Thursday, March 28, 2024

Đại hội XIII: Biển Đông, Trung Quốc đẩy mạnh căng thẳng

Ngay tại thời điểm Đảng Cộng Sản Việt Nam (Đảng CSVN) đang tổ chức Đại hội XIII thì nhà cầm quyền Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hoạt động căng thẳng, phức tạp trên Biển Đông…

Liên quan đến Đại hội XIII của Đảng CSVN, hôm nay ngày 28/1/2021 là ngày làm việc thứ ba của Đại hội, đây là ngày đại biểu tham luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội điều hành phiên thảo luận.

Buổi sáng có 13 đại biểu tham luận gồm:

–      Ông Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

–      Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

–      Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

–      Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

–      Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương

–      Ông Y Thanh Hà Niê K’đăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp

–      Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ

–      Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh

–      Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

–      Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

–      Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

–      Ông Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

–      Ông A Pớt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kon Tum

Mạng báo Việt Nam cho biết sau một ngày rưỡi thảo luận về dự thảo các Văn kiện Đại hội, đã có 36 đại biểu tham luận.

Buổi chiều, Đại hội nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Như đã nói trên, ngay thời điểm Đại hội XIII của Đảng CSVN đang diễn ra thì nhà cầm quyền Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt gây căng thẳng trên Biển Đông như:

Hôm 18/1/2021, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CGTV) cho biết nước này chuẩn bị triển khai một giàn khoan dầu biển sâu lớn được sản xuất trong nước lần đầu tiên ra Biển Đông, dự kiến vào tháng 6 tới

Ngày 22/1/2021, Trung Quốc thông qua luật lần đầu tiên cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ khí bắn tàu cá nước ngoài trên Biển Đông

Ngày 26/1/2021, Trung Quốc thông báo tập trận ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi đưa hàng chục máy bay chiến đấu bay sát Đài Loan.

Tại Đại hội XIII, vấn đề Biển Đông cũng được đề cập đến nhưng theo như Cali Today nhận thấy là khá vắn tắt khi nói về bá quyền Bắc Kinh, chủ yếu tập trung nói về phát triển kinh tế Biển. Cụ thể :

Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN ông Trần Quốc Vượng có phát biểu: “…Trước những diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông, Đảng lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, nhạy bén, đúng đắn bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, an toàn các hoạt kinh tế dầu khí, các đảo đá, nhà giàn, điểm đóng quân của ta trên Biển Đông và vùng biển Tây Nam của Tổ Quốc. Khẳng định chủ quyền và lập trường nhất quán, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và kịp thời cập nhật, phê chuẩn đề án tổng thể về chủ trương, giải pháp để chủ động xử lý các tình huống xảy ra trên Biển Đông…”

Vào sáng ngày 27/1, tại phiên thảo luận của Đại hội XIII về các văn kiện, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu:

“…Quân đội đã thực hiện tốt công tác nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược; kiên quyết, kiên trì, xử lý kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là tình hình Biển Đông, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước…”

Cali Today có cuộc trao đổi với Học giả Đinh Kim Phúc về những hoạt động căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông như việc Trung Quốc cho lực lượng hải cảnh được phép dùng súng bắn tàu nước  ngoài trên Biển Đông được ông Phúc cho biết đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Ông Phúc trao đổi:

“Chuyện Trung Quốc gây sức ép trên Biển Đông bằng cách tập trận, rồi cho các tàu hải cảnh, hải giám và các tàu khác đi sâu vào thềm lục địa của các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cùng chung sống ở Biển Đông là nhằm gây sức ép, buộc các nước phải khuất phục trước cái tham vọng của Trung Quốc. Nhưng mà lần này, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua luật cho phép tàu hải cảnh nổ súng ở trong chủ quyền của cái gọi là của Trung Quốc ấy thì phải nói rằng đây là một sự vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, vi phạm Công ước quốc tế về luật Biển 1982. Bởi vì phán quyết của tại Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” 2016 là Trung Quốc không hề có cái gọi là chủ quyền lịch sử và đường biên giới biển “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Đây là giọt nước làm tràn ly đối với các nước ở khu vực Đông Nam Á trước tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.”

Trước động thái này của nhà cầm quyền Trung Quốc, một quốc gia khác cũng có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông là Philippines đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc và cho đây là “mối đe dọa chiến tranh”.

“Phải nói là Chính phủ Philippines họ rất nhạy, họ đã lên tiếng và vừa gửi công hàm để phản đối cái luật Trung Quốc cho lưc lượng hải cảnh nổ súng. Riêng Việt Nam có lẽ do tập trung tổ chức Đại hội XIII của Đảng nên chưa thấy người phát ngôn của Bộ Ngoại giao lên tiếng về vụ việc này. Tôi hy vọng rằng chắc khi Đại hội XIII của Đảng họp xong rồi thì mới có đủ thời gian để phản ứng trước vi phạm về công ước quốc tế củaTrung Quốc”- Lời của ông Phúc.

Về phía dư luận Việt Nam, như bao lần trước đây, phản ứng của Chính phủ Việt Nam trước những vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông thường chỉ dừng ở mức quan ngại, phải đối trên phương tiện truyền thông.

“Mạnh mẽ nhất của Việt Nam là quan ngại. Ta thấy rằng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ hữu nghị, đồng chí và truyền thống. Chúng ta cũng cần nhắc lại câu nói của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng: “Không đánh đổi chủ quyền để lấy tình hữu nghị viễn vông” và câu nói này nên là câu khẩu hiệu có ở Đại hội XIII này thì mới có khả năng giải quyết được các vấn đề của Biển Đông trước tham vọng của Trung Quốc.”- Ông Phúc nói.

Vậy liệu có nhân tố nào tại kỳ Đại hội XIII này mạnh mẽ phản ứng như câu nói của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với phía Trung Quốc hay không? Học giả Đinh Kim Phúc cho rằng bản thân không hy vọng là có những ý kiến mạnh mẽ vì mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được Tổng Bí thư- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhân dịp 75 năm Quốc khánh Việt Nam, 71 năm Quốc khánh Trung Quốc và trong năm kỉ niệm 70 năm ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc là dù có những thăng trầm nhưng mà tình hữu nghị Việt- Trung vẫn là dòng chảy chính trong mối quan hệ của hai nước./.

 

THIÊN HÀ

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img