Tuesday, March 19, 2024

Massachusetts: Nghi can gốc Việt không được tại ngoại vì có thể bị trục xuất

SALEM (The Salem News)  — Một người gốc Việt 50 tuổi vừa mới được tha bổng sau nhiều năm thụ án đồng loã sát nhân và đang chờ xét xử cáo buộc cũ liên quan tới ma túy hiện chưa rõ có bị trục xuất hay không.

Nguyễn Thanh Sơn (Son Thanh Nguyen) sinh sống tại Dorchester, Massachusetts, bị cảnh sát chặn xe vì lái rất chậm trên xa lộ 95 vào ngày 12 tháng 10 năm 2005. Nghi tài xế say rượu lái xe nhưng cảnh sát Josh Ulrich lại phát giác ra ống tẩy hút xách trong túi Sơn và hơn một ounce ma tuý trong ngăn tủ xe hơi. Người đàn ông bị bắt và bị khởi tố.

Không ai biết vào lúc đó Sơn có tòng phạm cùng với những kẻ khác tham gia vào  vụ sát nhân một nạn nhân ở Dorchester, người bị bọn chúng tình nghi đã trộm số tiền được giao để mua ma tuý.

Theo phán quyết của toà Thượng thẩm Maine, vào ngày 6 tháng 9 năm 2005, cả bọn chở nạn nhân lên xa lộ 95 đi Main. Chúng dừng lại ở York, lôi nạn nhân vào rừng bắn chết. Vụ giết người bị phát giác và Sơn cùng các đồng phạm bị khởi tố, nhà chức trách chuyển anh ta sang cho chính quyền tiểu bang Maine, lãnh bản án 15 năm tù. Sau khi được ân xá vào tháng 8 vừa qua, Sơn được đưa về tiểu bang Massachusetts, đối mặt với cáo buộc buôn bán ma tuý.

Công tố viên Jennifer Kirshenbaum kêu gọi thẩm phán Timothy Feeley giam giữ Sơn không cho bảo lãnh tại ngoại với lý do, lệnh trục xuất anh ta đã được ban hành vào năm 2010. Phía biện lý có thể vẫn tiếp tục theo đuổi vụ này, bà Kirshenbaum cho hay, chứng cớ ma túy do cảnh sát Ulrich thu giữ 13 năm trước vẫn còn, và ông hiện đang làm cảnh sát điều tra tiểu bang. Công tố lo ngại, nếu như Sơn đóng tiền thế chân để được tại ngoại thì sẽ bị lực lượng thực thi di trú liên bang bắt giữ, chờ trục xuất.

Luật sư Brendan Kelly đại diện Sơn tranh cãi rằng, tài liệu này chẳng qua chỉ là yêu cầu chứ không phải lệnh toà đã được thẩm phán ký. Vì vậy, ông yêu cầu quan toà thả thân chủ với số tiền bảo lãnh $500 đô. Theo luật sư Kelly, Sơn cùng gia đình từ Việt Nam sang tị nạn ở Mỹ vào năm 1987.

Thẩm phán Feeley đặt câu hỏi, liệu những người tị nạn đó có bị trục xuất vì đây là vấn đề đang thu hút sự quan tâm. Trong khi Sơn dính lệnh trục xuất, thẩm phán nói, thì không rõ Việt Nam có chấp nhận anh ta hồi hương hay không. Quan toà tạm thời chấp thuận yêu cầu từ công tố viên  Kirshenbaum, tiếp tục giam giữ nghi can Sơn, nhưng ông cho hay, sẽ quay trở lại xem xét nếu luật sư Kelly xác nhận được anh ta sẽ không bị trục xuất trong khi chờ xét xử cáo buộc cũ. Thẩm phán Feeley nhấn mạnh, ông sẽ chỉ xem xét cho Sơn tại ngoại nếu anh ta được bảo đảm sẽ không bị trục xuất trước khi phiên xử diễn ra.

Hồi đầu năm, một nhóm thường trú nhân hợp pháp đối diện với lệnh trục xuất đã đệ đơn lên toà liên bang ở California về vấn đề này. Chính phủ Mỹ và Việt Nam tái lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, và vào năm 2008 hai bên đạt được thoả thuận trong đó Việt Nam không tiếp nhận công dân của mình, những người rời khỏi đất nước trước năm 1995.

Theo AP, vụ kiện cáo buộc chính phủ ông Trump giam giữ di dân nhiều tháng trời trong nỗ lực buộc Việt Nam tiếp nhận họ hồi hương bất chấp thoả ước 2008.

Hương Giang (Theo Salem News)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img