Thursday, March 28, 2024

VN lại mong ngóng Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today news – Một năm sau chuyến đi Mỹ không hề thành công về Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ của Thủ tướng Phúc, một ủy viên bộ chính trị khác lại xuất hiện ở Washington kèm một ẩn ý về hiệp định này: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

‘Đặc phái viên EVFTA’

Vào năm 2017, ‘đặc phái viên’ Vương Đình Huệ cũng đã được Tổng bí thư Trọng chỉ đạo để thực hiện một chuyến “dân vận” ở Tây Âu và Đông Âu nhằm thuyết phục các nước châu Âu mau chóng chấp thuận cho Việt Nam được tham gia vào Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) – một hiệp định mà lẽ ra Việt Nam sẽ có cơ hội được tham gia chính thức vào giữa năm 2018, nhưng vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt đã khiến tương lai ấy trở nên quá bất định.

Nhưng cũng như kết quả hoàn toàn mờ nhạt trong chuyến đối ngoại vận động EVFTA của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với châu Âu cũng vào năm 2017, các cuộc gặp của ông Vương Đình Huệ với giới chức Bỉ, Slovakia, Thụy Sĩ đều chỉ mang lại một kết quả chung chung: không có bất kỳ hứa hẹn, và càng không có bất kỳ cam kết miệng hay cam kết bằng văn bản nào từ giới chức các nước châu Âu về việc sẽ hỗ trợ Việt Nam vận động nhằm sớm thông qua EVFTA.

Vào đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lại tiến hành một chuyến vận động EVFTA tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị WEF Davos 2018 diễn ra tại Thuỵ Sĩ. Song vào lần đó, ông Huệ chỉ gặp được một quan chức bậc trung là Ủy viên Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ Johann Ammann. Kết quả cuộc vận động này vẫn chỉ là vài lời hứa hẹn chung chung.

Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

Giá trị xuất siêu hàng năm của hàng Việt Nam vào thị trường EU là gần tương đương với giá trị xuất siêu lên tới gần 30 tỷ USD mỗi năm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Mỹ. Do vậy, giá trị của bản hiệp định EVFTA có cũng có giá ngang bằng với tương lai của Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ mà giới chóp bu Hà Nội đang hết sức thèm muốn, để rất có thể Vương Đình Huệ đang được trực tiếp Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cố gắng thêm một lần nữa giành được thiện cảm thương mại của người Mỹ, sau chuyến đi ‘quốc tế vận’ hoàn toàn không thành công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Donald Trump tại Washington vào tháng Năm năm 2017 mà càng đẩy nền kinh tế lẫn ngân sách Việt Nam vào cơn ác mộng mất ngủ kinh niên.

Quan chức Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (giữa) làm việc với Lãnh đạo Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Ảnh: VGP

Lại mong ngóng Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ?

Sau cuộc gặp Trump – Phúc vào tháng Năm năm 2017, dù thất vọng được phái đoàn Việt Nam cố gắng che giấu nhưng vẫn lộ ra một cách trần trụi. Trong vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ hội đàm Mỹ – Việt, bất chấp món quà 8 tỷ USD giá trị thương mại (nếu có thật) mà ông Phúc cho biết các doanh nghiệp Việt đã ký kết với giới doanh nghiệp Mỹ, đã không có bất kỳ từ ngữ nào được Trump sử dụng, dù chỉ mang tính hàm ý, nói về “Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ”.

Cần nhắc lại, Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ mới chính là chủ đề mà phía Việt Nam quan tâm nhất và trở thành mục tiêu lớn nhất của chuyến sang Mỹ vào tháng Năm năm 2017. Nếu có được dù chỉ một thỏa thuận sơ bộ về Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, phía Việt Nam sẽ có hy vọng duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường Mỹ, đồng thời mở ra hy vọng vay mượn thêm tín dụng từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, hơn nữa còn có thể “thúc đẩy sớm thông qua EVFTA”.

Thậm chí trước chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Phúc, một chuyên gia nhà nước đã “bắn tin” rằng Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ đã được được chuyên viên hai nước đàm phán xong và đã được đặt lên bàn thủ tướng (Việt Nam), chỉ còn chờ mang sang Mỹ ký chính thức.

Nhưng do Trump không hề đả động đến Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, có thể xem như số phận của hiệp định (nếu có thật) này – một trong hiếm hoi lối thoát khả dĩ nhất về kinh tế và ngân sách của chính thể Việt Nam – vẫn còn “treo” ở đó mà chưa biết khi nào mới xong.

Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tháng Năm năm 2017 chỉ đề cập: “Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại song phương và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên, đặc biệt thông qua việc triển khai có hiệu quả Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư để xử lý các vấn đề trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng”.

Thực ra, Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) là một hiệp định khung mà Việt Nam đã đàm phán với Mỹ từ năm 2010, nhưng sau đó bỏ dở vì Việt Nam mải chạy theo món hời hơn và ‘ăn ngay’ được là Hiệp định TPP. Chỉ đến đầu năm 2017 khi TPP hầu như tuyệt vọng, Việt Nam mới phải quay lại đàm phán về TIFA như một nỗ lực cuối cùng.

Nhưng có lẽ chẳng nhìn ra cái lợi ‘ăn ngay’ nào từ TIFA, kể từ sau chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phúc vào năm 2017 đến nay, TIFA đã không hề được giới quan chức Việt Nam nhắc lại.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img