Monday, March 27, 2023
spot_img

TỈNH NHƯ RUỒI

Cali Today News – Bữa hổm, Tư tui có việc lên miền Bắc Cali, vô một tiệm ăn nho nhỏ có món Mì hải cảo tuyệt cú mèo, đang ăn ngon miệng, bỗng một chú ruồi tỉnh bơ đáp xuống mặt bàn, mon men tính tấn công đĩa rau. Tư tui nhe răng cười “làm quen” với bà chủ tre trẻ, và chỉ tay vào chú ruồi, ý muốn nhờ bà chủ tìm cái chi đập giùm chú này, tưởng rằng bà chủ sẽ ra tay triệt hạ tên “ruồi chệt” xâm lăng lì lợm kia, ai dè, bà chủ còn tỉnh bơ hơn ruồi, chỉ nhún vai rồi quay đi. Thấy thái độ bà chủ tỉnh bơ hơn con ruồi, Tư tui chán quá, bèn bỏ đũa xuống và ra đi, không quay trở lại.

Có lẽ số Tử Vi hôm đó của Tư tui có số con Ruồi, nên sau hơn 6 tiếng đồng hồ lái một mạch về miền Nam, vừa cô đơn, vừa mệt, Tư tui ghé vào một tiệm ăn cũng nho nhỏ nhưng nổi tiếng về món Phở, gọi một tô Phở gà đùi non (không phải đùi dài), không da, có lòng, để xả mệt. Nào ngờ lại có một chú ruồi tỉnh bơ tàn tàn đáp xuống bàn, cũng mang “ý đồ” mon men phục kích, đặt mìn vào đĩa rau của Tư tui. Vội lấy tay xua xua tên du kích này, tưởng rằng chú sẽ phải chuồn ngay, ai dè, chú cứ ”tỉnh bơ như người Hà Lội”, cất cánh lên một chút rồi lại đáp ngay xuống, có vẻ như đã quen thuộc với địa hình, địa vật ở đây rồi. Tư tui đành cầu cứu một anh có vẻ như là quản lý nhà hàng, đeo kính trắng, nhờ xua tên du kính kia đi, nhưng anh này còn tỉnh hơn ruồi, chỉ nhe răng, cười tình với Tư một phát rồi quay đi! Nghĩ rằng anh này mắt kém không nhìn thấy, Tư tui bèn ngoắc một anh hầu bàn đi ngang qua và chỉ tay vào chú ruồi! Anh này cũng tỉnh hơn ruồi, chỉ phẩy tay về phía Tư tui rồi đi luôn!

Thôi, thế là hiểu rồi. Thái độ “tỉnh như ruồi” này được áp dụng ở nhiều tiệm ăn người mình rồi! Về nhà, Tư tui “còm len” với “bà chủ nhà”, và được bà chủ nhắc nhở rằng cũng chính tiệm đó, trước đây, có lần bà chủ và mấy đứa con đi ăn ở tiệm này, thấy có chú sâu gần chết đuối trong lá rau, gọi cô hầu bàn đến, chỉ tay vào chú sâu, thì cô hầu bàn tỉnh bơ nhặt chiếc lá có sâu rồi quay đi. Hết muốn ăn, cả nhà kéo nhau đi, và ra quầy trả tiền, báo cho bà Xếp nhà hàng là rau có sâu, bà Xếp chỉ im lặng nghe, không có thái độ chi, không một lời xin lỗi, coi như đó là chuyện “con sâu, cái kiến” nghe mãi điếc cả tai…

Điều muốn nói là bà Xếp nhà hàng này luôn có môt bột mặt sắt như một “Iron Lady” (Người Đàn Bà Sắt) vậy, chưa bao giờ biết nói câu “cám ơn” với khách, cũng chưa bao giờ biết cười thân thiện với người đến tiệm ăn của mình. Có lẽ bà Xếp nghĩ rằng, tiệm đã đông thì cần quái gì khách? Hình như đó là thái độ chung của các bà Xếp nhà hàng ngồi ở quầy tính tiền? Không cần nói tiếng “Cám Ơn” hay “Xin lỗi” như điều kiện cần thiết trong sinh hoạt của người văn minh. Cũng không cần cười “cầu tài” như mấy tiệm ế độ.

