Thursday, March 28, 2024

“WATERGATE” VS “TRUMPGATE”, AI THẮNG?

Cali Today news – Một nhà thần kinh học giải thích cách những người theo Trump cuồng tín có thể đưa đất nước này đến sự sụp đổ của xã hội.

Quý vị có hoảng sợ khi nghe tin này hay không? Tôi cũng có một chút lo lắng, khi nghĩ đến một nhóm người cuồng loạn của một tà giáo sùng bái một tên vô nhân cách Donald Trump đang dần lột xác để trở thành một đội quân ma trơi thực thụ, chúng có thể phá tan đất nước này, đánh thắng cả một quân đội hùng mạnh nhất thế giới với vũ khi tối tân.

Tôi không đề cập những chuyện bại hoại, dối trá của Trump với những người cuồng Trump, cả Mỹ trắng lẫn Mít vàng, bởi vì họ sẽ không bao giờ tin những gì chúng ta nói về Trump với những sự thật và bằng chứng hẳn hoi, họ chỉ coi Trump là Thượng Đế, mà đã là Thượng Đế thì không có làm gì sai cả, cái gì cũng đúng, kể cả nói láo, ăn cắp, tống tiền, gạt gẫm, ngoại tình, lừa đảo, đối với những người phò Trump, họ đều cho đó là những việc làm đúng. Đó mới đích thị là cuồng Trump.

Một loạt các tiết lộ mới đang làm đầy thêm những nét vẽ sống động nhất của một bức tranh về cách làm thế nào mà Donald Trump đã sử dụng và lạm dụng quyền lực của mình với tư cách là Tổng Thống. Những tiết lộ mới sẽ được phơi bày ra trước ánh sáng về tất cả những gì mà công chúng Mỹ chưa hề biết đến về tất cả những phương cách mà Trump đã vượt qua các giới hạn truyền thống trong việc thực thi quyền lực của một vị Tổng Thống.

Các cơ quan thực thi pháp luật liên bang cần có một cuộc kiểm tra toàn diện và đưa ra câu trả lời xác thực cho công chúng Mỹ sớm nhất là trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 hay chậm nhất là trước cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2024, đó là những thời điểm mà Trump và đám ngưu đầu mã diện có thể đạt được thành công đâu đó trên một số tiểu bang trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 nhờ vào những dự luật đàn áp quyền bầu cử, làm bệ phóng cho cuộc xâm chiếm Tòa Bạc Ốc trở lại trong năm 2024.

Quay trở lại quá khứ, nếu nhớ đến vụ “Watergate” năm 1972 dưới thời chính quyền Richard Nixon đã tìm mọi cách để chống lại các cuộc điều tra, dẫn đến một cuộc khủng hoảng Hiến Pháp, cản trở công lý, sử dụng Cục Điều Tra Liên bang FBI, Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA, Sở Thuế Vụ IRS thành những vũ khí chính trị để tấn công đối thủ đã dẫn đến việc từ chức của Richard Nixon vào ngày 09.08.1974, nếu ông Nixon không từ chức lúc đó thì ông cũng bị Hạ Viện luận tội và cách chức thì vụ việc theo dõi lần này của Donald Trump chẳng có gì khác hơn, nên dù hiện tại Trump không còn là Tổng Thống, liệu Hạ Viện và các cơ quan thực thi pháp luật có biện pháp để trừng phạt Trump vì vi phạm tương đương như vụ “Watergate” hay không?

Ngay chính John Dean, cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc của ông Richard Nixon đã phải lên tiếng thừa nhận, mức độ vi phạm của vụ “Watergate” và “Trumpgate” về hình thức thì hoàn toàn giống nhau nhưng cách thức tạo nên những vi phạm của “Trumpgate” thì mức độ nguy hiểm hơn nhiều vì đã sử dụng một cơ quan quyền lực trong thế tam quyền phân lập của đất nước phải thực hiện theo chỉ thị của Trump, phá vỡ niềm tin của công chúng về sự độc lập của ngành Tư Pháp.

