Friday, March 29, 2024

Quốc gia có một chính phủ bạc nhược phải chịu nhiều mất mát.

Tâm Don

(VNTB) – Chính phủ Việt Nam liên tục bị kiện, đó là một thực tế không thể chối cãi. Nguyên nhân vì sao chính phủ này liên tục bị kiện, và khả năng thua kiện rất cao? Phải có một công trình nghiên cứu thật công phu để có câu trả lời thỏa đáng, nhưng câu trả lời đầu tiên phải là: hành pháp Việt Nam quá kém, vận dụng luật và diễn giải luật pháp sai lệch, sự can thiệp thô bạo từ phía chính quyền.

Theo VOA, Tòa án Trọng tài Quốc tế ở Paris vừa gửi thông báo thắng kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình, người đã theo đuổi vụ kiện xuyên thế kỷ đối với chính phủ Việt Nam. Theo đó, chính phủ Việt Nam buộc phải bồi thường cho triệu phú người Hà Lan gốc Việt tổng cộng 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí.

Đây được xem là một sự kiện chưa từng có đối với chính phủ Việt Nam khi phải bồi thường số tiền lớn như vậy cho một doanh nhân gốc Việt vì đã chiếm đoạt sai trái tài sản đầu tư của họ tại Việt Nam.

Không chỉ có vụ kiện xuyên thế kỷ của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình.

Trước đó, vào ngày 15-8-2018, tờ báo của Anh là The Guardian đã có bài viết gây chấn động ngành thăm dò khai thác dầu khí thế giới : Oil firms use secretive court hearing in bid to stop Vietnam taxing their profits (Các công ty dầu sử dụng phiên tòa xét xử kín trong nỗ lực ngăn chặn Việt Nam đánh thuế lợi nhuận). Theo bài báo, hai hãng dầu khí ConocoPhillips và Perenco đang cố gắng ngăn chặn khoản thu thuế 140 triệu bảng từ việc bán mỏ dầu trong vụ kiện quan trọng trốn thuế của các công ty đa quốc gia, và đã tiến hành biện pháp pháp lý nhằm ngăn chặn Việt Nam thu thuế đối với lợi nhuận thu được trong một thương vụ dầu mỏ lớn. Hai hãng dầu ConocoPhillips và Perenco sẽ nỗ lực để ngăn chặn chính phủ Việt Nam đánh thuế ước tính 179 triệu đô la (140 triệu bảng) là tiền thuế thu được từ lợi nhuận việc bán các mỏ dầu trong nước. Cũng theo The Guardian, vụ tranh chấp sẽ được xét xử tại một tòa án quốc tế đầy quyền lực nhưng ít được biết đến, và bí mật đến nỗi việc tiết lộ thông tin về ngày và địa điểm của phiên xét xử đều bị hạn chế. Tòa án này do Liên hợp quốc quản lý, và ít được biết đến bên ngoài giới pháp lý được ưu tiên. Nhưng kết quả phiên tòa có thể đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong cách mà các công ty đa quốc gia cố gắng tránh đóng thuế cho các nước nghèo hơn.

Vụ việc xảy ra sau vụ mua bán năm 2012 hai công ty thuộc sở hữu một chi nhánh tại Anh của công ty dầu khí Mỹ khổng lồ ConocoPhillips là ConocoPhillips Gama Ltd, và ConocoPhillips Cuu Long. 2 công ty này được bán cho một công ty của Vương quốc Anh thuộc sở hữu của công ty dầu Anh-Pháp tên là Perenco.

Theo các hồ sơ lưu tại trụ sở công ty ở Anh, ConocoPhillips đã bán các công ty này với giá 1,3 tỷ đô la, thu được lợi nhuận 896 triệu đô la. Lẫn trong chi tiết của những hồ sơ đó là một ghi chú nhỏ cho rằng công ty không phải đóng thuế cho khoản tăng vốn này.

Các khoản lợi nhuận miễn thuế được thực hiện theo điều luật “miễn thuế cổ đông có tài sản” của Vương quốc Anh, có nghĩa là lợi nhuận từ việc bán cổ phần trong các công ty con không phải chịu thuế lợi tức ở Anh.

Nhưng trong khi Vương quốc Anh có thể chọn không thu bất kỳ khoản thuế tăng vốn nào, Chính phủ Việt Nam đã thông báo ý định đánh thuế cho vụ giao dịch này.

Một phát ngôn viên của ConocoPhillips cho biết: “Việc mua bán diễn ra giữa hai công ty đăng ký thường trú tại Vương quốc Anh và không chịu thuế tại Việt Nam. Các công ty đối tác cũng là các công ty của Anh. Vì vậy thương vụ này không nợ khoản thuế nào tại Việt Nam.”

