Monday, March 18, 2024

Thân Phận Thuyền nhân Việt Nam

The Plight of Vietnamese Boat People (Nguyễn Ngọc Mùi)

Vào thế kỷ thứ 15 khi mà ông Christopher Columbus mở một chuyến hải hành bằng chiếc tàu buồm để đi khám phá và chinh phục vùng đất mới, nơi mà đoàn tuỳ tùng của ông thành công đặt chân đến Lục địa Mỹ đem mối lợi cho vua chúa Tây Ban Nha. Sự nguy hiểm trên cuộc hải hành, và mạo hiểm cũng không kém trên vùng đất chưa biết đến.

Con tàu Mayflower chở di dân Thanh Giáo, vì họ không chịu nổi chế độ hà khắc thời bấy giờ của một chế độ độc tài nhà nước, từ Anh Quốc đi tân thế gìới vào ngày 16 tháng 9 năm 1620. Họ bám theo hải trình mà trước đây đã có những nhà thám hiểm tiên phong khai mở, tuy hiểm nguy với biển cả nhưng họ được chuẩn bị một cách chu đáo, cẩn thận và an toàn.

Vào gần cuối thế kỷ thứ 20 trong hơn hai thập niên 1970 -1996 có hàng trăm ngàn người da vàng, mắt nâu, đã cam chịu trong nỗi niềm đau đớn tột độ buộc họ phải trốn chui trốn nhủi chính quyền hiện hành để lìa bỏ quê hương nơi mà họ gọi “chôn nhau cắt rốn” để mưu tìm tự do, một cuộc chạy trốn “không tiền khoáng hậu” trong lịch sử thế giới loài người, họ chạy trốn bất chấp tử thần đang chờ họ ở phía trước, họ không thể chuẩn bị trước những thứ cần thiết, căn bản an toàn nhất cho cuộc chạy trốn như lương thực, nhiên liệu, y dược, hoa tiêu cho cuộc hải trình đầy nguy hiểm , họ bất chấp cả thời tiết, bất chấp cả lộ trình chưa từng trải nghiệm, họ vượt đại dương bằng những chiếc thuyền gỗ nhỏ, mỏng manh, không hải bàn, không vô tuyến, không hoa tiêu, không thuyền trưởng được huấn luyện, chiếc thuyền gỗ nhỏ, mong manh không đủ sức sống để chống cự với cơn gió mạnh huống hồ gì những cơn bão khoảng cấp 3 ở ngoài khơi biển cả mênh mông chỉ có trời và nước, những con nước có màu tím than, có những con nước xanh lè như “đít chai” , đó là những người mà từ ngàn xưa đến nay họ luôn luôn gắn bó, xem ao trước vườn sau, nơi mồ mã ông bà tổ tiên, nơi đình làng, chùa chiền, miếu mạo, nơi mà con cháu lo ngày đơm tháng kỵ, nơi có lư hương bát nước đó là quê hương của họ, họ không muốn rời thân bằng quyến thuộc của họ dù nửa bước để đi lấy chồng xa, lấy vợ xa đó cũng là đặc thù của người dân Việt Nam. Thế mà chỉ sau năm 1975 khi mà chế độ Xã Hội Chủ nghĩa miền Bắc ngự trị luôn trên mảnh đất miền Nam thân yêu thuộc thể chế tự do, dân chủ đầy nhân bản họ đành đoạn quay mặt để vội vã trốn tránh ra đi mà không dám nhìn lại dù cho biết bao gắn bó của một thời, một đời. Họ ra đi không mưu cầu những gì ngoài hai chữ tự do, họ không mang theo được những gì ngoại trừ bàn tay trắng, họ cầm chắc cái chết 80 phần trăm trên biển cả, họ xác định với châm ngôn “một ăn cá, hai cá ăn” một số may mắn cập bến được các nước tự do thì nằm trong tình trạng kiệt sức vì đói rét, bệnh tật, hải tặc, chỉ còn da bọc xương với một tâm thần bấn loạn, và có không ít một số chẳng còn ai nhớ đến tên, đến tuổi, ở đâu và xuất phát nơi nào đã bị chìm đắm dưới lòng đại dương miên viễn, chưa kể đến khi trốn đi không trót lọt bị chính quyền bắt bớ, tù tội, đánh đập dã man, ngay cả xả súng liên thanh xối xả không thương tiếc của cảnh sát biên phòng trên những thân phận hẩm hiu của người con dòng giống Lạc Long mỗi khi bị phát hiện và từ đó thuật ngữ thuyền nhân được cộng đồng thế giới cũng như các nước nhân bản yêu chuộng tự do (boat people) khai sinh . Trong phạm vi bài viết này, tôi là người tỵ nạn Hồng Kông nên chỉ viết về đôi chút để chia xẻ trong những trại mà tôi đã từng bị giam giữ qua, còn có những quốc gia khác ở Đông Nam Á đã từng cưu mang thuyền nhân Việt tôi biết đến vả lại không trải qua do đó không biết gì để viết.

Trại tự do hay trại mở (open camps).

Sau biến cố năm 1975 miền Nam, thuộc thể chế Tự Do Dân Chủ, bị bách hại bởi chủ nghĩa Xã Hội miền Bắc, một chủ nghĩa không có tình người mất nhân tính, độc tài, độc đảng, người dân miền Nam hiền hòa cố thử sống một thời gian thử sao nhưng sự thật vẫn là sự thật chịu hết nỗi người ta bắt đầu tìm đường vượt biên, đầu tiên chính quyền biết rằng không thể cầm chân những người có tư tưởng phản lại này và mục đích an ninh cho chính họ, cũng năm 1979 cuộc chiến khốc liệt giữa người anh em với nhau, Trung Cộng và Miền Bắc Việt Nam, quan hệ của người anh em thường được gọi “răng hở môi lạnh”, buộc họ mở đường để “tống đi” những người có khả năng gây nguy hiểm và họ cũng cho đó là “nạn kiều” nên đã cho những người Việt gốc Hoa đăng ký chính thức hồi hương hoặc đi tỵ nạn ở các nước thứ ba, số người này chiếm khoảng 80 phần trăm, được chính quyền công khai bán tàu và thu tiền, vàng trên mỗi đầu người được ra đi, phương tiện chuyên chở là những chiếc tàu lớn được tân trang, sửa chữa và có sức chứa trên 1.000 người tương đối an toàn, chẳng hạn như chiếc tàu Skyluck đầu tiên trọng tải 3.500 tấn chở 2.600 người tỵ nạn đến Hồng Kông vào ngày 7 tháng Hai năm 1979,Tham khảo ở ( Vietnamese people in Hong Kong, from Wikipedia, the free encyclopedia), và những chiếc tương đối an toàn khác nhưng không tránh khỏi những rủi ro nguy hiểm như bệnh tật, đói khát, thời tiết, chết máy suốt thời gian hải trình. cũng trong thời gian này một số người Việt giả mạo người Hoa kiều đã trót lọt với điều kiện mua chuộc, hối lộ bên cạnh đó có một số đã lén lút vượt biên bằng những thuyền gỗ nhỏ, mong manh vẫn đến được các hải cảng Hồng Kông và các quốc gia tạm cư khác. May mắn cho lượng người này khi đến được bến bờ tự do thì họ tự động hưởng được quy chế tỵ nạn đúng theo tiêu chuẩn Công ước Geneva 1951 (The 1951 Geneva Convention) và Nghị định thư 1967 (The 1967 protocol) được thiết lập năm 1951 của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liện Hiệp Quốc dành cho người tỵ nạn, UNHCR, (United Nation High Commissioner for Refugee) ngay tức thì, ở Hồng Kông họ được hưởng quyền tự do ngay khi đến, họ được ăn ở những nơi tiện nghi thuộc tiêu chuẩn quốc tế dành cho người tỵ nạn , có số người còn ở được những khách sạn sang trọng để chờ ngày định cư ở các nước đệ tam, họ được quyền làm việc để kiếm tiền, tự do đi lại, tự do kinh doanh, tự do được chọn nơi định cư. Số người tỵ nạn này lưu lại những trại được gọi là trại tự do (open camps) như trại Tuen Mun, Pillar Point, Transit Camp, Chatham Road camp, vân vân… , trong thời gian ngắn để chờ đợi đi định cư ở đệ tam quốc gia hầu hết ở Mỹ.

Thế thì còn trại cấm, trung tâm giam giữ (closed camps, Detention Centers) như thế nào?

Làn sóng vượt biên vẫn tiếp tục mỗi lúc mỗi nhiều.Trong năm 1980 có hơn 100.000 người tị nạn Việt nam đã đến được Hồng Kông, tại thời điểm này, người tỵ nạn Việt Nam tự động đạt được quy chế tị nạn ngay mỗi khi đặt chân được đến Hong Kong , và được các nước phương Tây dang hai tay nhân đạo đón nhận cho định cư ngay lúc đó.

