Friday, March 29, 2024

Mai Elliot: Chiến tranh là một tai họa và chỉ nên chiến đấu như một lựa chọn cuối cùng

New America Media – Mai Elliott là một học giả và tác giả của cuốn “The Willowed Sacred Willow: 4 thế hệ trong cuộc đời của một gia đình Việt,” một hồi ký cá nhân và gia đình được đề cử giải Pulitzer Prize. Bà cũng là tác giả của cuốn “RAND ở Đông Nam Á: Một lịch sử của thời kỳ chiến tranh Việt Nam”. Sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Hà Nội và Sài Gòn, tác giả tốt nghiệp Đại học Georgetown ở Washington DC và hiện đang sinh sống tại Los Angeles. Elliot là một trong số gần 100 người phỏng vấn trong “The VIetnam War,” bộ phim mười phần của Lynn Novick và Ken Burns, loạt phim tài liệu dài 18 giờ, sẽ ra mắt vào ngày 17 tháng 9 năm 2017 trên PBS. Cô đã nói chuyện với biên tập viên của New America Media, Andrew Lam.

Theo ước mong của bà, thì phim tài liệu “The Vietnam War” sẽ làm tỏ rõ những gì về quá khứ?

Quá khứ mở đầu cho hiện tại. Quá khứ có ảnh hưởng đến hiện tại vì hiện tại là do những nguồn lịch sử và những sức mạnh đương thời chi phối xã hội và quốc gia đào tạo nên. Khi nhìn sâu vào quá khứ, chúng ta có thể hiểu tại sao chúng ra đã đi đến giai đoạn hiện tại. Như ông Ken Burns và bà Lynn Novick, đạo diễn phim tài liệu “The Vietnam War,” đã giải thích, tại nước Mỹ hiện nay, sự nghi ngờ không tin cậy chính phủ, sự chia rẽ, sự bất đồng và phẫn nộ, thiếu thiện chí bàn luận ôn hòa với những đối thủ của mình, điều này sinh ra trong thời gian Mỹ tham gia chiến tranh của Việt Nam. Ở Việt Nam, những sự biến chuyến xã hội và chính quyền hiện giờ cũng có nguồn gốc trong chiến tranh Việt Nam.

Phim tài liệu vạch lên những điều sai lầm đã đưa đến thảm hại. Tôi xin nhắc lại lời nói của ông George Santayana mà nhiều người thường nhắc đến, “nếu chúng ta không hiểu quá khứ, chúng ta sẽ nhất định lập lại những gì sai lầm trong quá khứ.” Vì vậy, tìm hiểu những gì đã xảy ra trong chiến tranh Việt Nam và lý do tại sao những sự việc này đã xảy ra sẽ giúp chúng ta hiểu những sai lầm này. Vì những sai lầm này đã đưa đến thảm hại lớn lao, chúng ta càng cần phải hiểu biết những sự việc xảy ra trong chiến tranh và tìm cách tránh không lặp lại những sai lầm này.

Bộ phim đưa đến ta những sự việc khủng khiếp của chiến tranh. Hy vọng lớn lao của tôi là bộ phim sẽ như là một liều thuốc giải khuây cho các cá nhân và gia đình đã trải qua những tổn thất to lớn. Bộ phim gợi nhắc chúng ta là tất cả những ai bị mắc trong mạng lưới của chiến tranh – bất cứ ở phía nào trong cuộc chiến – đều bị tổn thương và tổn thất, nhiều khi rất khủng khiếp. Làm như vậy, bộ phim có thể giúp chúng ta hiểu biết và thông cảm với những người bên kia vĩ tuyến. Giống như khi chúng ta tháo băng ra để không khí làm lành vết thương, tôi mong bộ phim sẽ giúp những vết thương do chiến tranh tạo nên – nếu những vết thương này còn tồn tại – hàn gắn lại.

