Tuesday, March 19, 2024

Sách về TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng: nhiều điều bất ổn!

Nguyễn Hiền

(VNTB) – Nó quý kiểu gì, hay nó quý vì nó hỗ trợ “tuyên truyền” tốt để nâng tầm cá nhân lãnh đạo?

Rạng sáng ngày 20.06, báo Nhân Dân đưa tin về buổi ra mắt tác phẩm “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế”.

Và TBT – CTN Nguyễn Phú Trọng đã vắng mặt trong buổi vinh danh qua sách này.

Sức khỏe và tuổi già xưa nay hiếm

Kê từ thời điểm khai mạc Hội nghị T.Ư X của ĐCSVN tại Hà Nội, ông Trọng đã “xin phép vắng mặt” một thời gian. Những đồn đoán về tình hình sức khỏe tiếp tục đặt ra, và trở nên lớn hơn khi buổi ra mắt sách được thực hiện.

Một cuốn sách với tựa đề như tưởng nhớ người quá cố (cáo phó) hơn là những người còn sống, nó báo hiệu một sự khúc trắc về mặt sức khỏe. Và dường như, ở cái độ tuổi xưa nay hiếm, với cơn đột quỵ xảy ra tại vùng đất dữ Kiên Giang, có thể hơi thở sống của ông Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ kéo dài trong vòng một năm.

Điều đáng ngạc nhiên là những cây bút thông thạo tin chính trị như Huy Đức, Nguyễn VIệt Thắng,… đều im lặng trước sức khỏe “cụ Tổng”. Osin Huy Đức, người từng lên tiếng mạnh mẽ đòi hỏi Nhà nước phải cho biết tình hình sức khỏe của Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang nay trở nên hiền lành và quanh quẩn với những câu chuyện đời thường.

Sinh-lão-bệnh-tử là quy luật ở đời, và cái trạng thái “nửa tỉnh, nửa mê” có từ thời ông Hồ Chí minh, người “bất tỉnh, thoi thóp thở ở trạng thái hôn mê” ngay thời điểm Tổng khởi nghĩa do Việt Minh tiến hành đang trong giai đoạn cao trào (7.1945). Người từng để trấn an dân chúng, đã dặn dò với lãnh đạo cùng thời rằng, “lễ Quốc khánh Bác sẽ ra dự mươi mười lăm phút”, nhưng sau đó ông đã không qua khỏi, đó là vào ngày 29.8.1969.

Nhắc lại lịch sử để thấy rằng, có thể ông Trọng cũng đang trong tình trạng như Hồ Chủ tịch khi xưa. Và sức khỏe yếu, mất đi cũng là chuyện thường tình thế thôi.

Vấn đề, cũng như ông Hồ vào năm 1945, thời điểm mà sự ra đi của ông có thể gây tổn thất cho chính cao trào cách mạng, thời điểm đặt nền móng đầu tiên cho chế độ. Thì nếu, ông Trọng ra đi trong thời điểm này, những uốn nắn thể chế mà ông thực hiện trong thời gian qua có thể sụp đổ hoàn toàn.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, về mặt hành động, ông Nguyễn Phú Trọng đang dốc lấy những phút sinh tử về cả chính trị lẫn sức khỏe để chỉnh đốn đảng, cái đảng mà ông tâm huyết và gắn lý tưởng vào nó. Nhưng gần 3 năm trôi qua, dù ban hành quy định, đưa ra các hình phạt nghiêm khắc cho tướng tá tham nhũng, thì khung nhân sự vẫn là một ẩn số và có thể biến thiên. Hãy tỉnh táo và thừa nhận rằng, sự lên ngôi vương của ông Nguyễn Phú Trọng tương tự như sự lên ngôi vương của ông Nguyễn Tấn Dũng trong giai đoạn trước đó, tất cả mang tính giai đoạn và tạm thời, có thể bị xé lẻ khi cần thiết. Từ đây, đến ĐH XIII còn khoảng một thời gian dài, và e rằng, với tình hình sức khỏe hiện tại, “sắp xếp nhân sự” thân hữu vào bộ máy, để tiếp tục tinh thần “chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng” của ông Trọng trở nên mỏng manh. Và giả như rằng, một sự ra đi đột ngột trong năm nay của ông, có thể đặt dấu chấm hết cho quyết tâm chống tham nhũng, và tướng tá, quan chức tham nhũng, hoặc đang chùng tay trong tham nhũng có thể thở phào trong giai đoạn tiếp theo.

