Tuesday, March 19, 2024

Trung Quốc dùng DNA để theo dõi người dân của họ với sự giúp đỡ của công nghệ Mỹ

Mai Hưng

VNTB – Chính quyền Trung Quốc đã nhắm tới một công ty ở Massachusetts và một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Yale khi họ xây dựng hệ thống theo dõi và kiểm soát khổng lồ.

Chính quyền (TQ) gọi đó là kiểm tra sức khỏe miễn phí. Tuy nhiên, Tahir Imin có những nghi ngờ riêng của mình.

Họ lấy mẫu máu, quét nhận dạng mặt, ghi âm giọng nói và lấy dấu vân tay của một người Hồi giáo 38 tuổi. Họ không bận tâm đến việc kiểm tra tim mạch hoặc thận của người đó, và họ từ chối yêu cầu được biết kết quả (xét nghiệm).

Họ nói, “Ông không có quyền hỏi điều đó”, người đàn ông có tên là Imin này nói. Họ nó “Nếu muốn hỏi thêm, thì ông có thể đến chỗ cảnh sát mà hỏi”.

Ông Imin là một trong số hàng triệu người bị bắt buộc tham gia vào một chiến dịch giám sát và đàn áp sâu rộng của Trung Quốc. Để tập trung hoàn thành chiến dịch này, các nhà chức trách Trung Quốc đang thu thập các mẫu DNA – và họ đã nhận được sự hợp tác không thể tin được và thuật lý (công nghệ) từ Hoa Kỳ để thực hiện điều đó.

Trung Quốc muốn khiến buộc những người thuộc sắc dân Duy Ngô Nhĩ, nhóm sắc dân chủ yếu là người Hồi giáo, phải phục tùng đảng cộng sản nhiều hơn. Trung Quốc đã giam giữ tới một triệu người trong trại cải tạo giáo dục (cải giáo) Hồi giáo, vốn bị các nhóm bảo vệ nhân quyền lên án và chính quyền Trump đe dọa trừng phạt.

Thu thập các dữ liệu di truyền là một phần quan trọng của chiến dịch này của Trung Quốc, theo các nhóm hoạt động nhân quyền và các nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ. Họ nói rằng một cơ sở dữ liệu DNA toàn diện, sâu rộng có thể được sử dụng để truy bức bất kỳ một người Duy Ngô Nhĩ nào mà chống lại việc tuân thủ chiến dịch.

Các lực lượng cảnh sát ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã sử dụng cơ sở dữ liệu di truyền từ các thành viên trong gia đình để truy tìm nghi phạm và phá án. Các quan chức Trung Quốc, những người đang xây dựng một cơ sở dữ liệu mẫu DNA rộng khắp cả nước, đã trích xuất các lợi ích chống tội phạm từ các nghiên cứu di truyền của chính Trung Quốc.

Để tăng cường các năng lực của cơ sở dữ liệu DNA của họ, các nhà khoa học có liên hệ với cảnh sát Trung Quốc đã sử dụng các thiết bị do Thermo Fisher, một công ty ở Massachusetts sản xuất. Để so sánh với DNA của người Duy Ngô Nhĩ, họ cũng dựa vào các cơ sở dữ liệu di truyền từ tất cả mọi sắc tộc khác trên khắp thế giới được cung cấp bởi Kenneth Kidd, một nhà di truyền học nổi tiếng của Đại học Yale.

Hôm thứ Tư, Thermo Fisher cho biết họ sẽ không bán các thiết bị của mình ở Tân Cương, một phần của Trung Quốc, nơi mà chiến dịch theo dõi, truy bức người Duy Ngô Nhĩ đang chủ yếu diễn ra. Trong một tuyên bố riêng rẽ trước đó với Thời báo New York, Công ty này đã tuyên bố rằng họ đang làm việc với các quan chức Mỹ để tìm hiểu việc công nghệ của Công ty này đang được sử dụng như thế nào.

Tiến sĩ Kidd nói rằng ông đã không biết là các cơ sở dữ liệu và bí quyết công nghệ (thuật lý) của ông đã bị lợi dụng như thế nào.

Ông nói ông tin rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã hành động theo các chuẩn mực khoa học, tức là cần có được sự đồng ý của những người cung cấp các mẫu DNA.

