Thursday, March 28, 2024

‘Ngư dân bám biển Hải Quân bám bờ’

Thiền Lâm

Việt Nam – Cali Today News – Hai hiện tượng chính trị xã hội – một mới một cũ – đang song hành: trong khoảng 3 tháng qua, mức độ gây hấn trên Biển Đông của Trung Quốc tăng vọt đối với Việt Nam; nhưng lại một lần nữa hầu hết các cơ quan được xem là “có trách nhiệm của Việt Nam vẫn “cấm khẩu”.

Sau năm 2016 có vẻ “tràn đầy tình hữu nghị” mà không xảy ra chuyện gì lớn, sau chuyến “thăm hữu nghị” Bắc Kinh của ông Nguyễn Phú Trọng vào đầu năm 2017, từ khoảng tháng 5/2017 đã bắt đầu một chiến dịch gây hấn mới của Trung Quốc dành “đồng chí Việt Nam”.

Tháng 5/2017 lại là thời gian mà ông Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng Việt Nam – có một chuyến công du ở Mỹ và gặp Tổng thống Trump. Nhiều tin tức trong nước và quốc tế cho biết phía Trung Quốc “không thích” cuộc công du này với lo lắng Hà Nội sẽ rơi vào vòng ảnh hưởng của Washington, nhưng đã không thể ngăn cản được.

“Tàu buồm hiện đại nhất thế giới” của Hải Quân Việt Nam. Ảnh: 24h

Vậy là cũng như những năm trước và với chiến thuật cũ, Trung Quốc đã trả đũa.

Quảng Ngãi là địa phương phải chịu áp lực gây hấn nặng nề nhất. Trong chưa đầy 3 tháng qua, có đến 21 tàu cá với 136 ngư dân Việt đã bị một số lực lượng của Trung Quốc tấn công, trong đó ba tàu cá bị tông va, đập phá dẫn đến chìm.

Đặc biệt, các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt và bắn giết ngư dân Việt đột ngột tăng mạnh kể từ tháng Bảy năm 2017 – thời điểm Việt Nam đưa giàn khoan Repsol – liên doanh với Tây Ban Nha – ra khu vực Bãi Tư Chính để khoan thăm dò dầu khí. Vào thời điểm đó, thông tin cho biết có đến 200 tàu Trung Quốc bao vây Bãi Tư Chính, trong lúc Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Rốt cuộc và mau lẹ đến mức kỳ lạ, Hà Nội đã không kèn không trống “giương cờ trắng” rút giàn khoan. Sau đó, chính hãng Repsol đã chính thức thông báo việc phải chuyển giàn khoan Repsol sang một khu vực khác.

Vào lần này, hiện tượng Trung Quốc gia tăng áp lực gây hấn với Việt Nam có thể chẳng mấy liên quan đến vấn đề “nhân sự nội bộ đảng cộng sản Việt Nam” như một luồng nhận định tỏ ra có cơ sở vào hai năm 2014 và 2015. Những biểu hiện của phía Trung Quốc vào lần này cho thấy dường như chiến dịch gây hấn của Bắc Kinh muốn tái hiện chiến dịch gây hấn với Việt Nam vào năm 2011, là thời gian một công ty Mỹ là ExxonMobil khai thác dầu ở Đà Nẵng. Khi đó, Việt Nam cũng phải ngậm tăm rút giàn khoan, để mãi sau đó khi đã “xin phép” Trung Quốc thì giàn khoan này mới được hoạt động trở lại.

Thái độ bị xem là quá phụ thuộc và quá ươn hèn như thế đã “di truyền” từ quá khứ đến tận hiện tại, khi cả chính phủ lẫn các bộ ngành liên quan của Việt Nam tuyệt đối “cấm khẩu” trước hàng loạt tàu cá Việt bị “tàu lạ” đâm chìm, còn ngư dân Việt tiếp tục bị người Trung Quốc bắn giết.

