Thursday, March 28, 2024

Gia Đình Mũ Đỏ Bắc California Đón Mừng Năm Mới

Lê Bình

Sau những ngày mưa gió kéo dài trong 2 tuần lễ, hôm nay bầu trời San Jose ngừng mưa, không có nắng nhưng không khí ấm áp. Đặc biệt khu thương mại Aborn rực sáng hẳn lên vì những “Cánh Hoa Dù” tràn ngập không gian! Chiến sĩ Nhảy Dù chi hội  gia đình Mũ Đỏ Bắc California tổ chức Tiệc Tất Niên giã từ năm Nhâm Dần và chào đón năm mới Quý Mão.

Vào lúc 11:00 AM ngày Chủ Nhật 8/1/2023 tại nhà hàng Sam Ky, San Jose, GĐ Mũ Đỏ Bắc Cali. tưng bừng họp mặt tiễn năm cũ Nhâm Dần 2022, đón chào năm mới Quý Mão 2023. Có nhiều hội đoàn và quan khách hiện diện: Ông Lê Đình Thọ Liên Hội CQN/BC, Ông Lê Thái Phúc Hội Hải Quân Bạch Đằng, Hội Quân Cảnh, Ông Hồ Đắc Tiến Hội Không Quân, Ông Trương Văn Hàm Hội Thiết Giáp, Ông Nguyễn Minh Đường Lực Lượng SQTB, Ông Nguyễn Thanh Lương Hội TQLC, Ông Nguyễn Văn Lý và Ban Chấp Hành Hội BĐQ Bắc Cali., Hội Thiếu Sinhh Quân, Ông Lê Thi Hội Võ Bị Đà Lạt, SĐ 18BB, Ông Trần Đức Túc Hội CSQG…Ông bà Lại Đức Tiến con rể và con gái của bà quả phụ cố Đại Tá Phạm Ngọc Lân (TMT/SĐND) bà không tham dự được vì lý do sức khoẻ, nhạc sĩ Hoàng Đoàn, nhạc sĩ Bảo Tố, , hậu duệ Lê Anh Thuỳ; và quý Đích Thân: Tr/Tá Nguyễn Hữu Thành,  Tr/Tá Bùi Đức Lạc, Tr/Tá Lã Quý Trang, Tr/Tá Lê Văn Mễ…v.v.

 Nghi thức chào Quốc Kỳ VNCH và Hoa Kỳ cử hành trang nghiêm với hàng quân danh dự là  những chiến sĩ Nhảy Dù. Sau đó có phút mặc niệm để tưởng nhớ công ơn tiền nhân, các chiến sĩ QL/VCNCH đã anh dũng hy sinh bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam; đặc biệt tưởng niệm anh linh các chiến sĩ Mũ Đỏ đã hy sinh trong cuộc chiến.

 Sau lễ chào cờ, quý Niên Trưởng, Đích Thân của Gia Đình Mũ Đỏ: Tr/Tá Bùi Đức Lạc, Tr/Tá Mê Linh Lê Văn Mễ, Tr/Tá Trang Đài Lã Quý Trang thay mặt Hội Nhảy Dù lên dâng hương trước bàn thờ Tổ Quốc.

Bắt đầu phần văn nghệ, các chiến hữu Nhảy Dù với quân phục chỉnh tề cùng hợp ca nhạc phẩm “Sư Đoàn Nhảy Dù Hành Khúc.” Dứt bản hợp ca, tiếng vỗ tay vang dội ngợi ca binh chủng Nhảy Dù, những “Thiên Thần Mũ Đỏ” oai hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Mũ Đỏ Nguyễn Phạm Phúc, Hội Trưởng Hội Nhảy Dù Bắc Cali., lên sân khấu chào mừng quan khách.