Vì càng lúc càng có nhiều người tìm đến Hong Kong . Để xác định dòng người tị nạn, người mới đến từ Việt Nam họ bị giữ lại những nơi mà người ta gọi là “trại cấm, (closed camps)” và phải trải qua quá trình thanh lọc “screening process” để có được quy chế tỵ nạn nên kể từ mùng 2 tháng 7 năm 1982 khả năng tái định cư cho người vượt biển ở nước thứ ba hình như đã bị thu hẹp lại đồng thời Mỹ và Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cũng bắt đầu áp đặt nhiều điều kiện khắt khe hơn. Đến năm 1987, nhiều quốc gia phương Tây khác đã giảm hạn ngạch (quota) cho người Việt tị nạn định cư ở đất nước của họ, trong khi đó dòng người vào Hồng Kông tiếp tục càng lúc càng gia tăng. Năm 1989 có tin đồn rằng chỉ cần đến được Hồng Kông là có thể đạt được đặc xá (could gain amnesty) tỵ nạn nên mỗi một ngày Hồng Kông có khi đã nhận đến 300 người, vì lo sợ làn sóng vượt biên major Exodus nên Chính quyền thuộc địa Hồng Kông đã thi hành một” kế hoạch hành động toàn diện” (Comprehensive plan of Act) áp dụng vào ngày 16 Tháng Sáu năm 1988, nhằm ngăn chặn làn sóng trên bằng cách phân loại thuyền nhân ra 2 thành phần: tị nạn chính trị và tị nạn kinh tế (economic asylum, political asylum). Tỵ nạn kinh tế được coi là nhập cư bất hợp pháp (illegal immigrants), họ bị từ chối quyền được định cư ở một nước thứ ba, và tất cả đều bị trả lại cho Việt Nam.

Để ngăn chặn một làn sóng ồ ạt (a major exodus) người Việt vượt biên đến Hồng Kông ngày 2 tháng 7 năm 1982 chính quyền thuộc địa Hồng Kông đã đệ trình một chính sách Trại Cấm (Closed Camps), người mới đến sẽ không được phép sống chung với cộng đồng người Hồng Kông mà phải bị giam giữ giống như phạm nhân, nhưng chính sách này đã chứng minh không hữu hiệu cho mấy, sau đó thiết lập những trung tâm mới ở xa khu vực dân chúng, để tránh” sự phàn nàn của người dân ”, (the refugees were out of sight and out of mind) được gọi là trung tâm giam giữ (detention Centres), tuy nhiên chính sách mới này chẳng thay đổi được cục diện là bao sau đó kiến trúc một tiến trình thanh thanh lọc công bằng (a fair screening process) và chính sách hồi hương đối với những người không đạt quy chế tỵ nạn (repatriating non-refugees) theo Công Ước quốc tế, tuy nhiên giấc mơ này cũng làm đảo lộn sự hy vọng ngăn cản được làn sóng, khi chính sách được trình làng trong tháng 6 năm 1988 có 17.000 người Việt mưu tìm tỵ nạn (asylum seekers) đến Hồng Kông sang năm 1989 con số đã tăng lên đến 57.000, bên cạnh đó một tin đồn rằng người vượt biên sẽ nhận được đặc ân tỵ nạn (an amnesty) chỉ trong vòng 5 tháng từ tháng Tư đến tháng Tám năm 1989 Hồng Kông phải tiếp nhận đến 30.000 người (a major influx), đảo nhỏ Hồng Kông không đủ sức chứa và tài chánh cũng như nhân lực quản trị, đặc biệt là cần tiền để nuôi thuyền nhân chính quyền thuộc địa Hồng kông kêu gọi Mỹ và Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc cũng như các nước phương Tây Âu Châu trút tiền vào trợ giúp.

Mười năm sau hội nghị quốc tế lần thứ hai về tỵ nạn Đông Nam Á được tổ chức tại Geneva vào tháng 6 năm 1986 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh Quốc ông Geoffrey Howe cảnh báo rằng Hồng Kông không thể đương đầu với số lượng thuyền nhân càng ngày càng đông như thế này được nữa. Hồng Kông đối diện với một khủng hoảng lớn về chủ nghĩa nhân đạo của chính họ, thuyền nhân vẫn đến vẫn không có nơi ăn chốn ở, trong mùa bão táp thuyền nhân phải che lều trên chiếc tàu của chính họ để trú dạ qua ngày hoặc trên các chiếc phà hoang phế. Kiên nhẫn người dân địa phương thì cạn sức, chính quyền thì hết phương kế (is now at the end of its ether). Từ những nan giải này các trung tâm giam giữ được hình thành. Ngày 30 tháng 6 năm 1990 Hồng Kông đã có trung tâm tiếp nhận cho người mới đến là Green Island, đây là trung tâm tiếp nhận thuyền nhân đầu tiên, để hồi tưởng lại, không mỗi ai trong chúng ta là thuyền nhân mà không nhớ lần đầu tiên được đặt chân lên Hồng Kông, một giấc mơ tưởng chừng huyễn hoặc mà đó là sự thật, nhìn thấy sự văn minh, văn hoá và tiến bộ của người ta mà mình tội nghiệp cho chính mình cho chính quê hương mình, lúc lên bờ, sau chuyến hải trình chết nhiều hơn sống với biển cả, chắc chắn quý vị không thể nào mà không nhớ cái cảnh “tẩy trùng” (sanitation) trước khi nhập trại, mọi người từ già đến bé, từ nam hay nữ, từ thiếu nữ tuổi trăng tròn đến đàn bà luống tuổi đều phải trần truổng ngoại trừ chiếc quần lót, mà khi đó thử hỏi làm sao để có những chiếc quần lót cho “đầy đặn” hay quần lót “xịn” Fashion underwear” như bây giờ, thôi thì đâu còn gì nữa để mà mất cở, nước biển với cái nắng cháy da, thân người như con “mắm mòi” thôi thì thôi cứ như thế “chổng mông” “ngưỡng ngực” cho nhân viên y tế “cứ rứa” mà xịt, xịt lui xịt tới, xịt trên xịt duới, nhất là mấy cô cứ lẩm bẩm “ kệ mà đời muôn sự của chung” “Joke” có tự do là có tất cả mà, cũng nhờ vậy mà hết chí hết rận, và có ai còn nhớ nữa không? Chế độ cơm hộp, nhạt nhẽo làm sao! muối còn quý hơn cả vàng, và còn một kỷ niệm khác đó là tất cả mọi thuyền nhân giải quyết vệ sinh cá nhân cũng như tắm rửa cùng một nhà cầu di động,( portable toilet) vì người Việt mình chưa quen nên thật khó chịu và chuyện tắm quên gài chốt là chuyện thường tình ở huyện. Ngoài trung tâm tiếp nhận ra còn có chín trung tâm giam giữ (detention centers) dành cho thuyền nhân mưu cầu tỵ nạn và người bị thanh lọc rớt “ăn cánh gà” (chicken wing) ( Screened out as non-refugees) ; bốn trung tâm tự do hay mở (open camps) giữ người đạt tiêu chuẩn tỵ nạn, và một trung tâm chuyển tiếp , (departure center) đi định cư, 80% dân số thuyền nhân được giam giữ tại chin trung tâm trên.