Hiện nay các cơ quan thực thi pháp luật khắp nơi đang tiến hành nhiều cuộc điều tra bởi nhiều cáo buộc khác nhau, tất cả đều chĩa mũi dùi thẳng về hướng Mar-a-Lago với nhiều cuộc điều tra cản trở công lý, lạm dụng quyền lực tại cả lưỡng viện Quốc Hội và tại Georgia, Arizona, thao túng tài chính, trốn thuế tại New York, giao dịch mờ ám với phía Ukraine trong việc vận động hành lang để tìm lợi thế trong cuộc tranh cử Tổng Thống năm 2020.

Qua rất nhiều cuộc điều tra khác nhau về Trump từ nhiều hướng và hoạt động theo các quy tắc khác nhau, liệu những kết quả điều tra có cung cấp đầy đủ đến công chúng Mỹ một bức tranh toàn cảnh về tất cả các phương cách mà Trump đã sử dụng sai quyền hạn của một Tổng Thống trong bốn năm cầm quyền hay không.

Noah Bookbinder, chủ tịch của tổ chức Trách nhiệm và Đạo đức Công Dân ở Washington, một nhóm phi lợi nhuận thiên tả chuyên nghiên cứu các hành vi vi phạm đạo đức của các vị nguyên thủ và chính trị gia, nói rằng cần có một cách tiếp cận có hệ thống hơn để hiểu được tầm ảnh hưởng và sự tác hại bởi lạm dụng quyền lực của Trump đối với các bộ, ngành của chính phủ liên bang. 

Đây chính xác là chủ đề chung qua tất cả các vụ bê bối, đó là Trump, đã tranh thủ lợi dụng mọi yếu tố quyền lực liên bang vì lợi ích cá nhân và chính trị của ông ta. Điển hình nhất là việc Trump đã ân xá cho Roger Stone và Paul Manafort, những đồng minh chính trị đã từ chối hợp tác với cuộc điều tra của Cố vấn đặc biệt Robert Mueller.

Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt đã chỉ ra rằng, tại sại sao vụ “Watergate” lại dễ giải quyết hơn và có ít tác hại, ảnh hưởng đến chính trường Mỹ hơn vụ “Trumpgate”?

Bởi vì đã có một ủy ban Watergate của Thượng viện được lập ra, sau đó mới dẫn đến cuộc điều tra luận tội tại Hạ viện, đồng thời khi đó đã có một công tố viên đặc biệt chuyên trách vụ “Watergate” và những bằng chứng không thể chối cãi, với những thủ tục, và hệ thống nhịp nhàng, ăn khớp với nhau đã dẫn đến sự từ chức của Tổng Thống Richard Nixon ngay cả khi Nixon còn đương nhiệm, còn quyền lực trong tay lại là điều không quá khó khăn. 

Còn vụ “Trumpgate“? Thượng Viện chưa có một Uỷ Ban chuyên trách vụ “Trumpgate“, chưa có được một công tố viên đặc biệt, nên vụ “Trumpgate” chưa mang lại một cách giải quyết khả thi như mong đợi.

Đối với chính phủ đương nhiệm của Tổng Thống Joe Biden, nếu nói theo lý, ông vẫn có thể dùng quyền hành pháp để tạo ra một số ủy ban độc lập, để kiểm tra các vụ lạm dụng quyền lực tại mỗi cơ quan liên bang hoặc giao cho tổng thanh tra của mỗi cơ quan liên bang phải điều tra các vụ lạm dụng quyền lực, xung đột lợi ích trong phạm vi bộ, ngành của họ dưới thời Trump, nhưng vấn đề này sẽ tạo ra thế khó cho Tổng Thống Joe Biden, khi hướng đi của ông được xem là khá rõ, không muốn tạo thêm sự xung đột giữa hai chính quyền tiền nhiệm và đương nhiệm, và để Bộ Tư Pháp toàn quyền điều tra theo hướng độc lập, nếu thực sự Bộ Tư Pháp cho đó là việc nên làm.