Sau lời chào mừng quan khách và những hội đoàn tham dự, ông phát biểu: ”Đây là dịp để tất cả chúng ta cùng ngồi lại sau một năm 2022 tai ương, dịch bệnh và chiến tranh. Để cùng nhau chia xẻ những vui buồn của cuộc sống…để cùng nhau nâng chén, dẹp qua những bề bộn, lo lắng buồn phiền của năm cũ. Để cùng vui niềm vui sum họp, bên bạn bè, đồng đội, bên các chiến hữu thân thương chuẩn bị chào đón những ngày Xuân…” Ông không quên cảm ơn 40 gia đình Mũ Đỏ và đặc biệt cảm  Đích Thân: Mê Linh, Trang Đài, 18 Nguyễn Hữu Thành, 11 Bùi Đức Lạc, Đoàn Phương Hải và Vương Vân Hải đã luôn luôn sát cánh với chi hội GĐMD Bắc Cali. Ông “kính chúc tất cả quan khách và chiến hữu có buổi tiệc ấm cúng thân mật trong tình Huynh Đệ Chi Binh.”

Huynh Đệ Chi Binh, khi những mái tóc bạc của những cựu đơn vị trưởng bên cạnh các cựu chiến binh, người cao niên “tay bắt mặt mừng” những hậu duệ tóc còn xanh. Hoa Dù Mũ Đỏ ngồi bên Áo Hoa Rừng Mũ Nâu; Mũ Đen sánh vai với Mũ Xanh sóng biển. Nhà hàng rộn rã tiếng cười, lời chú c sức khoẻ.

 Chương trình văn nghệ phong phú với các tiết mục ca, vũ do GĐMĐ và thân hữu trình diễn với tiếng đàn Mandoline của nhạc sĩ Bảo Tố.

Tiệc kéo dài đến hơn 3:00PM, và tiếp tục sau đó với một số chiến hữu thân thiết còn ngồi lại chưa muốn chia tay.

Được biết Gia Đình Mũ Đỏ thành từ lâu với những lần đại hội được tổ chức tại Hoa Kỳ. Năm 1981 Đại Hội kỳ thứ 01 – Được tổ chức tại Midway City, California, và năm 2023 – Đại Hội kỳ thứ 41 sẽ tổ chức tại San Jose, California.

Tưởng cũng nên biết thêm, Trong QL/VNCH có bốn binh chủng có bốn màu mũ khác nhau, Mũ Đỏ là tên gọi của binh chủng Nhảy Dù, Mũ Xanh là binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Mũ Nâu thuộc binh chủng Biệt Động Quân và Mũ Đen Kỵ Binh Thiết Giáp.

Một Vài Nét Binh Chủng Nhảy Dù.

Sư đoàn Nhẩy dù là một đơn vị tinh nhuệ và thiện chiến của Quân lực Việt Nam Việt Nam Cộng hòa, đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Bộ Tổng Tham mưu. Quân nhân trong Sư đoàn từ binh sĩ đến sĩ quan đều là thành phần tình nguyện sau khi mãn khóa quân trường, và phải qua một sự tuyển chọn rất kỹ lưỡng mới được gia nhập vào binh chủng.

Từ năm 1946 đến năm 1954 là giai đoạn các đơn vị Nhảy Dù Việt Nam ra đời, gồm các Tiểu đoàn 1, 3, 4, 5, 6, 7. Cho tới năm 1954 Hiệp định Genève chia đôi lãnh thổ Việt Nam,


– Tiểu Đoàn 1 Nhảy dù được thành lập ngày 1 tháng 8 năm 1951 tại Chí Hoà Saigon.
– Tiểu Đoàn 4 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1952 tại Đà Nẳng.
– Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1952 tại Trường Bưởi , Hà Nội.
– Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1953 tại Trường Bưởi Hà Nội .
– Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1953 tại Hà Đông , Hà Nội.
– Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 3 năm 1954 tại Chí Hoà, Saigon.

 Ngày 9 tháng 9, năm 1954 ngày kỷ niệm (Saint Michael) Thánh Tổ Nhảy Dù Pháp và Việt Nam; Liên Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam ra đời, kể từ ngày này các cấp chỉ huy Pháp chính thức bàn giao quyền chỉ huy đơn vị cho các sĩ quan Việt Nam tại Nha Trang. Trung tá Ðỗ Cao Trí về nhận chức vụ Tư Lệnh Liên Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam.

