Người sống với thiên nhiên, với rừng núi bao la bát ngát, với suối reo, với chim hót suốt ngày, cười một mình với nai vàng ngơ ngác, với chim sẻ nhảy nhót trên cành cây thì không bao giờ già.
Một ngày đẹp trời, có một người ở Úc viết cho tôi mấy dòng chữ:
– Bạn nên gặp cha Huấn đến từ Darwin, bây giờ cha đang ở Mỹ, ở tiểu bang nào tôi cũng không biết, nhưng cha sẽ đến California đầu tháng 9/2022, suốt đời cha Huấn sống với thổ dân.
Khi nói đến Darwin là tôi nhớ ngay, vào thập niên 70, từ Canberra nghỉ hè tôi đến Perth thăm anh chị em sinh viên du học ở đó. Sinh viên du học ở Úc thường là được học bổng Columbo, ở Perth sinh viên Việt Nam nhiều hơn ở các thành phố khác trừ New South, Sydney. Lúc đó, ở Darwin chỉ có 2 sinh viên du học, một nữ sinh buồn quá và nhớ người yêu xin về nước, vì ở thành phố buồn hiu hắt, toàn là nông trại trồng mía, và núi rừng bao la bát ngát, còn lại một nữ sinh xin về học đại học Perth. Bỗng dưng người bạn nhắc đến Darwin, tôi biết ngay ở đây buồn lắm, đất rộng mênh mông bằng hai tiểu bang Victoria và New South Wales. Châu Úc là thuộc địa của Anh, không có vua, không có Tổng Thống, chỉ có thủ tướng. Thủ tướng do dân bầu nhưng phải được sự chấp thuận của nữ hoàng Anh. Cây nước lớn nhất giữa hồ nước ở Canberra, Úc do nữ hoàng Anh tặng cho chính phủ Úc và dân Úc.
Chúng tôi đến gặp cha Peter Nguyễn Văn Huấn tại nhà của Học và Dung, cháu cha, ở Santa Ana, một ngôi biệt thự nguy nga tráng lệ. Lúc ở Việt Nam, cha đi tu nhưng chưa chịu chức linh mục. Cha đã từng ở tù vì giúp cho giáo dân, họ đạo Tân Phước, Long Hải. Cha nhắc lại sự hãi hùng 3 tháng đầu ở tù dưới chế độ Cộng Sản, 60 người nhốt trong một nhà kho, khủng khiếp lắm.
Định cư ở Úc, cha đi học và chịu chức linh mục. Cha thường về Việt Nam giúp cho các trẻ em mồ côi ở núi rừng cao nguyên trung phần và các tỉnh miền tây. Cha cho chúng tôi xem hình những dì phước người Thượng, các em học sinh miền Thượng. Các em đem củi từ rừng đến thành phố để đổi lấy gạo. Những dì phước ăn mặc bình thường như người dân, cùng với các em mồ côi người Thượng đi tìm lương thực hàng ngày.
Học và Dung đãi khách với nhiều món rau, chỉ có một món thịt duy nhất do bằng hữu của Dung đem đến để đãi cha Huấn từ xa tới. Ăn thì ít mà nói thì nhiều, cha ở xa tới, nơi cha ở là rừng núi, cách thành phố 250 cây số, vậy mà cô bạn của tôi Phạm Thanh Tâm cùng 6 bằng hữu đến thăm cha trong rừng và ở lại với rừng núi. Trong 7 người chỉ có 1 nam còn lại 6 nữ. Ngày xưa đi học chúng tôi nghịch lắm, bây giờ gặp lại những người bạn cũ cũng thế, năng động, thích sống ở núi rừng, thích nghe chim hót líu lo trên cành cây, trong rừng rậm.
Cha Peter Nguyễn Văn Huấn quan tâm đến các em mồ côi nhất là vấn đề thức ăn hàng ngày và vấn đề giáo dục. Quý đồng hương không thể tưởng tượng được đến ngày hôm nay thế kỷ 21 mà vẫn còn những em mù chữ, có những người không đủ thức ăn hàng ngày không?
Cha Huấn gầy và đen, nếu không nhìn thấy cổ áo màu trắng của cha, không ai có thể nghĩ đây là linh mục ở một nước văn minh như Úc Châu. Cha kể cho chúng tôi nghe cha đi xin thực phẩm ở thành phố, có những lò bánh mì biếu không cho cha, cứ 2 tuần một lần cha rời rừng núi đến phố lấy thực phẩm mà người hảo tâm đến tặng cho cha để cha đem về cho người dân bộ lạc, đi và về 500 cây số. Không phải cha chỉ giúp các bộ lạc ở Úc mà còn giúp Việt Nam, cha cho học bổng các em mồ côi ở Việt Nam để các em học ra bác sĩ, dược sĩ, các em sau khi học xong về lại rừng núi giúp cho các em khác.
Cha cho chúng tôi xem hình ảnh của các em ở miền Thượng, từ năm 1999- 2006, cha thường về Việt Nam gặp các linh mục và các sơ đang giúp đỡ các em mồ côi. Có 6 trung tâm, mỗi trung tâm nuôi khoảng 180 em, có trung tâm ít nhất là 102 em. Các em mồ côi người Thượng ở Việt Nam đã khổ, các em thiểu số ở rừng núi Darwin cũng không hơn gì, bộ lạc cha Huấn đang chăm sóc gồm 1000- 1500 người, toàn là người da đen. Cha cười và nói tiếp:
– Tôi cũng đen, nên nhiều người nghĩ tôi cũng là người trong bộ lạc.
Ở Darwin nóng lắm, cho nên người nào sống ở Darwin, cũng chịu ảnh hưởng với sức nóng của nơi này.
Cha Peter Nguyễn Văn Huấn năm nay 73 tuổi, suốt đời làm linh mục sống với núi rừng, sống với bộ lạc. Một giáo xứ chỉ có một linh mục, sơn nhà thờ cũng là cha chính xứ, dọn rừng, đi xin bánh mì, xin thuốc cho bộ lạc cũng là cha chính xứ. Thỉnh thoảng có đồng hương đến thăm cha như phái đoàn của cô Phạm Minh Tâm từ Melbourne đến. Minh Tâm hoạt động tích cực trong phong trào Giáo Dân thế giới. Tôi còn nhớ những ngày Tâm sang Hoa Kỳ họp hội với anh em, Tâm viết văn từ nhỏ, lớn lên cũng viết văn và hòa đồng với người nghèo khó. Tâm rất mộ đạo, đi bất cứ nơi nào đến ngày Chúa nhật là đi lễ.
Anh chị em ở Melbourne, Úc Châu rất kính nể cha Peter Nguyễn Văn Huấn vì sự hy sinh cao cả của cha chăm lo và giúp đỡ cho trẻ con mồ côi, cho các bộ lạc ở rừng núi, cho nên khi cha Huấn đến nơi nào thì anh chị em trong nhóm của Tâm gởi email đển bằng hữu ở nơi đó, yêu cầu đến thăm cha, nếu có thể tiếp tay được với cha giúp đỡ trẻ con mồ côi thì tốt quá.
Mơ ước của cha Huấn là trẻ con mồ côi và những bộ lạc ở rừng núi có thực phẩm hàng ngày và những đứa trẻ được học hành như những người ở thành phố.
