Tuesday, March 19, 2024

Sáu lý do để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp tới làm Chủ tịch nước

 

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Chuyện Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang qua đời ngày 21/9 vừa qua chắc chắn không gây bất ngờ. Do ông Quang vắng mặt ở Việt Nam hàng tháng trời vào năm ngoái nên đã có đồn đoán ông mắc trọng bệnh và đang được điều trị ở nước ngoài. Tuy nhiên, cái chết của ông Quang lại trở nên quan trọng khi nó dấy lên vấn đề ai sẽ là người kế tục ông ở vị trí Chủ tịch nước khi Quốc Hội Việt Nam họp vào tháng 10 tới.

Đã có một số chuyên gia về chính trị Việt Nam như Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, Carl Thayer, từng dạy tại Đại học quốc phòng Australia, Davit Hutt, cây bút chuyên về khu vực Đông Nam Á của tờ Diplomat tại Campuchia, đã điểm ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí Thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, như là người kế tục ông Quang. Theo David Hutt, ông Nhân là một “người của Đảng luôn vâng lời’ (a Party yes-man) và vì thế có thể được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ưng cho chức vụ Chủ tịch nước.

Về phần mình, tôi cho rằng Chủ tịch sắp tới của Việt Nam không phải ai khác ngoài chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cơ sở của nhận định này của tôi là các yêu cầu hội nhập quốc tế hậu “Chiến tranh Lạnh” của Việt Nam, ổn định cấu hình chính trị do Đại hội 12 Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) xác lập, chống tham nhũng, ngăn chặn sụp đổ ngân sách quốc gia, tăng cường bảo vệ lợi ích quốc gia trước Trung Quốc và cuối cùng, hợp thức hóa vị thế nguyên thủ quốc gia trên thực tế của Tổng bí thư Trọng.

Hội nhập quốc tế hậu “Chiến tranh Lạnh” của Việt Nam

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, những người thừa kế di sản chính trị của ông trong Bộ chính trị ĐCSVN dường như đã thỏa thuận rằng không ai nắm cùng lúc chức vụ người đứng đầu Đảng và người đứng đầu Nhà nước. Cụ thể là Tổng bí thư Đảng không làm Chủ tịch nước và ngược lại. Cơ chế “hai đầu” này vận hành có thể nói là trơn tru khi Liên Xô và Đông Âu “xã hội chủ nghĩa” vẫn còn. Thực vậy, trong giai đoạn này Việt Nam chỉ dựa vào viện trợ của các nước này để tồn tại, nhất là trong bối cảnh Mỹ cấm vận và chiến tranh với Trung Quốc.

Nói cách khác, quan hệ với các đảng cộng sản cầm quyền có tính quyết định đối với sự sống sót của Việt Nam. Chỉ khi hệ thống “xã hội chủ nghĩa” thế giới tan rã vào cuối những năm 1980 thì vai trò của Chủ tịch nước mới được các nước cộng sản còn lại phát huy nhằm tìm các nguồn viện trợ thay thế để phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Không kể Bắc Triều Tiên và Cuba là nơi người đứng đầu Đảng cộng sản luôn là Chủ tịch nước theo phương thức kế vị của phong kiến (truyền ngôi cho các thành viên trong gia đinh) thì các nước cộng sản còn lại, trừ Việt Nam, đã nhất thể hóa hai chức vụ trên. Đó là trường hợp của Lào (1991) và Trung Quốc (1993). Rõ ràng, Việt Nam không thể tiếp tục khác biệt với các nước có cùng ý thức hệ.

Ổn định cấu hình chính trị do Đại hội 12 Đảng cộng sản Việt Nam xác lập

Trước khi những người cộng sản giành được độc lập dân tộc và nắm quyền vào năm 1945, Việt Nam bị Pháp chia thành ba miền để cai trị: Tonkin hay Bắc kỳ (miền Bắc), An Nam hay Trung kỳ (miền Trung) và Cochinchine hay Nam kỳ (miền Nam). Di sản thực dân này đã được những người cộng sản tiếp nhận, thể hiện qua sự phân phối tương đối cân bằng các chức vụ lãnh đạo cho ba miền, đặc biệt từ sau 1954. Điều này có nghĩa tùy theo nhận định về tình hình trong nước và quốc tế của từng Đại hội ĐCSVN, một miền có thể có đại diện trong ban lãnh đạo quốc gia tối cao nhiều hơn hai miền kia.