Phải nói rằng đây chính là điểm căn bản để người Việt Nam ở Việt Nam nhận ra ai là Việt Kiều, ai là Việt gian ngay. Đa số những Viêt Kiều khi đi mua hàng ở tiệm Việt Nam đều nói “Cám ơn” và khi vô tình đụng chạm ai, thì “Xin lỗi” liền ngay lập tức (trừ những Việt Kiều gốc “căn me” khi vượt biên là những dân giang hồ, muốn chuồn khỏi Việt Nam mà lại không muốn chi tiền cho chủ tầu, sau khi sang Mỹ thì lại lăn vào chốn giang hồ kiếm sống như khi còn ở quê nhà, nên chưa bao giờ học chữ “Xin Lỗi” và “Cám ơn”).

Trở lại chuyện Mưa Nắng Bôn Xa, (vì không rõ ở miền Bắc như thế nào), tại các quầy tính tiền ở chợ, ở nhà hàng, ở tiệm ăn, ít có nụ cười “cám ơn” với khách. Các cô “cát xia”, có lẽ vì làm mệt, nên bắp thịt miệng bị cứng khô, khó mở miệng ra mà nói lời “cám ơn” sau khi tính tiền xong, hoàn toàn không giống như các “cát xia” người Mỹ, luôn luôn cười và nói lời “cám ơn”, đôi khi khách lại thấy thương hại vì cười nhiều quá, các cô muốn rách cả khóe miệng ra, nhưng vẫn phải nở nụ cười hiếu khách.

Ai cũng biết hai tiếng “Cám Ơn” và “Xin lỗi” chứng tỏ tinh thần văn minh của tất cả mọi người. Hồi Tư tui còn nhỏ, học lớp đệ Tứ trường Lê Bảo Tịnh, cố linh mục Trịnh Việt Yên, Giám Đốc Trường, đã từng giảng là “Các con phải luôn có hai chữ “Xin Lỗi” và “Cám Ơn” ở ngay cửa miệng, vì đó là dấu hiệu của người có học, có văn minh. Một nụ cười thân thiện cũng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày. Về phương diện y tế, cười nhiều làm cho các bắp thịt chung quanh miệng được hoạt động, kích thích máu lưu thông, như thế làm cho da mặt tươi tỉnh luôn.” Tư tui cũng nhớ thêm môt câu của các cụ nói rằng: “Cười là mười thang thuốc bổ!” Từ đó, Tư tui gặp ai cũng nhe răng cười, không ngại có người chê rằng “Dô diên, chưa nói đã cười!’ Thật ra, thì Tư tui cũng biết hạn chế nụ cười của mình, tùy theo từng trường hợp mà cười. Với người ngồi hay đứng bên cạnh, không quen, không biết, mà vô tình quay qua, quay lại, thấy người ta cũng nhìn mình, thì cười thật nhẹ, mím chi, chứ nếu cười toe, thì coi chừng gặp một bà thứ dữ lại cho rằng mình đang “dê” bà ta thì nguy hiểm lắm. Nhất là với người Mỹ, nếu mình là đàn ông, không nên cười với môt bà không quen, sẽ bị khi dễ liền, có khi còn bị “đục” tơi tả nữa. Gặp bạn bè thân thì cười nhe răng cho thấy là mình thật vui khi gặp lại. Nhưng gặp “cố nhân” (người tình xưa) thì cười nhẹ thôi, vì “cười tình” với một mối tình đã hết, thì “dô diên” lắm. Gặp người mới được giới thiệu hay vào nhà hàng, muốn chào Bà Xếp làm quen, thì cười xã giao, nghĩa là nửa miệng thôi. Kỵ nhất là hai kiểu cười: “cười nhạt” và “cười dê”. Cười nhạt là vừa cười vừa khịt mũi. Cười kiểu này dễ bị “đục” vì người “bị cười” sẽ cho là bị nhạo báng, hay khi dễ. Cười dê là cười thành tiếng: “he he he”. Có bà xã đứng cạnh, mà cười he he he với một thiếu nữ, phụ nữ nào mới quen, thì coi chừng ăn một cái bợp tai….

Cho nên, tùy trường hợp mà áp dụng kiểu cười để giao lưu, thân thiện, cho dù là khi nói lời “xin lỗi” hay “cám ơn”. Chỉ có một thái độ nên tránh là “tỉnh như ruồi”. Thái độ này chứng tỏ mình thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết, và tâm địa ích kỷ. Tư tui chỉ muốn gửi lời “chê một phát!” Chán!

Chu Tất Tiến.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT