Monday, March 18, 2024

Vụ ‘’Trọng bệnh’’ có phải là thuyết âm mưu?

Nguyễn Hiền

(VNTB) – Một cơ chế thiếu minh bạch, trong khi quyền lực độc tôn – toàn trị, thì đó là mảnh đất màu mỡ cho thuyết âm mưu xuất hiện.

Báo QDND trong chuyên mục “Phòng, chống tự diễn biến – tự chuyển hóa” đã đăng tải bài viết với tựa đề, “Kiên quyết đấu tranh với “nấm độc thông tin” và các “thuyết âm mưu” đen tối”.

“Trong đó, tung thông tin sai sự thật về sức khỏe, đời tư, xuyên tạc danh dự, nhân phẩm một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thủ đoạn thường được kẻ xấu sử dụng.”, báo QDND cho biết.

Thuyết âm mưu?

Thuyết âm mưu xuất phát từ việc nhiều người tin rằng, những người có quyền lực đã cùng nhau che giấu một sự thật nào đó. Và thuyết âm mưu được cho là đặt ra những thách thức đáng kể cho chính sách và phát luật, và Nhà nước có thể phản bác hoặc chứng minh các thuyết âm mưu đó là sai lầm.

Và dù người viết tin rằng, thuyết âm mưu là xói mòn niềm tin giữa người và người, giữa công dân với Nhà nước, đặc biệt trong thời điểm mà mạng lưới thông tin tương tác mạnh mẽ như hiện nay. Nhưng điều này phụ thuộc vào cơ chế của nền xã hội – chính trị đó dân chủ và minh bạch đến đâu.

Một cơ chế thiếu minh bạch, trong khi quyền lực độc tôn – toàn trị, thì đó là mảnh đất màu mỡ cho thuyết âm mưu xuất hiện.

Và ngay cả đối với thuyết âm mưu, nó cũng bao hàm thuyết âm mưu chính xác và một lý thuyết hoàn toàn bịa đặt.

Nhưng dù sao đi nữa, thì làm cho nguồn thông tin trở nên minh bạch vẫn là nhiệm vụ cần để chống lại những thuyết âm mưu bịa đặt.

Báo QDND trích dẫn Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, theo đó, hướng đến các thông tin sai lệch là đến từ việc quản lý.

“Việc quản lý thông tin còn lỏng lẻo, thiếu giải pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị”.

Nhưng điều này hoàn toàn chưa đầy đủ, quản lý thông tin của Việt Nam thừa kiểm duyệt, nhưng lại thiếu sự minh bạch và trung thực.

Thứ trưởng bộ Công an Phạm Quý Ngọ chết trong sự nghi ngờ tứ phía, và nhiều người cho rằng, ông chết đúng “quy trình”, bởi liên quan đến đường dây tham nhũng Dương Chí Dũng.

Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương chết cũng trong sự mờ mịt từ chính quyền, đến mức, một trang blog mang tên Chân dung quyền lực thông tin chính xác, kịp thời hơn cả giới lãnh đạo Đà Nẵng, lẫn những người nằm trong Ủy ban bảo vệ sức khỏe T.Ư.

Ông Trần Đại Quang, sức khỏe và cái chết của ông cũng đến từ chính mạng xã hội, trong khi Nhà nước vẫn tung bài “chúc tết Trung thu thiếu nhi” của Chủ tịch nước.

Ông Nguyễn Phú Trọng và vấn đề sức khỏe cũng được phản ánh lần đầu trên mạng xã hội, những bài viết “phản bác” lại thường chỉ là những fanpage hay website dạng “cờ đỏ”, trong khi báo chí chính thống tảng lờ về vấn đề này. Ngay cả báo QDND cũng chỉ đưa nội dung sơ sài và chung chung về “thông tin sai sự thật về sức khỏe lãnh đạo”. Trong khi đoàn Thượng viện Hoa Kỳ đi qua được ông Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tiếp, còn ông Tổng Bí thư lại hiện diện trong thông tin “gửi điện mừng lãnh đạo mới Triều Tiên đắc cử”. Trang thoibao.de, bằng cách nào đó, có vẻ đi theo con đường của Chân dung quyền lực, “tường thuật” về sức khỏe, và đến giờ xác tín đúng-sai chưa rõ, nhưng sự “vắng mặt” của ông Tổng Bí thư lại khiến dư luận xã hội nghiêng về giả thuyết “đúng”.

Rõ ràng, Nhà nước đang đánh mất vị trí và vai trò thông tin chính thống và trung thực của mình, và nhường lại điều này cho mạng xã hội. Tại sao một thao tác nhằm “phản bác luận điệu xuyên tạc và kích động của các thế lực” lại trở nên quá khó khăn đến Nhà nước như vậy? Câu trả lời không ngoài việc, chính bản thân Nhà nước đang lúng túng trong xử lý thông tin “đúng” hoặc ít nhất là “có phần đúng” trên mạng xã hội về “sức khỏe lãnh đạo”.

Báo QDND cho rằng, cần phải “xử lý nghiêm minh cả về pháp lý và đạo lý”, nhưng đây chỉ là biện pháp áp chế quyền lực nhà nước một cách tùy tiện, hay nói cách khác, là thể hiện tư duy không quản được, thì tiến hành trừng phạt. Nhưng điều này chỉ càng khiến cho Nhà nước trở nên vô chính danh và mất đi tính chính thống thông tin của mình, đến một lúc sẽ hoàn toàn khiến dư luận đặt nghi vấn trong mỗi tuyên bố và phát ngôn. Trong khi, thay vì đem Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, đem Luật An ninh mạn,.. để hãy sử dụng Luật tiếp cận thông tin để minh bạch thông tin.

Chính minh bạch thông tin sẽ giúp cho người dân bớt hoang mang về thông tin giả mạo hoặc hàng trăm ngàn thuyết âm mưa đang bủa vây, và đây là cách hữu hiệu nhất để Nhà nước lấy lại “uy tín” về nguồn tin của chính mình. Bản thân người viết cũng mong muốn nhận được thông tin kịp thời và chính xác từ Nhà nước, nhưng điều này có vẻ quá khó với cơ chế hiện tại.

Một quốc gia không thể mãi mãi “bế quan tỏa cảng” về mặt thông tin khi nó hằng ngày vẫn rao giảng về sự hội nhập quốc tế. Một quốc gia cũng không thể ngăn cấm công dân quan tâm về sức khỏe và tình trạng lãnh đạo bằng việc đe dọa “bắt giam, bỏ tù”.

Đó – là câu chuyện của thời xa vắng.

Và khi Nhà nước còn nghiêng về “bảo vệ bí mật Nhà nước” hơn là “bạch hóa thông tin”, thì người dân vẫn còn sẽ tin và bị thu hút một cách chủ động bởi các “thuyết âm mưu”.

Theo VNTB

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img