Thursday, March 28, 2024

Gương sáng diệu kỳ

THÁI CHINH

Người Việt Dallas – (“Gương sáng diệu kỳ” là tựa một bài thơ trong những thi văn mang mang thiền vị thâm sâu của thiền sư Thích Diệu Thiện, người viết xin mạn phép thiền sư dùng làm tựa cho bài viết, sau khi dự Tiệc Chay Gây Quỹ của thiền viện Suối Từ)

Cho đến năm 2013, nhiều thiền sinh cư trú tại Dallas/Fort-Worth và các vùng phụ cận đã được hai thầy Thích Diệu Thiện và Thích Thông Hội ‘giao duyên Giác Ngộ’ (thiền sinh được hai Thầy khai thị, nhận ra tâm của mình chứa đầy chướng ngại cấu uế, tình cảm bất tịnh, thành kiến mê lầm), và được hai Thầy ‘kết duyên Giác Ngộ’ (thiền sinh được học hỏi và hướng dẫn để thấy và biết một cách sáng suốt rằng: ngoài thế giới tâm linh Vô Minh, thế giới của‘cảm xúc sân hận và tư tưởng tham ái lầm lạc’, còn có thế giới tâm linh Giác Ngộ, thế giới của Đại Trí Tuệ và Đại Từ Bi).

Thiền sinh dự những khoá thiền, được theo hai Thầy tu học, Tâm Từ và Tâm Huệ mở ra, từ từ trong chiều sâu thẳm và thần-bí của tâm thiền sinh, cái thấy-biết hạt giống Giải Thoát chuyển biến mầu nhiệm thành trạng thái hỷ lạc của tâm Bi và trạng thái sáng suốt của tâm Giác.

Con người có hai tâm. Một là Tâm bình thường, tâm bất-tịnh này luôn luôn suy nghĩ, ham muốn, đặt chương trình, mưu tính kế hoạch, chuyển-biến theo ảnh hưởng bên ngoài, thói quen và điều kiện; thường bừng bừng lên những cơn giận dữ, dâng trào niềm vui khoái lạc chóng tàn phai…… Hai là Tâm giải thoát hay tâm giác ngộ, tâm này bị đẩy lui vào chiều sâu thẳm của tâm linh chúng-sinh do nghiệp lực, do sức mạnh khó mà cưỡng chế của những đợt sóng tư duy và cảm xúc nhiều không kể xiết, trải qua bao nhiêu kiếp tử sinh trầm luân trong biển khổ.

Hàng ngày thiền sinh sống với Tâm bình thường, trôi-lăn-lưu-chuyển với những cơn cảm xúc bất thường của bản ngã, say mê điên đảo với thắng và thua, mất và còn. Trước năm 2013, những khi về Houston, theo khoá tu học của thiền viện Phổ Môn, nhờ nương vào niềm tin mãnh liệt và năng lực sáng chói của tỉnh thức nơi ni sư Thích Diệu Thiện mà thiền sinh thoát được gọng kiềm nghiệt-ngã của tâm thông thường phàm tục trong những ngày sống với thầy tràn đầy ân phước. Không sớm thì muộn, sẽ có một thoáng thiêng liêng, một “thoáng thấy” ánh sáng của tâm Giác, ánh sáng của tâm vượt thoát tử sinh. Ánh sáng ấy, ánh sáng của tâm ‘chưa từng sinh’ và ‘chưa từng diệt’ sẽ chiếu loé qua bức màn vô minh dầy đặc. Và thiền sinh “thoáng thấy”, thoáng cảm nhận được năng lực tinh khiết diệu kỳ của tánh thuần tịnh, thoáng biết niềm hỉ lạc vô biên của lòng bi mẫn bao la, và thoáng buông bỏ triệt để mọi chấp thủ, mọi vướng mắc nhị nguyên thị-phi, mọi bám víu vào vọng tưởng đảo-điên và vọng tình cuồng si lầm-lạc. Một thoáng và một thoáng….. Những thoáng thấy diệu kỳ có nhiều mức độ cạn sâu, dài ngắn, tất cả sẽ đem đến cho thiền sinh ít nhiều tuệ giác, và sự tỉnh thức sáng suốt sẽ thuần hoá tâm Ngã cao ngạo ích kỷ, và sẽ thuần trị tâm Ý (tức Ý thức). Tâm Ý giống như con ngựa không cương hay con vượn đang chuyền cành, nó lúc nào cũng động, bất tịnh và làm ô nhiễm tâm Ngã; nó hăng hái lôi kéo tâm Ngã vào dòng nước xoáy của thác loạn, nó mạnh dạn trói chặt tâm Ngã trong mớ ý nghĩ tiêu cực rối bời. Sự tỉnh thức sáng suốt sẽ cho ta Cái Thấy và Cái Biết rất rõ ràng: “ta là ai”; tâm của ta không phải là tâm của bản ngã ích kỷ, cao ngạo, tâm của ta không phải là tâm của ý thức tiêu cực và điên rồ, lầm lạc.

