Friday, March 29, 2024

Làm sao ‘công nhận kinh tế thị trường’ khi không chịu cải cách?

Thiền Lâm

Vietnam – Cali Today News – Lại có thêm một chuyến xuất ngoại “dân vận” nữa của giới quan chức Việt Nam nhằm “đề nghị Washington công nhận Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế thị trường”.

Lần này, quan chức mang trọng trách trên là ông Hoàng Bình Quân – Trưởng ban Đối ngoại trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Chuyến đi này diễn ra vào gần trung tuần tháng 9 năm 2017 tại Hoa Kỳ.

Bản nghị quyết “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Tổng Bí Thư Trọng là rào cản lớn nhất để Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường. Ảnh: SlideShare

Tuy nhiên khác với việc báo đảng mô tả “Lãnh đạo chính quyền, Quốc hội Mỹ và bạn bè cánh tả bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực quan hệ song phương Việt Nam-Mỹ trong thời gian qua; tán thành các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước, bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam, sẵn sàng phối hợp với Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC vào cuối năm nay”, chính những tờ báo đảng này đã chẳng trưng ra được bằng chứng nào về việc có một quan chức có máu mặt nào đó của Mỹ đã tiếp ông Hoàng Bình Quân. Trên thực tế, người ta chỉ thấy ông Quân tiếp xúc với một vài đối tác thương mại người Mỹ.

Một chi tiết khác đáng mổ xẻ là là yêu cầu “đề nghị Washington công nhận Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế thị trường” đã không được ông Hoàng Bình Quân dựa theo một cơ sở hay tiêu chí nào mà chỉ nêu ra như một phương pháp luận hoàn toàn duy ý chí. Duy ý chí lại là một đặc trưng của những thể chế độc đảng và độc trị.

Từ năm 2013, những chuyến đi Mỹ của các nhân vật như ông Trương Tấn Sang – khi đó còn là chủ tịch nước, và ông Nguyễn Tấn Dũng – khi đó còn là thủ tướng, vẫn một mực đề nghị “Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.” Nhưng không hề có tính từ “xã hội chủ nghĩa” gắn kèm cửa miệng.

Đó là thói khôn vặt của giới chính khách Việt! Khi cần tỏ ra kiên định thì luôn “chua” tính từ trên vào bất cứ khẩu hiệu nào. Nhưng để đối ngoại thì lại giấu kín vào túi quần.

Vào tháng 12 năm 2015, đề nghị “Linh hoạt chấp nhận cho Việt Nam là một nền kinh tế thị trường” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại các hội nghị quốc tế và các cuộc gặp tay đôi với viên chức nước ngoài đã nhận được câu trả lời dứt khoát từ phía Liên Minh Châu Âu: Việt Nam mới chỉ đạt được 1 trong số tiêu chí về kinh tế thị trường.

Tại hội nghị trên, Đại Sứ Bruno Angelet – Trưởng Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam nói thẳng: “Để được công nhận là nền kinh tế thị trường, các quốc gia phải đạt đủ 5 tiêu chí. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đạt được 1 tiêu chí trong số đó là mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp.

4 tiêu chí chưa đạt là: Không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; Quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; Sự tồn tại và thực thi một chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; Lĩnh vực tài chính của Việt Nam.”

Trong chuyến thăm Washington vào tháng Sáu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra lời đề nghị “công nhận kinh tế thị trường” với ông Wilbur Ross, Bộ trưởng thương mại Mỹ, nhưng cũng không đề cập đến bất kỳ tiêu chí nào.

Theo báo nhà nước, đã có 57 nước công nhận Việt Nam là có nền kinh tế thị trường. Nhưng hai đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam là Cộng đồng châu Âu (gọi tắt là EU) và Hoa Kỳ vẫn không xem Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.

Theo thỏa thuận gia nhập tổ chức WTO của Việt Nam, thì đến năm 2018, tổ chức này sẽ cứu xét xem là Việt Nam có phải là quốc gia hội đủ những điều kiện của một nền kinh tế thị trường hay không.

Trong thời gian đó, Việt Nam được đối xử như một quốc gia không có nền kinh tế thị trường. Khi có những tranh chấp về xuất khẩu hàng hóa phá giá, các nước như Mỹ, EU sẽ sử dụng một quốc gia khác được xem là có kinh tế thị trường làm qui chiếu, xem như tương đồng với Việt Nam. Việc lựa chọn như vậy thường là bất lợi cho Việt Nam.

Ngay trong thời gian ông Hoàng Bình Quân đang có mặt ở Mỹ, Bộ thương mại Mỹ đã áp thuế chống phá giá lên các mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam. Việc tương tự cũng đã từng xảy ra đối với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

Vậy làm sao để “Việt Nam được công nhận kinh tế thị trường” khi chính thể này không chịu cải cách theo ít nhất một tiêu chí nào đó của quốc tế?

Trong tình cảnh trên và trong khi các cánh cửa cho vay quốc tế đang khép chặt trước mũi giới chóp bu Việt Nam, sự thể tréo ngoe là bản nghị quyết “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Tổng Bí Thư Trọng – được ban hành thành văn bản tại Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017 – đang thực sự ngáng chân chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Phúc sẽ làm thế nào để trả lời câu hỏi “làm thế nào để một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được vay vốn và quan hệ thương mại song phương?” của các tổ chức tài chính quốc tế?

Mà không vay được tiền và xuất khẩu hàng hóa thì lấy cái gì để nuôi cái đảng sắp hết sạch tiền này?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img