MINNEAPOLIS — Phiên xét xử cựu cảnh sát Derek Chauvin bước sang ngày thứ tư với 2 nhân viên cứu thương, đội trưởng cứu hoả, sếp cũ và bạn gái của George Floyd đứng trên bục nhân chứng.
Cựu cảnh sát Minneapolis, người thẩm tra lại việc nhân viên cảnh sát sử dụng vũ lực đã làm sáng tỏ những gì xảy ra sau cái chết của George Floyd.
Trung sĩ cảnh sát hồi hưu David Pleoger cho hay, ông là người xem xét việc cảnh sát sử dụng vũ lực – thủ tục này gọi là báo cáo thẩm tra dùng vũ lực.
Theo quy định hỗ trợ y tế, các cảnh sát phải báo cáo hỗ trợ y tế và gọi cứu thương nếu thấy cần thiết.
Pleoger đồng tình khi công tố viên hỏi liệu những nguy hiểm về ngạt thở do tư thế có phổ biến ở Ty cảnh sát hay không. Cựu cảnh sát giải thích những tư thế ai đó bị kiềm chế có thể nguy hiểm, và trong trường hợp này cần phải thả lỏng.
Theo Pleoger, vào Ngày Lễ Chiến sĩ Trận vong năm ngoái, ông nhận được một cuộc điện thoại từ nhân viên tổng đài Jena Scurry – nhân chứng ra khai trước toà và thứ Hai – báo rằng, cô nhìn thấy có gì đó “đáng ngại.” Công tố viên Steve Schleicher bật lại đoạn băng ghi âm cuộc điện đàm này cho bồi thẩm đoàn nghe lần thứ hai.
Sau khi nói chuyện với Scurry, Pleoger dùng điện thoại di động gọi cho Chauvin. “Chúng tôi phải giữ người này để ngăn anh ta, anh ta sắp phát điên,” Chauvin nói trên điện thoại. Phần còn lại của cuộc điện đàm không được ghi âm vì Chauvin tắt camera gắn trên người, theo quy định cho phép. Pleoger bảo, Chauvin báo cho ông biết, các cảnh sát tìm cách đưa Floyd vào xe nhưng anh ta chống cự. Cảnh sát Chauvin cũng báo, Floyd cần cấp cứu, và họ đã gọi xe cứu thương. Cựu trung sĩ cảnh sát cho hay, ông không nghĩ Chauvin báo ông biết cảnh sát này quỳ gối đè lên cổ Floyd, anh ta không nói bất cứ điều gì về việc này.
Pleoger cũng xác nhận, vũ lực nên được ngưng khi ai đó bị còng tay và không còn chống cự nữa.
Sau khi nói chuyện với Chauvin, Pleoger đến hiện trường, và nghĩ sẽ cần phải đánh giá việc dùng vũ lực. Tại hiện trường, Floyd đã được đưa vào bệnh viện, ông quyết định đến trung tâm y tế để kiểm tra tình trạng của Floyd. Pleoger yêu cầu Chauvin nói chuyện với các nhân chứng. “Chúng tôi có thể ráng,” Chauvin nói. “Họ khá thù nghịch.”
Đến bệnh viện, Pleoger được thông báo tình trạng Floyd rất tồi tệ, và đã không qua khỏi. Ông liền gọi điện cho cấp trên báo cáo tình hình, vị Trung uý này yêu cầu ông kiểm tra lại xem thử các cảnh sát có dùng vũ lực gì khác không. Và sau đó, ông mới được Chauvin cho hay đã quỳ đè lên cổ Floyd.
Đội trưởng cứu hỏa Jeremy Norton: thông tin ban đầu hơi rối loạn
Đội trưởng Cứu hoả Minneapolis gắn bó với cơ quan này 21 năm qua, Jeremy Norton cho bồi thẩm đoàn hay, ban đầu toán của ông nhận được điều động Code 2 đến Cup Foods – đây là mã phản ứng không khẩn cấp, không cần đèn nhấp nháy và còi hụ, dành cho những trường hợp không khẩn cấp. Lệnh điều động có thông tin rất ít ỏi. Không lâu sau khi rời khỏi trạm cứu hoả, báo động được nâng lên Code 3, tức là một cuộc gọi khẩn cấp cần di chuyển nhanh với còi hụ và đèn nhấp nháy, nhưng cũng không có thêm thông tin.
Đến trước Cup Foods, Norton trông thấy một vài xe cảnh sát, nhân viên cứu hoả ngoài giờ làm việc Genevieve Hansen – nhân chứng khai trước toà vào thứ Ba – có trong nhóm người qua đường đang giận dữ, nhưng không có bệnh nhân. Nói chuyện với Hansen và một cảnh sát trong tiệm, Norton biết được một xe cứu thương đã chở Floyd rời khỏi hiện trường. Nhưng vài giây sau, ông nhận được tổng đài yêu cầu đến gặp cứu thương tại một nơi khác, cách đó vài dãy phố. Tại đây, Norton trông thấy Floyd nằm “bất động” trong xe cứu thương.
Toán của Norton cùng với nhân viên cứu thương tìm mọi cách hồi sức Floyd, kiểm tra mạch liên tục, cho đến khi xe đến bệnh viện.
Sau đó, Norton cùng đồng nghiệp quay trở lại Cup Foods để kiểm tra và cũng để “bảo đảm Hansen ổn.” “Tôi hiểu được sự bất bình của cô ấy có lý,” Norton nói. Sau đó, toán của ông họ nhanh, và ông giao nộp báo cáo lên cho Sở Cứu hoả. “Tôi biết, người đàn ông đó chết trong tay cảnh sát, nên tôi muốn thông báo cho cấp trên của mình,” Norton nói.
Nhân viên cứu thương từ đầu nghĩ Floyd đã chết
Nhân viên cứu thương quận Hennepin Derek Smith và Seth Bravinder cũng cho bồi thẩm đoàn biết, lệnh điều động ban đầu là Code 2 không khẩn cấp, nhưng chỉ 1 phút rưỡi sau được tăng lên Code 3 khẩn cấp.
Smith cho hay, đến hiện trường, anh để ý thấy Floyd bất động, bị còng tay và không được chăm sóc y tế. Anh kiểm tra nhưng không thấy mạch, trong khi đồng tử của Floyd giãn lớn. “Về mặt lý thuyết, tôi nghĩ anh ta đã chết. Tôi nói với đồng nghiệp, tôi nghĩ anh ta đã chết, và tôi muốn di chuyển ra khỏi chỗ đó,” Smith nói. Nhân viên cứu thương này kiểm tra mạch một lần nữa cũng không thấy, và dùng khoá mở còng tay Floyd trước khi đưa người đàn ông này khỏi hiện trường. Một cảnh sát đi cùng trên xe cứu thương đến bệnh viện. Anh bảo nhân viên cảnh sát trên xe cứu thương bắt đầu hồi sức, và tiếp tục kiểm tra mạch. “Tôi xác định đánh giá ban đầu,” Smith nói. “Tôi chỉ hy vọng tìm ra mạch.”
Smith đưa thuốc và thử mọi phương pháp hồi sức, nhưng tín hiệu trên màn hình vẫn phẳng lặng.
Smith cho hay, khi anh kiểm tra mạch Floyd lần đầu tại hiện trường, Chauvin “vẫn ở trên đầu bệnh nhân.”
Khi xe cứu thương đến hiện trường, Bravinder nhìn thấy nhiều cảnh sát bên đường đang ở trên “bệnh nhân của chúng tôi nằm trên mặt đất, cạnh một chiếc xe tuần. Bravinder nghĩ “chắc có vật lộn nên họ vẫn còn ở trên người anh ta.”
Bravinder đậu xe cứu thương trong khi đồng nghiệp Smith kiểm tra mạch và đồng tử. Trong lúc này, đám đông tụ tập bên đường và họ dường như “đang tức giận” và la lối. “Chúng tôi muốn ra khỏi nơi đó vì tìm cách hồi sức một người rất khó và đòi hỏi phải tập trung,” nhân chứng nói.
Công tố viên bật đoạn băng cho thấy, Bravinder dùng khoác tay, cử chỉ bảo Chauvin cần phải di chuyển đầu gối khỏi Floyd để có thể đưa bệnh nhân lên cáng. Bravinder cũng tìm cách giữ đầu của Floyd không đập xuống mặt đất khi di chuyển vì người anh ta mềm nhũn.
Bravinder đậu xe cứu thương cách đó vài dãy phố, tìm mọi cách hồi sức nhưng vẫn không có kết quả.
Bạn gái George Floyd: Cả hai đều có vấn đề với thuốc gây nghiện
Courteney Ross 45 tuổi là bạn gái của George Floyd khoảng 3 năm. Vào sáng thứ 5 từ bục nhân chứng, người phụ nữ cho bồi thẩm đoàn cái nhìn đầu tiên về cuộc sống cá nhân của người quá cố, cả tốt và xấu.
Ross cho hay, cô gặp Floyd vào tháng 8 năm 2017. “Đó là một trong những câu chuyện yêu thích nhất của tôi,” người phụ nữ nói, bắt đầu xúc động và rơi nước mắt khi nhớ lại chuyện cũ.
Vào ngày họ gặp nhau lần đầu, Ross vừa mới xong việc tại một tiệm cà phê nơi cô làm bán thời gian trong 22 năm. Cô đến gặp bố của con trai mình, người đang ở trong nhà trú thân, và Ross đứng trên sảnh chờ. Floyd đang làm bảo vệ ở đó.
“Floyd đến chỗ tôi, anh ấy nói giọng miền Nam đặc sệt, giọng khàn khàn: ‘Cô à, cô có ổn không?’ Tôi đáp, tôi không ổn. Anh ấy nói: ‘Tôi có thể cầu nguyện với cô được không?’ Chúng tôi trải qua nhiều chuyện, tôi và con trai, và người tốt bụng này hỏi liệu anh ấy có thể cầu nguyện với tôi được không? Rất đáng yêu … chúng tôi có nụ hôn đầu tiên trên sảnh.”
Ross cho hay, đầu năm 2020 họ có xa cách một thời gian, nhưng quay lại bên nhau mỗi ngày từ tháng 3 cho đến đầu tháng 5. Người phụ nữ thừa nhận, sử dụng thuốc gây nghiện là một phần trong mối quan hệ của họ. “Floyd và tôi đều bị nghiện thuốc giảm đau. Cả hai chúng tôi đều bị chứng đau kinh niên, tôi đau cổ còn anh ấy đau lưng. Chúng tôi đều có đơn thuốc kê toa, và sau khi dùng thuốc kê toa, chúng tôi bị nghiện. Cả hai đều nhiều lần cố gắng ra dứt nghiện,” nhân chứng nói.
Ross cũng cho biết, mẹ của Floyd qua đời vào năm 2018, và đây là một mất mát lớn đối với bạn trai.
Cho đến thứ 5, bồi thẩm đoàn đã lắng nghe 17 nhân chứng, một vài trong số họ đã khóc nức nở hoặc rơi nước mắt trên bục nhân chứng. Phiên toà kết thúc sớm vào đầu giờ chiều thứ 5 và sẽ được tiếp tục vào sáng thứ Sáu.
Hương Giang (Theo USA Today)