Chúng ta đang sống trong thời đại chiến tranh không ngừng, bộ phim nhắc nhở rằng chiến tranh là một tai họa khủng khiếp và các quốc gia nên tránh chiến tranh hết mức, trừ khi tuyệt đối không còn giải pháp nào khác.

Bà được đạo diễn bộ phim phỏng vấn khá dài. Theo bà nghĩ thì phim này có thực sự miêu tả tất cả các phía trong chiến tranh Việt Nam hay không?

Bà Lynn Novick phỏng vấn tôi trong hai giờ đồng hồ. Chúng tôi bàn luận rất nhiều vấn đề để cố gắng hết mức thâu lại những khía cạnh của chiến tranh và những kinh nghiệm bản thân của tôi và của gia đình tôi. Tôi chỉ là một trong số 100 người được phỏng vấn. Họ phỏng vấn nhiều người như vậy vì họ muốn bao trùm tối đa càng nhiều ý nghĩ, ý kiến, kinh nghiệm càng tốt. Như ông Ken Burns đã nói, mục đích của ông là “không để tay lên cân” lịch sử, thiên vị bên nào, và để trưng bày nhiều sự thật của chiến tranh vì trong chiến tranh không chỉ có một sự thật, mà có rất nhiều sự thật. Theo tôi nghĩ thì ông Ken Burns, bà Lynn Novick và ông Geoffrey Ward (người biên kịch), đã thành công trong khía cạnh này. Bộ phim bao gồm tiếng nói và sự hiện diện của nhiều người thường dân ở miền Bắc và miền Nam, và nhất là những quân lính của Việt Cộng và ngoài Bắc trong thời chiến – những tiếng nói và những mẩu chuyện mà vì hoàn cảnh không cho phép, chúng ta ít được nghe và ít được biết. Theo ý kiến của tôi thì chính vì bộ phim bao gồm sự hiện diện bi tráng và tiếng nói nhạy cảm của người Việt của cả hai bên đã làm cho bộ phim phong phú hơn, rất khác so với nhiều phim tài liệu chỉ nói đến kinh nghiệm của những người thanh niên Mỹ bị quân đội gửi sang Việt Nam chiến đấu, rồi trở về Mỹ cảm thấy bỡ ngỡ và gặp khó khăn tiếp nối lại đời sống thường dân hay trở về Mỹ phản đối, chống lại chiến tranh.

Nhờ vậy, bộ phim trở thành như một bức tranh muôn màu, phong phú, lôi cuốn, hấp dẫn và cảm động.

Theo bà thì bộ phim thiếu sót những gì? Có vấn đề gì người Mỹ không hiểu hay không biết về Việt Nam?

Phim tài liệu dài 18 tiếng đồng hồ, nhưng cũng không thể trở thành một bộ bách khoa toàn thư về cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng các hoan thanh vien không có tham vọng biến bộ phim thành một bách khoa toàn thư. Mục tiêu của họ là kể chuyện chiến tranh qua con mắt và kinh nghiệm của những người trong cuộc và những người đã chứng kiến cuộc chiến. Họ không phỏng vấn các nhà lãnh đạo, hay đi sâu và các chính sách hay chiến lược, hay trình bày những thống kê của chiến tranh. Như vậy có thể nói phim không phải là toàn diện. Nhưng mục tiêu của họ không phải là trình bày tất cả các chi tiết từ A cho đến Z. Mục tiêu của họ là trình bày những kinh nghiệm cá nhân và những sự tổn thất, mất mát của nước Mỹ và xã hội Mỹ.

Phần đông người Mỹ, khi họ nghĩ đến Việt Nam – nếu họ nghĩ đến – thì họ nghĩ đến chiến tranh Việt Nam. Khi họ nghĩ đến cuộc chiến, thì họ phần nhiều hay chỉ nghĩ đến vai trò của Mỹ và các sự tổn thất về sinh mạng và tiền của nước Mỹ phải hứng chịu. Vì vậy tôi mong muốn rắng bộ phim sẽ giúp họ hiểu biết tại sao người Việt Nam chúng ta – trong cả hai phe – đã chiến đấu mãnh liệt, và giúp người Mỹ biết những sự hy sinh khốc liệt của các cá nhân và gia đình của người Việt Nam.