Chín trung tâm trên được điều hành và quản lý bởi : Trung tâm giam giữ Whitehead (Whitehead detention Center) là một trại giam giữ lớn nhất trong tất cả các trung tâm khác, giam giữ số thuyền nhân nhiều nhất, cũng ồn ào nhất, cũng “quậy” nhất, gồm 10 phân trại (10 sections), trong đó chín phân trại từ 1 đến 9 giam giữ thuyền nhân đến từ niềm Bắc Việt Nam, tuy được điều hành bởi Sở Trừng Giáo Hồng Kông(CSD) thuyền nhân trong 9 phân trại này họ tự thiết lập một “thể chế đầu gấu” (big brother policy) riêng để cai tri thuyền nhân của chính họ, mà có thể có sự thỏa thuận ngầm của chính quyền Hồng Kông, phân trại còn lại là phân trại 10 (section 10) giam giữ người thuộc miền Nam Việt Nam họ chung sống với nhau tương đối hài hòa có nhân bản, tuy nhiên vẫn có những trận đánh nhau chí chóe bằng “lập là” (vũ khí tự tạo bằng cách lấy thanh giường bằng sắt vót nhọn) giữa Huế và Đà Nẵng tranh nhau chức anh hùng hoặc tự ái bản sắc xứ (xứ Huế, xứ Đà) và bảo vệ lò rượu cho phe “miền”,(mình), đánh nhau chỉ có sức đầu chảy máu mà thôi chứ không có gây án mạng chết người, một thời làm cho bà con thuyền nhân dở sống dở chết vì không có điện, tối om om không dám đi ra khỏi buồng” hut” của mình vì đèn đóm phá hư hết trơn hết trọi do câu điện nấu rượu, “uống cho đỡ buồn cho đỡ sầu”, câu điện thoại viễn liên tâm tình, than vãn đến tận Mỹ quốc tận Anh quốc, tận Úc châu của những “người anh em mình”, Tổng buồng trưởng thuyền nhân anh Thanh, kêu la cũng như xin xỏ nhiều lần với Sở Trừng Giáo cũng như Cao Ủy lần nào họ vẫn làm ngơ, một thời gian đã thấm “lễ độ” khi đó chính quyền mới mới phục hồi điện đóm trở lại, ngoài ra có những cuộc cãi vã nhau cũng long trời lở đất không kém chỉ vì những chiếc cánh gà lớn cánh gà nhỏ được phân cho phối mỗi bữa ăn, “bất công quá, sao ghét chi tui mà cứ nhắm mắt chia cánh nhỏ cho tui hoài rứa” chỉ có rứa thôi, tiếng qua tiếng lại rồi đi đến đánh lộn lẫn nhau, đến nỗi phải nhờ đến “AXề” nhân viên Sở Trừng Giao giải quyết ,kẻ thua giận quá nói ” Ừ, cứ ờ lì ra đó mà ăn cánh gà” thuật ngữ “ăn cánh gà” được xuất thân từ đó, nghĩa là khi mà ai thanh lọc bị rớt,(khước từ) thì bị tiếp tục giam giữ, thuật ngữ này cứ lan dần trong mỗi bữa ăn, rồi cứ hễ ai mà thanh lọc rớt thì được gán cho từ “ăn cánh gà rồi há?’ (got chicken wing, screened out), lập đi lập lại trở thành thói quen và trở thành ngôn ngữ tỵ nạn, từ Whitehead lan rộng khắp các trại ở Hồng Kông sang Phi Luât Tân, đến Cục Di Trú đến Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cũng sử dụng từ này như là từ lóng (slang word). Toàn trại Whitehead chứa khoảng trên 25.000người, Cape Collinson, Chi Ma Wan, Heiling Chau; Heiling Chau một thời phân tranh Nam Bắc đánh nhau chí tử, quyết tử không để dân niềm Nam thêm một lần tan thương điêu đứng, không thể chịu đựng nhục nhã dưới sự cai quản bằng thể chế đầu gấu của thuyền nhân đến từ miền Bắc, họ ra đi họ mang theo cả chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, nhịn nhục đến lúc không thể, bất chấp Sở trừng Giáo cuộc chiến ác liệt dùng kế “dụ hổ ly sơn” đã dụ được một số tên đầu gấu vào buồng O, lọt vào hang ổ đóng chặt cửa thành, (hai cửa chính trước và sau của buồng), máu đã sôi sục mất cả tính người, máu đã chảy lênh láng, say máu, họ chém nhau như chém chuối, để lại nỗi đau buồn cho những câu chuyện đáng tiếc thuyền nhân lẽ ra được tôn trọng, những dòng tâm huyết viết bằng máu còn ghi đậm “thù này quyết trả” kể từ đó buồng đó có nhiều MA không ai dám vào ở, đến nỗi nhân viên Sở Trừng Giáo không dám gác đêm hoặc lai vảng qua đó; và Nei Kwu Chau tất cả các trại vừa mới kể điều hành bởi Sở Trừng Giáo, ( Correctional Services Department, CSD). Cảnh sát chịu trách nhiệm quản lý các trung tâm giam giữ High Island, Trại High Island hay Man Yee khi mà tất cả thuyền nhân ở các trại đều chuyển về đây thì trại được phân chia thành hai Man Yee thượng dành cho thuyền nhân miền Bắc, Man Yee hạ được dành cho thuyền nhân miền Nam, trại miền Nam được phân thanh hai, trại Nam 1 và trại Nam 2, phân cách nhau bằng một chiếc cổng lớn ở giữa, ban đêm đóng lại, ban ngày được thông thương, có lẽ chính quyền phân ra để dể bề quản lý và kiểm soát vì thời gian này là thời gian cao điểm cho kế hoạch cưỡng bách hồi hương đồng hành với đấu tranh chống hồi hương mỗi lúc mỗi dâng cao, chuyện đánh nhau “xưng hùng xưng bá” không có nhiều ở đây nhưng có một vụ án mạng đáng tiếc xảy ra cũng vì nạn đàn anh đàn em mà đã làm cho một chủ nhân bán hàng là anh Hải (người miền Bắc lấy vợ miền Nam) bị thiệt mạng bởi những nhát dao “lập là ” đâm vào tim; Lo Wu, và Shek Kong , Shek Kong nơi để lại một trang sử tỵ nạn không mấy tốt đẹp cho lắm, một cuộc bạo loạn xảy ra làm mất không nhiều thì ít đối với những nước cưu mang người tỵ nạn, giá mà cảnh sát ra tay sớm hơn một chút thì thảm cảnh không quá tang thương như dưới đây, có lẽ có nhiều lý do chỉ có trời mới biết: Đêm giao thừa thay vì tiếng pháo nổ đì đùng thì đó là tiếng kêu la cầu cứu, van xin thảm thiết, thay vì khói hương trầm nghi ngút thì những cột khói đen bốc cao ngợp trời và mùi cháy khét của tử thi, màu đỏ của hạt dưa thay vào đó màu đỏ của máu vung vãi khắp nơi, đó là thảm kịch của đêm giao thừa tại trại cấm Shek Kong Hồng Kông. Theo tường thuật từ Hồng Kông của cây viết David Holley thuộc tờ báo Times ngày 8 tháng 2 năm 1992 cho hay ” bạo động vừa mới đây tại một trại cấm ngươì tỵ nạn Việt Nam ở Hồng Kông, lẽ ra nên tạo một mối cảm thông hơn là để cho chính quyền quyết định trả hết tất cả thuyền nhân về lại Việt Nam. Ông Robert van Leeuwen Cao Uỷ Trưởng Cao Uỷ người tỵ nạn tại Hồng Kông lên tiếng hôm thứ Sáu nên xúc tiến tăng tốc độ hồi hương khoảng 100.000 người tỵ nạn Việt Nam hiện nay ở Hồng Kông cũng như các nước Đông Nam Châu Á’. “Tấm bi kịch này đã được un đốc từ lâu do những cuộc tranh cãi về các khoản thanh toán nợ nần về tiền rượu xảy ra vào đêm giao thừa tối Thứ Hai Âm lịch nhằm ngày 3 tháng tháng 2 năm 1992. Cuộc bạo loạn được báo cáo là hai phía Nam và Bắc đã đánh nhau sau đó nổi lửa đốt trại làm cho 22 người bị chết cháy trong một tòa nhà đóng kín và 114 người khác bị thương, hầu hết những người này đến từ miền Bắc bị chết cháy trong thảm kịch này và họ đang trong giai đoạn chờ đợi tự nguyện hồi hương. Nhưng theo Cảnh sát báo cáo thì biến cố này xảy ra do tranh chấp nước nóng.”

Phiên tòa bắt đầu ngày thứ Sáu có 92 người phải đối mặt với cáo buộc tội hình có liên quan đến cuộc ẩu đả (brawl) vào đêm giao thừa tối thứ Hai. Bên công tố viên yêu cầu Cảnh sát giam giữ 92 người này cho đến ngày 24 tháng 2. Trong khi các nhà điều tra họ muốn tìm thêm dữ liệu để cáo buộc thêm tội đốt nhà và giết người. Nhà chức trách chỉ ra rằng có ít nhất có 3 người bị nghi ngờ đốt phá.

Thống đốc Hồng Kông ông David Wilson tuyên bố hôm thứ Sáu là ông sẽ có một điều tra độc lập”.

Nhưng có vài chỉ dấu cho thấy sự căng thẳng về việc hồi hương cũng đóng vai trò cho cuộc ẩu đả (brawl) này. Chính quyền Hồng Kông phát động chiến dịch cưỡng bức thuyền nhân hồi hương đối với những ai được xét đoán là di dân kinh tế hơn là tỵ nạn chính trị. Mục đích chương trình này là thúc đẩy thuyền nhân nên tự nguyện hồi hương, người miền Bắc lại là đa số đã đăng ký tự nguyện hồi hương, tuy vượt biên họ vẫn hành xử với một thái độ của người Cọng sản, họ vẫn suy tôn Hồ chủ Tịch, thậm chí có những người đã hồi hương trước đây họ tiếp tục vượt biên trở lại (double backers), do đó Cao Uỷ và chính quyền Hồng Kông cho rằng những người này“đói tiền”(hungry money,double backers those who had returned once to voluntarily but travel to Hong Kong second time), trong khi những thuyền nhân đến từ miền Nam vì bị bức bách mới ra đi nên giữ vững lập trường không chịu hồi hương hy vọng sẽ được đi định cư. Những dịch vụ trợ cấp dân sự điều hành bởi Argyle và, trai Tai A Chau phối hợp CSD và cảnh sát điều hành có phần thoải mái hơn, có thể nói là bán tự do.