Đất nước bị chia đôi, lòng người bị ly tán, các thế lực thao túng Miền Nam Việt Nam. Quân Đội Quốc Gia thì trong giai đoạn phôi thai đang củng cố lại chỉ huy và huấn luyện, cuối tháng 4-1955 các chiến sĩ Nhảy Dù lên đường với một nhiệm vụ mới.

Ngày 25 tháng 3 năm 1955 Toàn bộ Liên Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam có mặt tại Sài Gòn, Bộ Tư Lệnh đóng tại Trại Quân Cụ, đường Trần Quốc Toản. Trung tá Ðỗ Cao Trí được Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm vinh thăng Ðại tá; và theo lệnh của Thủ Tướng ngày 1 tháng 5 năm 1955 Liên Ðoàn Nhảy Dù xuất quân trong vòng 4 ngày đã quét sạch lực lượng Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn – Chợ Lớn.

– Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 12 năm 1958 tại Tân Sơn Nhất, Gia Định.

– Tiểu Đoàn 2Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1965.

– Tiểu Ðoàn 9 Nhẩy Dù được thành lập ngày 1 tháng 10 năm 1965 tại Sàigòn

– Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù được thành lập năm 1966 .

SƯ ĐOÀN NHẢY DÙ VIỆT NAM Được thành lập ngày 31 tháng 12 năm 1965

Từ khi thành lập, Sư đoàn Nhảy dù liên tiếp đối đầu với những đơn vị chủ lực của cộng sản. Sư đoàn Nhảy Dù tham dự những trận chiến lớn với những thương vong không tránh khỏi.

Sư Đoàn Nhảy Dù/QLVNCH gồm có 4 Lữ Đoàn: LĐ1ND, LĐ2ND, LĐ3ND, & LĐ4ND (LĐ4ND là LĐ tân lập năm 1975). Ngoài ra SĐND còn có các đơn vị Đặc biệt như: Các Đại Đội Trinh Sát Nhảy Dù 1, 2, 3, 4. Các Tiểu Đoàn Pháo Binh 105 ly 1, 2, 3, 4. Các Tiểu Đoàn Yểm Trợ như: Công Binh, Truyền Tin, Yểm Trợ, Khối Bổ xung Sư Đoàn Nhảy Dù, và Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù.
Ngoài ra SĐND còn có  Tiểu Đoàn Quân Y và bệnh viện Đỗ  tọa lạc tại căn cứ Hoàng Hoa Thám, bản doanh SĐND, Sài Gòn.

Một vài ghi nhận đáng chú ý. Năm 1971, Sư đoàn Nhảy dù đã tham gia Chiến dịch Lam Sơn 719.

Năm 1972, tham dự chiến trận Mùa hè đỏ lửa.

Năm 1974, Lữ đoàn 1 và 2 Nhảy dù đã cùng với Sư đoàn 3 Bộ binh hành quân tái chiếm lại Thượng Đức, đánh tan Sư đoàn 304 của Việt cộng.

 LĐ I ND Hành quân Ấp Bắc 2 tại Mỹ Tho QK4 vào ngày 03/01/1965. Giao tranh ác liệt giữa TĐ5ND và một Trung Đoàn VC. Các sĩ quan Nhảy Dù chỉ huy chiến Trường có: Trung tá Hồ Tiêu TĐT/TĐ5ND, Đại úy Ngô quang Trưởng TĐP kiêm SQ Ban 3, Đại úy Đoàn văn Nu TĐT/TĐ1ND, Thiếu tá Trương Quang Ân Tham mưu Trưởng LĐ I ND.

Hiệu kỳ Lữ Đoàn I Nhảy Dù được 3 lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội, được ân thưởng dây biểu chương màu Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương liễu.

Về huy chương cá nhân, các chiến sĩ Lữ Đoàn I Nhảy Dù đã được ân thưởng: 7 Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu.

LĐ II ND được 3 lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội, được ân thưởng dây biểu chương màu Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương liễu.


Lữ Đoàn III Nhảy Dù được 2 lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội, được ân thưởng dây biểu chương màu Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương liễu.

Năm 1975, Ban Mê Thuột thất thủ, Lữ đoàn 3 Nhảy dù đã được điều động từ Vùng 1 Chiến thuật vào giữ đèo Phụng Hoàng ngăn đối phương xuống đồng bằng.

