Thursday, March 28, 2024

Phi trường quốc tế San Francisco cấm bán chai nước bằng nhựa

Bắt đầu hôm nay thứ ba, 20/8/2019 phi trường quốc tế San Francisco  ra lệnh cấm bán chai nước bằng nhựa. Đây là một phần trong kế hoạch hướng tới “thành phố không chôn lấp rác” vào năm 2021.

Phi trường San Francisco, nơi hạn chế phân phối ống hút nhựa dùng một lần khi luật thành phố có hiệu lực vào tháng 7, hiện đang cấm các cửa hàng tiện lợi, nhà hàng và máy bán hàng tự động bán chai nước bằng nhựa. Bắt đầu từ ngày 20/8, các cơ sở này chỉ có thể bán nước đựng bằng bình thủy tinh, nhôm tái chế hoặc vật liệu có thể phân hủy có chứng nhận.

Sự thay đổi này là một phần của kế hoạch chiến lược 5 năm của SFO. Ban hành vào năm 2016, kế hoạch này bao gồm SFO trở thành một cơ sở không chôn lấp rác vào năm 2021 và đã được nêu trên trang web của  phi trường.

Hàng năm, SFO tạo ra hơn 28 triệu pound chất thải, bao gồm khoảng 10.000 chai nước được bán hàng ngày – lên tới gần 4 triệu mỗi năm, theo phi trường. Các nhà khoa học ước tính một chai nhựa mất từ ​​450 đến 1.000 năm để phân hủy sinh học.

Theo SFO, mỗi hành khách có thể xả ra lượng rác chiếm một phần hai thùng rác. Nhằm giảm thiểu chất thải, phi trường này sẽ hạn chế các sản phẩm dùng một lần như khăn ăn, cốc cà phê và đũa. Ngoài nhựa, SFO đang cấm các mặt hàng với những yêu cầu vô căn cứ về tính bền vững của chúng. Giờ đây, Viện nghiên cứu vật liệu phân hủy sinh học (BPI) sẽ kiểm định những chai nước có thông điệp như “thân thiện với môi trường” hoặc “sản phẩm sinh học” trước khi chúng được tung ra thị trường.

Phi trường đã lắp đặt gần 100 điểm lấy nước và yêu cầu các nhà hàng chỉ cung cấp cho khách hàng các sản phẩm dùng một lần như gói gia vị theo yêu cầu thay vì mỗi lần mua.

Trả lời phỏng vấn, Doug Yakel, nhân viên thông tin công cộng của SFO cho biết: “Chúng tôi đã phải chờ đợi cho đến bây giờ vì vài năm trước đây thực sự không có thị trường để cung cấp chai thay thế chai nước bằng nhựa”.

Chính sách mới của SFO xuất hiện trong bối cảnh toàn cầu tập trung vào những vấn đề liên quan đến ngành tái chế.

Hồi tháng 6 năm nay, một cuộc điều tra của Guardian đã tiết lộ chỉ có 9% nhựa mà người Mỹ gửi đến các nhà máy tái chế thực sự được tái chế. Điều này là do các nhà máy tái chế của Mỹ không chấp nhận những thứ như nhựa chưa rửa và chai nhựa vẫn có nắp. Hầu hết các loại nhựa rẻ tiền như chai nước, và hộp sữa sẽ được chuyển đến các bãi chôn lấp hoặc lò đốt rác, hoặc được chuyển đến các nước khác để xử lý.

Theo Yakel, quốc tế đang thảo luận về những hạn chế của các nhà máy tái chế. Yakel mong muốn hành động này có thể khuyến khích các nhà sản xuất ngừng sử dụng bao bì nhựa.

“Khi nhu cầu từ các nhà bán lẻ tăng lên, nguồn cung cấp nước đóng trong chai có thể tái chế cũng sẽ tăng. Từ đó ngành tái chế chai đựng nước không phải bằng nhựa sẽ phát triển”, Yakel nhấn mạnh.

Từ năm 2014, thành phố San Francisco đã cấm bán các loại chai nước nhựa tại các địa điểm thuộc sở hữu công nhưng vẫn cho phép một số địa điểm được trì hoãn hoặc miễn áp dụng quy định này.

Hiện ngành sản xuất nhựa toàn cầu đang phát triển nhanh chóng và tới nay đã đạt sản lượng 400 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, các loại nhựa sử dụng một lần chiếm 70% số rác thải nhựa đang ngày ngày đầu độc môi sinh trên các đại dương.

Mỗi năm, hàng triệu con chim và hơn 100.000 động vật biển có vú chịu tổn thương hoặc chết vì bị mắc kẹt trong rác thải nhựa hay ăn phải những loại rác thải này.

TH

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img