Do được hưởng nhiều lợi lạc tâm-linh qua những khoá tu học tại thiền viện Phổ Môn, Houston, Texas, thiền sinh đang cư ngụ tại Dallas tha thiết yêu cầu hai Thầy thành lập một thiền viện trong vùng Dallas.

Cuối năm 2013, thiền viện Suối Từ được thành lập tại địa điểm 400 N. Houston School Road, Lancaster, Texas. Thiền sư Thích Thông Hội từ Houston về làm Viện chủ.

Toạ lạc trên khu đất rộng 6 acres, có nhiều cây cổ thụ, luỹ tre xanh nằm dọc theo dòng suối lượn quanh, thiền viện chỉ là một căn nhà nhỏ. Vì vậy, không đủ không gian cần thiết cho những khoá tu học có nhiều người.

Ngày 29 tháng mười, hai thiền viện Phổ Môn và Suối Từ tổ chức buổi tiệc chay tại nhà hàng Pearl trong trung tâm thương mại Asian Times Square để gây quỷ mở mang trung tâm tu học Suối Từ.

Không khí ấm áp và thân thiện của khánh phòng đón mừng gần 600 quan khách. Những người đã phát tâm tiếp tục kết duyên giác ngộ với quý thầy; những người cầu thỉnh quý thầy giúp mình tiếp tục “thắp sáng” tâm, giúp mình tiếp tục gở bỏ sợi giây oan nghiệt của chấp thủ mê lầm, tất cả đã tụ hội về đây để hưởng lợi lạc của một chương trình ý nghĩa và đầy sức sống tâm linh. Chương trình phong phú với những tiết mục độc đáo như hoạt cảnh Truyền Đăng, Khai Chuông, Thông điệp Giác Ngộ……… Nhạc sĩ Đan Thi phổ nhạc bài thơ Gương Sáng Diệu Kỳ của thiền sư Thích Diệu Thiện. Quyền năng Giác Ngộ sẵn có trong âm thanh được Đan Thi biết cách sử dụng tài tình. Những rung động của âm thanh phát ra từ tiếng đàn, tiếng hát của Đan Thi rất nhạy cảm, truyền đi trọn vẹn những rung động đẹp và trong sáng của dòng tư tưởng thấm nhuần năng lực tâm linh thuần tịnh của một thiền sư.
Tôi ra về trong cái lạnh mong manh của đêm thu xứ người. Tôi đi vào giấc ngủ êm đềm trong âm thanh “ngâm thơ” của thiền sư Thích Diệu Thiện. Và tôi tỉnh dậy vào buổi sớm mai, ánh bình minh đẹp ngời sáng như thuỷ tinh, trong vắt như ly nước trong tay của thầy, ly nước mà thầy dùng làm biểu tượng cho ‘tâm thể rỗng lặng, thanh tịnh, rõ ràng thường biết’. Tai tôi dường như đang nghe tiếng thầy nói: “Tâm trong sáng, không còn bị chi phối dù ngoại cảnh có biến chuyển thế nào, giống như bình nước trong veo, dù có làm động nước thế nào, nước cũng vẫn trong”. Và tâm tôi thấy trong tâm của tôi hình ảnh sư cô Phổ Nguyện, người Mỹ, và sư cô Phổ Niệm, người Ấn Độ, trong ni đoàn của thiền sư Thích Diệu Thiện. Hai sư cô có nét hồn nhiên của trẻ thơ, nhưng trong tia nhìn hiện rõ nội tâm bình lặng của mặt biển không gợn sóng lao xao của những vọng tưởng thô kệch, u-uẩn, đang hiện hành. Vào tuổi đứng bên bờ vực thẳm của Cái Chết, tôi thường ghi vào tâm những nét đẹp thánh thiện, những gương mặt hoàn toàn thiếu vắng sự cuồng nhiệt của sức gió Khởi Vọng ác nghiệt.

