Thursday, March 28, 2024

Những anh hùng thấm mệt.

Cali Today News – Câu chuyện thứ nhất “Trung tướng Ngô Quang Trưởng”

Cuối năm Bính Thân, đọc trên Net có những lời sau đây, chợt thấy buồn phiền.

1) Nguyên văn như sau.

-Trong Tập San Y Sĩ Canada (nổi tiếng chống CS), số 154, trang 12, BS Nguyễn Lưu Viên, 1 trí thức người Nam, cựu Tổng Trưởng đă có nhận xét về Ngô Quang Trưởng như sau : Trưởng thúc thủ, bỏ thuộc hạ, lội chập chũm ra tầu biển.” Danh Tướng này bị Thiệu giam ở bộ Tổng Tham Mưu “” Ranh Tướng này đă bỏ hết thuộc hạ, lội bì bõm ra biển, ngửa tay xin nhờ tầu Mỹ vớt. Trưởng đă được Tướng Kỳ cứu tử, ngưng y quên ơn cứu tử ngay.

Đối với anh em cựu chiến binh cao niên chúng tôi, ông Trưởng vừa là sĩ quan cao cấp, vừa là niên trưởng, cùng khóa Cương Quyết , chúng tôi vẫn có phần kính trọng. Nay nghe bác sĩ Nguyễn Lưu Viên phê phán như thế, xem ra cũng buồn phiền. Sở dĩ phải quan tâm vì Bác sĩ Viên vốn là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng văn hóa giáo dục thập niên 60. Bèn gửi thư hỏi thăm bác sĩ Thân Trọng An bên Canada, hiện đang phụ trách tờ báo liên hệ.

2) Bác sĩ An gửi qua bài viết nguyên văn của bác sĩ Viên như sau:

“Nhơn dịp này tôi cũng muốn kiểm lại một việc mà tôi đã viết về Trung Tướng Ngô Quang Trưởng: Một danh tướng quốc tế là tướng Norman Schwarzkopf, (Người anh hùng đã chiến thắng “The Golf War dưới thời tổng thống Bush bố) mà ca tụng cái tài của một tướng VNCH như vậy là hết lời, Thế mà rồi, rốt cuộc, binh nghiệp của tướng VNCH ấy đã phải kết thúc trong cảnh thúc thủ khóc hận, bỏ thuộc hạ lội chập chũm ra tàu biển, chỉ vì một lệnh rút lui bỏ Quảng trị, bỏ Huế” Rồi khi triệt binh được nửa chừng thì một phản lệnh phải giữ Huế với bất cứ giá nào của ông tổng thống VNCH.”

3) Đọc được nguyên văn nhận xét của bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, tôi hiểu rằng cá nhân bác sĩ Viên biết chuyện và có phần thông cảm về hoàn cảnh của tướng Ngô Quang Trưởng. Phần bình luận viết thêm về ông Trưởng là do vị bác sĩ ở bên Pháp. Vị này có lẽ cũng chỉ nghe nói nên viết ra những lời cay đắng. Xin nhắc lại như sau. ” Danh Tướng này bị Thiệu giam ở bộ Tổng Tham Mưu ” Ranh Tướng này đã bỏ hết thuộc hạ, lội bì bõm ra biển, ngửa tay xin nhờ tầu Mỹ vớt. Trưởng đã được Tướng Kỳ cứu tử, nhưng y quên ơn cứu tử ngay.