Nếu tính đến thời điểm hiện nay, nói thật lòng, thì Bộ Tư pháp của Tổng Thống Joe Biden đã thực sự gây thất vọng cho hầu hết các đảng viên Dân chủ và các nhà hoạt động tự do trong Quốc Hội bởi sự kín tiếng trong những đòi hỏi tranh luận, chống lại phán quyết của Thẩm Phán Amy Berman Jackson về việc công khai các tờ khai thuế của Trump và không tiến hành làm rõ bản báo cáo sai lệch và thiên vị của cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr nhằm biện minh cho quyết định không truy tố cựu Tổng Thống vì cản trở công lý trong cuộc điều tra ở Nga.

Dù đánh giá của báo chí và công luận không được tích cực lắm dành cho Bộ Tư Pháp của TT Biden, nhưng vẫn nhận được một số nhận xét tích cực bởi một số nhà bình luận chính trị, họ ủng hộ sự thận trọng của chính quyền Biden và Bộ Tư Pháp của ông khi không để xảy ra tình trạng một nguyên tắc bất di bất dịch từ bao nhiêu đời Tổng Thống trước đây, đó là không sử dụng Bộ Tư pháp của một chính quyền mới nhậm chức như một công cụ để tấn công hay trả thù chính trị một số nhân vật trong chính quyền cũ, ngay cả khi Quốc Hội và các lực lượng thực thi pháp luật nắm rõ các bằng chứng phạm tội của một số viên chức của chính quyền liên bang dưới thời Tổng Thống mãn nhiệm, liệu đây có được xem là một quan điểm đứng đắn, độc lập và dễ chấp nhận hay không?

Có mâu thuẫn hay không ở nhận định này? 

Tôi nghĩ là có, nếu Bộ Tư Pháp của TT Biden tiến hành điều tra, đưa ra ánh sáng những khuất tất, sai phạm trong 4 năm dưới thời của Trump, thì những hành động này không thể được xem là một cuộc tấn công để trả thù, hoàn toàn không, nếu chỉ là những cuộc điều tra về những sai phạm đã dẫn đến những tổn thất uy tín của nước Mỹ trên chính trường quốc tế, sự tác hại bởi những thuyết âm mưu và tin giả bởi Trump đã gây chia rẽ xã hội, đảng phái chính trị thì đó phải được xem là những việc làm chính đáng của bất cứ Bộ Tư Pháp nào dưới thời bất kỳ một Tổng Thống nào, dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa, nếu nước Mỹ có được một hệ thống luật pháp nghiêm minh như Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Philippines, những nhà cựu lãnh đạo tại các quốc gia này đã phải ra trước vành móng ngựa, phải ăn cơm tù vì những đồng tiền tham nhũng ít nhiều, hay có những việc làm mờ ám, gây hại cho đất nước.

Nếu né tránh những việc làm chính đáng và nên làm này, thì như vậy, các nhân viên chính phủ liên bang dưới thời một Tổng Thống dù là 4 hay 8 năm, cứ tha hồ làm bậy, nhũng lạm của công, lạm dụng quyền lực, cản trở công lý, những tội tày trời như thế sẽ được tấm khiên vị nễ, nhắm mắt bỏ qua, chín bỏ làm mười của một chính quyền mới dành cho một chính quyền cũ, thì đất nước này sẽ loạn, luật pháp không còn nghiêm minh, chắc chắn như vậy.

Nhiều người cho rằng, tôi quá nóng vội, hãy cho họ thêm thời gian, hay nói một cách tích cực hơn, rằng có thể Bộ Tư Pháp của ông Merrick Garland đang có những bước đi thận trọng, đang dồn toàn lực điều tra để gom một mẻ lưới lớn, bắt toàn bộ những con cá lớn nhỏ, tôi sẽ cố cho mình niềm tin như vậy để thấy rằng sự chọn lựa ông Merrick Garland vào vị trí Bộ trưởng Tư Pháp là một quyết định không sai của Tổng Thống Joe Biden, nếu ông Biden thật sự tin vào một nền Tư Pháp độc lập, sẽ thực thi pháp luật nghiêm minh và mạnh mẽ.