Đặc biệt trung tâm giam giữ Whitehead detention centre được người ta mô tả là một trung tâm lớn nhất so với tất cả các trung tâm giam giữ khác, kiến trúc bằng những hàng rào lưới B40 chung quanh cao vút khoảng 8m, trên cao thả lỏng những cuộn dây thép concertina wire coils, phía dưới chân hàng rào che chắn bằng bức tường tole dày sơn mầu xám, như cuộc đời tỵ nạn xám ngắt, cao khoảng 2m50, điều này ngụ ý rằng chúng tôi đã bị cách ly với thế giới bên ngoài,dù có mắt nhưng thấy chẳng được những gì, các thiện nguyện viên quốc tế đến làm việc nơi này họ mô tả đây là “một nhà tù không hồn” (a soulless prison), những chòi canh, “chuồng cu” (Sentry Boxes) cao hơn hàng rào,cách khoảng 20m lại có một chòi và có nhân viên an ninh cầm súng canh gác ngày lẫn đêm, những trụ đèn cao vút tỏa sáng vào ban đêm cũng như lúc trời sương mù, ánh sáng hàng trăm kilowatt, sáng đến nỗi có thể thấy được dù một con kiến đang bò, đêm đêm lại có những thân phận trĩu nặng với kiếp nhân sinh, lang thang, rong ruổi với dòng tư tưởng “không tròn, không khuyết” của mình như người mất hồn, tôi còn nhớ một người trong hoàn cảnh này mà tôi may mắn được làm quen đó là bác sĩ Tráng, anh là một trong những người tuyệt thực dài hạn nhất mà không cần đến sự trợ giúp y tế đến nỗi chỉ còn da bọc xương như một thây ma sống, cho đến khi bất tỉnh mới “bị” đưa đi cấp cứu, vẫn số phận không may anh bị cưỡng bức trong một cuộc giằng co, chiến đấu thiếu sống thừa chết với Cảnh sát, anh chống lại sự bất công thanh lọc và cưỡng bức hồi hương vô nhân đạo, đi ngược lại ý muốn của thuyền nhân, anh không phải chiến đấu cho riêng anh mà cho tất cả thân phận của những thuyền nhân bất hạnh, bị đánh rớt một cách tức tưởi, oan ức, nhưng rồi, cuối cùng anh đã bất tỉnh bị tống lên xe bịt bùng đưa ra phi trường tống cổ lên chiếc máy bay thuê bao C-130 Hercules, bay thẳng về Hà Nội. Hiện, 2013, anh đang sống, có lẽ mang theo canh cánh bên anh những tâm trạng bèo nỗi mây trôi của những ngày xưa ở trại, ở Sơn Trà Đà Nẵng Việt Nam, nghe đâu “người ta” không còn cho anh ta hành nghề bác sĩ kể từ ngày bất tử trở về và, kiếm sống bằng nghề chớp ảnh dạo. Phía ngoài trại chẳng có nơi nào để trú ẩn cho qua một cơn nắng nhỏ mà dân Hồng Kông đã quen lối sống với chiếc máy điều hòa không khí (air conditioner), phía bên trong trại, riêng phân trại 9 và 10, section 9 and 10, được kiến trúc loại nhà vòm bằng tole, có lẻ trước đây người ta dùng làm nhà kho, mùa hè thì thật là nóng, nhiệt độ lắm lúc lên đến 110 độ F, mùa đông thì thật là lạnh, anh chị độc thân nào mà ở giường tầng thứ 3 thì biết thế nào là “lễ độ”, còn chung quanh trại được đổ toàn betông cốt sắt (concrete), không có một chút cây xanh mảy may nào, dù chỉ một cây kiểng để biểu tượng cho sự sống , xanh tươi, như tương lai thân phận của thuyền nhân, nhưng ngược lại có một cái hồ nuôi cá kiểng, như thể họ, Sở Trừng Giáo, ý nói cho thuyền nhân biết thuyền nhân Việt chẳng hơn kém gì những con cá được nuôi trong hồ vậy, mỗi lần đi ngang qua đó lòng tôi không khỏi xót xa, chùng xuống cho thân phận mờ mịt của mình. Chướng tai gai mắt quá thấy cảnh chim lồng cá chậu, một hôm người cháu của anh Thanh, tổng buồng trưởng, đã tìm cách bắt được con cá ấy.

Tuy các trai đều bị cách ly ( isolate), với thế giới bên ngoài ngay cả cộng đồng người Hồng Kông, thuyền nhân bị biệt lập hoàn toàn, tuy vậy tiếng nói thuyền nhân ở trại Whitehead rất có trọng lượng đối với chính quyền thuộc địa Hồng kông và Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc vì mọi tin tức đàn áp biểu tình, tuyệt thực, sinh hoạt đối xử của Sở Trừng Giáo được bí mật cung cấp bởi các nhân viên thông dịch tiếng Anh và giáo viên tiếng Anh của trại cho báo giới cập nhật thông qua các thiện nguyện viên quốc tế thuộc các dịch vụ như : giáo dục, vui chơi giải trí, y tế do Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc điều phối, và được các Tổ chức ngoài chính phủ NGOs (Non Government Organizations) bao thầu và điều hành, nói đến đây tôi không khỏi thầm cám ơn và tri ơn, nhớ ơn đến những vị thiện nguyện viên quốc tế đã dâng hiến một quảng thời gian trong đời họ đến những trung tâm giam giữ để giúp đỡ thuyền nhân Việt Nam, trong đó tôi còn nhớ những vị mà tôi được may mắn làm việc chung như cô Sandy, người Phi luật tân dáng người tròn trịa, da ngăm đen, có đôi mắt to và đẹp, tóc chấm ngang vai, tâm hồn trong sáng thông minh là điều phối viên giáo dục, educational coordinator, section 10, trại miền Nam, anh chàng Jimmy trai trẻ người Anh quốc, cao ráo đẹp trai, tóc đinh hay mang chiếc kính mát hiệu đắt tiền có giây đeo, với đôi giày Adidas cũ chẳng khác những đôi giày của trại cấm, áo quần jean bạc màu đặc biệt chàng ta nhanh nhẹn, chuyển tin rất nhanh đến báo giới mỗi khi tôi trao cho ảnh là điều phối chương trình vui chơi giải trí, recreational activities/programmes, cũng ở Section 10, ngoài ra có Bác sĩ Tim, bác sĩ … thuộc MSF ( Medicine Sans Frontieres), luật sư Micheal; luật sư Pamela Baker người Anh sống ở Hồng Kông bà được biết đến như là một luật sư bảo vệ nhân quyền, thương người nghèo, theo Hongkong law report 1994 volum 4 page 161 google book năm 1993 bà đứng đơn kiện tư các tỵ nạn về tôn giáo cho cho Le Tu Phuong và Đinh thị Bích Chinh thuyền nhân phân trại 8 có đoạn, “Our clients are Catholics and their plight has attracted the concern and attention of the Catholic Diocese of Hongkong…..”, Bà chiến đấu và đương đầu ăn thua với chính quyền Hồng Kông ở toà án thế tục cũng như toà án lương tri, Bà đòi cho bằng được tư cách tỵ nạn cho thuyền nhân Việt Nam đến phút lâm chung cuối cùng ở Anh Quốc vào năm ngày 24 tháng 4 năm 2002, hưởng dương 71 tuổi vì chứng bệnh ung thư, may mắn khi được đậu thanh lọc, được cấp quy chế tỵ nạn, chuyển đến trại The New Horizons Vietnamese Refugee Departure Center ở Choi Hung, Kowloon, tôi có dịp đến phụ giúp bà trong một thời gian ngắn, lúc đó hồ sơ quá nhiều một mình Bà làm không xuể, sau đó tôi buộc phải chuyển qua Phi, ở đó tiếp tục làm cho Cao Uỷ, khi nghe Bà qua đời tại Anh Quốc chúng tôi có điện thoại và gởi thiệp chia buồn cùng gia quyến; luật sư Daniel Woft đến từ Mỹ để giúp mặt pháp lý loại hồ sơ kháng cáo trong nhờ luật sư LAVAS (Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers); luật sư Miller; luật sư Clare Byrt đến từ Úc châu người mà tôi gần gũi giúp bà dịch thuật những điểm chính cho nhiều hồ sơ kháng cáo, Cô ta làm việc không biết mệt mỏi không ngoài tình nhân loại đối với những kẻ khốn cùng, thời gian sau đó Cô ngồi ghế chủ tịch tái xét; và anh chàng thanh niên người Anh rất bụi đời, đi khắp các nước châu Á sau khi tốt nghiệp y tá có tên là Jeff ? có thể tôi nhớ tên sai, xin anh Minh biệt hiệu là “đầu bạc” hiện ở Sacramento, Cali hoặc Quang biệt danh là “Quang điệu” hiện ở Việt Nam sửa giùm, rất vui tính, bình dân đã từng ăn thức ăn của trại từng ngày có thề nói từng tháng, từng ở lại cùng sinh hoạt như người thuyền nhân trại cấm, tiền lương ảnh làm ra, thường mua đồ chơi và quà cho trẻ em và người già ; ở Hei Ling Chau có cô Veronica cũng người Anh quốc, cô khoảng chừng 45 tuổi từng làm y tá những bệnh viện lớn ở Anh Quốc và Hồng Kông, bản chất xuề xòa thương người, hơi mập, tóc vàng, single mom, có 2 con, cô làm việc cho Save Children Funds; có Cô Tuyết đến từ Thuỵ Điển làm điều phối giáo dục sau này Cô đã xuống tóc xuất gia theo cửa Phật có thời gian Cô huân tập tu hành ở Chùa Đức Viên thành phố San Jose tiểu bang California; Ở High Island, Man Yee có cô Marty cũng người Anh cao ráo, đẹp gái, tóc blonde, mặc quần jean bó sát da, áo sơ mi thường có choàng ngoài một chiếc áo choàng mỏng, đi đôi ủng cao, hoặc giày cao cổ, mang đôi kính cận trông rất trí thức và nghệ sĩ, là điều phối viên giáo dục trại High Island, chắc anh Mỹ phiên dịch, hiện đang ở miền Đông Hoa Kỳ còn nhớ Cô Adrielle Panares người Phi Luật tân, rất mập như tomboy style là điều phối trưởng chương trình ISS, (International Social Services) cho các trung tâm giam giữ tại Hồng Kông, và các vị khác mà lâu quá tôi không nhớ tên, rất tiếc như cô gì ? người Anh trong chương trình Adult education mà lúc đó anh Vân làm phiên dịch ở Heiling Chau. Nhờ những vị này mà tin tức nhất là ở trại Whitehead và High Island mà tôi âm thầm làm việc đã nhờ chuyển tải những tin tức trong trại cho giới báo chí như” South China Morning Post, Sing Pao News, Eastern Daily News, News straits Times vân vân… nhờ đó mà tin tức được bay đi xa, lời cầu cứu, lời đòi hỏi nguyện vọng của thuyền nhân được đáp ứng, và tiếng kêu cứu, ai oán, khổ nạn đánh động được lương tri con người, “lời kêu cứu đã đến tai người” và “ bên em đang có ta” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và cũng nhờ đó mà Quốc hội Hoa Kỳ, Tổ chức Ân Xá quốc Tế, tổ chức y sĩ không biên giới, tổ chức Nhân quyền, Asia Watch, và cộng đồng người Việt ở Hải ngoại biết đến. Tôi cũng có làm việc thiện nguyện trong trại cho một số vị quan chức quốc tế thuộc Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), tuy làm việc nhưng không dám nhờ họ chuyển tin vì lẻ, mình biết họ là AI? rồi, ngoài ra có các vị lãnh đạo tôn giáo mang tâm linh đến bình an cho tín đồ của mình trong các vị ấy phía Phật giáo có thầy người Đức thăm viếng và an ủi thường cho lời khuyên , cuộc sống trong bốn bức tường mọi người “nên sống trong tĩnh thức, an lạc cho chính mình tức là an lạc cho người khác và cho cộng đồng” đối với thanh lọc Thầy khuyên “mọi nỗ lực cho cuộc thanh lọc là tự thân, tự thắp đuốc lên mà đi” ngoài ra có tổ chức Gia Đình Phật Tử là một tổ chức lấy tình thương để xoa dịu mọi khổ đau, anh em chung sống với nhau như một đại gia đình, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, cũng nhờ tổ chức GĐPT, trong đó có một số Huynh Trưởng phụ trách như các anh: Tiệp, anh Lân, Thanh, Cường, Nam, Bồ, Trung, Phương, Dũng, bác Xuân, bác Quang, chị Nga, và tôi …. mà một số thanh thiếu niên và các em minors , (trẻ em không có cha mẹ đi kèm) được sống trong tình thương giảm thiểu nhiều hư hỏng, phía KyTô Giáo có Cha Trần Công Vang, Cha Mai, quý Cha đến thăm hỏi từng người, từng gia đình, giúp đỡ và chia xẻ mục vụ , hình như Cha Vang gắn liền với cái nghiệp của người Tỵ Nạn dù ở Việt Nam hay ở Mỹ Cha luôn luôn có mặt trên từng cây số, để nghe ngóng an ủi và các vị lãnh đạo cộng đoàn dân Chúa ở trong trại; phía Tin Lành có Ông bà Mục sư giáo sĩ John Allen và anh chị lãnh đạo Đức tin trong trại, phía Thanh Hải Vô Thượng Sư có đệ tử vào thăm viếng giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất. Tâm linh là chất xúc tác làm thoa dịu mọi nỗi oan khiên nghiệt ngã, nhận chân cuộc đời là “vô thường” là “cứu rỗi”, “your destiny is setup by God” từ những thông điệp như vậy thì con người không còn bận tâm đến ngày mai, vì sức người và hiểu biết quá bé bỏng so với vạn pháp và siêu nhân, nhờ vậy mà phân trại 10 và High Island, Heiling Chau của chúng tôi sống chung với nhau trong một tình thương chia sẽ đầy tính ly hương tỵ nạn.