Chiến dịch của Trung Quốc (hiện nay tại Tân Cương) đặt ra một thách thức trực tiếp đối với cộng đồng khoa học và đối với cách những tri thức tiên tiến trở thành những tài sản chung của nhân loại. Chiến dịch này phụ thuộc một phần vào cơ sở dữ liệu DNA công cộng và công nghệ thương mại, phần lớn được thực hiện hoặc quản lý tại Hoa Kỳ. Đổi lại, các nhà khoa học Trung Quốc đã đóng góp các mẫu DNA của người Duy Ngô Nhĩ vào cơ sở dữ liệu toàn cầu này, có khả năng vi phạm các chuẩn mực khoa học về sự đồng ý của những người cung cấp các mẫu DNA.

Mark Munsterhjelm, Phó giáo sư tại Đại học Windsor, Ontario, người đã theo dõi chặt chẽ việc sử dụng công nghệ của Mỹ tại Tân Cương cho biết sự hợp tác từ cộng đồng khoa học toàn cầu “đã hợp pháp hóa loại hình giám sát di truyền này”.

Lấy mẫu xét nghiệm từ hàng triệu người

Tại Tân Cương, khu vực phía tây bắc Trung Quốc, chương trình này được biết đến với tên gọi là “Sức khỏe cho mọi người”.

Từ năm 2016 đến 2017, gần 36 triệu người đã tham gia vào chương trình này, theo Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức của Trung Quốc. Các nhà chức trách đã thu thập các mẫu DNA, hình ảnh của tròng đen (của mắt) và các dữ liệu cá nhân khác, theo các nhóm người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm hoạt động nhân quyền. Không rõ liệu một số cư dân có tham gia chương trình này nhiều hơn một lần hay không – dân số Tân Cương vào khoảng 24,5 triệu người.

Trong một tuyên bố, chính quyền khu vực Tân Cương đã phủ nhận việc họ thu thập các mẫu DNA như một phần của chiến dịch kiểm tra y tế miễn phí. Họ cho biết các máy móc thiết bị DNA được chính quyền Tân Cương mua là để sử dụng nội bộ.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã duy trì một ách kìm kẹp sắt máu đối với Tân Cương. Trong những năm gần đây, người ta đã đổ lỗi cho người Duy Ngô Nhĩ về một loạt các vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương và các nơi khác ở Trung Quốc, bao gồm cả một vụ việc xảy ra hồi năm 2013, trong đó một tài xế đã đánh đập hai người khác tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.

Vào cuối năm 2016, đảng cộng sản Trung Quốc đã bắt tay vào chiến dịch biến người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo đông người khác thành những người ủng hộ trung thành. Chính phủ đã giam giữ hàng trăm ngàn người trong số họ trong các trại huấn luyện giáo dục đào tạo việc làm, được đánh bóng, được chào hàng như một phương cách để thoát nghèo, thoát khỏi lạc hậu và Hồi giáo cực đoan. Họ cũng bắt đầu lấy các mẫu DNA.

Ít nhất, trong một số trường hợp, nhiều người đã không cung cấp các mẫu cơ sở dữ liệu di truyền của họ một cách tự nguyện. Để huy động người Duy Ngô Nhĩ đi kiểm tra y tế miễn phí, cảnh sát và cán bộ địa phương đã gọi điện hoặc gửi cho họ các tin nhắn, nói với họ rằng việc kiểm tra là bắt buộc, theo những người Duy Ngô Nhĩ được The Neww York Times phỏng vấn.

Darren Byler, một nhà nhân chủng học tại Đại học Washington, người đã nghiên cứu về hoàn cảnh và điều kiện sống của người Duy Ngô Nhĩ, cho biết “Họ không có sự lựa chọn nào khác”.

Tiến sĩ Kidd được mời

Năm 1981, lần đầu tiên Kenneth Kidd đến thăm Trung Quốc và hết sức tò mò về đất nước này. Vì vậy, khi nhận được lời mời vào năm 2010 cho một chuyến đi miễn phí đến thăm Bắc Kinh, ông đã đồng ý.

Tiến sĩ Kidd là một tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực di truyền học. Vị Giáo sư của Đại học Yale 77 tuổi này đã giúp làm cho các bằng chứng DNA dễ được chấp nhận hơn tại các tòa án Mỹ.

Các vị chủ nhà Trung Quốc có nền tảng riêng của họ trong việc thực thi pháp luật. Họ là những nhà khoa học của Bộ Công an – về cơ bản, là của lực lượng cảnh sát Trung Quốc.