Cho đến tận giờ này, cái chết một ngư dân Việt là ông Trương Đình Bảy đã bị một đám “người lạ” nhảy lên tàu cá của ông, xả súng AK giết chết ông vào tháng Mười, 2015 vẫn tuyệt đối oan khuất. Dù ngay sau vụ bắn giết này, chính quyền Đà Nẵng đã xác định những thủ phạm đi trên một tàu có treo cờ Trung Quốc, phía Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn hoàn toàn “cấm khẩu” cho tới nay mà không công bố được bất kỳ manh mối nào về kẻ thủ ác. Hồn khí quyết tâm nín tiếng đến thế đã khiến tung tóe tất cả những gì dưới đáy lương tâm. Cái chết không thể nhắm mắt của ngư dân Bảy cũng vì thế đã bị các cơ quan chức năng Việt nhấn thêm cho chìm xuồng hẳn.

Ngày 10 Tháng Ba, tại quân cảng Học Viện Hải Quân ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Quân chủng Hải Quân đã tổ chức thượng cờ, chính thức đưa vào hoạt động tàu buồm huấn luyện 286 Lê Quý Đôn, được đánh giá là “hiện đại nhất thế giới, có thể hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết, giúp Hải Quân huấn luyện, bảo vệ biển đảo tổ quốc.”

Nhưng trước đó đúng một ngày – 9 Tháng Ba – lại thêm tàu của năm ngư dân Việt (Khánh Hòa) bị “tàu lạ” đâm chìm trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tháng Tám năm 2017, tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng – đã hớn hở dự khánh thành trụ sở của Bộ Tư lệnh cảnh sát biển (ảnh dưới, Vietnamnet).

Ảnh Vietnamnet

Đã có quá nhiều hiển hiện chứng minh rằng Bộ Quốc Phòng là một trong những địa chỉ biểu lộ tính thụ động nhất và cũng đáng nghi ngờ nhất. Không những không có động tác dứt khoát nào ngăn chặn tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc xâm nhập, bộ này còn tỏ ra quá chểnh mảng trong việc bảo vệ an ninh hải phận.

Trong khi đó, một báo cáo của cơ quan dự báo toàn cầu (iCD Research) cho biết, theo thống kê, ngân sách quốc phòng Việt Nam hàng năm đã tiêu tốn đến 5 tỷ USD tiền đóng thuế của dân.

Hoàn toàn trái chiều lương tâm dân tộc, vào năm 2015 một trong số những đơn vị bảo vệ hải phận là Hải Đội 2 – Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị còn được lên mặt báo chí bằng động tác tuần tra khống trên biển để rút ruột ngân sách ít nhất hàng tỷ đồng. Dù vụ việc này mau chóng được “rút kinh nghiệm,” nhưng chẳng ai tin nổi chỉ có riêng Quảng Trị mới tuần tra khống như thế.

Đã rất nhiều lần, khi nước mắt người thân và ngư dân phải nuốt vào lòng, Hải Quân và cảnh sát biển Việt Nam luôn thõng tay. Nơi gió cát mặn khô vì nước mắt, người đàn bà ôm con ngóng chồng, trải mắt vô hồn vào lòng biển vẫn mãi từ chiều này sang chiều khác. Tất cả chỉ còn lại màu tang tóc của biển…

Mới đây, lời “lên tiếng” duy nhất từ quan chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám chợt hiện ra: thay vì phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, tấn công, cướp bóc ngư dân mình…, ông Tám lại đòi “nghiêm trị ngư dân Việt Nam đánh cá trong hải phận quốc tế”.

Nhiều dấu hiệu cho thấy phía Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng chiến dịch gây hấn với Việt Nam và có thể dẫn đến một cuộc xâm lược với trên phạm vi cục bộ trên Biển Đông trong vài năm tới, mà ngay trước mắt là năm 2018.

Vào đúng lúc này, tình thế ngư dân Việt vẫn phải ra biển sinh nhai là ngàn cân sợi tóc.

“Ngư dân bám biển Hải Quân bám bờ”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img