Trong Chiến tranh Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bí thư thứ nhất Đảng lao động Việt Nam (ĐCS) Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đại diện cho miền Trung, Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đại diện cho miền Nam, Chủ tịch Quốc Hội Trường Chinh đại diện cho miền Bắc. Sau khi thống nhất vào ngày 30/4/1975, Việt Nam tiếp tục được điều hành bởi Tổng bí thư ĐCSVN Lê Duẩn, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Quốc Hội Trường Chinh. Ngoài ra, miền Nam còn được đại diện bởi phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ. Sự cân bằng này giữa các miền của đất nước vẫn luôn được duy trì qua các kỳ đại hội ĐCSVN.

Ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay có xuất xứ từ Đại hội 12 ĐCSVN họp vào đầu năm 2016, gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người miền Bắc, phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người miền Trung, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình là người miền Nam. Để không xáo trộn cấu hình chính trị do Đại hội 12 ĐCSVN xác lập, người thay thế ông Quang ở cương vị Chủ tịch nước phải là người miền Bắc, điều mà Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đáp ứng.

Chống tham nhũng

Từ 2006 đến 2016, tham nhũng dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành quốc nạn, làm Đảng cộng sản có nguy cơ mất hết sự ủng hộ ngay ở những người trung thành nhất với Đảng, như chính những người giữ cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam thừa nhận. Phát biểu với cử tri thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2012, Chủ tịch Trương Tấn Sang nói: “Tham nhũng đang là một vấn nạn nghiêm trọng, ban đầu chỉ là một bộ phận, sau đó là một bộ phận không nhỏ, bây giờ là cả một tập đoàn”.  Ông nói tiếp: “Một con sâu đã nguy, một bầy sâu là chết cái đất nước này!”

Để cứu vãn uy tín của ĐCSVN, Tổng bí thư Trọng đã liên kết với Chủ tịch nước Sang để hạ bệ Thủ tướng Dũng. Cho dù thất bại tại Hội nghị trung ương 6 họp vào tháng 10 năm 2012 khiến Tổng bí thư Trọng phải nấc lên, sự liên kết này đã thành công tại Đại hội 12 ĐCSVN họp vào tháng 1 năm 2016 với việc ông Dũng bị loại khỏi Ban chấp hành trung ương mới. Sau khi tái đắc cử Tổng bí thư Đảng và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Trọng đã phát động một cuộc tổng tấn công vào tham nhũng, dẫn đến việc loại bỏ Đinh La Thăng khỏi Bộ chính trị để sau đó bắt giam ông này cũng như bắt giam và khởi tố một loạt tướng lĩnh cả công an lẫn quân đội – điều chưa từng xảy ra trong lịch sử cầm quyền của ĐCSVN.

Trong bài báo của tôi bằng tiếng Việt có tiêu đề “Tổng BT Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, chống tham nhũng mới thành công!” đăng trên Internet ngày 24/6/2016, tôi đã chỉ rõ: “Ai cũng biết rằng tham nhũng trước hết và chủ yếu là từ bộ máy Nhà nước mà ra. Do đó, muốn chống được tham nhũng ở một nước độc đảng như Việt Nam thì người cầm chịch chống tham nhũng cần phải ở cương vị lãnh đạo Nhà nước miễn là vị trí đó độc lập với quản lý ngân sách quốc gia. Để nói, chỉ có nắm chức Chủ tịch nước thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới có thể phát huy tối đa và hiệu quả vai trò Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương của ông”.

Ngăn chặn sụp đổ ngân sách quốc gia

Vì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn luôn khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với chính quyền nên Đảng có một bộ máy tương ứng với chính quyền. “Nhị đầu chế” này được nhìn thấy rõ qua sự tồn tại của trụ sở Đảng bên cạnh trụ sở của chính quyền từ địa phương tới trung ương. Ngoài Đảng cộng sản, còn có một hệ thống tổ chức do Đảng lập ra và kiểm soát, như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên cộng sản, Hội phụ nữ và Hội cựu chiến binh. Chi phí hoạt động của bộ máy khổng lồ này của Đảng do ngân sách Nhà nước trả. Bằng chứng là những người làm việc cho Đảng và các tổ chức ngoại vi của Đảng được gọi là “công chức”. Được gia tốc bởi cuộc khủng hoảng do nạn tham nhũng dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gây ra, điều này tất yếu dẫn tới sự sụp đổ của ngân sách quốc gia.