4)Tôi xin có ý kiến: Huyền thoại anh hùng của tướng Ngô Quang Trưởng là chuyện có thực. Suốt một đời chinh chiến, ông Trưởng hết sức kín tiếng. Bài báo nói về chuyện bỏ Huế, bỏ vùng 1 cũng không phải ông Trưởng là tác giả. Ông nhà báo gốc hải quân cùng với Nguyên Sa ngồi hỏi chuyện ông Trưởng rồi phóng tác. Năm xưa Asia thu hình trên DC tôi hỏi chuyện ông Truởng, ông chỉ cười và nói rằng chẳng cần mình xác làm gì. Những giờ phút đau thương nghiệt ngã của mặt trận Vùng 1 và vùng 2 là thảm kịch của các vị tư lệnh quân đoàn, của toàn quân và của cả đất nước. Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Vùng 2 và trung tướng Ngô Quang Trưởng, Vùng 1 vào năm 75 nếu nói thẳng với vị tổng tư lệnh Nguyễn Văn Thiệu xin từ chức. Nếu thưa rằng, tổng thống chỉ thị cho chúng tôi quyết tâm ở lại chiến đấu, xin nhận lệnh thi hành. Nếu ra lệnh triệt thoái trong hoàn cảnh này xin giao cho người khác. Nhưng với trên 20 năm quân vụ, sống trong quân kỷ, các vị chiến binh đeo sao đã không biết nói không với thượng cấp. Ông Phú tự vẫn trước khi tướng Minh tuyên bố đầu hàng. Ông Trưởng hoàn toàn im lặng suốt cuộc đời di tản lưu vong. Dù quê ở Bạc Liêu nhưng ông sống chết cả đời chinh chiến với miền Trung. Khi ông ra đi, di hài được phu nhân trải tro trên đèo Hải Vân. Trên đỉnh núi cao của giữa miền đất Quảng, nhìn về phương Bắc năm 1972 nơi ông chỉ huy hàng ngàn lính Dù và Thủy quân Lục chiến hy sinh để cắm lại ngọn cờ trên Cổ Thành Quảng Trị. Nhìn về phương Nam, năm 1975 nơi thảm kịch xảy ra trên bãi biển Đà Nẵng, đưa đến ngày chấm dứt cuộc chiến tranh.

Khi tôi viết lại những hàng chữ này, ngồi trên lầu hai của Việt Museum. Trước mặt là bản đồ quân sự hành quân của Vùng 1 và trên bàn có lá cờ phủ quan tài ông Trưởng. Hoàng hôn xuống dần vào một buổi chiều giông bão cuối năm âm lịch. San Jose History Park bắt đầu chuẩn bị đóng cửa. Tôi nhớ lại 42 năm trước những kỷ niệm đau thương ở Cam Ranh. Phụ tá cho tướng Trang, chúng tôi từ Tổng Tham Mưu ra đón và tái tổ chức quân đoàn 1 và 2. Nhưng lúc đó tướng Trang đã bay vào miền Nam.Tướng Diệp Quang Thủy qua bên Hải Quân. Đại tá Huy, của sư đoàn Nhảy Dù về lại Sài Gòn với lính Mũ đỏ. Đại tá Mai Duy Thưởng chỉ huy bán đảo Cam Ranh cũng suôi Nam bằng đường biển. Quay đi quay lại chỉ còn tôi và đại tá Trường ở lại Cam Ranh.Tướng Nhựt, sự đoàn 2 trên đoàn tàu di tàn từ miến Trung ghé Cam Ranh cho biết ông Trưởng đang nằm dưới tàu hải quân. Máy bay C47 của đại tướng Cao Văn Viên từ mây trời hải đảo liên lạc xuống có lệnh đón vị tư lệnh vùng 1. Ông Trưởng từ chối xin ở lại tàu hải quân về cùng lính Thủy quân Lục chiến.Tôi báo cho C47 bay về Sài Gòn. Sau đó chúng tôi gần như là người cuối cùng di chuyển qua bên hải quân để theo tàu về Phú Quốc. Tiếp theo vào những ngày Sài Gòn bị vây hãm, trung tướng Đôn lên nhận chức vụ tổng trưởng quốc phòng đã ra lệnh phạt một số các vị tướng lãnh trách nhiệm tại Vùng 1 và 2. Các vị này phải tập trung tại câu lạc bộ Tổng tham Mưu để viết báo cáo. Nhưng riêng tướng Phú và tướng Trưởng nằm tại Tổng y Viện Cộng Hỏa. Ngày 29 tháng tư-1975 quý vị tổng thống, thủ tướng và tổng tham mưu trường đã ra đi. Phía Hoa Kỳ hết sức lưu tâm muốn các vị tướng lãnh còn lại sau đây được di tản. Tướng Kỳ có trực thăng riêng và đã biết rõ lộ trình.Trung tướng Đồng Văn Khuyên, vị tham mưu tưởng liên quân cuối cùng, và 2 vị tư lệnh quân đoàn là tướng Ngô Quang Trưởng và tướng Phạm Văn Phú. Ông Phú từ tổng y viện về nhà uống thuốc độc tự vẫn. Từ những ngày trước, trung tá Nguyễn Đình Bá chánh văn phòng ông Khuyên đã được lệnh đưa gia đình ông Khuyên và ông Trưởng qua bên Dao để di tản.Trưa ngày 29 tháng tư, ông Kỳ bay vào Tổng Tham Mưu để hỏi thăm tin tức. Tướng Khuyên cho biết hoàn toàn hết hy vọng. Trước khi rời tổng tham mưu bay đi, ông Kỳ kéo theo ông Trưởng. Nếu tướng Trưởng không lên trực thăng của ông Kỳ thì chắc chắn phía bên Dao sẽ cho người hối thúc ông Khuyên và ông Trưởng ra đi bằng được nội trong đêm 29 tháng tư. Nếu ông Phú không tự vẫn thì chắc chắn cũng được phía Hoa Kỳ cho người đến tận nhà để yêu cầu di tản. Chúng tôi là những người nhân chứng còn lại để ghi những sự kiện chính xác nhất đặc biệt về tướng Ngô Quang Trưởng. Không có chuyện ông Trưởng xin tàu Mỹ vớt tại Đà Nẵng. Ông không bị giam tại TTM và không có chuyện ông Kỳ cứu ông Trưởng nên phải mang ơn. Ngoài sự hiểu biết cá nhân, hiện nay vị phi công trực thăng của ông Kỳ ở cùng khu mobil home với chúng tôi. Các chánh văn phòng và sỹ quan tùy viên của tướng Khuyên vẫn còn liên lạc, Những trang quân sử chúng tôi ghi lại về những ngày 30 tháng tư và toàn bộ cuộc chiến sẽ là những tin tức chính xác để quý vị quan tâm được biết. Bao nhiên chiến hữu cao niên của chúng tôi biết chuyện phải quấy trong chiến tranh đều đã ra đi.

