Sunday, May 28, 2023
spot_img

Vụ Nguyễn Thị Kim Anh: chống tham nhũng hay “thuyết âm mưu”?

Nguyễn Hiền
 

(VNTB) – Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nói cần có quà để định hướng.
 
Ngày 12.6, công an tỉnh Vĩnh Phúc ra thông báo, theo đó đã bắt quả tang, khám xét nơi làm việc tại UBND huyện Vĩnh Tường của bà Nguyễn Thị Kim Anh (44 tuổi, Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng – Thanh tra Bộ Xây dựng) và ông Đặng Hải Anh (38 tuổi, chuyên viên thanh tra Phòng Thanh tra Xây dựng 2, Thanh tra Bộ Xây dựng).
 
Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nói cần có quà để định hướng.
 
VKSND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 18.6 phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, cùng 2 thành viên trong đoàn để điều tra hành vi “Nhận hối lộ”.
 
Ngày 17.6, Bộ Xây dựng tiếp tục cử một đoàn thanh tra lên đến 11 người về Vĩnh Tường để tiếp tục thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt, công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và công tác quản lý đầu tư xây dựng tại một số dự án tại huyện Vĩnh Tường. Thời gian thanh tra kéo dài 25 ngày. Báo Công Luận ngày 19.6 đã đăng tải nội dung với tiêu đề, “Bộ Xây dựng cử đoàn thanh tra mới, ‘số phận’ những dự án đã thanh tra sẽ được xử lí ra sao?”.
 
Chuyện gì đã xảy ra?
 
Những đồn đoán xoay quanh bà Nguyễn Thị Kim Anh và vai vế của bà ta, nhưng chưa dừng lại tại đó.
 
Sự việc liên quan đến thanh tra Bộ Xây dựng diễn biến có tính phối hợp, và thống nhất. Dường như, có một sự thông suốt trong quan điểm “bắt quả tang” từ T.Ư về địa phương. Hãy quay về ngày 23.4.2019, khi cơ quan điều tra CA tỉnh Thanh Hóa đã xin ý kiến thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ Công an về hướng xử lý đối với đoàn cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh Thanh Hoá nhận tiền của đối tượng bị thanh tra. Nếu xét trên phương diện trường hợp này, thì chắc chắn công an tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phải “xin ý kiến Bộ Công an” đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Anh, và “bắt quả tang” có thể được coi như một hệ quả của sự chấp thuận.
 
Nếu vai vế của bà Nguyễn Thị Kim Anh được làm rõ hơn, thì có thể xem đây là câu chuyện “nội bộ” T.Ư, trước thềm đại hội XIII, hơn là một hướng đi điều tra chống tham nhũng bình thường. Và điều này càng cho thấy, trước thềm đại hội, câu chuyện đấu đá, tranh giành quyền lực tiếp tục diễn ra, trên nhiều phương diện, mức độ, với sự tinh vi ngày một cao.
 
“Phe nào, ai” sẽ là câu hỏi được đặt ra trong bài toán lần này, tương tự như cách mà Trịnh Xuân Thanh và Vũ Nhôm từng lôi kéo nguyên một dàn ban bệ lãnh đạo đi xuống.
 
17.6, cây viết Hoài Thu (chuyên mảng chính trị) của Zing đã đăng bài viết đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Vũ Quốc Hùng, với tiêu đề, “Thanh tra của Bộ Xây dựng sai, bộ trưởng không thể vô can?”. Một quy trình “luận tội made in Việt Nam” đã được hình thành trong bài viết, khi Hoài Thu đã dẫn lời ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) đặt vai trò trách nhiệm đối với thủ trưởng cơ quan đơn vị, mà ở đây là Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà.
 
Hãy thử đặt lại quy trình để đưa một lãnh đạo cấp cao, một ủy viên Bộ Chính trị ra tòa ở Việt Nam, không có gì khác ngoài làm rõ trách nhiệm bổ nhiệm. Và vào ngày 17.6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Anh.
 
Tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một điểm mấu chốt trong ván bài chiến lược liên quan đến phân nhóm ghế trong đại hội, và đó cũng là một thuyết thú vị nếu sắp tới, một số lãnh đạo cấp cao sẽ bị điều tra.
 
Thanh tra và thank you
 
Với cơ chế hiện tại, bất kỳ một tỉnh thành hay tổ chức nào đều cũng dính dáng ít nhiều vi phạm xây dựng cơ bản. Với thẩm quyền quản lý rộng rãi trong lĩnh vực này, Bộ Xây dựng có thể đưa ra nhiều sai phạm có liên quan, và làm ảnh hưởng không ít ghế ngồi. Tuy nhiên, lĩnh vực thanh tra cũng là lĩnh vực tham nhũng, khi nó luôn gắn với phòng bì, và thực tế, nếu tính số vụ liên quan đến thanh tra nhận phong bì, thì chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đã có hai vụ lên báo.
 
Trở về trường hợp của tỉnh Vĩnh Phúc, đã có sai phạm xảy ra, và Bộ đã cử đội ngũ thanh tra về làm việc nhằm xác định mức độ vi phạm. Và vì địa phương đã “bắt quả tang” thanh tra Bộ, nên nhìn chung, với dàn thanh tra tiếp theo lên đến 11 người, người dân có thể có một màn mở mắt hơn về một đợt thanh tra ra trò, nơi không còn phong bì, mà chỉ còn sự “liêm chính”. Và điều kỳ lạ, là chỉ khi bị xâm phạm về lợi quyền thì tổ chức nhà nước mới thực sự làm tốt vai trò, nhiệm vụ của chính mình.
 
Đây được xem như một nguyên tắc thuộc về thể chế, khi mâu thuẫn không còn được thỏa hiệp, thì xuất hiện “trạng chết, chúa cũng băng hà”.
 
Áp dụng trường hợp này đối với cuộc chiến đốt lò của TBT – CTN Nguyễn Phú Trọng, nó cũng tương tự như vậy. Cuộc chiến đốt lò chỉ diễn ra để cứu nguy cho chính chế độ, và sự thống nhất trong đội ngũ ủy viên T.Ư Đảng trong việc đưa ông Nguyễn Phú Trọng lên ghế cao cũng chỉ là khi quyền lợi có nguy cơ biến mất. Giữa một bên là mất tất cả, và một bên là có thể giữ nhưng cần phải thỏa hiệp, những người cộng sản dễ dàng chọn lựa thứ hai hơn.
 
Nhưng đúng như trạng thái “trạng chết, chúa cũng băng hà”, dồn tận lực vào một vấn đề sẽ gây nguy biến cho toàn thể đội nhóm chính trị, mặc dù đó là chiêu thức để hợp lý hóa việc phân bổ số ghế trong lần đại hội sắp tới. Điều đó cho thấy rằng, cuộc chiến đốt lò sẽ đến một giới hạn ngưng lửa, và cũng như câu chuyện chống tham nhũng qua sự vụ bà Nguyễn Thị Kim Anh cũng là một biểu hiện của sự “thỏa hiệp chính trị” đến đâu, hay mâu thuẫn nội bộ sâu sắc như thế nào, và thể hiện rõ nét hơn phe phái nào sẽ nắm quyền chủ động trong đại hội tới.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT