Thursday, March 28, 2024

Nguyên Phó chủ tịch TP.HCM bị bắt vì liên quan đến Vũ “nhôm”

8 người vừa bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố đều liên quan đến vi phạm của Phan Văn Anh Vũ trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở TP.HCM và Đà Nẵng.

Cơ quan cảnh sát điều tra cũng có quyết định khởi tố bị can, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc 4 người: Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM), Đào Anh Kiệt (sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Lê Văn Thanh (sinh năm 1962, Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Thanh Chương (sinh năm 1974, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM).

Ngoài ra, mở rộng điều tra sai phạm tại các dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ tại TP Đà Nẵng, cùng ngày, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Đào Tấn Bằng (sinh năm 1975, cựu Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Phó chánh văn phòng UBND Đà Nẵng, nay là Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng) và Nguyễn Viết Vĩnh (sinh năm 1978, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND TP Đà Nẵng, nay là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa) về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai

Hai người khác cũng bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét chỗ ở cùng hành vi trên là Nguyễn Văn Cán (sinh năm 1954, nguyên Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng) và Phan Xuân Ít (sinh năm 1954, nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng).

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa qua bắt ông Hoàng Hữu Châu (SN 1963. Cư trú tại phường 11, quận Phú Nhuận, TP.HCM) với cáo buộc tội lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm ngàn USD của Phan Văn Anh Vũ trong việc hứa hẹn làm hộ chiếu, quốc tịch Hoa Kỳ cho Vũ và người thân.

Theo dõi vụ án Vũ “nhôm”, người viết ghi nhận tại Đà Nẵng hiện có một nguồn dư luận không nhỏ cho rằng Vũ “nhôm” và số đồng phạm bị bắt chắc chắn chỉ là một phần nhỏ tạm gọi là phần nổi trong nguyên lý “tảng băng trôi” bởi có thể dư đảng và đồng bọn của Vũ “nhôm” vẫn còn tồn tại ở khắp nơi mà chưa bị Cơ quan An ninh điều tra, Báo đài- truyền thông thẳng thắng và nghiêm khắc đưa ra ánh sáng công lý, dư luận quan tâm bày tỏ sự lo lắng không chừng thành phần này sẽ trổi dậy tác oi tác quái vào thời kỳ hậu Vũ “nhôm”.
Theo những gì mà truyền thông trong nước loan tin trước đó, có tất thảy 9 dự án vàng và 31 nhà công sản đã lọt vào tay Phan Văn Anh Vũ trải qua nhiều thời Bí thư, chủ tịch thành phố Đà Nẵng. Đáng kể trong số đó có rất nhiều nhà công sản và dự án vàng đã thuộc sở hữu của Vũ “nhôm” trong giai đoạn 2006-2011. Thời điểm này trùng với thời kỳ ông Nguyễn Bá Thanh còn làm Bí thư và ông Trần Văn Minh làm chủ tịch thành phố.

Thân thế của Phan Văn Anh Vũ không có gì đặc biệt, thông qua cái tên Vũ “nhôm” phần nào cho biết xuất thân của ông này. Trước năm 2006, Vũ chỉ là một người đi làm nhôm kính xây dựng bình thường, nhưng vào thời kỳ hoàng kim về đất đai ở Đà Nẵng (2006-2011), từ một người chẳng có gì đặc biệt, Vũ bất chợt thành đại gia lừng lẫy chỉ trong vòng một đêm.

Trên tờ Một Thế Giới ra ngày 22/12/2017 cho biết:

“Trong số 2 dự án đang được Thanh tra chính phủ thanh tra toàn diện, 9 dự án và 31 nhà công sản đang bị cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an điều tra liên quan đến Vũ “nhôm” phần lớn đều liên quan đến chữ ký của ông Trần Văn Minh thời kỳ ông làm Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng”.

Những dự án vàng, nhà công sản sau khi được bán cho Vũ “nhôm” với giá rẻ mạt đã được ông này sang tay cho những người khác với số tiền chênh lệch lên đến vài trăm tỷ đồng. Trong suốt thời gian dài như vậy, dưới sự bảo kê của chính quyền thành phố Đà Nẵng, Vũ “nhôm” đã trở thành đại gia, thao túng hết thị trường bất động sản ở thành phố này.