Mục đích của phim tài liệu là diễn tả chiến tranh và nêu lên sự tổn thất sinh mạng và tài của. Phim kết thúc khi chiến tranh kết thúc, và không kéo dài đến giai đoạn sau 1975. Như vậy, có thể người Mỹ không biết và không hiểu hậu quả của chiến tranh. Họ không biết Việt Nam đã trải qua giai đoạn trần ai như thế nào, nhất là sự khốn khó những người theo chế độ cũ gặp phải sau khi súng đạn ngừng bắn, và họ không hiểu lý do tại sao hàng trăm hàng ngàn người vượt biên trên các con thuyền mong manh, so thien.

Có lẽ người Mỹ biết Việt Nam hiện nay nhiều hơn – nhưng chỉ là một nơi để thăm viếng với tính cách du lịch.

Chúng ta có thể rút được những bài học gì vì đây là những việc đã xảy ra 40 năm trước đây? Tại sao chiến tranh Việt Nam có tầm quan trọng?

Đối với nước Mỹ, chiến tranh Việt Nam cho thấy là dù Hoa Kỳ có quyền lực vĩ đại đi nữa, họ không thể bắt buộc được một quốc gia khác phải làm theo ý muốn, ý đồ của họ. Một bài học khác là trước khi nước Mỹ can thiệp và tham gia trong một cuộc chiến ở hải ngoại, họ nên tìm hiểu rõ cuộc chiến này có dính líu gì đến lợi ích quốc gia của họ không và họ nên tìm hiểu rõ lý do tại sao cuộc chiến xảy ra và các phe đánh nhau là ai, có những mục đích gì. Nếu họ ủng hộ một phe không có triển vọng, họ sẽ hứng một thảm họa lớn lao. Nhưng nếu họ ủng hộ một phe có triển vọng, họ cũng không thể áp đặt ý muốn, ý chí của họ và đi đến thắng lợi. Chiến tranh Việt Nam cũng cho thấy chiến lược giúp đồng minh xây dựng đất nước rất khó khăn thực hiện khi điều kiện không cho phép thành công. Vì vậy, tôi nghĩ, bài học cho nước Mỹ là “nhìn trước khi nhảy vào” một cuộc chiến ngoại bang.

Đối với nước Việt Nam, cuộc chiến tranh chứng tỏ rằng nếu hai bên cố thủ thì nhân dân sẽ thiệt hại. Hai bên quốc gia và cộng sản đều không muốn thỏa hiệp và nhất định đánh đến cùng. Bên này sợ bên kia, và về phía cộng sản thì họ có tham vọng hoàn thành cuộc cách mạng của họ và họ muốn kiểm soát toàn thể nước Việt Nam. Đối với họ đây là một nhiệm vụ mà Hiệp Định Geneve năm 1954 đã làm gián đoạn, với kết quả là họ chỉ được kiểm soát miền Bắc mà thôi. Bộ phim tài liệu không đặt các câu hỏi, “nếu” như thế này, thế khác, thì kết quả ra sao. Nhưng chúng ta có thể đặt một câu hỏi có tính chất giả thuyết, “Nếu miền Bắc và miền Nam đã mềm dẻo, và sẵn sàng thương lượng, bầu cử thống nhất đất nước năm 1956 như Hiệp Định Geneve quy định, thay vì khởi chiến, thì đất nước Việt Nam đã ra sao? Nếu có thỏa hiệp thì nước Việt Nam đã có thể tránh cuộc chiến tranh đẫm máu?

Trong quá trình cuộc chiến, quan điểm của bà về miền Băc và chế độ cộng sản thay đổi. Xin bà giải thích.

