Friday, March 29, 2024

Bạo loạn Bình Thuận: Vì sao tuyên giáo nói ‘có động cơ chính trị’?

Thiền Lâm

Việt Nam – Cali Today News – Tại cuộc giao ban báo chí tháng 7/2018 tại Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, khi đề cập đến “17 bị cáo chuẩn bị được đưa ra xét xử. Các cơ quan điều tra tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục củng cố hồ sơ, sàng lọc thêm các đối tượng”, ông Hồ Trung Phước – trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận lý giải: “Đa phần các bị cáo này là có học vấn thấp, chưa hết cấp 1, gia đình hoàn cảnh ngặt nghèo, có tiền án tiền sự, việc làm không ổn định… Khi bị bắt, họ ít nhận thức được việc làm mình vừa gây ra. Vì thế, đây không phải là vụ án gây rối trật tự đơn thuần mà là có động cơ chính trị”.

Vậy ‘có động cơ chính trị’ nào trong cuộc bạo loạn Bình Thuận? Phải chăng đó là động cơ chính trị của Việt Tân hay ‘các thế lực thù địch’?

Hãy so sánh Bình Thuận và Sài Gòn.

Ngay sau cuộc biểu tình cực lớn lên đến hàng trăm ngàn người ở Sài Gòn vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018, một quan chức công an là phát ngôn viên cho Công an TP.HCM đã nói không ấp úng rằng ‘Việt Tân kích động biểu tình’. Nhưng phát ngôn này lại một lần nữa gây nghi ngờ lớn nơi công luận, bởi đã không kèm theo bất cứ một bằng chứng nào về sự hiện diện của đảng Việt Tân trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn trước và trong ngày Mười tháng Sáu năm 2018. Lối phát ngôn không cần thuyết minh bằng chứng như thế lại giống hệt tuyên bố cũng của Công an TP.HCM về Việt Tân sau cuộc biểu tình của người dân phản đối thảm họa xả thải của Formosa. Sau cuộc biểu tình đó, trong khi công an không thể trưng ra bất kỳ bằng chứng nào về Việt Tân thì người dân biểu tình lại có quá nhiều bằng chứng về việc công an đã bắt lôi người biểu tình lên xe bus và tập trung khoảng 500 người về sân vận động Hoa Lư ở quận Nhất rồi đánh đập họ cực kỳ dã man.

Còn ở Phan Thiết, ngay sau cuộc bạo loạn, chỉ thấy giới dư luận viên của đảng và công an tố cáo ‘thế lực phản động giật dây biểu tình ở Phan Thiết’, nhưng lại không hề nói rõ thế lực nào. Cho đến nay, vẫn chưa thấy Công an Bình Thuận hay những quan chức Bộ Công an tuyên bố là ‘Việt Tân kích động’.

Trong khi đó, nhiều người dân Phan Rí Cửa và Phan Thiết khẳng định là người dân nơi đây rất hiền hòa, chỉ phản ứng với chính quyền và công an do bị Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xả thải gây ô nhiễm cả trên bờ lẫn trên biển làm kiệt đường sinh nhai của bà con ngư dân. Cách phản ứng thông thường của người biểu tình là tuần hành, còn khi bị công an ngăn chặn thô bạo và đánh đập thì họ mới ném đá lại. Nhưng không có chuyện người dân Phan Thiết hung hãn và cực đoan đến mức đốt phá xe hơi và trụ sở…

Vài bài phóng sự của báo nhà nước, như tờ Phụ Nữ TP.HCM, đã mô tả nhiều người dân Phan Thiết nói về ‘nó đấy’, tức những thanh niên lạ mặt ở nơi khác kéo đến. Số thanh niên này bịt mặt và rất hung hãn.

Số thanh niên này là ai, từ đâu đến? Không ai biết.

Một điểm đồng dạng đang hiện ra giữa hai cuộc biểu tình đập phá năm 2014 ở Bình Dương và năm 2018 ở Phan Thiết: đều xuất hiện những người cầm đầu là người lạ mặt. Trong vụ việc Bình Dương năm 2014, thậm chí số người lạ mặt này còn không phải là công nhân và đã được một số nhân chứng mô tả là giang hồ. Thế nhưng khi những kẻ giang hồ này cầm đầu đám đông lao đi đốt phá các nhà máy thì hoặc không thấy bóng dáng cảnh sát đâu, hoặc có cảnh sát nhưng không có bất kỳ hành động ngăn chặn nào. Vì thế, rất nhiều dư luận đã cho rằng chính lực lượng công an đã nhận được mật lệnh làm ngơ cho những kẻ lạ mặt cầm đầu biểu tình đập phá và đốt phá ở Bình Dương và Đồng Nai…

Cho tới tận giờ đây, 4 năm sau vụ bạo động Bình Dương, hành tung và thân thế của những kẻ lạ mặt trên vẫn là một ‘bí mật quốc gia’. Đã không có bất kỳ cơ quan nào của chế độ cầm quyền hé môi về bí mật này.

Điều lạ lùng là mặc dù Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã tung một lực lượng đông đảo để đàn áp cuộc biểu tình của người dân Phan Thiết, đã bắt bớ gần 200 người, song cho tới nay báo ngành công an vẫn chỉ thông tin “Hé lộ có nhiều “kẻ đứng sau” kích động, xúi giục người gây rối”, và “Theo lời khai của một số đối tượng, trong hai ngày gây rối họ đã được “tiếp sức” từ nhiều người bằng hình thức cho tiền và hứa hẹn sẽ “có thưởng” nếu như đạt được “thành tích” cao…”, mà không thể chỉ rõ nhóm nào đã chủ trương dùng tiền để kích động việc này.

Nhưng trùng với tiết lộ ‘có động cơ chính trị’ của Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận Hồ Trung Phước vào ngày 11/7/2018, một vài tờ báo ngành công an đã bắt đầu đăng tải hình ảnh của những ‘người lạ’ đã đốt phá xe hơi và trụ sở cơ quan ở Bình Thuận – có kẻ bịt mặt và có kẻ lộ mặt – và kêu gọi những kẻ này ‘ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng’. Chi tiết đáng chú ý không kém là lời kêu gọi này cũng không đề cập đến ‘thế lực thù địch’ hay Việt Tân.

Vậy thế lực nào đã bảo kê cho những kẻ bịt mặt gây bạo loạn ở Phan Thiết? Liệu bàn tay đạo diễn cho cuộc biểu tình khổng lồ ở Sài Gòn có nối kết với bàn tay đạo diễn vụ đốt phá xe và trụ sở công quyền ở Phan Thiết, từ đó vừa tạo cớ để công an đàn áp nặng nề đối với người dân nơi đây, vừa nhắm tới một mục đích chính trị nào đó? Nếu câu hỏi này là cơ sở, phải chăng vụ đốt phá này không phải do người dân gây ra, cũng chẳng phải Việt Tân, mà do chính một thế lực nào đó trong nội bộ đảng Cộng sản ‘kiến tạo’?

Bạo loạn không thể là dân, mà chỉ có thể từ những bàn tay đen đúa trong nội bộ đảng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img