Thursday, March 28, 2024

Xôn xao thông tin 4 cá nhân người Việt bị Đức truy nã tại Châu Âu

Vietnam – Cali Today news – Ngày 23/5/2018 vừa qua, tại thủ đô Berlin của Đức quốc đã diễn ra buổi hội thảo về “Hiện trạng bang giao Đức-Việt sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” được tổ chức tại Taz Café của Nhật báo TAZ. Đồng thời dư luận Việt Nam đang mỗi lúc một quan tâm nhiều hơn trước nguồn thông tin Đức quốc phát lệnh truy nã tại Châu Âu đối với 4 cá nhân là người Việt Nam lẫn người gốc Việt Nam nhưng sinh sống tại hải ngoại với cáo buộc có liên quan đến vụ bắt cóc…

Theo bài báo của tác giả Kim My được đăng ở trang Thoibao.de, buổi hội thảo về “Hiện trạng bang giao Đức- Việt sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” được tổ chức tại Taz Café của Nhật báo TAZ vào sáng ngày 23/5/2018, đã thu hút một lượng khách đông đảo đến tham dự, theo dõi. Các chuyên gia, luật sư, nhà báo góp mặt ở bàn chủ tọa của buổi hội thảo như: Bà Petra Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh, nhà báo Marina Mai chuyên viết cho nhật báo TAZ, Tiến sĩ Gehard Will, chuyên gia về châu Á của Tổ chức Khoa học và Chính trị (gọi tắt là SWP)…

Thành viên chủ tọa của buổi hội thảo “Hiện trạng bang giao Đức- Việt sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” (ảnh; Kim My- Thoi bao.de)

Mở đầu buổi hội thảo, lời trình bày của ông Sven Hansen nói về hậu quả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ tháng 7/2017 tại Berlin, hiện tại chính quyền Đức đã thay đổi trong ngôn ngữ từ “nghi ngờ bắt cóc” nay thành “hành động bắt cóc” đối với chính quyền Việt Nam.

Luật sư người Đức bà Petra Schlagenhauf trình bày tại buổi hội thảo rằng bà biết ông Thanh, thân chủ của bà không bao giờ tự ý trở về đầu thú tại Việt Nam. Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc ông Thanh tại Đức, đây là hành vi không những đã vi phạm luật pháp Đức mà còn vi phạm Công pháp quốc tế. Vì vậy những phán quyết của Việt Nam kết án ông Thanh tù chung thân tại Tòa án Hà Nội liên quan đến hai vụ án kinh tế đều không hợp lệ do trước đó phiên tòa xét xử đã không hợp lệ. Bà Petra Schlagenhauf có nhắc đến nguyện vọng quay trở lại Đức của ông Thanh để đoàn tụ với vợ con, đây là nguyện vọng chính đáng. Mặc khác, việc để ông Thanh trở lại Đức cũng là một cơ hội để qua đó hàn gắn quan hệ ngoại giao giữa Đức- Việt vốn đã rơi vào tình trạng khủng hoảng gần một năm qua. Bà Petra Schlagenhauf nói quan hệ giữa hai nhà nước là phải tuân theo luật pháp chứ không thể dùng hành vi bạo lực phạm pháp. Trong hoàn cảnh hiện tại, con đường ngoại giao là cách xử sự thông minh và tốt nhất để giải quyết mọi chuyện càng nhanh càng tốt, điều này sẽ có lợi cho các bên không riêng gì giữa Đức- Việt mà còn là quan hệ với cả khối EU. Lời cuối trước khi chấm dứt buổi hội thảo, bà Schlagenhauf nói: Câu hỏi được đặt ra là nhà nước Việt Nam có thực tâm muốn giải quyết vấn đề hay không?

Quang cảnh buổi hội thảo “Hiện trạng bang giao Đức- Việt sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” (ảnh; Kim My- Thoi bao.de)

Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức ngoại trừ vấn đề nhân quyền còn nhiều khó khăn thì trước khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh diễn ra nhìn chung là rất tốt đep trên các phương diện kinh tế, giáo dục…v.v…Đây là trình bày của nhà báo Marina Mai. Lời cuối nói tại buổi hội thảo, nhà báo Marina Mai cho biết bà có nguồn tin là trung tướng Đường Minh Hưng với cáo buộc từ các nhà điều tra Đức là chỉ huy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào ngày 23/7/2017 đã biến mất trên màn hình Việt Nam từ bấy lâu nay.

Tiến sĩ Gehard Will, chuyên gia SWP tại Berlin trình bày nội dung liên quan đến tham nhũng và chống tham nhũng. Theo ông Gehard Will ở Việt Nam, đấu tranh chống tham nhũng chỉ có nghĩa là đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng, là một dụng cụ để củng cố quyền lực. Sau khi vụ bắt cóc xảy ra, chính phủ Đức đã phản ứng quyết liệt với Việt Nam để tránh làm trò cười cho thế giới như trục xuất 2 nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, đóng băng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đình chỉ miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam và Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh EU cũng bị trì hoãn v.v…Kết thúc buổi Hội thảo, tiến sĩ Gerhard Will cho rằng việc bắt cóc là một cơ hội để hai nước Việt và Đức có dịp hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn.

Ở một diễn biến khác, tại Việt Nam dư luận Việt Nam đang mỗi lúc một quan tâm nhiều hơn trước nguồn thông tin do nhà báo Lê Trung Khoa-chủ trang Thoibao.de cho dư luận biết rằng, các nhà điều tra Đức do chưa bắt được người nên sau lệnh bắt giam đã phát lệnh truy nã tại Châu Âu đối với 4 cá nhân người Việt Nam lẫn người gốc Việt Nam nhưng sinh sống tại hải ngoại với cáo buộc có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Đó là:

1/ Trung tướng Công an Việt Nam ông Đường Minh Hưng.

2/ Ông Vũ Quang Dũng – được cho là hiện đang công tác tại Bộ Công an Việt Nam.

3/ Ông Đào Quốc Oai – một người gốc Việt Nam nhưng sinh sống tại Cộng hòa Séc. Tình trạng tung tích hiện đang lẩn trốn.

4/ Ông Lê Anh Tú – tài xế lái xe cho ông Đào Quốc Oai. Tình trạng tung tích đang lẩn trốn.

Xin được nhắc lại, thông tin về 4 cá nhân nêu trên bị Đức quốc phát lệnh truy nã tại Châu Âu đây mới là thông tin của cá nhân nhà báo Lê Trung Khoa, riêng Chính phủ Đức hiện chưa ra thông cáo báo chí chính thức về thông tin này. Tuy nhiên, dù thế nào thì dư luận Việt Nam hiện cũng đang bày tỏ sự xôn xao trước nguồn thông tin này. Cũng như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cho đến nay cũng chỉ mới cáo buộc từ phía Đức quốc, còn phía Việt Nam hiện tại vẫn chưa lên tiếng nhìn nhận hoặc phủ nhận về cáo buộc này./.

QUÊ HƯƠNG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img