Quốc nạn này được chính Chính phủ thừa nhận. Trong một cuộc họp với các Đại biểu Quốc Hội được bầu ở tỉnh Lai Châu vào ngày 22/10/2015, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh than thở: “Ngân sách Nhà nước hiện chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ”. Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau 9 tháng tại nhiệm, trong một hội nghị ngành tài chính vào ngày 6/1/2017 đã kêu lên: “Nợ công nếu tính đầy đủ thì đã vượt trần cho phép. Nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”.

Do đó, sáp nhập bộ máy của Đảng vào bộ máy chính quyền là phương án tối ưu để nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sống sót. Điều này đồng nghĩa người đứng đầu tổ chức Đảng nắm chức vụ của người đứng đầu chính quyền cấp tương ứng. Với logic này, Tổng bí thư Đảng phải là Chủ tịch nước. Trên thực tế, nhất thể hóa hai chức vụ này đã được thí điểm tại Quảng Ninh vào năm 2011, ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư Đảng nhiệm kỳ đầu.

 

Bảo vệ lợi ích quốc gia mạnh mẽ hơn trước Trung Quốc

Tuyên bố chung ngày 22/6/2013 kết thúc chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: “Việt Nam và Trung Quốc đều đang ở trong thời kỳ then chốt của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Hai bên coi sự phát triển của nước kia là cơ hội phát triển của nước mình”.

Thông cáo chung ngày 15/1/2017 kết thúc chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc…đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung…Trong điều kiện lịch sử mới với tình hình quốc tế, khu vực thay đổi sâu sắc, phức tạp, việc kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường xã hội chủ nghĩa là lựa chọn đúng đắn phù hợp với lợi ích căn bản, lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước”.

Có một sự khác nhau dễ nhận thấy giữa hai văn kiện trên, mặc dù cả hai người ký phía Việt Nam đều là ủy viên Bộ chính trị ĐCSVN. Văn kiện đầu tập trung vào lợi ích quốc gia, trong khi văn kiện sau nhấn mạnh tương đồng ý thức hệ. Trong bối cảnh Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền lãnh thổ và kinh tế của Việt Nam ở biển Đông thì việc nhấn mạnh tương đồng về chế độ chính trị cản trở việc bảo vệ thích đáng quyền lợi quốc gia. Vì thế, việc Tổng bí thư Trọng làm Chủ tịch nước không những tạo sự nhất quán tuyệt đối về mặt đối ngoại, mà quan trọng hơn, giúp bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam trước Trung Quốc một cách thích đáng.

Hợp thức hóa vị thế nguyên thủ quốc gia trên thực tế của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ở Việt Nam, người đứng đầu Đảng cộng sản chỉ được coi là nguyên thủ quốc gia trên thực tế nếu đồng thời là Bí thư Quân ủy trung ương, cơ quan quyền lực tối cao về quân sự. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông Lê Duẩn trở thành người đứng đầu Đảng. Chỉ sau khi thay Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Quân ủy trung ương vào năm 1978 thì ông Lê Duẩn mới có được vị thế nguyên thủ quốc gia.

Đó cũng là vị thế hiện nay của Tổng bí thư Trọng khi ông đồng thời là Bí thư Quân ủy trung ương. Điều này giải thích vì sao trong một cuộc kiểm tra huấn luyện bộ đội vào tháng 11 năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tháp tùng bởi các sĩ quan cao cấp nhất của Bộ Quốc phòng, trong đó có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân. Để so sánh, cũng trong một cuộc kiểm tra huấn luyện bộ đội một tháng trước đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, theo Hiến pháp là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, chỉ được mỗi mình Tổng tham mưu trưởng tháp tùng.

Bằng chứng nữa của vị thế trong nước không thể thách thức của Tổng bí thư Trọng là việc ông được Tổng thống Barack Obama mời sang thăm Mỹ. Khi thăm Trung Quốc, ông Trọng được chào đón với 21 phát đại bác và khi Tổng bí thư ĐCS và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi thăm Việt Nam được ông Trọng đón tiếp tại Phủ Chủ tịch thay vì trụ sở Đảng cộng sản Việt Nam.

***

Bất luận thế nào, việc Quốc Hội bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước sẽ là một đột phá có tầm quan trọng hàng đầu, nhắm tới cải cách chính trị và thể chế ở Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img