Trong suốt thời gian dài trên thật khó có thể tin được rằng chính quyền trung ương CSVN lại không hề hay biết. Họ biết tất, nhưng không dám đụng đến những nhóm tư bản thân hữu này. Vào năm 2017, khi những vụ đấu đá giữa Nguyễn Xuân Anh (lúc đó còn là Bí thư Đà Nẵng) và Huỳnh Đức Thơ-Chủ tịch thành phố nổ ra, chính phủ CSVN đã phái phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào thị sát bán đảo Sơn Trà, nơi đang diễn ra các dự án băm nát vùng đất trọng yếu từ quốc phòng cho đến bảo tồn thiên nhiên. Sau khi đến đây, ông Đam đã phải lặng lẽ quay về vì không dám đụng đến nhóm lợi ích thân hữu này.

Dưới thời Nguyễn Xuân Anh, Vũ “nhôm” vẫn giữ được những ưu ái trên. Trong thể chế độc tài Cộng sản, Vũ “nhôm” và thân hữu của mình giữ trọn, ăn hết thì những lãnh đạo khác chẳng còn gì để ăn. Từ đó đã nảy sinh mâu thuẫn, mà ở đây là Huỳnh Đức Thơ với Nguyễn Xuân Anh. Được sự hậu thuẫn của Nguyễn Xuân Phúc, Huỳnh Đức Thơ đã làm một cuộc “đảo chánh”, hất cẳng Nguyễn Xuân Anh ra khỏi Đà Nẵng và kết cục như ta đã thấy đối với Phan Văn Anh Vũ.

Ông Nguyễn Hữu Tín

Tất cả những kết cục hôm nay đều bắt đầu từ thời của Nguyễn Bá Thanh, một người mà người dân Đà Nẵng và rất nhiều người khác coi là thần tượng. Ngay cả khi ông Thanh có những lời phát ngôn bất chấp luật pháp vẫn được ủng hộ một cách điên cuồng. Hay khi người dân biết rõ ông Thanh là “lãnh chúa miền Trung” tiền muôn bạc vạn thông qua các hợp đồng béo bỡ nhưng vẫn chấp nhận vì ông Thanh “ăn được, làm được”, không như các lãnh đạo khác chỉ toàn ăn mà không làm được điều gì cho dân.

Công bằng mà nói, nhìn sự lột xác của thành phố Đà Nẵng dưới thời Nguyễn Bá Thanh dù muốn cũng khó để có thể phủ nhận công lao của ông bỏ ra đối với thành phố này. Đà Nẵng đã lột xác đến chóng mặt dưới thời ông Thanh. Với chủ trương “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” đã làm cho bộ mặt thành phố thay đổi nhanh chóng. Và, cũng thông qua các dự án, chủ trương, ông Thanh cùng với nhóm thân hữu của mình đã trục lợi không biết bao nhiêu là tiền.

Không phải Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Xuân Phúc muốn diệt trừ tham nhũng, mà chẳng qua là họ đang giành giựt lại miếng bánh nằm trong tay nhóm tư bản thân hữu lọt được tạo ra từ thời Nguyễn Bá Thanh.

Việc chính quyền CSVN quyết bắt cho được Phan Văn Anh Vũ ngoài việc phanh phui ra một loạt quan chức đã chống lưng cho ông này, nó còn làm rõ chân tướng của Nguyễn Bá Thanh, một người từng được nhiều người xem là thần tượng.

Cho đến tận bây giờ chúng ta khó biết được bỏ trốn là quyết định của Vũ “nhôm” hay ông phải chịu áp lực và dụ dỗ từ những người khác. Vì rõ ràng, nếu Vũ “nhôm” trốn thoát sẽ có rất nhiều yếu nhân thở phào nhẹ nhõm. Trong khi Vũ đã bị bắt thì có nhiều lãnh đạo đang vào “lò” của Nguyễn Phú Trọng và nhiều người đứng ngồi không yên.

TH

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img