Tôi chợt thấy mình đang chép bài thơ Gương Sáng Diệu Kỳ của thiền sư Thích Diệu Thiện và bài thơ Có Khi Nào của thiền sư Thích Thông Hội. Tôi đang nắn nót viết từng chữ, tưởng chừng như tôi đang chép lại bài thơ của thầy tôi nơi mái chùa xưa. Mỗi lần nghĩ đến, nhớ tới Thầy của tôi, tôi không khỏi bùi ngùi rơi lệ.

Gương Sáng Diệu Kỳ
Thích Diệu Thiện
Gương sáng vốn trong ngần
Luôn rạng ngời toả chiếu
Thấu suốt khắp mười phương
Phá tan màn đêm tối

Thênh thang và rộng lớn
Không tì vết, nhiễm ô
Không gì làm thay đổi
Bản chất vốn trong ngần

Nhưng có điều kỳ lạ
Diệu dụng của Gương trong
Luôn linh hoạt nhạy bén
Ứng hiện rất tinh tường

Gương sáng vốn là ta
Sao không về sống lại
Với Thể Tánh trong ngần
Không gì làm vẩn đục

Một đời, sống trong mê
Mà tưởng như là thật
Đau khổ cả kiếp người
Bao giờ ra khỏi được?

Đấu tranh và chống trái
Được mất và hơn thua
Chung cuộc để làm gì
Chỉ thêm lầm mê chấp

Vậy Ta thật là Ai?
Và Ai thật là Ta?
Ngay đây cần nhận rõ
Gương sáng sẽ hiển bày

Có khi nào
Thích Thông Hội
Có khi nào ta giật mình ngoảnh lại
Một cuộc đời, thoáng mắt mấy mươi năm
Ta là ai, bây giờ hay thủa ấy?
Mà buồn vui hắt bóng những đêm nằm

Có khi nào, chợt quay về nhìn lại
Nghe trong ta tiếng ai đó thầm thì
Và bỗng nhiên, ta lặng người thấu rõ
Từ lâu rồi, mê mãi với nguồn si

Có khi nào, ta cười ra nước mắt
Vì dại khờ đeo đuổi bóng mây tan
Vì ai đây, mà mê mờ nắm bắt
Thật và hư, để lỡ nhịp cung đàn

Có khi nào, chợt giật mình tỉnh giấc,
Cơn mộng dài đắm đuối suốt bao năm.
Là ảo hư mà điên cuồng chấp thật,
Thềm “Trăng Xưa” lỗi hẹn biết bao lần!

Có khi nào, ta lắng lòng nhìn lại
Những xôn xao và những tiếng thì thầm
Và ta chợt đi vào giây phút ấy
Hội ngộ “Người” từng hẹn thủa xa xăm.

Ta đã về, chỉ một lần hội ngộ,
Cái Vô Cùng, không thỉ cũng không chung.
Nắng ấm mùa Xuân, đất trời mở ngỏ
Dù chông gai, cũng mặc sức vẫy vùng!

Chỉ một lần, bây giờ mà mãi mãi,
Tâm thênh thang đùa với cuộc Vô Thường.
Đến và đi, đâu còn gì ngăn ngại,
Đón đưa người, về bến Giác, nguồn Chơn.

THÁI CHINH

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img