Trong khi Lữ đoàn 3 Nhảy dù trấn thủ đèo Phụng Hoàng, Lữ đoàn 1 và 2 Nhảy dù được điều động về miền Đông phòng thủ trước cửa ngõ Sài Gòn. Các đơn vị này đã tham gia trận đánh lớn cuối cùng bên cạnh Sư đoàn 18 Bộ binh và Liên đoàn 81 Biệt cách dù, Biệt Động Quân tại Xuân Lộc, ngăn chận các Sư đoàn 341, 6 và 7 VC. Sau đó rút về Sài Gòn khi Xuân Lộc thất thủ. Họ đã chiến đấu với Sư đoàn 325 và lữ đoàn xe tăng 203 VC.

Lữ Ðoàn IV ND (thành lập 1/12/1974) với 3 Tiểu Đoàn 12, 14, 15 Nhảy Dù, từ Ðà Nẵng được rút về Sài Gòn bằng đường biển vào ngày 20/1/1975, biệt phái Biệt Khu Thủ Ðô để trấn ngự mặt phía Tây Thủ Đô Sài Gòn đang bị cộng quân vượt sông Vàm Cỏ Đông đe doạ. Lữ Ðoàn IV ND, dưới quyền chỉ huy của Trung tá Lê Minh Ngọc, đã ngăn chận VC ở cửa ngõ Thủ Ðô Sài Gòn.

Ngày 22/1/1975, tức là sau hai ngày hải hành 2 Tiểu Đoàn 12 và 14 Nhảy Dù về đến Sài Gòn và được tung ngay vào chiến trận tại khu vực “Thành Ông Năm” chiếm lại vùng Lương Hòa cạnh bờ sông Vàm Cỏ đánh đuổi thành phần tiền trạm lập đầu cầu của VC chạy về bên kia sông. Các đơn vị Nhảy Dù tịch thu nhiều vũ khí AK47, B40 và Trung Liên nồi còn mới nguyên trong nhiều thùng gỗ mà cộng quân che dấu tại các lùm bụi cạnh bờ sông.

Giữa tháng 3/1975, LĐ IV ND điều động 2 Đại Đội của Tiểu Đoàn 12 Nhảy Dù do Thiếu tá Nguyễn Trọng Nhi chỉ huy tăng phái cho Tiểu Khu Gia Định tiểu trừ một đại đội đặc công CS vừa xâm nhập vùng cư xá Thanh Đa tại đầu cầu xa lộ. Lực lượng Nhảy Dù thanh toán mục tiêu trong ngày.

Ngày 10/4/1975, LĐIVND được tăng phái cho BTL/QĐ3 để án ngữ trục lộ QL15 từ ngã ba Tam Hiệp vắt qua sông Đồng Nai hướng đến Long Thành.

Kể từ ngày thành lập, Sư Đoàn Nhẩy Dù đã tham dự hơn 30,000 cuộc hành quân  lớn nhỏ: Nhẩy dù, trực thăng vận, hành quân bộ …v.v.

    Gót chân người Chiến Sĩ Nhẩy Dù đã dẫm nát các căn cứ hậu cần, các mật khu trên lãnh thổ 4 Vùng Chiến Thuật. Sức mạnh của  các Chiến Sĩ Nhẩy Dù đã tiêu diệt hàng trăm đơn vị chính quy Cộng Sản Bắc Việt, và địa phương. Tổng số địch bị hạ, bị bắt, và ra quy chánh lên đến hơn 50,000 tên, trong số này có nhiều cán bộ quân sự và chính trị cao cấp như Trung đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Tỉnh ủy, Huyện ủy, Ủy viên Kinh tài và hơn 50,000 vũ khí cộng đồng và  cá nhân quân ta tịch thu, cùng với hàng trăm tấn quân trang quân dụng đạn dược, chưa kể hàng trăm ngàn doanh trại, cơ sở, hầm hố, địa đạo của giặc Cộng bị các Chiến Sĩ Nhẩy Dù phá hủy.

Những ngày cuối tháng 4 khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh, các chiến sĩ Nhảy Dù đã gãy súng chịu chung số phận với toàn dân Miền Nam./.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img