Tuesday, March 19, 2024

Tôi Không Thể Ngồi Yên

Nguyên Lương
(Viết lại cảm xúc sau đêm Hạnh Ngộ Việt Khang tại Philadelphia mùng 7/4/2018)

Lời tòa soạn: Trong trang tin Cộng Đồng Texas của baocalitoday.com trong tuần qua, chúng tôi có đăng bài “Hạnh Ngộ Việt Khang — Đồng Hương Philadelphia” của Lê Thanh – Đoàn 776 HLS. Sau khi báo lên khuôn, chúng tôi nhận được bài viết sau đây của anh Nguyên Lương. Để rộng đường dư luận và cũng để độc giả có dịp nhìn vấn đề từ nhiều phía, chúng tôi trân trọng gửi đến qúy độc giả bài viết này.

Tối hôm 7 tháng 4, tôi về đến nhà đã 3 giờ khuya, sau một ngày dài, mệt mỏi nhưng vẫn không chớp mắt được. Lời của ca khúc nổi tiếng do Việt Khang sáng tác đã lâu, hôm nay nghe em bé Trí Thư hát vang trong khán phòng nhà hàng Maxim chứa hơn 550 người, còn rộn ràng trong đầu tôi. “Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt đang ngả nghiêng, dân tộc tôi đang phải đắm chìm, một ngàn năm hay triền miên tăm tối”. Bé gái Trí Thư 9 tuổi hát nghẹn ngào ca khúc của một thanh niên 40 tuổi, đã làm cho cả khán phòng ngậm ngùi, chua xót cho hoàn cảnh đất nước Việt Nam, và trong căn phòng nhà hàng rộng lớn, tất cả khán giả đã không thể ngồi yên tối hôm đó như tôi.

Dược Sĩ Nguyễn Đức Nhiệm

Việt Khang đã không ngồi yên nên bị Hà Nội bắt bỏ tù. Đồng bào Việt tị nạn trên khắp thế giới đã không ngồi yên, tranh đấu quyết liệt đòi bọn cầm quyền thả anh ra và cho anh đến đất tự do. Và hôm tối mùng 7 tháng Tư, tại Philadelphia đồng bào đã có dịp được nhìn tận mặt, nghe anh hát và bắt tay ủng hộ người thanh niên gan dạ, can đảm, dám đánh đổi cả cuộc đời bình yên của mình cho đại cuộc, cho một nước Việt Nam tự do dân chủ. Có rất nhiều anh quân nhân đã ngồi tù dài gấp đôi số ngày tù của Việt Khang, hôm đó cũng mãn nguyện khi thấy một thế hệ trẻ đang trưởng thành, ở hải ngoại, trong nước, đang thay thế thế hệ mình tiếp tục công cuộc đấu tranh chống lại bạo quyền, tiếp tục đứng lên hy sinh bản thân mình, làm và viết nên lịch sử.

Hai tháng trước, Việt Khang đã được thả tự do và đến Hoa Kỳ, nơi hàng triệu người Việt tị nạn đang chờ đón em. Ngọn lửa đấu tranh Việt Khang nhen nhúm từ trong nước mang ra hải ngoại châm ngòi tạo thành những đám cháy, bùng lên trên khắp các thành phố lớn tại Hoa Kỳ. Việt Khang đến đâu, rừng cờ vàng bay phất phới đến đó. “Màu vàng da Việt Nam, màu vàng của tự do. Tổ quốc ơi! Quê Hương ơi! Cờ vàng ơi! Mẹ Việt Nam ơi!…”. Ca khúc Lá Cờ Thiêng của nhạc sĩ Hoàng Trường mở đầu chương trình ngày Hạnh Ngộ Việt Khang tại Philadelphia được hát vang lên bỡi những giọng ca hùng trong ban hợp ca vừa mới thành lập, trong tiếng nhạc vang dội bừng bừng khí thế của ban nhạc My Way. Hàng trăm lá cờ vàng phất phới bay trong đêm. Khởi đầu chương trình anh Nguyễn Tường Thược đã trân trọng điều khiển chương trình chào cờ và phút mặc niệm. Anh đã làm công việc này bao nhiêu lần mà hôm nay cảm giác như lần đầu được đứng nghiêm trang cúi đầu mặc niệm trước những linh hồn của bao anh hùng liệt nữ. Quý Chị Hội Phụ Nữ trong những chiếc áo dài màu vàng, nghiêm chỉnh xếp thành hàng hai, từng bước rước lá cờ vàng từ dưới cuối phòng đi lên sân khấu, mọi người có mặt đồng loạt đứng lên chào cờ. Sau lần cuối cùng được chào lá quốc kỳ vào một ngày đầu tháng 5 năm 1975 của 43 năm trước, trên chiến hạm hải quân HQ 4 neo tại Subic Bay của Phi Luật Tân, tôi chưa thấy lần nào chào quốc kỳ ở Mỹ có ý nghĩa và xúc động như đêm hôm đó.