Công ty cho biết sẽ “theo đuổi mọi biện pháp pháp lý sẵn có để thách thức bất kỳ nỗ lực nào của Việt Nam về việc đánh thuế giao dịch này”.

ConocoPhillips và Perenco đã đệ đơn kiện theo Hiệp ước đầu tư song phương Anh – Việt, vụ kiện này sẽ theo đúng quy trình chế tài được điều hành bởi Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế.

Vụ kiện xuất phát từ việc hai công ty ConocoPhillips Gama Ltd và ConocoPhillips Cửu Long, thuộc sở hữu của một công ty dầu khí Anh Quốc là công ty con của Tập đoàn ConocoPhillips (Mỹ), được bán cho một công ty của Anh Quốc thuộc sở hữu của Tập đoàn Perenco vào năm 2012.

ConocoPhillips sở hữu hơn 23% cổ phần trong tổ hợp năm giếng dầu ở lô 15-1 thuộc bể trầm tích Cửu Long. ConocoPhilips cũng nắm giữ 36% cổ phần mỏ Rạng Đông tại lô 15-2 và hơn 16% cổ phần trong dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. Những tài sản do hai công ty ConocoPhillips Gama Ltd và ConocoPhillips Cuu Long nắm giữ đều nằm ở Việt Nam.

Vào tháng 2/2012, Conoco Philips- hãng dầu mỏ lớn thứ 3 nước Mỹ đã ký thỏa thuận bán toàn bộ tài sản tại Việt Nam (ba đơn vị cổ phần) nói trên cho Perenco France (Pháp) với tổng giá trị khoảng 1,3 tỷ đôla. Đây là một trong 3 thương vụ và ConocoPhilips thu về lần lượt từng đơn vị cổ phần là 615 triệu USD, 397 triệu đôla, 287,3 triệu USD. Với việc bán ba đơn vị cổ phần dự án này, ConocoPhillips đã thu được lợi nhuận 896 triệu đô la, và không phải trả thuế khi chuyển nhượng cổ phần.

Một chuyên gia về thuế của hãng kiểm toán khổng lồ KPGM nói với người viết bài này rằng: Các khoản lợi nhuận miễn thuế ( của ConocoPhilips)được thực hiện nhờ chính sách “miễn thuế cổ đông lớn” của Vương quốc Anh. Điều này có nghĩa là lợi nhuận từ việc bán cổ phần trong các công ty con không phải chịu thuế lợi tức ở Vương quốc Anh.

Việc sang nhượng dự án, hoặc một phần dự án khai thác dầu khí là chuyện bình thường từ nhiều năm nay trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng.

Vào năm 2000, ConocoPhilips đã tiến hành mua lại một số lớn cổ phần của dự án mỏ dầu Vừng Đông và Rạng Đông của Công ty dầu khí Việt- Nhật(JVPC) ở lô 15.1 và trở thành cổ đông lớn của dự án này. Việt Nam đã không tiến hành thu thuế sang nhượng dự án đối với bên bán là JVPC.

Cũng vào năm 2001, tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC và tập đoàn dầu khí Na Uy Statoil đã bán cổ phần của mình tại dự án khí đốt Nam Côn Sơn Pipelines cho chính ConocoPhilips khi dự án đang trong giai đoạn xây dựng và triển khai. Vào thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam đã không thu thuế chuyển nhượng cổ phần đối với hai tập đoàn này.

Vào tháng 3/2012, Tập đoàn Dầu khí Soco International PLC của Anh Quốc chi 95 triệu USD để mua lại 20% cổ phần trong Soco Vietnam từ Lizeroux Oil & Gas Ltd. Soco Vietnam nắm giữ 28,5% cổ phần ở giếng dầu Tê Giác Trắng lô 16-1, và 25% trong giếng Cá Ngừ Vàng lô 9-2. Trong khi đó, Lizeroux là công ty có cổ phần chính. Trong thương vụ này, phía Việt Nam không tiến hành đánh thuế sang nhượng cổ phần dự án.

Cũng vào năm 2012, tập đoàn dầu khí BP đã sang nhượng toàn bộ cổ phần của mình trong dự án khí Nam Côn Sơn Pipelies cho tập đoàn TNK. BP đã không mất một đồng thuế nào từ vụ chuyển nhượng cổ phần dự án khí đốt khổng lồ này.

Ông Cavinder Bull, Chủ tịch hội đồng trọng tài đang thụ lý vụ kiện của ConocoPhilips và Perenco, nói rằng không phù hợp để đưa ra bình luận “bằng bất cứ cách nào” về vụ kiện, vốn được xem là vụ đầu tiên thuộc loại này để giải quyết vấn đề thuế lợi tức. Nó cũng đặt ra một tiền lệ đáng lo ngại cho các nước nghèo hơn, vì bất kỳ tranh chấp nào cũng sẽ liên quan đến các khoản chi phí pháp lý rất lớn.

