông thường, nên trừ một số người chọn bay đến Campuchia và nhập cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài – vẫn tương đối đắt đỏ và thủ tục rườm rà – thì đa số đều chọn ở lại đón Tết tại nước Anh.

 

<photo2>

Góc Tết Việt tại tu viện Chân Không, London (Ảnh: Chan Khong Monastery UK)

 

Ngay cả khi không khí Tết Âm lịch ở Anh không quá nồng đậm, ngày Tết Ta cũng không phải là ngày nghỉ chính thức, thì với những ai còn chưa tách rời hẳn cái gốc gác Việt của mình hẳn sẽ cảm thấy “thiếu thiếu” gì đó nếu để ngày Tết trôi đi như mọi ngày. Ít nhiều gì cũng phải chuẩn bị đôi chút, phải dọn dẹp nhà cửa tươm tất gọn gàng, phải cắm bình hoa có màu sắc tươi sáng, phải hẹn gặp nhau nấu vài món ăn quen thuộc ngày Tết, cho con cái có dịp gặp gỡ chơi đùa cùng nhau, phải xúng xính áo mới đi du xuân và chụp ảnh để cho người thân ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào trên thế giới cùng vui. Có thể nói ngày Tết và những hoạt động chuẩn bị Tết chính là một dịp để người Việt ở Anh xích lại gần nhau hơn.

Theo thống kê, ở Anh có hơn 50,000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc (hợp pháp). Con số này khá khiêm tốn khi so với cộng đồng người Việt ở Mỹ, Pháp, Nga, Đức,… Cho dù cũng có một số khu vực, thành phố nhiều người Việt cùng sinh sống như khu Hackney, khu Deptford ở London, hay các thành phố như Liverpool, Birmingham, Manchester,… nhưng mức độ tập trung không đủ thành quần thể như người Hoa. Họ cũng hình thành những hội nhóm, những cộng đồng, nhưng thường phân tán thành các nhóm nhỏ có đặc điểm, hoàn cảnh, nền tảng tương tự nhau: cộng đồng du học sinh, nhóm những người đã tốt nghiệp và đi làm, hội các chị em lấy chồng ở Anh, hội làm nails, và thậm chí hội “người rơm” – nhập cư trái phép cũng có mà ở “chui” khi visa hết hạn cũng có; họ có tính cục bộ khá cao, nhóm nào chơi với nhóm ấy, ít giao thoa và gắn kết, dù vẫn có giao lưu. Họ cũng không có một chương trình như Thúy Nga hay Asia với những nghệ sĩ Việt nổi danh, nhắc đến tên hầu như không có người Việt nào không biết, dù đang ở đâu. Họ không có hẳn một khu chợ Việt như chợ Đồng Xuân ở Berlin. Và kể cả qua hai “năm Covid” khiến cho hầu hết người Việt đều ở lại nước Anh đón Tết, thì người Việt ở Anh lộ diện trên những trang báo Việt cũng chỉ qua những bài viết sơ lược về nỗi nhớ nhà, về việc hẹn nhau họp mặt online hay tự gói bánh chưng. Nói vậy, nhưng nhìn kỹ hoặc nhìn từ bên trong, thì trên nền bức tranh về sinh hoạt của người Việt ở Anh, cho dù gam màu chủ đạo có tương đối nhạt nhòa, thì vẫn đây đó nổi lên những nét chấm phá, và tính dân tộc, tình quê hương dù không được phô bày một cách mãnh liệt thì vẫn luôn tồn tại, như một dòng chảy êm và tĩnh, kéo dài không dứt.

Tết, nếu trừ khoản sum họp đoàn viên với cả đại gia đình là hơi khó ra, còn lại vẫn xoay quanh ba khoản: ăn, mặc, chơi. Đôi khi cái tính giải trí, cái sự “chơi” bao hàm luôn trong quá trình trang trí nhà cửa, trong quá trình rủ nhau gói bánh chưng, hay trong việc lên mạng hỏi nhau “ Có ai sang Anh lúc này không (từ Anh về mới khó chứ từ Việt bay qua Anh thì bình thường) cầm giúp tôi mấy cái áo dài” rồi nhân dịp mở cái topic trên diễn đàn của người Việt mà lấy đó làm nơi trao đổi, hỏi han, hẹn hò nhau cũng đã khơi lên một chút không khí Tết rồi.

