Friday, March 29, 2024

Toà phúc thẩm cho phép thực thi quy định gánh nặng xã hội, ngoại trừ 3 tiểu bang

(CBS News) – Toà Phúc thẩm liên bang vào thứ Tư hạn chế án lệnh ngăn chặn thực thi quy định gánh nặng xã hội gây tranh cãi đối với thẻ xanh và thị thực di dân, cho phép chính phủ tiếp tục chính sách này ở tất cả mọi tiểu bang ngoại trừ New York, Connecticut và Vermont. 

Toà Phúc thẩm phần nào gạt phán quyết của thẩm phán liên bang New York vào tháng trước, người cho rằng quy định gánh nặng xã hội đang ngăn cản những nỗ lực khống chế virus corona bằng cách làm nản lòng người nhập cư xin hỗ trợ công, trong đó có điều trị y tế trong suốt thời gian đại dịch. Thẩm phán Peter Hall không đưa ra lý do trong án lệnh vắn tắt chỉ 1 đoạn, trong đó gạt quyết định của toà cấp dưới ở tất cả mọi nơi, trừ 3 tiểu bang trên. Tất cả 3 tiểu bang này đều khởi kiện chính phủ Trump về quy định gánh nặng xã hội. 

Án lệnh vào thứ Tư là một chiến thắng tạm thời cho chính phủ ông Trump, và chính sách được xem là hạn chế sâu rộng nhất đối với di dân hợp pháp trong những năm gần đây. Quy định của Bộ Nội an cho nhân viên di trú thêm quyền hạn từ chối cấp thẻ xanh cho những đương đơn sống dựa vào trợ cấp chính phủ, hay có nguy cơ sẽ dựa dẫm vào những chương trình của chính phủ như như trợ cấp gia cư hay tem phiếu thực phẩm. 

Quy định gây khó khăn hơn cho di dân có được tình trạng di trú hợp pháp nếu họ sử dụng những chương trình phúc lợi xã hội. “Gánh nặng xã hội” là cụm từ của chính phủ dành cho di dân không có quốc tịch, những người nhận hỗ trợ tài chánh hoặc trợ cấp xã hội trong thời gian dài, bao gồm sử dụng  trợ cấp tiền mặt, chương trình trợ cấp cho người già SSI, Chương trình TANF Temporary Assistance to Needy Families – trợ cấp tiền mặt cho các gia đình nghèo khó. 

Quy định của chính phủ mở rộng định nghĩa phúc lợi xã hội có thể bị xem là gánh nặng xã hội, như trợ cấp y tế, Tem phiếu Thực phẩm SNAP, trợ cấp gia cư Section 8, nhà ở công công.  Theo quy định mới, dân nộp đơn xin thẻ xanh – bước đi trước khi nộp đơn xin nhập tịch – sẽ được đánh giá dựa vào một số loại trợ cấp mà lâu nay họ nhận được từ chính phủ liên bang ít nhất 12 tháng trong khoảng thời gian 36 tháng. 

 

Quy định gánh nặng xã hội lẽ ra bắt đầu có hiệu lực vào tháng 10 năm 2019, nhưng phán quyết từ các thẩm phán liên bang đã trì hoãn thực thi cho đến tháng 2, sau khi Tối cao Pháp viện can thiệp, bác bỏ án lệnh của các toà cấp dưới. 

Vào tháng Tư, tổng biện lý tiểu bang New York, Connecticut và Vermont yêu cầu Tối cao Pháp viện xem lại quyết định với lập luận, quy định gánh nặng xã hội đang làm tổn thương những cộng đồng người nhập cư bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus corona. Toà Tối cao từ chối yêu cầu này, nhưng để mở cánh cửa cho các tiểu bang theo đuổi ở toà cấp dưới. 

Các tiểu bang đệ lên toà tuyên bố từ các bác sĩ, viên chức địa phương và giới ủng hộ, những người cho rằng, di dân trên khắp quốc gia lo sợ có thể làm hỏng tình trạng di trú khi tìm cứu trợ chính phủ và điều trị y tế trong suốt thời gian đại dịch. 

Viện dẫn những tuyên bố này, Thẩm phán liên bang tại New York, ông George Daniels vào tháng 7 phán quyết, đại dịch COVID 19 càng ngày càng tồi tệ cho thấy tính khẩn thiết. “Những tác hại về mặt lý thuyết trước đây đã chứng minh có thực. Chúng ta không còn cần phải tưởng tượng cảnh tượng xấu nhất, chúng ta đang trải qua những tác động đầy kịch tính trên thực tế,” ông Daniels nói. 

Thẩm phán nhấn mạnh những nguy hiểm mà quy định có thể đặt ra giữa đại dịch, bất chấp một cảnh báo từ Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ rằng điều trị và các dịch vụ liên quan COVID 19 sẽ không được tính để bác đơn. 

Daniels trong phán quyết vào tháng 7 cũng ngưng quy định gánh nặng xã hội của Bộ Ngoại giao, được áp dụng cho những người ở nước ngoài nộp đơn xin thị thực di trú. Quy định này đòi hỏi các viên chức di trú xác định nếu đương đơn có khả năng trở thành gánh nặng xã hội bằng cách phân tích tình trạng giàu có, tuổi tác, trình độ, khả năng Anh ngữ, sức khoẻ và những yếu tố khác. 

Hương Giang (Theo abc News) 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img