Còn bên phía anh em thuyền nhân chúng tôi có cơ hội làm thiện nguyện chung với nhau với những dịch vụ khác nhau nhằm phục vụ cho bà con thuyền nhân mình vào thời kỳ đó có anh Minh đầu bạc hiện ở Sacramento, Cali, anh Nhân, anh Mộc, anh Quang điệu, anh Phương đờn, chị Nga, anh Tráng hiện ở Việt Nam, anh Phiên ở Canada, anh Phúc ở San Jose Cali, anh Lo A Chắn ở Washington Seattle, anh Trinh ở Tennessê, anh Thạch ở Seattle, anh Vàng báo chí ở Seattle, anh Chính báo chí ở Oakland, anh Mỹ ở miền Đông Hoa Kỳ, anh Tuấn, Tiến Linh ở Cali, anh Hoà, chị Kim, anh Thu, chị Vỹ, Hiền ở Úc châu , anh Bê ở Texas, bác Ngọc tức nhà thơ Đông Giang ở San Jose Cali, Thúy Vân miền đông Hoa Kỳ, Sương trạm xá ở LA, anh Phát trạm xá ở San Jose Cali anh Thái dạy âm nhạc, anh Minh ở Alabama, anh Thế , Mỹ thuật ở miền đông Hoa Kỳ, anh Liêm phiên dịch trại, section 3, anh Thuận, anh Sanh, anh Diệu, và các anh chị làm cho Caritas như anh lân, chị Bình, chị Trang , phía Xã hội vân vân… rất tiếc không nhớ hết, nếu gặp lại sẽ nhận diện ra ngay có một chung là quý anh chị này đều đem công tâm, khả năng của chính mình ra phục vụ cho cộng đồng thuyền nhân .

Đặc biệt anh Đinh Trung Chính phiên dịch quốc gia cho UNHCR đến từ Úc Châu là một người gắn bó đã giúp cho thuyền nhân, giải quyết, đấu tranh với Cao Uỷ liên Hiệp Quốc người Tỵ Nạn được bao nhiêu chuyện , anh đã từng lên tiếng lớn với trưởng Cao Uỷ section 10 về vụ người em của chị Cam, lúc đó chị Cam quản thư viện phân trại 10, bị khủng hoảng tinh thần anh chàng lên văn phòng Cao Uỷ trại 10, lớn tiếng nói rằng ”con chó còn có tự do chạy dong ngoài đường, chúng tôi là con người tại sao phải nhốt, chúng tối ra đi mưu tìm tự do chứ không phải bị nhốt, than phận nhục nhã hơn cả con chó” cậu ta nói xong liền đưa cú đấm giáng vào mặt ông Cao Uỷ người Canada, bất thần ông ta không đỡ được, cặp kính cận bị bễ gây vài vết xước, trầy trượt máu chảy ở mặt và trên mí mắt, được chở đi cấp cứu còn cậu ta bị bắt đưa vào nhà thương điên, chính anh Chính, mặc dầu anh là nhân viên của Cao Uỷ, ăn lương của Cao Uỷ, đã lên tiếng lớn rằng”Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc bất công, vô nhân đạo, tôi sẽ đấu tranh đòi quyền tỵ nạn cho thuyền nhân đến cùng”, thật ra ông ta vô tội, ông ta rất thông cảm thân phận của thuyền nhân, ông chia xẽ điều này, nước mắt ông đã chảy cho thân phận thuyền nhân chứ không phải vết đau không phải vì cú đấm. mà vì bất lực chứng tỏ cho điều này khi mà cảnh sát yêu cầu ông khởi kiện thì ông ta nói “lỗi tại tôi” và chỉ vài ngày sau đó ông ta vào chia tay để từ chức, còn gia đình chị Cam không chịu nỗi cảnh chim lồng cá chậu và sợ người em điên loạn nên đã hồi hương, chính tôi chứng kiến cảnh này ở văn phòng Cao Uỷ section 10.