Khoảng cuối tháng 2, một nhóm anh em tại Philadelphia họp mặt, anh Dược Sĩ Nguyễn Đức Nhiệm đề nghị CĐ Người Việt Quốc Gia Philadelphia và phụ cận nên tổ chức một chương trình thật rầm rộ để đón Việt Khang qua Philadelphia hạnh ngộ cùng đồng hương. Anh Chủ Tịch Ban Chấp Hành Lê Thành Quang, anh Chủ Tịch Hội Đồng Đại Biểu Phạm Văn Út hoan nghênh ý kiến này. Hơn 6 tuần lễ cùng nhau làm việc vất vả, mỗi người được giao một công việc, có lúc rất căng thẳng, nhưng công việc vẫn tiến hành thật tốt đẹp. Những khuôn mặt quen thuộc đã sinh hoạt trong CĐ bao nhiêu năm qua như quý anh Trần Quán Niệm, Nguyễn Tường Thược, Đỗ Bá Chi, Vũ Trực, Lê Toàn, Phạm Như Cương… được mời tham dự và làm cố vấn cho chương trình. Ca sĩ Nguyên Khang vui vẻ nhận lời đồng hành cùng Việt Khang từ Cali qua Phila hạnh ngộ cùng đồng hương dù anh đang rất bận.

Thời tiết vùng Đông Bắc bất thường nên không thể tổ chức đón Việt Khang ngoài trời cho hàng chục ngàn người tham dự như ở Houston. Cũng không có một khán phòng đủ lớn cho hàng ngàn người đến chung vui ngày hội như ở San Jose. Philadelphia chỉ có nhà hàng Maxim là đủ lớn cho chừng 600 người nên có nhiều đồng hương đã không thể đến tham dự và ban tổ chức xin lỗi cho những hạn chế đó. Chưa bao giờ tại Philadelphia có một chương trình ca nhạc đấu tranh tưng bừng khí thế và hùng tráng đến thế. Đã từ rất lâu những anh em trong nhóm du ca chúng tôi gần 40 năm trước rất mong được dịp ngồi lại để cùng nhau ca hát những nhạc phẩm đấu tranh một lần cho thỏa. Tại sân khấu Maxim, tối mùng 7 tháng 4, tôi được gặp lại quý anh Võ Đình Tuyết, Tạ Minh Thông ngày nào. Nay hai anh tuổi đã ngoài 60 mà giọng ca vẫn còn vang như sấm rền, như muốn phá tung lồng ngực ngày nào vẫn cùng nhau hát những ca khúc đấu tranh của nhóm Lam Sơn từ Paris của nhạc sĩ Phan Văn Hưng, liệt sĩ Trần Văn Bá. Khi ban đồng ca trên sân khấu hát vang bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, tôi đến bên cạnh em Kim Ngân, một thành viên nhỏ tuổi nhất của chúng tôi năm nào, giờ là một Dược Sĩ thành danh, nhìn tôi rươm rướm nước mắt, hát theo trong vui mừng. Tôi ôm Kim Ngân và nước mắt hai anh em sung sướng trong hãnh diện cùng rơi.

Khác với những lần các cộng đồng bạn đón mừng Việt Khang, lần ở Phila rất đặc biệt. Không có đông đảo những ca sĩ nổi tiếng của SBTN và anh Trúc Hồ theo yểm trợ, nhiều người những tưởng với hai người em có cùng tên Khang, dắt nhau đến một nơi rất xa Cali, sợ không gánh nổi trách nhiệm và mong đợi của mọi người tại địa phương. Ca sĩ Mỹ Hạnh, một MC đã giúp ban tổ chức rất đắc lực và thành công bán đấu giá cây đàn guitar và bản đồ tranh thêu Việt Nam để gây quỹ giúp ủng hộ các nhà tranh đấu trẻ trong nước, đã thầm thì nói bên tai tôi: “Em đã tham gia bao nhiêu chương trình ca nhạc tại Philadelphia nhưng lần này rất khác. Em cứ tưởng mình đang ngồi tại Cali hay DC nơi có rất đông người Việt đã quen với không khí đấu tranh”. Mỹ Hạnh nói trong nước mắt vui mừng: “Việt Khang là ngọn lửa, nhưng người thổi bùng ngọn lửa ấy hôm nay tại Philadelphia này là chính là Nguyên Khang” lúc nhìn hai em ngồi xuống bên nhau trên sân khấu, say sưa hát những ca khúc quen thuộc. Nguyên Khang hát như đang tâm tình với khán giả, như trò chuyện với người thân. Là một nam ca sĩ hàng đầu ở hải ngoại, ca sĩ của các bản nhạc trữ tình như Anh Còn Yêu Em, Khúc Thụy Du đã làm rung động bao trái tim người nghe. Khi Nguyên Khang cất tiếng hát lên: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu…”