Rất khó có thể nói trước được điều gì, nhưng nhân sự sẽ không hoàn tất nếu ông Trọng ra đi trong giai đoạn này, và cuộc chiến đốt lò của ông chỉ dừng ở “chiến dịch”. Và nó càng chứng tỏ, chỉ có đổi mới thể chế mới là hướng đi lâu dài nhất trong chống tham nhũng, làm sạch bộ máy, chứ không phải là “chỉnh đốn đảng” và tập trung quyền lực.

Nhân dân cần nhiều hơn một cuốn sách

Sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia, theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là như vậy. Nhưng, vì Luật này có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, nên người dân vẫn có quyền nhận biết, thực sự sức khỏe của TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng như thế nào?

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng, hay dàn lãnh đạo cấp cao có học tập theo tinh thần của Hồ Chủ tịch, thì ít nhất họ nên học cái tinh thần của ông thời còn trẻ, khi mà lúc đó, ông Hồ với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã viết thư cho đồng bào để thông cáo về tình hình sức khỏe của chính mình (26.2.1921). Minh bạch luôn là điều tốt, nhất là khi “các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ, đảng viên, người lao động đã bày tỏ sự kính trọng và gửi gắm niềm tin tưởng tuyệt đối vào người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta” như cách mà báo Nhân Dân đề dẫn buổi ra mắt tác phẩm về ông Trọng. Vậy thì hãy đánh tan tin đồn, tiếp tục gieo rắc niềm tin bằng sự ra mắt hoặc công bố về sức khỏe lãnh đạo.

Thứ hai, người dân cần một lãnh đạo biết chỉ đạo và thực hành “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu” như cách mà ông Phạm Minh Chính đề cập trong buổi ra mắt cuốn sách. Học tập trước hết hãy là “kiệm”, trong bối cảnh mà Nhà nước vẫn còn lo toan những đồng tiền lãi vay nợ và tiền đầu tư phát triển, khi Chính phủ đang kêu gào người dân “đồng cam cộng khổ trả nợ công”. Một cuốn sách “quý” đến cỡ nào, thì giá trị cuốn sách đó sẽ giảm rất nhiều lần nếu nó lấy tiền ngân khố quốc gia, để in và phát miễn phí cho những người trong đảng, hoặc những người ngưỡng mộ đảng, điều này là bất hợp lý. Báo Nhân Dân và NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật vẫn là hai cơ quan ăn ngân sách trọng yếu của quốc gia.

Thứ ba, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là di huấn của Hồ Chủ tịch để lại. Sẽ thật lạc lõng nếu đặt tác phẩm này bên cạnh tác phẩm “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế” khi ông Trọng vẫn còn sống (ít nhất là báo đài nhà nước vẫn chưa đề cập đến biến cố gì). Tác phẩm 600 trang này “quý” đến đâu, khi mà nó chỉ là 130 bài viết được tuyển chọn từ hàng nghìn bài của báo Nhân Dân từ năm 2017 đến nay, với mục đích “bày tỏ sự kính trọng và gửi gắm niềm tin tưởng tuyệt đối vào người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta”. Trong ba phần của cuốn sách, thì chỉ có đúng một phần là về “ý kiến phân tích bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng”, còn lại là những câu chuyện thời thơ ấu, cho đến cảm nhận của các tác giả đối với các chuyến đi nước ngoài của ông Trọng. Nói cách khác, 600 trang là một hồi bút để miêu tả về một “cán bộ mẫu mực, luôn có trách nhiệm với Đảng, với đất nước và nhân dân; tâm huyết với công việc, hết lòng với bạn bè, đồng nghiệp; có cuộc sống trong sáng, giản dị, khiêm nhường và bao dung”. Đây có phải là chủ nghĩa cá nhân như Hồ Chủ tịch chỉ ra? Nó quý kiểu gì, hay nó quý vì nó hỗ trợ “tuyên truyền” tốt để nâng tầm cá nhân lãnh đạo?

Một cuốn sách thôi, nhưng thấy nhiều vấn đề bất ổn trong đó!

Theo VNTB

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img