Cuối năm 1994 khi tình hình thanh lọc dường như Cụ Di Trú có vẻ tăng tốc, tỷ lệ người đi phỏng vấn cao hơn so với những năm trước đây, phỏng vấn càng nhiều thì bị đánh rớt càng nhiều số người đạt được quy chế tỵ nạn đếm trên đầu ngón tay so với 54.000 ngàn người hiện đang bị giam giữ tại Hồng Kông, bất mãn đã được cọng hưỡng, chưa phỏng vấn thì còn hy vọng nhưng đã có kết qủa xấu rồi, thì thấy bầu trời xanh tựa như đêm 30, đồng thời kế hoạch cưỡng bức lên cao điểm. Chương trình Cơ Hội Tái Định Cư Người Việt Hồi Hương- ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees)Một hôm gần cuối Đông ở Shatin tiết trời lạnh buốt ai ai cũng co ro trong chăn, tôi vẫn đến làm việc ở văn phòng Cao Uỷ ở phân trại 10 (section 10), Cô Cao Uỷ người Miến Điện phụ trách phân trại 10 hôm đó vào trễ, khoảng 11 giờ có một vị khách đến thăm trại đặc biệt là xin đến thăm trực tiếp từng thuyền nhân. Tôi tiếp ông ta, qua lời chào hỏi xã giao, và mời ông ta ngồi, “tôi có thể làm được gì cho ông không?”, lúc đó ông ta không nói tiếng Mỹ nữa mà ông xin phép cho ông nói chuyện bằng tiếng Việt, ông tự giới thiệu : ông ta là người Mỹ, đã từng tham chiến tại Việt Nam vào những năm 1968, rất am hiểu văn hoá Việt, rất trân quý văn hoá Việt và thương người Việt nên ông lấy vợ Việt có 2 mặt con và nhờ Cổ đặt văn hoá và giáo dục lên hàng đầu nhờ vậy hai người con tôi đã thành tài và thành nhân, hiện ông ta đang là nhân viên cho Đại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội”, lối hành xử và ngôn ngữ đúng là một nhà ngoại giao, ông nói tiếp “vì gắn bó người Việt, con của tôi cũng có dòng máu Việt của mẹ nó, con cái tôi thành tài cũng nhờ lối giáo dục của “bà Xã” tôi, lý do này tôi muốn gởi một thông điệp tốt đẹp đến tận tai thuyền nhân, ông nói tiếp “ Hiện nay Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc và Mỹ mắc nợ chính quyền Hồng Kông quá nhiều, chính quyền thuộc địa Anh họ không muốn chi tiền thêm cho thuyền nhân nữa nếu như Mỹ và Cao Uỷ tỵ nạn không giải quyết vấn đề thuyền nhân đến năm 1977 thì thuộc địa này trả lại cho Trung Cộng, khi đó thuyền nhân gặp thêm một tai ương nữa, vì lẽ đó Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một dư luật thành lập một ngân qũy để giúp thuyền nhân tái định cư tại Mỹ, với điều kiện họ phải “đăng ký” tự nguyện hồi hương trong mốc thời gian được quy định sau đó được phỏng vấn với Sở di trú Mỹ tại Việt Nam, với điều kiện trở về trong mốc thời gian được Quốc Hội Mỹ quy định, dự luật được Hạ cũng như Thượng Viện chủng thuận với tỷ lệ rất cao” Ông ta nói, sứ mệnh của ông là mang thông điệp lạc quan và tương lai cho thuyền nhân và ông xin bắt đầu đi đến từng “hut” buồng để nói chuyện, điều đặc biệt là không có nhân viên Sở Trừng Giáo đi cùng. Thật ra lúc đó chính bản thân tôi làm sao mà tin được những gì ông ta nói, ở ngay trên đất nước tự do mà không đi được huống gì về Việt Nam phỏng vấn để ra đi. Đúng vậy như suy nghĩ của tôi, ông ta đi đến đâu đều bị thuyền nhân tẩy chay, và đả đảo có nhiều người chưởi rủa, nhiếc mắng “đồ vô nhân đạo” “cút đi, không nghe đâu, đồ nói láo, đừng lừa bịp vân vân…”, ông vẫn chịu đựng chỉ nở nụ cười và ông ta nói “Tôi nói thật đó”, ông vẫn kiên trì đi từ hut này sang hut khác mặc cho những sự phản đối và tức giận của thuyền nhân, ông ta nói “tôi cố gắng làm hết bổn phận và lương tâm của tôi. Chiều đến ông ăn “cơm trại” với tôi ở tầng 3 rồi chia tay, ông nói : “chúc may mắn” (không biết anh Hùng hiện ở Sài Gòn lúc đó ở chung tầng 3 với tôi có còn nhớ không?)

Tiếp sau mấy ngày phái đoàn Cộng Đồng Chung Âu Châu đến có phiên dịch quốc gia vào trại thuyết trình chính sách và những dự án tại Việt Nam của Cộng Đồng Chung Âu Châu sẽ giúp đỡ cho những thuyền nhân nào đăng ký tự nguyện hồi hương , họ đưa ra những chương trình nào là cho vay mượn vốn với lãi suất Zero thời gian 3 năm đến 5 năm tuỳ thuộc kế hoạch kinh doanh, cho vay vốn đóng lại tàu thuyền, lập kế hoạch kinh doanh, đào tạo nghề nghiệp, cho vay vốn đi học, và trợ giúp số tiền mặt lúc ban đầu để giải quyết khó khăn tạm thời vân vân…. Đồng hành, văn phòng Cao Uỷ liên tục kêu gọi thuyền nhân đăng ký hồi hương để hưởng được trợ giúp lúc ban đầu khi đặt chân đến Hà Nội vân vân….. Biết bao nhiêu chuyện đến với thuyền nhân trong thời gian này và về sau, tính nửa hư nửa thực làm sao mà mò được.

Mãi về sau đến cuối năm 1996 mới biết đến Dân biểu Christopher Smith của quận hạt thứ 4 thuộc tiểu bang New Jersey, ông liên tục đắc cử Dân biểu Hạ viện thuộc đảng Cọng Hoà mấy nhiệm kỳ từ 1981-2015 đã từng hoạt động với tổ chức BPSOS, một tổ chức cứu người vượt biển. Ông nói, tổ chức BPSOS đã từng can đảm đối đầu với chính sách thanh lọc bất công của Sở Di Trú Hồng Kông và chương trình cưỡng bức hồi hương, chương trình hành động toàn diện được kết thúc vào ngày 30 tháng 6 năm 1996 bằng cách giúp đỡ thuyền nhân về mặt pháp lý, nhờ vậy đa số thuyền nhân hưởng được quy chế tỵ nạn bởi hội đồng tái xét. Dân biểu Christopher Smith đã đệ trình một dự luật lên Quốc Hội Hoa Kỳ là không cho chính quyền Hoa Kỳ dùng tiền đóng thuế của người thọ thuế Mỹ để tài trợ qua các cơ chế của Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc người tỵ nạn về chính sách cưỡng bức hồi hương thuyền nhân Việt Nam. Dự Luật được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua nhờ sự vận động khéo léo và dẫn chứng hợp lý và nhân đạo, do đó từ đạo luật này chính phủ Hoa Kỳ đã thiết lập một chương trình Cơ Hội Tái Định Cư Người Việt Hồi Hương (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees), hay chúng ta thường gọi RORV, qua chương trình này Hoa Kỳ đã định cư trên 18.000 thuyền nhân mà người nào đã đăng ký tự nguyện hồi hương ở trong mốc thời gian từ ngày 1 tháng 10 năm 1995 đến ngày 30 tháng 6 năm 1996. Sau này chương trình này đã nới rộng thêm vào năm 2005 cho 2.000 thuyền nhân còn kẹt ở tại Phi Luật Tân. Đây là chương trình quá nhân đạo không thể tin được tạo cho thuyền nhân có thêm một cơ hội để xin quy chế tỵ nạn mà được phỏng vấn bởi nhân viên di trú Hoa Kỳ tại Sài Gòn Việt Nam.

Đầu năm vào tháng 1 năm 1997 cuộc thương thảo giữa Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam mới đi đến một thỏa thuận chung nhất, Việt Nam cho phép thuyền nhân hồi hương được ra đi tái định cư nhân đạo, phía Hoa kỳ chấp nhận cho tái định cư và chương trình có hiệu lực bắt đầu từ đó, cũng từ đó anh em bà con chúng ta có dịp hát lên “anh em ta về gặp nhau ta sum họp này 1,2,3,4,5….. anh em ta về cùng nhau ta quây quần này 5,4,3,2,1,…” Trong số những người được cựu nhân viên Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã đến tận nhà một số người báo tin mừng trong số đó tôi được biết gia đình bác Phan Văn Đính, Phan văn Vinh, Phan văn Quang , Đà Nẵng hiện ở San Jose Bắc California, anh Tung Quảng Ngãi, Trần Thị Thuý Vân ở Huế và đa số anh em bạn bè khác … từ đó truyên miệng và tiếp tục nhận giấy mời vào Sài Gòn phỏng vấn, không phải dưới bàn tay “đao và sát thủ của cục di trú Hồng Kông” mà quan chức Di Trú Mỹ, để đi Mỹ tái định cư theo chương trình RORV.

Tiến trình thanh lọc (Screening Procedures)

Theo Công Ước quốc tế 1951 xác định ở điều I chương I nói rằng: “được coi là người tỵ nạn những ai lo sợ có căn cứ bị ngược đãi vì những nguyên nhân chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch thành viên của một tổ chức xã hội đặc biệt hoặc bất đồng chính kiến và có nỗi lo sợ bị đàn áp khi bi trả về nơi họ đã trốn tránh ra đi…

Article 1 of the Convention as amended by the 1967 Protocol provides the definition of a refugee; “ A person who owing to a well-founded fear of being persecuted for reasons of race, religion, nationality, membership of a particular social group of political opinion,….. owing to such fear, is unwilling to return to it”

Thời gian để có được một cuộc thanh lọc, thuyền nhân phải chờ đợi có khi lên đến 3 hoặc 4 năm. Tuy trả một giá quá dài ngày như vậy, thực ra thuyền nhân có lợi thế: thứ nhất thời gian giam giữ lâu như vậy đủ để chuẩn bị cho mình một hồ sơ có một lập luận khá vững chắc rơi vào Công Ước Quốc Tế như đã trích dẫn trên, hội đủ điều kiện xin quy chế tỵ nạn.

Thứ hai: Trong chương 1 có phần đề cập người xin quy chế tỵ nạn được hưởng quyền lợi về nghi ngờ, (benefit in doubt).

Thứ ba: Được quyền nộp hồ sơ xin tỵ quy chế tỵ nạn trước khi được gọi đi phỏng vấn, như vậy nhân viên Cục Di Trú không thể tráo trở được, trừ phi mình khai không rơi vào Công Ước thì chịu thua, gọi là “bó tay”.