Câu chuyện thứ hai. Khóa Cương Quyết.

Năm 1953 và 1954 là những năm quân trường Thủ Đức và Đà Lạt đào tạo các khóa sĩ quan trừ bị được mang tên Cương Quyết. Khóa Cương Quyết chính có 2 người mà chiến hữu thường biết tiếng.Trung tá Nguyễn Mộng Hùng tức Hùng xùi, Bắc Kỳ vẫn còn sống tại San Jose. Ông ở lại đi tù cộng sản trên 10 năm và vẫn nổi tiếng là người nói rất nhiều chuyện hấp dẫn. Nói đến Ngô Quang Trưởng ông luôn luôn ghi nhớ. Trưởng ngủ giường trên, moi nằm dưới. Người thứ hai của khóa chính là trung tướng Ngô Quang Trưởng. Ông Trưởng di tản 1975, góc Nam Kỳ, rất ít nói và ngày nay đã qua đời. Sau khóa Cương Quyết chính là đến khóa của chúng tôi. Khóa Cương Quyết phụ. Năm 1972 ông Trưởng là tư lệnh quân đoàn 1 chỉ huy trận tái chiếm Quảng Trị. Một sự tình cờ đặc biệt có 3 đại tá chỉ huy 3 lữ đoàn TQLC và Nhảy dù đánh trận Quảng Trị. Cả 3 đều là SVSQ khóa Cương Quyết 2 của trường Đà Lạt. Trần Quốc Lịch, nhảy dù. Ngô Văn Định và Phạm Văn Chung của TQLC. Ông Trưởng đã ra đi nhưng các anh em Cương Quyết đánh trận Quảng Trị may mắn thay vẫn còn đang đợi chờ. Tất cả đều là anh hùng thấm mệt. Hàng ngày lên Net toàn thấy chuyện trời ơi đất hỡi. Các vị tổng thống đã ra đi. Tư lệnh quân đoàn thời kỳ 75 chẳng còn ai. Người biết không nói. Người nói không biết. Đất tự do sinh ra một đám người chuyên chụp mũ chửi bậy. Ca dao có câu rằng. Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay. Các cậu viết tin tức thường phong thần quân ta quá mức. Rồi thì các tay chửi bới cũng toàn chụp mũ bá láp. Không đâu vào đâu. Riêng anh em chúng tôi vẫn nắm tay nhau trong tình chiến hữu. Năm 2004 Khóa Cương Quyết số 2 tổ chức 50 năm họp khóa ngậm ngùi, Giao Chỉ làm được bài thơ kỷ niệm. Tưởng rằng 10 năm sau họp mặt 2014 ghi dấu 60 năm còn khả quan hơn, sẽ làm thêm bài thơ ngon lành. Bây giờ đã quá 60 năm dài mới biết ngày mai không hơn được hôm qua. Xin gửi đến các bạn bè bốn phương bài thơ cũ kỹ cuối cùng của một thời oanh liệt. Xin tưởng niệm bạn cùng khóa chính và khóa phụ Cương Quyết Thủ Đức Đà Lạt 1953-1954. Những liệt sĩ đã ra đi và các anh hùng mỏi mệt còn ở lại…

Giao Chỉ, San Jose.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img