Friday, March 29, 2024

BÀN THÊM VỀ VIỆC Ô. JOE BIDEN ỦNG HỘ NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN 

Nguyễn Quốc Khải
07-09-2020 
 
“Câu Chuyện Cụ Biden và Dân Tỵ Nạn Nhai Lại Nữa” của Vũ Linh vừa mới phổ biến trên Người Việt Boston. 
Đề tài này quan trọng đối với người Việt tị nạn, bàn cho rõ trắng đen cũng là một điều tốt, nên tôi xin góp một vài ý kiến như sau. 
 
Trước tiên phải nói đến một sự kiện là trong bài báo trên đây, tác giả , một người ủng hộ Tổng Thống Trump nhiệt tình và là thành viên của nhóm Vietnamese Americans for Trump as President Again (TAPA), đã thừa nhận rằng Nghị Quyết S. Res. 148 ngày 8-5-1975 của Thượng Viện Hoa Kỳ là một bằng chứng cụ thể đã chứng minh rằng ông Joe Biden ủng hộ việc di tản người Việt tị nạn đến Hoa Kỳ khi ông đã ký ủng hộ nghị quyết này cùng với đa số các nghị sĩ khác có mặt ngoại trừ một phiếu chống duy nhất của một nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa là William Scott (Virginia). 
 
Sự kiện thứ hai là tác giả cũng đã công nhận rằng theo biên bản của buổi họp tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 14-4-1975, ông Joe Biden không hề chống việc di tản người Việt, như tất cả những người khác có mặt. Ngoài ra, Tổng Thống Gerald Ford và Ngoại Trưởng Henry Kissiger còn nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có bổn phận cứu trợ người Việt tị nạn. 
 
Điều kế tiếp tác giả nói rằng biên bản của buổi họp ở Tòa Bạch Ốc là “bằng chứng duy nhất cụ Biden không chống dân tỵ nạn Việt. Chết đuối tìm được cái pháo xì vẫn phải bám vào thôi.” Điều này được mộ tả một cách hài hước nhưng không đúng. 
Thật vậy, ông Joe Biden đã ủng hộ dự luật S. 1661 có tên là “Indochina Migration and Refugee Assistance Act”. Ông Biden và các thành viên của Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện duyệt xét dự luật này và đã đệ trình toàn thể Thượng Viện để bỏ phiếu. Đa số các nghị sĩ đã chấp thuận ngoại trừ hai nghị sĩ Cộng Hòa là Jessy Helm (North Carolina) và William Scott (Virginia). Dự luật S. 1661 của Thượng Viện đã nhập vào dự luật H.R. 6755 của Hạ Viện và đã được đệ trình Tổng Thống Ford ký thành luật vào ngày 23-5-1975 với một ngân khoản $455 triệu để di tản và cứu trợ người Việt và Campuchia tị nạn. 
 
Một bằng chứng cụ thể nữa là ông Joe Biden đã ủng hộ Đạo Luật Người Tị Nạn (Refugee Act) có hiệu quả kể từ ngày 17-3-1980. Theo đó, Quốc Hội Hoa Kỳ dành nhiều ngân khoản và tăng số người tị nạn nhập vào nước Mỹ để cứu hàng trăm ngàn người Việt đang tìm cách vượt biên. Dựa vào đạo luật Người Tị Nạn, chính phủ Hoa Kỳ đã thiết lập các chương trình tị nạn ODP (bao gồm HO, U11, V11), ROVR, HR, American Homecoming. 
 
Ngoài ra ông Joe Biden còn ủng hộ Đạo Luật 107-185 có hiệu lực từ ngày 30-5-2002. Luật này cho phép những người con 21 tuổi hay lớn hơn nhưng chưa lập gia đình (tính đến ngày cha mẹ được nhận vào Mỹ) được đoàn tụ với cha mẹ đang tị nạn tại Mỹ và từng là tù nhân cải tạo hoặc con của người góa chồng hay người góa vợ tù nhân cải tạo đã chết. 
 
Trong bài báo phổ biến trên Người Việt Boston, tác giả viết rằng “với dân tị nạn, cụ Biden chưa một lần nào biểu quyết chấp nhận bất cứ một xu ngân sách nào để cứu trợ dân tị nạn.” Những sự kiện tôi vừa trình bầy trên đây chứng minh nhận xét của tác giả là sai. 
 