Thầy Đình Bảng, người thiếu niên xa Hà Nội năm nào khi đất nước chia đôi, nắm tay tôi rươm rướm nước mắt, tay nâng ly rượu nghẹn ngào cùng tôi hát theo “Hà Nội ơi! nào biết ra sao bây giờ”. Bây giờ câu hỏi ấy không còn chỉ riêng dành cho Hà Nội mà phải hỏi thêm Sài Gòn, Đà Nẵng ra sao và cùng với Việt Khang hỏi thêm: “Việt Nam tôi còn hay đã mất”.
Ngày hôm sau, tôi có tâm sự với anh kỹ sư trẻ Phan Quân về một nhu cầu cần thành lập một ban du ca chuyên hát những bản nhạc đấu tranh tại thành phố Philadelphia. Trên sân khấu hôm ấy tôi thấy có sự xuất hiện của các bạn ca sĩ Quốc Hùng, Xuân Lộc, Nhật Khai, Minh Khang, Mộng Trinh, Bảo Huy, Hạnh Lê cùng những giọng ca rất quen thuộc trong vùng như Mỹ Thanh và một số anh chị mới tham gia mà tôi không biết tên. Ban hợp ca gặp nhau chỉ vài giờ trước buổi trình diễn nhưng họ hát rất đều như từ một nhịp đập của hàng triệu trái tim hừng hực lửa, hát từ những nỗi nghẹn ngào uất hận, hát từ chia ly, tang tóc…và họ hát như thét gào vào tai bọn tay sai, bán nước, bọn hèn với giặc ác với dân. Trong khán phòng, rừng cờ vàng của Việt, cờ hoa của Mỹ phất theo tiếng nhạc hùng, như tiếng chân rầm rập quân hành, đi theo tiếng gọi: “gươm anh linh đã bao lần vấy máu, thề xác xây thành”.

Chương trình kéo dài gần 6 tiếng mà vẫn liên tục không một khoảng lặng. Lúc thì cao trào dâng lên như bão tố, lúc lắng xuống đủ yên lặng để lắng nghe những lời tâm sự của những người con tha phương, nhìn nhau, hẹn nhau, và chờ nhau một ngày về cố quốc. Trên sân khấu cô MC xinh đẹp Nha Sĩ Ngọc Ánh, với sự trợ giúp của anh Phan Quân, đã rất xuất sắc làm chủ chương trình dài qua bao tiết mục và những lời tâm sự cùng với Việt Khang như hai chị em xa nhau đã lâu. Duyên dáng và đáng nhớ nhất là lúc cô hỏi dồn Việt Khang: “Nghe nói em có quốc tịch Mỹ từ khá lâu, ngay cả khi chưa đến Mỹ”. Việt Khang há hốc mồm, ngạc nhiên, chối phăng: “Đâu có Chị, em vẫn là người Việt Nam mà”. Cô MC phá lên cười: “Chẳng phải em là người gốc Mỹ Tho sao?”. Mọi người một phen cười rộ lên. Rồi Cô Ngọc Ánh hỏi thêm: “Việt Khang qua Mỹ được hai tháng rồi, thế có nhận xét gì về đất nước Hoa Kỳ này? “. Không chần chừ, Việt Khang trả lời ngay: “Cái cảm giác bình an khi mới đáp xuống phi trường Los Angeles Chị ạ! “. Hai chữ Bình An mà người ca sĩ đấu tranh vừa thoát khỏi nhà tù vĩ đại Việt Nam nói đến đó là một cảm giác không bị kẻ gian rình rập, theo dõi từng cử chỉ động tác nào đáng nghi ngờ để báo lên chính quyền. Cái cảm giác như ngày nào những đồng bào của chúng ta vượt biển bằng thuyền khi ra đến hải phận quốc tế và được cứu sống ngoài biển khơi.

Những bài phát biểu ngắn gọn và xúc tích của anh trưởng ban tổ chức Nguyễn Đức Nhiệm, anh chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Lê Thành Quang cho những người tham dự hiểu rõ hơn ý nghĩa về buổi hạnh ngộ. Khác với những lần họp mặt trước, lần này không có quan khách nào được mời lên phát biểu, không có cảnh chen lấn chụp hình, tặng hoa ca sĩ, nên sân khấu chỉ dành cho trình diễn, cho tâm tình, nên thời gian qua rất nhanh.