Nhưng, nói thật, qua những quyết định rời rạc, thiếu dứt khoát của Bộ Tư Pháp hiện nay, tôi thực sự không hy vọng những sai phạm nguy hiểm và tác hại, ảnh hưởng khủng khiếp của những kẻ tồi bại như Trump và đám ngưu đầu mã diện sẽ được đưa ra trước ánh sáng.

Và, nếu như vậy, thì nền Dân Chủ của đất nước này sẽ đi về đâu? Những người giữ các chức vụ trong chính phủ liên bang như Tổng Thống, Bộ Trưởng sẽ tha hồ làm bậy, tham nhũng, lạm quyền mà không lo hậu quả sẽ đến sau khi mãn nhiệm, từ chức?

Trên thế giới, đã có nhiều uỷ ban điều tra đặc biệt được thành lập để tìm hiểu sự thật, quy trách nhiệm cho các nhà độc tài, họ thường tập trung vào các hành vi vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, giết người của đảng đối lập, mất tích, tra tấn, tham nhũng công quỹ, cản trở công lý, lạm dụng quyền lực, cấu kết với nước ngoài để lũng đoạn kết quả bầu cử, nổi dậy lật đổ chính phủ. Những tội danh này không mới cũng không cũ nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không muốn tiến hành, vì họ sợ những thủ tục truy tố, điều tra đó sẽ lập lại trên chính bản thân và cương vị của mình trong hiện tại, sau khi họ mãn nhiệm, từ chức hay còn gọi là hạ cánh an toàn.

Để chữa lành một vết thương lớn cho một xã hội nhiều chia rẽ, một đất nước đầy rẫy sự nghi ngờ, đấu đá lẫn nhau bởi sự tàn phá, huỷ hoại của một con quỷ dữ, xảo quyệt và nguy hiểm như Donald Trump thì không thể giải quyết tận gốc rễ của vấn đề chỉ bằng cách bỏ qua những sai phạm, lỗi lầm để hướng đến đoàn kết đảng phái.

Rõ ràng Hiến Pháp Mỹ hiện nay giống như một cái ruột xe đầy những lỗ thủng nhưng lại không được phép thay bằng một cái ruột xe mới, mà bắt buộc phải vá víu tạm thời để vận hành tiếp guồng quay của Hiến Pháp, ruột xe cũ cứ bơm vào lại xì khắp nơi, lại vá rồi lại bơm và cứ thế chạy tiếp, và những con quái vật chính trị thì luôn tìm những lỗ hổng nhỏ đang bị xì hơi để khai thác, đâm vào để khoét cho cái lỗ lớn ra thêm, mau xì hết hơi chỉ để đánh sập nền dân chũ Mỹ.

Mặc dù Trump không còn là Tổng Thống, người dân Mỹ không thể bỏ qua những hành vi sai phạm mà ông ta đã làm khi còn đương chức và chúng ta sẽ phải vá lại những lỗ hổng trong hệ thống mà Trump và đám ngưu đầu mã diện đã tận dụng khai thác những lỗ hổng của Hiến Pháp, nếu chúng ta không làm gì cả, thì hệ thống tư pháp một lần nữa sẽ trở thành con mồi cho những kẻ vô đạo đức điều hành đất nước với dã tâm trục lợi cho cá nhân và người thân trong gia đình.”

Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm nếu để đất nước này một lần nữa rơi vào vòng xoáy bạo lực và hỗn loạn, chia rẽ và đổ nát bởi những cuộc nổi dậy điên rồ và những kẻ sẵn sàng đạp đổ nền dân chủ Mỹ bằng mọi cách có thể, muốn giữ vững được một nền dân chủ không thể chỉ bằng lời nói và hành động của một bậc đại trượng phu với tấm lòng độ lượng, bao dung, không thể được, vì những kẻ tệ hại không xứng đáng được đối xử một cách tử tế như vậy.

Việt Linh

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img