Trong chuyến đi đó, Tiến sĩ Kidd đã gặp Li Caixia, trưởng bác sĩ pháp y của Viện Khoa học Pháp y. Mối quan hệ ngày càng sâu đậm. Vào tháng 12 năm 2014, Tiến sĩ Li đã đến làm việc tại phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Kidd, trong khoảng thời gian 11 tháng. Bà này đã lấy một số mẫu DNA và mang trở về Trung Quốc.

Tiến sĩ Kidd cho biết “Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi đang chia sẻ các mẫu cho công cuộc hợp tác nghiên cứu”.

Tiến sĩ Kidd không phải là nhà di truyền học nước ngoài nổi bật duy nhất đã làm việc với chính quyền Trung Quốc. Bruce Budowle, giáo sư tại Đại học Bắc Texas, cho biết trong tiểu sử trực tuyến của mình rằng ông đã hoặc đang làm việc với tư cách là thành viên của một ủy ban học thuật tại Viện Khoa học Pháp y của Bộ Công an TQ.

Jeff Carlton, phát ngôn viên của trường đại học, cho biết trong một tuyên bố rằng vai trò của giáo sư Budowle, với Bộ công an TQ, “về bản chất, chỉ mang tính biểu tượng” và rằng ông đã “không thực hiện một công việc nào nhân danh Bộ công an TQ cả”.

“Tiến sĩ Budowle và nhóm làm việc của ông ghê tởm việc sử dụng công nghệ DNA để bức hại các nhóm sắc tộc hoặc tôn giáo”, ông Mr. Carlton nói trong bản tuyên bố như vậy. “Công việc của họ tập trung vào điều tra tội phạm và chống lại nạn buôn người để phục vụ nhân loại”.

Cơ sở dữ liệu của Tiến sĩ Kidd đã trở thành một phần của chiến dịch lấy mẫu bắt buộc DNA của Trung Quốc.

Hồi năm 2014, các nhà nghiên cứu của Bộ Công an TQ đã xuất bản một bài báo mô tả cách thức mà theo đó các nhà khoa học có thể phân biệt một nhóm sắc dân này với một nhóm sắc dân khác. Bài báo này đã trích dẫn, như một ví dụ, khả năng phân biệt người Duy Ngô Nhĩ với người Ấn Độ. Các tác giả cho biết họ đã sử dụng 40 mẫu DNA lấy từ người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc và các mẫu từ các nhóm dân tộc khác từ phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Kidd, Đại học Yale.

Trong các đơn xin cấp bằng sáng chế được nộp tại Trung Quốc vào năm 2013 và 2017, các nhà nghiên cứu của Bộ này (Công an TQ) đã mô tả các cách sắp xếp, phân loại mọi người theo các đặc điểm tộc người bằng cách kiểm tra, sàng lọc các thành phần di truyền của họ. Họ lấy các cơ sở dữ liệu di truyền của người Duy Ngô Nhĩ và so sánh nó với DNA từ các nhóm sắc dân khác. Trong hồ sơ (xin cấp bằng sáng chế) năm 2017, các nhà nghiên cứu (của Bộ Công an TQ) giải thích rằng hệ thống của họ sẽ “giúp suy ra nguồn gốc địa lý từ các mẫu DNA mà nghi phạm để lại tại hiện trường vụ án”.

Để so sánh với các mẫu DNA bên ngoài TQ, họ đã sử dụng các mẫu DNA được cung cấp bởi phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Kidd, hồ sơ xin cấp bằng sáng chế các nhà nghiên cứu của Bộ Công an TQ năm 2017 cho biết như vậy. Họ cũng sử dụng các mẫu từ Dự án 1000 mẫu Gien di truyền, một danh mục công khai về các bộ gien từ khắp nơi trên thế giới.

Paul Flicek, thành viên ban chỉ đạo của Dự án 1000 mẫu gien di truyền, nói rằng dữ liệu của họ không bị hạn chế và rằng “không có vấn đề đáng kể nào nếu nó được sử dụng để xác định nguồn gốc mẫu DNA từ đâu đến”.

(Tuy nhiên), nguồn dữ liệu cũng diễn biến theo một đường hướng khác.

Các nhà nghiên cứu của chính quyền Trung Quốc đã đóng góp các dữ liệu của 2.143 người Duy Ngô Nhĩ vào Cơ sở dữ liệu thường dùng Allele, một nền tảng tìm kiếm trực tuyến do Tiến sĩ Kidd điều hành, được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tài trợ một phần, cho đến năm ngoái. Cơ sở dữ liệu này, được gọi là Alfred, chứa dữ liệu DNA từ hơn 700 sắc dân trên toàn thế giới.