Nhằm ngăn chặn thuyền nhân tiếp tục rời Việt Nam, ngày 16 tháng 6 năm 1988 chính quyền thuộc địa Hồng Kông chấp hành và thực hiện chính sách “ Kế hoạch hành động toàn diện” ( Comprehension Planning Act, CPA) nghĩa là mọi thuyền từ Việt Nam đến Hồng Kông không còn được tự động xem là người tỵ nạn như trước đây nữa, họ phải trải qua một thời gian giam giữ, phải được phỏng vấn và thanh lọc bởi Sở Di Trú Hồng Kông trước khi được công nhận quy chế tỵ nạn, nếu ngược lại thì phải bị trả về lại Việt Nam, bên cạnh chính sách đó, chính quyền Hồng Kông xử dụng phương tiện truyền thông truyền hình ở Hồng Kông lập đi lập lại hàng ngày hằng tháng thông báo với nội dung sau bằng tiếng Quảng Đông và tiếng Việt : “Chính phủ Hồng Kông đã chấp hành “Kế hoạch hành động toàn diện” đối với thuyền nhân Việt Nam. Bắt đầu từ nay: một chính sách mới về thuyền nhân đã được chấp hành tại Hồng Kông. Từ nay về sau, những thuyền nhân Việt Nam kiếm cách nhập cảnh Hồng Kông với thân phận của những người di tản vì vấn đề kinh tế sẽ bị coi là những người nhập cảnh phi pháp, là những người nhập cảnh phi pháp, họ sẽ không có chút khả năng nào để được đi định cư tại nước thứ ba, và họ bị giam cầm để chờ ngày giải về Việt Nam”.

Cũng theo phúc trình của ông Christopher Bale cho biết ở Hồng Kông có hơn 40.000 thuyền nhân cho dù không còn thuyền nhân nào đến nữa thì số người này phải bị giam giữ tại những trung tâm giam giữ hằng năm trời mới được đi phỏng vấn thanh lọc để quyết định tư cách tỵ nạn bởi các quan chức di trú Hồng Kông, chỉ có áp lực thực tiển và áp lực nhân đạo thì hy vọng giải quyết nhanh và sớm được.

Tất cả thuyền nhân đều phải trải qua quá trình thanh lọc bởi quan chức Sở di Trú, nếu lời khai có khả năng đáng tin cậy, đồng thời lời khai có phần lợi thế là được hưởng quyền lợi nghi ngờ (benefit in doubt) thì được cấp quy chế tỵ nạn và lập tức được chuyển ra khỏi trung tâm giam giữ đến trại tự do hoặc trung tâm chuyển tiếp (open camp or transit centers) để nạp đơn xin đi định cư ở nước thứ ba, nếu họ phủ quyết tư cách tỵ nạn,” bị ăn một cánh gà”, ( first chicken wing, screened out) thì thuyền nhân có thể đệ đơn lên một Hội đồng tái xét (a Review Board), Hội đồng tái xét đóng vai trò như là một mạng lưới an toàn ( safety net) cho thuyền nhân, thông thường thì hội đồng tái xét có quyền quyết định cuối cùng , cũng nhờ Hội đồng tái xét này đã ban quy chế tỵ nạn cho rất nhiều thuyền nhân mà bị quan chức di trú Hồng Kông vì lý do nào đó mà khước từ một cách oan nghiệt, tuy nhiên Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc vẫn có thể ban quy chế tỵ nạn qua hình thức mandate, “(mệnh lệnh tối cao) buộc chính quyền Hồng Kông phải chấp nhận.

Khoảng chừng 16% tổng số thuyền nhân tại Hồng Kông được thanh lọc đậu (screened in), con số này, theo phúc trình của ông Christopher Bale thì cao hơn nhiều so với con số mà ông Bộ trưởng An Ninh đã “dự đoán” (guessed” trước khi tiến trình bắt đầu, nhưng nhiều thuyền nhân trong số này được thanh lọc đậu với chính sách đoàn tụ gia đình hơn là được ban quy chế tỵ nạn cho quyền lợi chính họ. Vì vậy sự khủng hoảng trong vấn đề thanh lọc không thể thuyết phục được, vấn nạn được đặt ra ở đây là quan chức Sở Di trú họ không muốn tin lời khai của thuyền nhân, họ tìm bằng mọi cách để đánh rớt, cho ăn cánh gà, không cần tin vào lý do ra đi mưu cầu tự do (“They don’t want to believe. They want to find reasons to screen people out”). Tổ chức Ân xá quốc tế cũng thừa nhận quá trình thanh lọc là thiếu sót trầm trọng, (“Amnesty International believes the screening process is critically flawed”) bên cạnh đó sự phức tạp trong cùng một thời gian thanh lọc sử dụng đến 3 ngôn ngữ Việt, Hoa và Anh, sự trở ngại lớn nhất là khả năng tiếng Việt và của thông ngôn mà Cục di trú thuê mướn, thuyền nhân được hỏi bằng tiếng Hoa, thông ngôn chuyển dịch ra tiếng Việt, lắm lúc thuyền nhân cũng không hiểu người thông ngôn nói những gì, khi trả lời thông ngôn thông dịch lại bằng tiếng Hoa, quan chức Sở di trú chép xuống hồ sơ bằng tiếng Anh, lắm rắc rối và lắm lúc nói một đường, ghi chép một nẻo và cố tình viết sai sự thật mục đích để đánh rớt, sở dĩ phát hiện ra trường hợp như vậy vì có những thuyền nhân giỏi tiếng Anh mà tôi được biết đến như anh Niết, anh Thu, anh Nhì, anh Lồ A Chắn, bác Thương, anh Sanh, anh Thạch vân vân… đã nghe và đọc được quan chức di trú hỏi một đàng chép xuống một nẻo, cũng lắm lúc quan chức sở di trú khó tính không cần phỏng vấn thuyền nhân trực tiếp bằng Anh Ngữ mặc dù được yêu cầu, cũng có quan chức sở di trú có tấm lòng trao đổi, phỏng vấn bằng Anh ngữ những trường hợp như thế này thi khả năng ban quy chế khá cao.

Ban quy chế tỵ nạn cho thuyền nhân Hồng Kông sau ngày đóng cửa năm 1989 được 4.754 người, năm 1990 được 3.474 người, va còn co 10.235 người tỵ nạn đang chờ đợi ở Hồng Kông trong số đó co 2.473 chờ đợi trên 3 năm và 1.490 chờ đợi định cư hơn 7 năm , theo dữ liệu của ông Chris Bale phúc trình năm 1990.

Theo phúc trình của ông Chris Bale giám đốc Oxfam Hồng Kông: Cuối tháng 6 năm 1990 có 54,341 thuyền nhân Việt Nam tại Hồng Kông, trong số này có 10.272 được phân loại hưởng quy chế tỵ nạn và chờ đợi đi định cư, và 11,294 đã nhận được quyết định từ chối tư cách tỵ nạn bởi chính quyền Hồng Kông phần còn lại 32.775 chờ đợi thanh lọc. Theo tường trình của thông tấn xã AP, ngày 3 tháng 10 năm 1991 tính đến ngày 1 tháng 8 năm 1991 tại Hồng Kông có 18.100 thuyền nhân bị khước từ ban quy chế tỵ nạn theo công ước, 37.700 đang chờ đợi phỏng vấn thanh lọc và chỉ có 5.700 được ban quy chế tỵ nạn. Theo AP tính đến năm 1991 Hồng Kông có hơn 50.000 thuyền nhân bị giam giữ trong những trung tâm giam giữ, đa số có khuynh hướng bất mãn.

Và kể từ ngày 29 tháng 10 năm 1991 trở về sau những thuyền nhân Việt Nam tìm cách đến Hồng Kông sẽ được phỏng vấn và thanh lọc ngay bởi quan chức di trú khi vừa mới đến, những thuyền nhân này không chứng minh được nỗi sợ hãi có căn cứ bị ngược đãi khi trở về lại nơi ra đi thi tức khắc sẽ trả về ngay. Kể từ đó không còn thấy bóng dáng thuyền nhân và trại nữa.

