Friday, March 29, 2024

Dự kiến Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức vào thời gian sắp tới

Việt Nam – Hôm thứ Tư ngày 6/6/2018, Tòa thượng thẩm Berlin tiếp tục mở phiên xét xử mật vụ Nguyễn Hải Long liên quan đến cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Đã có nguồn tin cho dư luận biết là sắp tới Việt Nam sẽ đáp ứng yêu cầu từ phía Đức là giao trả Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức…

Theo nhà báo Lê Trung Khoa-chủ trang Thoibao.de tường thuật phiên xử ngay tại trụ sở Tòa thượng thẩm Berlin cho biết, phiên xử hôm thứ Tư ngày 6/6/2018 tiếp tục xử mật vụ Nguyễn Hải Long liên quan đến cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Tòa thượng thẩm Berlin đã cho triệu tập những nhân chứng là những cảnh sát điều tra của Đức là các ông Weissmann, ông Adam…phụ trách chuyên án này đến tòa án.

Phiên xử buổi sáng, ông Weissmann chuyên về các vấn đề dẫn độ của tất cả thông tin từ Interpol, quốc tế, các nước…Theo tường thuật của nhà báo Lê Trung Khoa thì tại tòa ông Weissmann cho biết cũng có tiếp nhận hồ sơ phía Việt Nam gửi cho phía Đức để phía Đức xem xét việc dẫn độ đưa Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam. Ông Weissmann trả lời trước tòa là hồ sơ do Viện kiểm sát Việt Nam gửi sang xem xét và có trình báo bên công tố Đức, Tòa án Đức nhưng có sức thuyết phục rất là thấp. Bởi vì lệnh dẫn độ và bắt giữ ông Thanh được ký bởi Viện kiểm sát Việt Nam chứ không đến từ Tòa án nên phía Đức cho rằng điều này không đủ bằng chứng để đáp ứng yêu cầu của phía Viện Kiểm sát Việt Nam theo cơ sở Hiến pháp nước Đức.

Ông Weissmann còn xác nhận vào cuối tháng 11/2016, có phái đoàn cấp cao của Bộ Nội vụ Việt Nam sang Đức đặt vấn đề tìm và dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Trong cuộc gặp này, phía Việt Nam cũng đưa ra nhiều văn bản yêu cầu mong phía Đức hỗ trợ.

Cũng từ lời khai của ông Weissman, trước tòa còn xác nhận là có một người công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin là ông Nguyễn Đức Thoa đã gửi cho cơ quan điều tra Đức nói chung một Email có nói về chiếc xe hơi mà bà Nga vợ ông Thanh đang sử dụng và hy vọng phía Đức sẽ dựa trên cơ sở này để tìm ra nơi cư trú của ông Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, phía Đức cho rằng việc làm này của phía Việt Nam nói chung và cá nhân ông Thoa nói riêng đang mang tính hoạt động gián điệp trên nước Đức, một hành động phạm pháp.

Ông Weissmann khai tiếp, tại Hội nghị G20, Thủ tướng Đức là bà Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc có gặp nhau và Thủ tướng Phúc có đưa cho bà Merkel một văn bản nhờ hỗ trợ dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Khi bà Merkel chuyển tiếp văn bản này cho bên tư pháp Đức để bên tư pháp Đức họ đảm trách, trong thời gian này phía Việt Nam có lẽ do sốt ruột, không thể đợi được cho nên chỉ sau khoảng hơn 2 tuần ông Thủ tướng Phúc về Việt Nam thì đã có đội đặc nhiệm Việt Nam cử đến Đức. Phía Đức đã phát hiện đội đặc nhiệm Việt Nam này có tên là đội C52, đây là đội đặc nhiệm chuyên đi lùng và bắt những người Việt Nam bị phía Việt Nam truy nã, thực hiện việc bằng mọi cách đưa Trịnh Xuân Thanh về nước và điều này đã xảy ra vào ngày 23/7/2017.

Theo tường thuật của nhà báo Lê Trung Khoa, phiên xử buổi chiều là sự xuất hiện của một nhân chứng tên Hiếu. Tại tòa ông Hiếu với tư cách là người cho ông Nguyễn Hải Long thuê xe và khai là có biết mặt ông Long, cũng như đã gặp ông Đào Quốc Oai và ông Tú tài xế láy xe cho ông Oai là ba người bị cáo buộc có tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Tại tòa, ông Hiếu còn cho biết những chiếc xe thuê này đều đặt chường trình định vị GPS nên ghi rất rõ lịch trình khi xe vận hành. Ông Hiếu đã nộp toàn bộ lịch trình này cho cơ quan Cảnh sát điều tra Séc để phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Đức đặng điều tra thủ phạm.

Trong khi đó, căn cứ từ nhiều nguồn thông tin khác nhau khoảng hai, ba ngày qua báo đài nước Đức đưa tin là Trịnh Xuân Thanh sắp được phía nhà cầm quyền Việt Nam trả lại cho Đức. Tờ Frankfurter Allgemeine, một trong những tờ báo có uy tín lớn của nước Đức cho dư luận biết đây là thỏa thuận trao đổi giữa hai Chính phủ Việt Nam- Đức, ông Thanh sẽ trở lại Đức sau khi phiên xử mật vụ Nguyễn Hải Long kết thúc.

Tờ Frankfurter Allgemeine còn cho biết trao đổi giữa hai chính phủ Việt Nam- Đức lần này còn bao gồm cả việc nhà cầm quyền Việt Nam trục xuất luật sư Nguyễn Văn Đài và nhà hoạt động nữ Lê Thu Hà sang Đức vào tối ngày 7/6/2018. Trong cuộc họp báo Chính phủ Đức vào ngày 8/6/2018, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói Đức coi đây là một bước đi nhân đạo đáng chú ý của Việt Nam và cũng là một tín hiệu tốt đối với cộng đồng quốc tế.

Về phía Việt Nam, chính phủ Việt Nam thừa biết Đức là một nước thành viên trong Hội đồng Châu Âu, lại là nước lớn cho nên Đức là “lá phiếu” rất quan trọng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam dự kiến là vào đầu 2019. Cho nên, không thể vì một nhân tố Trịnh Xuân Thanh mà kéo dài cơn khủng hoảng ngoại giao với Đức là điều không hề có lợi cho Việt Nam./.

QUÊ HƯƠNG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img