Thêm một ngạc nhiên thích thú mà BTC không có chuẩn bị trong chương trình đó là khi ca sĩ Mỹ Hạnh vừa giúp bán đấu giá xong bức tranh thêu lớn thật đẹp hình bản đồ Việt Nam, lần lược quý anh chị trong ban hợp ca tuần tự lên sân khấu. Những chiếc áo dài vàng thướt tha xen với áo dài đỏ như hình lá cờ ba sọc. Tất cả đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng về phía trước đồng thanh hát to lên bài Việt Nam, Việt Nam. Bài hát vang lên, tất cả khán giả cùng đứng lên hát theo, cứ thế hát đi hát lại đến 3 lần mà vẫn chưa thấy đủ.

Viết sao hết những kỷ niệm đã qua trong gần 6 giờ liền. Mỗi người ra về mang theo những ấn tượng, kỷ niệm, niềm vui, nỗi buồn… khó tả. Có người ra đi xa quê từ trước năm 75, sau năm 75 và cũng có người mới đến đất tự do chưa đầy vài tháng. Hôm nay họ tìm đến nhau như thấy lại quê hương nơi xứ người. Một đêm mùa Xuân mà ngòai trời còn lạnh rét, những người con xa tổ quốc, đến sưởi ấm cho nhau, nhìn nhau, hỏi thăm nhau và hẹn nhau một ngày về. Trong phút chốc, họ thấy như mình đang ngồi ở bùng binh Quách Thị Trang trung tâm Sài Gòn hay tung bay rừng cờ vàng trên đường phố Nha Trang, Quy Nhơn, Hà Nội trong ngày hội lớn. Họ đã vượt biển liều chết bỏ lại người thân, họ đã nhẫn nhục chịu đựng cho ngày thoát tù đến đất tự do. Nhưng hôm nay vẫn còn đó, trong nhà tù lớn, hơn 95 triệu người dân Việt vẫn còn đang bị cầm tù, người dân vẫn khát khao được hít thở không khí tự do như Việt Khang, như hơn 4 triệu người Việt sống ở hải ngoại. Trong nước, người dân bị áp bức xuống đường, bị đánh đập dã man, nhưng họ không lùi. Con đường đấu tranh cho một đất nước Việt Nam Tự Do Dân Chủ đã mở ra từ những năm 1945, 1954 tới 1975 và cho mãi đến bây giờ. Dân ta chưa một ngày sống bình yên hạnh phúc nên chưa một ngày ngừng đấu tranh, nên không thể ngồi yên.

Tháng 2, Khi nghe tin Việt Khang qua đến đất tự do, tôi có viết bài thơ dài gởi tặng em qua ca sĩ Quốc Khanh, trong đó có đoạn:

Trên vai ta gánh ngàn cân uất hận
Đôi chân ta máu ứa xích cùm gông
Máu còn chảy và tim còn nhịp đập
Mùa Xuân về mùa Xuân của vùng lên
Không ngõ cụt nào ngăn ta đi tới
Không trở ngại nào làm nhụt chí trai
Không máu đổ, không làm nên lịch sử
Không kiên cường, ai cho ta tương lai…

Trước khi từ giã mọi người về lại khách sạn, Việt Khang nhìn những tấm hình mà hai anh Niệm, anh Thược đã ghi lại những lần Cộng Đồng Người Việt tại Phila ký thỉnh nguyện thư tranh đấu đòi Hà Nội thả Việt Khang ra khỏi tù, Việt Khang cảm động đến rơi nước mắt. Tôi biết em nghĩ gì trong giờ phút ấy. Như trong lúc tâm tình cùng khán giả trên sân khấu khi nghe Cô Ngọc Ánh hỏi em nghĩ gì về Cộng Đồng Người Việt tại hải ngoại, em đã nghẹn ngào trả lời là: “Khi em còn trong tù Mẹ em có vào thăm và nói con không cô đơn, đồng bào VN hải ngoại đang tranh đấu cho con”.Những tấm hình này đã nói lên tất cả những tâm tình đó, và Việt Khang biết ơn tất cả nên đã cố gắng về Phila hạnh ngộ với đồng bào.
Khi chào từ giã hai em về lại khách sạn lúc 2 giờ để 4 giờ sáng anh Trưởng Ban Tổ Chức, Dược Sĩ Nguyễn Đức Nhiệm đưa ra phi trường, tôi có nói với Việt Khang, thay lời chúc sức khỏe, đủ lớn cho Nguyên Khang cùng nghe: “Chân ta mạnh, kẻ thù kia mới sợ”. Và hơn ai hết, Việt Khang cũng thừa biết: “Không kiên cường ai cho ta tương lai”.

Philadelphia 8/4/2018

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img