Ông Joe Biden cùng với 16 nghị sĩ khác đã bỏ phiếu chống dự luật S. 1484 (Vietnam Contingency Act) vì trong dự luật này Tổng Thống Ford bao gồm bốn điều kiện, trong đó có hai điều liên quan đến quân sự: (1) di tản người Mỹ còn lại ở Việt Nam; (2) di tản người Việt; (3) mang quân Mỹ trở lại Việt Nam để bảo vệ việc di tản; (4) viện trợ quân sự cho Việt Nam vào phút chót. Khi đem dự luật này xuống Hạ Viện, dự luật S. 1484 bị bác chung với dự luật H.R. 6096 (Vietnam Humanitarian Assistance and Evacuation Act) vào ngày 1-5-1975. 
Quốc Hội Hoa Kỳ nói chung không chống việc cứu trợ người tị nạn cộng sản mà chống hai điều khoản quân sự của Tổng Thống Ford vì họ cho là vô ích và nguy hiểm. Nghị Sĩ Frank Church (Dân Chủ, Idaho), chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, nói trong buổi họp tại Tòa Bạch Ốc như sau: 
 
“Rõ ràng là không có điều kiện pháp lý nào ngăn cản chúng ta di tản một số [người Việt] cùng với người Mỹ, nhưng 175,000 người, với sự trợ giúp của quân đội Mỹ, có thể làm chúng ta rơi vào một cuộc chiến rất lớn. Điều này tạo ra mối lo ngại về một cuộc chiến tranh mới, khi hàng ngàn binh sĩ Hoa Kỳ phải nắm giữ một vùng đất bị vây kín xung quanh trong một thời gian lâu dài.” 
 
(“Clearly there is no legal inhibition to bringing some out along with Americans, but 175,000, with American troops involved, could involve us in a very large war. This raises the specter of a new war, thousands of American troops holding on in an enclave for a long period.”) 
 
Một số người chống ông Biden, thiếu lương thiện, đã cố ý bóp méo sự thật, đánh lừa dư luận bằng cách dùng việc ông chống các điều khoản quân sự trong dự luật S. 1484 để nói rằng ông Biden chống người tị nạn, hầu lấy phiếu cho ông Trump. 
Sau lần thất bại này Tổng Thống Ford đã làm dự luật mới (S. 1661 hay H.R. 6755), không có điều khoản viện trợ quân sự và mang quân trở lại Việt Nam, nên đã được Quốc Hội chấp thuận như tôi đã trình bầy ở ngay phần đầu của bài phản biện này. 
 
Ngay tại buổi họp tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 14-4-1975, Tổng Thống Ford cũng đã xác nhận rằng hai điều khoản quân sự cũng chỉ là một thứ hỏa mù để đánh lạc đối phương và đồng minh. Ông nói “Chúng ta không muốn đem quân Mỹ trở lại [Việt Nam] nhưng chúng ta phải có đủ ngân sách để làm ra vẻ chúng ta chuẩn bị ở lại một thời gian.” 
(“We are not wanting to put American troops in but we have to have enough funds to make it look like we plan to hold for some period.”) 
 
Ngay cả điều kiện Tổng Thống Ford xin viện trợ quân sự cho Việt Nam vào giờ chót cũng chỉ là hỏa mù để đánh lừa cả hai miền Bắc và miền Nam. Tổng Thống Ford muốn ổn định tình hình trước khi thực hiện di tản. Ông đã nói “Nếu buổi họp để bàn vế việc di tản, nó sẽ làm cho chính quyền Việt Nam hoảng sợ.” 
(“If this is a meeting to plan an evacuation, this will panic the GVN totally.”) 
Nhiều người Việt oán trách Quốc Hội Hoa Kỳ đã bác viện trợ quân sự vài trăm triệu đô la vào giờ chót nên làm cho miền Nam Việt Nam xụp đổ. Tài liệu lịch sử cho họ thấy rằng cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều không còn ủng hộ chiến tranh Việt Nam nữa và ngay cả hành pháp Cộng Hòa dưới quyền của Tổng Thống Ford cũng không thực sự ủng hộ viện trợ quân sự. Quần chúng Hoa Kỳ cũng đã quay sang chống chiến tranh Việt Nam từ 1968 vì chiến tranh đã kéo dài nhiều năm, tốn hàng trăm tỉ Mỹ kim, hơn 58,000 binh sĩ Hoa Kỳ tử trận, hơn 150,000 binh sĩ bị thương. Xưa nay chỉ có người Việt ngây thơ không hiểu.
 
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img