Việc chia sẻ dữ liệu này có thể vi phạm các tiêu chuẩn khoa học về sự đồng ý vì không rõ liệu những người Duy Ngô Nhĩ liệu có tình nguyện cho chính quyền Trung Quốc lấy mẫu DNA của họ hay không, Arthur Caplan, người sáng lập bộ môn y đức tại Đại học Y khoa New York. Ông nói rằng “không một ai có mặt trong cơ sở dữ liệu mà không có sự đồng ý rõ ràng của người ấy”.

“Nói một cách trung thực, có một sự ngây thơ từ phía các nhà khoa học Mỹ cho rằng những người khác sẽ tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn tương tự tại bất cứ nơi nào mà tiến hành”, tiến sĩ Caplan nói.

Tiến sĩ Kidd nói rằng ông “không lấy gì làm đặc biệt hạnh phúc” khi biết được rằng Bộ Công an TQ đã trích dẫn các cơ sở dữ liệu của ông cho các bằng sáng chế của họ (của Bộ Công an TQ), và nói rằng dữ liệu của ông không nên được sử dụng theo những cách thức mà có thể cho phép những người hoặc các định chế mà có khả năng thu lợi từ nó. Nếu chính quyền Trung Quốc sử dụng dữ liệu mà họ có được từ sự hợp tác trước đó với ông, Tiến sĩ Kidd nói thêm, thì ông không có thể làm gì được nhiều để ngăn chặn họ.

Ông nói rằng ông không biết gì về hồ sơ sự vụ này cho đến khi được The Neww York Times gọi điện liên hệ.

Tiến sĩ Kidd cũng cho biết ông coi sự hợp tác của mình với Bộ Công an TQ không khác gì công việc của ông với các phòng thí nghiệm của cảnh sát và pháp y ở các nơi khác trên thế giới. Ông nói rằng các chính quyền nên được quyền truy cập vào dữ liệu về các nhóm sắc tộc, không chỉ là nhóm sắc tộc thống trị, để có một bức tranh chính xác về dân số tổng thể.

Đối với vấn đề cần có sự đồng ý của người cho mẫu DNA, ông nói rằng trách nhiệm của việc đáp ứng tiêu chuẩn đó thuộc về các nhà nghiên cứu Trung Quốc, mặc dù ông nói rằng các báo cáo về những gì mà người Duy Ngô Nhĩ phải gánh chịu ở Trung Quốc đã đặt ra một số câu hỏi khó.

“Tôi cho rằng họ đã được thông báo về sự đồng thuận khi cho lấy các mẫu”, ông nói, “mặc dù tôi phải nói rằng những gì tôi đã nghe trong những tin tức gần đây về việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ làm tăng các mối quan ngại”.

Hồi năm 2015, Tiến sĩ Kidd và Tiến sĩ Budowle đã phát biểu tại một hội nghị về Gien di truyền tại thành phố Tây An của Trung Quốc. Nó được tài trợ một phần bởi Thermo Fisher, một công ty đã bị chỉ trích dữ dội về doanh số bán các thiết bị của nó cho Trung Quốc, và bởi Illumina, một công ty ở San Diego chuyên sản xuất các công cụ giải mã trình tự các gen. Illumina đã không đáp ứng yêu cầu bình luận.

Trung Quốc đang tăng cường các chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu. Thị trường Trung Quốc đối với các thiết bị giải mã trình tự các gen và các công nghệ khác đạt trị giá 1 tỷ đô la trong năm 2017 và có thể tăng hơn gấp đôi trong năm năm tiếp theo, theo CCID Consulting, một công ty nghiên cứu. Nhưng thị trường Trung Quốc được điều tiết một cách lỏng lẻo và không phải lúc nào cũng biết rõ thiết bị được gửi đi những đâu hoặc sử dụng chúng vào những mục đích gì.

Thermo Fisher bán tất cả mọi thứ, từ các dụng cụ phòng dùng cho phòng thí nghiệm đến các bộ dụng cụ xét nghiệm DNA pháp y cho máy lập bản đồ DNA, giúp các nhà khoa học giải mã được nguồn gốc tộc người của một người cụ thể nào đó và xác định các tật bệnh mà người đó đặc biệt dễ bị tổn thương. Trung Quốc chiếm 10% doanh thu của Thermo Fisher, 20,9 tỷ đô la, theo báo cáo thường niên của công ty 2017, và Cty của họ sử dụng gần 5.000 người lao động.

Theo VNTB

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img