Friday, March 29, 2024

Vì sao ‘kiều hối 2017 đạt 13,8 tỷ USD’ nhưng vẫn không dám công bố?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Vừa xảy đến thêm một chuyện lạ và rất đáng nghi ngờ liên quan đến “công tác vận động kiều hối từ người Việt ở nước ngoài”: một số tờ báo nhà nước hào hứng công bố: “Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 13,81 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng 1,9 tỷ USD, tương ứng 16% so với năm 2016”.

Nhưng lại không thấy tờ báo nhà nước nào dẫn nguồn hay đường link nào của Ngân hàng Thế giới về kết quả thu hút kiều hối lên đến 13,8 tỷ USD trên.

Trong khi đó, đã gần hết tháng Hai năm 2018 mà các cơ quan Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước vẫn chẳng công bố một con số thống kê nào về kết quả kiều hối mà chính thể độc đảng ở Việt Nam đã “hút” được từ gần 4 triệu “khúc ruột ngàn dặm” ở hải ngoại.

Tâm thế im ắng quá bất thường như thế là hoàn toàn trái ngược với những năm trước.

Bởi vào năm 2015 khi lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến mức kỷ lục 13,5 tỷ USD, Tổng cục Thống kê và hệ thống báo đảng đã mau mắn công bố báo cáo kiều hối 2015 ngay khi năm cũ còn chưa kết thúc. Tổng cục Thống kê cũng thường rất mau mắn công bố kết quả thu hút kiều hối ngay đầu tháng Bảy hoặc thậm chí trước khi kết thúc tháng Sáu hàng năm. Hệ thống tuyên giáo đảng càng không quên tô vẽ về “thành công của Nghị quyết 36”, tức bản nghị quyết ra đời từ năm 2003 về “công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, mà đã khiến cho bà con Việt kiều nhiệt tình “cống hiến cho quê hương”.

Lại có thêm một nghi ngờ lớn khác về tính trung thực thông tin: trước khi báo nhà nước công bố “kiều hối 2017 đạt 13,8 tỷ USD”, một đại diện (không nói tên hoặc giấu tên) của Ngân hàng nhà nước và được báo chí nhà nước dẫn lời cho biết “Tình hình hiện rất khả quan, lượng kiều hối năm nay về tăng vọt. Cụ thể, theo thống kê tính đến hết năm 2017, kiều hối đổ về tăng tới 10,4% so với năm 2016”, để từ đó tính ra giá trị kiều hối 2017 tăng vọt lên đến 10 tỷ USD.

Vậy thì người dân nên tin vào con số kiều hối nào – 13,8 hay 10 tỷ USD?

Nhưng những con số trên – cho dù là con số nào đi nữa – thì vẫn chỉ mang tính tham khảo, bởi cho tới nay cả hai con số trên đều không được phát ngôn một cách chính thức.

Trong khi đó, con số chính thức duy nhất về kiều hối từ đầu năm 2017 đến giờ chỉ là Sài Gòn thu hút lượng kiều hối 5,2 tỷ USD.

Có một cách thức để ước tính lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017: nếu vẫn dựa vào tỷ lệ chiếm đến 55 – 60% tổng lượng kiều hối của Sài Gòn, tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 sẽ vào khoảng 9 – 9,5 tỷ USD, tức bằng hoặc cao hơn lượng kiều hối 9 tỷ USD về Việt Nam trong năm 2016.

Nhưng nếu tỷ lệ 55 – 60% của Sài Gòn thay đổi theo chiều hướng tăng hoặc tăng vọt trong năm 2107, có nghĩa là kiều hối đổ về Việt Nam ngày càng tập trung về Sài Gòn trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác, thì sao?

Trong trường hợp đó, cần nhìn lại một dự báo của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ vào tháng Bảy năm 2017: kiều hối về Việt Nam năm 2017 dự kiến chỉ có 5,4 tỷ USD.

Kiều hối thực về Việt Nam trong năm 2017 là dưới 9 tỷ USD? Ảnh: Cali Today

Pew đã dự đoán kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng 3,6 tỷ USD. Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50% do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng USD 0% và FED tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng 5,4 tỷ USD, giảm 39,7% so với năm 2016.

Gần đây, dư luận còn nghi ngờ về cách tính của Tổng cục Thống kê đã chuyển từ việc thống kê kiều hối trong năm dương lịch sang… năm âm lịch, tức “tính gộp” lượng kiều hối trong cả năm 2017 với kiều hối trong tháng Giêng năm 2018 với nhau.

Ứng với nghi ngờ trên, việc Tổng cục Thống kê và Ngân hàng nhà nước cố ý không công bố giá trị kiều hối 2017 trong năm và cả trong tháng Giêng năm 2018 là do các cơ quan này nhận thấy nếu công bố, giá trị kiều hối 2017 là quá ít ỏi và sẽ khiến ảnh hưởng tiêu cực đến ‘thành tích của chính phủ kiến tạo”, do vậy các cơ quan này buộc phải chờ đến thời gian gần tết khi dòng ngại tệ đổ về thì mới “tính gộp” vào kết quả của năm 2017 để số kiều hối 2017 tăng vọt và do đó “đạt thành tích lớn”.

Tất nhiên, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng nhà nước hoàn toàn có thể “biến hóa” số liệu kiều hối tăng vọt so với thực tế – theo cách mà nhiều chuyên gia phản biện độc lập đã nghi ngờ “thành tích GDP tăng trưởng 6,7% trong năm 2017” là “giả số liệu”. Tuy nhiên nếu số liệu kiều hối 2017 bị “ma”, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng nhà nước sẽ phải lý giải thế nào nếu bị công luận và ngay trong giới đại biểu quốc hội đòi hỏi làm rõ từ những nguồn nào, thị trường nào và theo phương cách nào để có được “thành tích kiều hối” như thế.

“Tốt khoe, xấu che” và “để lâu cứu trâu hóa bùn” là những tục ngữ dân gian đặc trưng ở Việt Nam, nhưng lại rất thích hợp với căn bệnh quá kém minh bạch và giấu số liệu của chính phủ cùng nhiều bộ ngành ở đất nước đang cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img