Chính sách thanh lọc bất công (unfair , unjust screening policy) của sở di trú Hồng Kông, chính sách “Kế hoạch hành động toàn diện” (CPA, Comprehensive Planning Act) quá khắt khe, chính sách cưỡng bách hồi hương, (forced repatriation), bị giam giữ quá lâu trong những trung tâm giam giữ tồi tệ đến hằng năm trời, có người bị giam đến 6, 7 năm cách ly với xã hội bên ngoài khác gì con thú nhốt trong chuồng nuôi ăn từng bữa, ức chế và nỗi sợ hãi bị cưỡng bức về Việt Nam nơi sẽ bị ngược đãi, đi ngược lại nguyện vọng, thuyền nhân bắt đầu có thái độ với các chính sách này của Hồng Kông và Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc bằng cách xuống đường biểu tình trong ôn hoà (non violent demonstrations) có tổ chức, tuyệt thực dài hạn để đòi hỏi nguyện vọng trả lại công lý và công bằng cho thuyền nhân, đòi hỏi sở di trú tôn trọng Công ước quốc tế và Nghị Định Thư về tư cách tỵ nạn. Tôi còn nhớ năm 1992 khi ấy còn ở trại Whitehead đã biết đến một vụ tráo trở đầy âm mưu có tính toán cẩn thận của Cục Di trú Hồng Kông để lường gạt thuyền nhân và đánh lừa dư luận thế giới, trong thời gian đó phía bên ngoài xã hội đã có rất nhiều những tổ chức lên án thanh lọc bất công của Sở Di Trú Hồng Kông, họ đang đấu tranh đòi quyền lợi và công bằng cho thuyền nhân đến đỉnh cao. Để che đậy và chứng minh cho sự công bằng của họ, Sở Di trú Hồng Kông đã dụ dỗ một số thuyền nhân đã đi thanh lọc nhưng chưa có kết quả lên văn phòng hứa hẹn sẽ cho ra tự do với điều kiện ký vào các văn bản đồng ý và xác thực rằng tiến trình thanh lọc của Cục Di Trú Hồng Kông là công bằng (fair screening). Vì sự khao khát tự do, đó là nguyện vọng chính yếu, vã lại một số anh không biết tiếng Anh và tiếng Hoa, văn bản được viết bằng hai thứ tiếng ấy, vì sự dọa dẫm nên đã ký và không dám tiết lộ cho anh em thuyền nhân khác biết chuyện này, tôi có biết và đã nói các anh đọc cho kỹ văn bản đó nói những gì và cẩn thận trước khi ký, nhưng đã trễ rồi (too late) các anh vô tình đã ký. Chớp được văn bản có chữ ký có ID, có số thuyền nghĩa là có nhân chứng có vật chứng, chính quyền thuộc địa Hồng Kông đã nhanh chân lẹ tay mang ra trình bày và trưng bằng chứng cho Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, báo giới, các nước phương Tây, các tổ chức Nhân Quyền vân vân….là chính sách thanh lọc công bằng, tất cả đều ngỡ ngàng. Bất kỳ ai ở trại section 10 đều biết đến sự kiện này của anh Hồ, anh Lanh, và 3 người khác. Khi mà đã chấp nhận thanh lọc công bằng thì hồ sơ của các anh đó đã bị đánh rớt, ăn cánh gà vì “không chứng minh được có nỗi sợ hãi sẽ bị ngược đãi về những ly do sắc tộc, tôn giáo, dân tộc, chính kiến…. mỗi khi trở về lại nơi ra đi của họ”, điều này Cục Di Trú trương bằng chứng hùng hồn thêm cho giới báo chí là, những thuyền nhân này đã công nhân “thanh lọc công bằng” hồ sơ họ khai đã không rơi vào Công Ước 1951 cũng như Nghị định thư do đó họ vẫn không được chấp nhận quy chế tỵ nạn, đau khổ từ đó, Cục Di Trú tha hồ ra tay sát phạt không thương tiếc, và trường hợp của các anh Hồ anh Lanh và những người khác trong thuyền biết mình đã bị gạt, kêu trời không thấu, thấp cổ bé miệng , làm cách nào nói ngược lại đây mổi khi đã ký, thế rồ không bao lâu, sau đó các anh ấy bị cưỡng bức hồi hương, mà Sở Di Trú cho là tự nguyện hồi hương, một lần nữa chính quyền Hồg Kông quảng bá trên báo chí, trên truyền thanh, truyền hình . Các tổ chức và các quốc gia bênh vực quyền tỵ nạn cho thuyền nhân Việt Nam phải ngậm đắng nuốt cay biết đó là dối trá, đánh lừa. Đây là bài học nhớ đời và lở một đời cho thuyền nhân, và cũng từ đó thuyền nhân Whitehead, section 10 biết rõ bộ mặt gian xão của Cục Di Trú, và cũng từ đó phong trào đòi công bằng thanh lọc, chống lại cưỡng bức hồi hương rầm rộ nổi lên bằng hành động biểu tình trong ôn hoà ,tuyệt thực (hunger strike) trong tổ chức và trật tự, đầu quấn khăn tang có ghi “SOS”, mặc áo T Shirt màu vàng, đỏ có ghi chữ , “Tự do hay chết ““Liberty or Death”, “thanh lọc bất công” “Unfair screening”, “Our today is Your tomorrow 1997”, “Where Is Your Humanity?”, dài hạn, châm ngòi biểu tình và tuyệt thực lan sang ra các trại khác. Và từ đó trên các tờ báo lớn của Hồng Kông trong đó có tờ báo South China Morning Post đã chạy một tít lớn ở trang thứ nhất với hàng chữ thật lớn ”Vietnameses Boat People in Section 10 of Whitehead Stage Hunger Strike” kèm theo nội dung “ About 3,000 or more Vietnamese boat people in section 10 of Whitehead Detention Centers Thursday began a hunger strike, and non-violent, peaceful meetings to protest government and UNHCR policies and unfair screening that treat them as illegal immigrants subject to repatriation” vân vân… “Hơn 3.000 thuyền nhân Việt Nam phân trại 10 thuộc trung tâm giam giữ Bạc Đầu (Whitehead) ngày thứ Năm đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực và biểu tình trong ôn hòa bất bạo động nhằm chống lại các chính sách của chính quyền Hồng Kông và Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cũng như chính sách thanh lọc bất công mà họ xem thuyền nhân như những người nhập cư bất hợp pháp buộc phải hồi hương ……” Cũng được biết tháng 3 năm 1992 một số lớn dịch vụ cung cấp cho thuyền nhân bị cắt giảm đến 25% đã thúc đẩy chính quyền Hồng Kông mạnh tay cưỡng bức thuyền nhân hồi hương.

Tiến trình đấu tranh cho quyền tỵ nạn. Fighting for refugee rights. Peaceful protest against forced repatriation.

 Chính quyền Hồng Kông đã áp dụng chính sách thanh lọc vào ngày 16 tháng 6 năm 1989. Chính sách sàng lọc này được áp dụng cho tất cả các thuyền nhân, không ngoại trừ. Chính sách này nói rằng: những người nhập cư bất hợp pháp buộc phải hồi hương trừ phi họ chứng minh được chạy trốn vì bị đàn áp chính trị, sắc tộc, dân tộc, tôn giáo vân vân Ngày 01 tháng 6 năm 1989 nhằm ngày thứ Năm tại Hồng Kông có Khoảng 2.000 thuyền nhân Việt Nam bắt đầu cho một cuộc tuyệt thực để phản đối chính sách của chính quyền đã đối xử với họ như những người nhập cư bất hợp pháp và có khả năng bị bắt buộc phải hồi hương đi ngược lại nguyện vọng của họ.

Theo báo Times ra ngày 12 tháng 12 năm 1989, phóng viên Chrales Wallace đăng tải: “mặc dù có sự phản đối của Mỹ và Anh Quốc về việc trục xuất (deportations) 51 thuyền nhân về Hà Nội hầu hết trong số họ là trẻ em họ cũng ra đi mưu cầu tỵ nạn chính trị, chính quyền Hồng Kông thì cho rằng họ là những người tự nguyện, họ tự nguyện trở về mà không phản đối. Đây là đợt đầu tiên sau 15 năm, gồm 8 đàn ông, 17 phụ nữ và 26 trẻ em. Tuy nhiên một số nhân chứng nói rằng những thuyền nhân đó họ bị bắt bớ và bị nhốt vào trong một căn phòng ở trung tâm giam giữ Phoenix House, họ gào thét và phất cao biểu ngữ “Where Is Your Humanity?” Tinh thần nhân đạo của quý Ngài ở đâu?. Việc trục xuất thuyền nhân vừa qua đã gây chấn động nước Anh, đảng Lao động, (Labor Party), đối lập mô tả động thái này là một” động thái thảm hại và xấu hổ” ( the move as a wretched and shameful action). Tổ chức Nhân Quyền có trụ sở ở Luân Đôn đang giám sát tổ chức Ân Xá Quốc tế kêu gọi chính quyền của thủ tướng Anh là bà Margaret Thatcher để ngăn chặn chính sách hồi hương, tiến trình thanh lọc được sử dụng để xác định người di dân kinh tế là “cực kỳ sai lầm” (“the screening procedure used to identify economic migrants is “critically flawed”) Theo báo South China Morning Post ngày 30 tháng 10 năm 1991, do phóng viên Chritine Courtney đăng tải với tựa đề “Pact Signed on Repatriating Vietnamese in Hong Kong” Hiệp ước được ký kết cho việc hồi hương người Việt Nam tại Hồng Kông” tóm tắt nội dung như sau: “Anh Quốc và Việt Nam đã ký một thỏa thuận tại Hà Nội để hồi hương toàn bộ thuyền nhân người Việt Nam đã không đạt tiêu chuẩn tỵ nạn. Ông Bộ trưởng an ninh Alistair Asprey thuộc chính quyền Hồng Kông cho biết hôm thứ Ba.

Sự thỏa thuận này thực hiện tác động lên chương trình hồi hương có trật tự. Chính quyền Việt Nam sẽ nhận một số tiền lên đến 1.000 dollars trên mỗi đầu người hồi hương. (Viet Nam will get up $1,000 for every individual who returns) Đây là hiệu quả để thoa dịu mà trước đó Hà Nội dường như phản đối. Ông Asprey nói rằng Cộng đồng Âu Châu và chính quyền Anh Quốc sẽ cung ứng tiền, đồng tiến này sẽ được dùng cho những dự án phát triển và vay mượn kinh doanh với lãi suất thấp. Để đáp trả lại,Việt Nam phải hứa không có ngược đãi hoặc quấy rối những người trở về, ông Asprey cho biết như vậy”. Tại Trung tâm giam giữ Whitehead ở Shatin, người tị nạn Việt Nam từ chối ăn trưa và ăn tối sau khi quan chức nhập cư bắt đầu tăng tiến hành thủ tục thanh lọc (screening procedure). Chỉ mất một hoặc hai tiếng đồng hồ phỏng vấn là quan chức Sở Di Trú quyết định “xấu” cho ăn cánh gà ngay trên số phận cả cuộc đời của một thuyền nhân,

Còn tiếp……

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img