 

<photo3>

Du học sinh Việt gói bánh chưng đón Tết ở Anh (Ảnh: viethome.co.uk)

 

 “Càng đông càng vui” là cách nghĩ phổ biến của các bạn trẻ, độc thân, đa số là sinh viên. Nếu không vướng lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, các bạn có thể hẹn hò xuyên vùng, từ nơi này chạy sang thành phố khác để gặp nhau cùng gói bánh chưng, cuốn chả giò, và làm một bữa tiệc đúng kiểu người trẻ với đủ món Đông – Tây, mỗi người một tay mà góp sức. Trước đó, trong nhóm có thể có những người chỉ trò chuyện với nhau trên mạng, chưa từng gặp ngoài đời, hoặc quen nhau thông qua những người bạn chung. Tết của người lao động tay chân thì sự tụ tập dường như là để vơi đi nỗi buồn xa xứ, nỗi nhớ quê hương, để có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhau bằng thứ tiếng họ nghe hiểu tốt nhất, hơn là một dịp vui đơn thuần như những người trẻ. Đối với người đã trưởng thành, có gia đình con cái, họ thường ít tụ tập tiệc tùng mà có xu hướng đón một cái Tết ấm cúng chỉ có người nhà, và một số bạn bè thân thiết nhất.

Gói và luộc bánh chưng có lẽ là phần việc rườm rà nhất, mà vui nhất, và đặc trưng nhất trong số các món ăn ngày Tết. Ở Anh tuy không có những khu thương mại hay chợ người Việt, nhưng có không ít siêu thị Việt và các cửa hàng tạp hóa của người Việt. Tại hệ thống siêu thị Longdan, siêu thị Việt lớn nhất ở Anh, bạn có thể tìm đủ từ nếp, đậu xanh, tiêu đen, nước mắm, cho đến lá dong hoặc lá chuối đông lạnh. Chỉ cần ghé siêu thị thông thường mua thịt ba chỉ nữa là đủ. Muốn mua lá chuối tươi thì chịu khó ghé các siêu thị Thái là có ngay. Nguyên vật liệu đủ rồi, một đoàn người chia nhau người rửa lá xếp lá, người chuẩn bị ngâm nếp ngâm đậu ướp thịt, rồi người làm khuôn tự chế (bởi vì mấy ai có sẵn cái khuôn bánh chưng trong nhà) rồi gói bánh, luộc bánh, nhiều tay góp vào việc sẽ đỡ mệt, lại nhanh và vui. Ở Anh cũng sẽ chẳng mấy nhà có cái nồi to luộc bánh, cũng không ai đốt bếp củi ngồi canh cả đêm mùa đông, nên thường bánh sẽ được luộc trong nồi áp suất, thời gian luộc bánh chỉ cần chưa đến hai tiếng đồng hồ với bánh cỡ trung.

Tết còn là dịp để thể hiện sự quan tâm tới những người thân cận. Người Việt ở Anh không biếu nhau những hộp, những giỏ quà Tết như ở Việt Nam. Thường thì đi kèm cánh thiệp chỉ có những món quà giản dị, thực dụng như bó hoa tươi, chậu cây hoa thích hợp trồng trong nhà, chai rượu vang, hoặc bánh trái. Tôi có cô bạn từ Leeds mang xuống cho tôi cái bánh chưng tự gói, tôi cũng từng xếp hai cái bánh tét vào một hộp giấy gọn gàng gửi chuyển phát nhanh cho người bạn ở Durham.

Tết của người không thích bận rộn “làm nhiều chớ ăn bao nhiêu”, dù ở Việt hay Anh, thì thôi khỏi nhức đầu với lá chuối lá dong, lạt buộc, đậu xanh cà vỏ, nếp cái hoa vàng, thịt ba chỉ nọ kia, cũng không cần cuốn chả giò, kho thịt hay ngồi canh chảo mứt: thời này thứ gì mua sẵn cũng có. Không chỉ có ở siêu thị Việt, mà các bếp Việt bán online tại những thành phố lớn như London, Birmingham… đều sẽ có, và có đầy đủ mọi món ăn từ món chính đến món ăn chơi ngày Tết. Món gì đang “hot” ở Việt Nam cũng sẽ được cập nhật rất nhanh. Chỉ cần bạn muốn, qua vài cú click chuột, mọi thứ sẽ được giao đến tận nhà. Mâm ngũ quả cầu “dừa” đủ xài (kèm thêm quả gì đó cho đủ số), rồi giò chả lạp xưởng, bánh chưng chay mặn, bánh tổ, mứt tết các loại, cho đến chân gà ngâm sả tắc, bánh tráng trộn, trà sữa hay gà ủ muối, ngày hôm trước chế biến ngày hôm sau đã xuất hiện trên bàn ăn nhà bạn, nhờ hệ thống chuyển phát nhanh làm việc rất tốt, và cũng nhờ nước Anh có diện tích tương đối nhỏ.

Khoản “ăn” đã được giải quyết – hoặc tiện lợi gọn gàng bằng cách mua sắm hết, hoặc mang chút tính “nghi thức” với mọi việc đều được tự tay chuẩn bị tỉ mỉ, đủ đầy – tiếp theo là bố trí một không gian Tết trong nhà, và những hoạt động đón Tết, Calitoday thân mời quý độc giả đón xem ở phần tiếp theo.

(Mẫn Thục, London)

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img