Quan điểm về cuộc chiến tranh của tôi thay đổi trong khi cuộc chiến diễn biến vì tôi nghĩ rằng nếu không có hòa bình thì nước Việt Nam và nhất là những người nông dân ở miền Nam sẽ bị tổn hại hơn nữa. Tôi ủng hộ cuộc chiến vì tôi sợ rằng nếu cộng sản thắng lợi thì gia đình tôi sẽ bị tai họa. Nhưng chiến tranh cứ kéo dài mãi, không biết bao giờ mới chấm dứt, và tôi nhìn thấy người dân càng ngày càng chết càng đông và nước Việt Nam càng ngày càng bị tàn phá, tôi bắt đầu nghĩ phải có hòa bình. Cuc chang nua, hòa bình dưới một chế độ cộng sản nếu họ là bên thắng cuộc vẫn hơn là tiếp tục bắn giết, nhất là đối với những nông dân đang tổn thất nặng nề.

Tôi nghĩ nếu cộng sản thắng lợi, gia đình tôi sẽ khổ cực, nhưng chắc gia đình tôi sẽ sống sót, như những người bà con họ hàng của tôi ở ngoài Bắc đã sống dưới chế độ cộng sản. Nhưng sau khi hòa bình lập lại năm 1975 thì những bà con họ hàng tôi còn ở lại miền Nam đã gặp những khó khăn dữ dội. Họ bị doi. Chính quyền công sản kỳ thị họ và coi khinh họ vì họ đã theo phía thất bại. Anh cả của tôi bị giam trong trại cải tạo trong năm năm.

Bà đã sống ở hải ngoại, xa nước Việt Nam trong nhiều năm. Mối quan hệ của bả đối với quê hương ra sao ?

Việt Nam vẫn là quê hương của tôi. Tôi sinh trưởng, lớn lên ở đó. Gia đình tôi đã sống ở đó. Mồ mả tổ tiên của tôi ở đó. Gia đình tôi và tôi có bao nhiêu kỷ niệm gắn bó với Việt Nam. Tôi là thành tựu của những ảnh hưởng của Việt Nam cũng như của Mỹ. Tôi vẫn còn gắn bó với đất nước, quê hương. Tuy đã sống ở Mỹ lâu hơn là ở Việt Nam, quê hương vẫn lôi cuốn tôi về tình cảm. Theo văn hóa Việt Nam, mình sinh ra ở đâu thì mình thuộc về đó. Tôi cảm thấy như vậy đối với Việt Nam. Nhưng tôi cũng phải nói là khi tôi về viếng thăm Việt Nam, nhiều lúc tôi cảm thấy khác lạ vì tôi đã quen mức sống ở Mỹ, tôi đã được Mỹ hóa, và tôi thích nhiều khía cạnh văn hóa Mỹ và đời sống Mỹ mà ở Việt Nam không có. Tôi biết nhiều Việt Kiều hay về Việt Nam thường xuyên, họ rất thích về. Tôi chỉ về khi cần khảo cứu viết sách hay khi nào xum họp gia đình. Tôi không có hằn thù gì đối với nước Việt Nam. Tôi rất quý trọng, thương mến người dân Việt, và tôi cầu mong đời sống của họ càng ngày càng khá lên, và tương lai của họ sẽ tươi sáng và hạnh phúc.

Bà đang viết sách về đề tài gì ?

Tôi mới viết xong một quyển tiểu thuyết và tôi mong sẽ được xuất bản. Tôi mới soạn lại một chút quyển sách “Cây dương liễu màu nhiệm ” (The Sacred Willow) về gia đình tôi, và nhà xuất bản Oxford University Press. Mới in xong và phân phát.

Tôi bắt đầu nghiên cứu để viết một chương đóng góp vào một bộ sách, ba quyển, về chiến tranh Việt Nam do Cambridge University Press xuất bản. Sau khi viết xong tôi dự định viết một quyển sách về một đề tài không liên hệ đến Việt Nam. Tôi có vài ý kiến nhưng chưa quyết định chọn lựa đề tài nào.

Andrew Lam

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img