Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today news – Chỉ đạo mới đây về khẩn trương đưa vụ Trịnh Xuân Thanh và giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm ra xét xử vào tháng 1 và tháng 2 năm 2018 của Tổng bí thư Trọng rất dễ khiến dư luận nhớ lại một luồng quan điểm xuất hiện vào đầu tháng 8/2017, ngay sau khi “Thanh về”: “Trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội”.
Ngay sau khi xảy ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, Bộ Ngoại giao Đức đã ra bản tuyên bố phản đối chính quyền Việt Nam và cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc thô bạo, trắng trợn Trịnh Xuân Thanh ngay trên lãnh thổ Đức. Giới quan chức ngoại giao Đức còn dùng cả cụm từ “bội ước lòng tin vô cùng lớn” trong trường hợp này. Thậm chí sang ngày 3/8, một bộ phận của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội đã đóng cửa bộ phận lãnh sự và phòng pháp lý, còn cảnh sát Berlin đã thẳng tay trục xuất cán bộ tình báo Nguyễn Đức Thoa – được biết như “quan chức ngoại giao” của Việt Nam tại CHLB Đức – ra khỏi lãnh thổ nước này, cấm quan chức này vĩnh viễn không bao giờ được trở lại Đức và có thể cả châu Âu …
Cùng lúc, đã xuất hiện một luồng dư luận trên mạng xã hội về “chiến dịch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng Đức và châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), trong khi rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hy vọng và trông đợi hiệp định này”. Đáng chú ý, luồng dư luận này khởi phát từ vài gương mặt facebooker khá đậm dấu ấn “phe phái nội bộ”.

Nhưng cũng vào thời điểm đầu tháng 8/2017, đã xuất hiện một luồng quan điểm từ nội bộ đảng cho rằng “trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội”, trong đó “Để bắt được Trịnh Xuân Thanh là vấn đề không dễ và Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cũng thừa biết những vấn đề phức tạp sẽ xảy ra sau khi bắt Trịnh Xuân Thanh ở Đức. Nếu đúng như báo chí Đức đưa tin là Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” thì cũng không có giải pháp nào tốt hơn là phải chịu trả giá về mặt đối ngoại để giải quyết vấn đề đối nội”, và “Thực ra “bắt cóc” hay “đầu thú” không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam – một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng’.
Quan điểm trên lại khá logic với một số phát ngôn và hành xử của một số quan chức “có trách nhiệm” trong thời gian tháng Tám năm 2017 về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Chỉ có điều, phía Việt Nam đã không thể hình dung cái giá phải trả là quá cao. Sau vụ vài nhân viên ngoại giao bị xem là tình báo bị Đức trục xuất vào tháng 8/2017, đến tháng Mười Chính phủ Đức đã tung ra một cú giáng không thể tưởng tượng: tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Sang tháng Mười Một, Đức còn hủy cả một hiệp định Đức – Việt miễn trừ visa cho cán bộ ngoại giao Việt Nam đi công tác ở Đức và còn trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao nữa trong tòa đại sứ Việt Nam ở Đức.
Gần đây, nhật báo New York Time số ra ngày 02/11/2017 đã đăng bài viết của ký giả Mike Ives mang tựa đề “Một người mất tích ở Berlin gây giông tố cho Hiệp định Thương mại với Việt Nam”. Nội dung bài báo chủ yếu nói về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có thể ảnh hưởng đến việc hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam như thế nào. Kể từ khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin cho đến nay, phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi về hành động mà phía Đức cực lực lên án là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Và việc tiếp tục giam giữ ông Thanh đang làm phức tạp thêm triển vọng hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vốn được chờ đợi từ rất lâu.
Trong tương lai gần, hành động trừng phạt từ người Đức vẫn có thể tiếp diễn. Những tin tức cập nhật nhất cho thấy cơ quan công tố Đức vẫn đang kiên trì tiếp tục điều tra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” và đang triệu tập ít nhất 8 người Việt ở Berlin về việc này.
Nếu trước vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, phía Việt Nam đã quá chủ quan và ảo tưởng trong công tác dự báo mà không thể dự liệu được tính hậu quả ghê gớm sẽ xảy ra từ phản ứng của người Đức, thì trong thời gian tới vẫn là một dấu hỏi rất lớn dành cho Hà Nội: Chính phủ Đức còn có thể áp dụng những biện pháp trừng phạt nào và ở cấp độ nghiêm trọng đến thế nào?
Ngay trước mắt là tương lai đổ vỡ của EVFTA. Muốn hiệp định này được thông qua, cần có sự đồng thuận của không chỉ cấp hành pháp mà cả của khối lập pháp ở 27 quốc gia châu Âu. Chỉ cần một trong số 27 nước đó không chấp thuận thì EVFTA sẽ hoàn toàn vô vọng.
Bấm vào đây để xem những videos cần xem
Nhưng dường như bất chấp tất cả, Tổng bí thư Trọng vẫn ưu tiên “xử lý đối nội”. Hành động này của ông Trọng lại quá mâu thuẫn với ý chỉ của chính ông khi từ đầu năm 2017 đến nay, ông đã chỉ đạo tổ chức hàng loạt đoàn công tác đi châu Âu để vận động cho EVFTA, trong đó có đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và cả Ban đối ngoại trung ương đảng.