Theo một luật sư thương mại quốc tế ở Vũng Tàu- nơi diễn ra phần lớn các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, Luật doanh nghiệp sửa đổi được ban hành vào năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013 NĐ- CP ngày 22-7-2013 của Chính phủ ra đời vào năm 2013 nên ba thương vụ chuyển nhượng cổ phần dự án dầu khí của ConocoPhilips vào năm 2012 không thuộc phạm vi điều chỉnh thu thuế của các luật và nghị định này. Hơn nữa, các luật và nghị định này không có các điều khoản về thu thuế đối với việc sang nhượng cổ phần giữa các doanh nghiệp.

Cũng theo luật sư này, Luật Dầu khí 2000 sửa đổi của Việt Nam và Luật dầu khí 2010 sửa đổi của Việt Nam không có bất cứ điều khoản nào về việc đánh thuế vào chuyển nhượng cổ phần trong các dự án dầu khí. Và quan trọng nhất, cũng theo vị luật sư này, trong Hiệp định tự do thương mại song phương Việt Nam- Anh và Hiệp định đầu tư song phương Anh- Việt không có bất cứ điều khoản nào quy định về việc đánh thuế vào việc chuyển đổi cổ phần sở hữu. “Nếu ConocoPhilips và Perenco kiện Chính phủ Việt Nam ra tòa án quốc tế, phần bất lợi đang thuộc về phía Chính phủ Việt Nam”, vị luật sư đề nghị dấu tên nói.

Trong vụ kiện của ConocoPhilips và Perenco, có một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận bằng cảm tính đã bày tỏ thiện chí và đồng cảm với chính phủ Việt Nam. Theo The Guardian, bà Sarah-Jayne Clifton của tổ chức Chiến dịch nợ Jubilee cho rằng “thật sỉ nhục khi một công ty đa quốc gia đang cố gắng sử dụng một quy trình pháp lý không phù hợp để buộc Việt Nam từ bỏ việc thu thuế. Nhiều vụ kiện chống lại các nước nghèo khó đang tìm cách để truy bức họ phục tùng. Chúng tôi đã nhận thấy điều này ở các quỹ kền kền, nơi mà các công ty, thông qua các tòa án trên khắp thế giới, đã truy đuổi chính phủ các nước đang phát triển trong việc theo đuổi đòi lại các khoản nợ phi lý ”.

Nhưng, cảm tính không có chỗ đứng, không có sức thuyết phục trong các vụ kiện. Với một hệ thống luật pháp không rõ ràng, không tương đồng với các hệ thống luật pháp minh bạch và tiến bộ của thế giới trong trào lưu toàn cầu hóa, Việt Nam chắc chắn sẽ mất mát nhiều trong vụ kiện của ConocoPhilips và Perenco.

Sự can thiệp thô bạo từ phía chính quyền Hà Nội khiến cho Việt Nam chịu nhiều mất mát. Các thỏa thuận dân sự giữa hãng dầu Repsol của Tây Ban Nha và phía nhà nước Việt Nam đang được tiến hành theo hướng, Việt Nam sẽ đền bù cho Repsol bao nhiêu triệu USD và theo cách nào?

Theo hợp đồng hợp tác thăm dò và phân chia sản phẩm dầu khí giữa nhà nước Việt Nam và hãng Repsol, hãng Repsol sẽ khai thác dầu khí ở các block 136-03 và block 07-03 trong vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế Việt Nam. Phía Trung Quốc cho rằng, hai block này nằm trong đường lưỡi bò- đường chín đoạn của Trung Quốc và gậy áp lực lên chính phủ Việt Nam buộc hãng Repsol phải từ bỏ khai thác dầu ở hai block này. Hãng Repsol đã buộc tuân theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam dù hãng này đã đầu tư vào hai block 136-03 và 07-03 khoảng hơn 200 triệu USD. Tháng 7-2017, hãng Repsol phải ngừng khoan ở block 136-03, cách Vũng Tàu khoảng 450 kim về phía động nam. Tháng 3-2018, Repsol ngừng khoan ở block 07-03.

Hiện tại phía chính phủ Việt Nam và hãng Repsol đang thỏa thuận đền bù cho Repsol, có thể theo hướng giao cho Repsol điều hành và khai thác một mỏ dầu có sản lượng khoảng 14.000 thùng dầu/ngày đêm.

Khi một quốc gia có hành pháp kém, khi một quốc gia có một chính phủ bạc nhược, dĩ nhiên, quốc gia đó phải chịu nhiều mất mát.

Theo VNTB

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img