Cali Today News – Chiều ngày 20/4/2017, chính quyền thành phố Hà Nội mà người đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã về huyện Mỹ Đức để “đối thoại” với người dân xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, cuộc “đối thoại” đã không diễn ra vì theo người dân phía chính quyền đã không cho thấy thiện chí.
Từ tin tức chúng tôi thu thập được, khoảng 16 giờ chiều, ông Nguyễn Đức Chung cùng nhiều lãnh đạo thành phố khác đi trên 3 chiếc xe từ Hà Nội xuống huyện Mỹ Đức để “đối thoại” với người dân. Trong khi đó, mãi đến 16h30, người dân thôn Hoành mới nhận được giấy mời. Theo giấy mời, mỗi xóm cử 10 người biết ăn nói lên trên hội trường Huyện ủy Mỹ Đức để gặp gỡ ông Chung. Như vậy, có khoảng 100 người sẽ được lên gặp ông Nguyễn Đức Chung tại Mỹ Đức.

Người dân không đến, buổi đối thoại đã biến thành buổi họp báo. Ảnh: Thanh Niên
Cách làm như vậy khiến cho người dân không chấp nhận. Vì đến 16h30 mới nhận được giấy mời, trong phút chốc không thể bầu chọn ra người nào để lên trên huyện gặp chủ tịch. Khi đi tới nơi cũng đã khoảng 19h tối. Trong khi người dân đang rất lo sợ bị chính quyền lừa gạt, chiêu dụ họ lên trên huyện rồi cho công an, mật vụ bắt cóc họ như cách đã bắt cóc 9 người thôn Hoành trước đây.
Không những vậy, một số người trong thôn Hoành còn cho phóng viên báo Tuổi Trẻ biết, chính quyền huyện Mỹ Đức gửi giấy mời họ lên trụ sở Huyện ủy làm việc, nhưng nội dung là giải quyết vấn đề an ninh trật tự, chứ không hề đả động gì đến vấn đề đối thoại, giải quyết tranh chấp ruộng đất giữa dân làng với Tập đoàn Viettel.

Con đường vào thôn Hoành bị chặn bởi rất nhiều chướng ngại vật. Ảnh: Tuổi Trẻ
Do đó, mãi đến hơn 18h, ông Nguyễn Đức Chung vẫn ngồi chờ ở hội trường Huyện ủy Mỹ Đức mà không một người dân nào lên gặp. Dù phía dân thôn Hoành rất tha thiết muốn được đối thoại với lãnh đạo thành phố để trình bày hiện tình. Tuy nhiên, họ không muốn đánh đổi mạng sống của mình, bất chấp phía chính quyền đã đem 3 chiếc xe ca xuống để chở người dân lên huyện “đối thoại”.
Theo ý nguyện của người dân, họ muốn ông Chung phải xuống hội trường xã Đồng Tâm, được đặt trong thôn Hoành và ý nguyện của họ đã không được lãnh đạo thành phố Hà Nội đáp ứng.
Đã có rất nhiều căng thẳng trước khi cuộc đối thoại diễn ra. Vào chiều ngày 19/4, trên tờ Tuổi Trẻ điện tử cho đăng bài báo ‘Vào “tâm bão” Đồng Tâm’. Dù bài báo chỉ tường thuật lại những nguyện vọng, hiện tình đang xảy ra tại Đồng Tâm, mà nhất là ở thôn Hoành nhưng nó chỉ được xuất hiện trên tờ Tuổi Trẻ Online vỏn vẹn 30 phút, sau đó đã bị gỡ xuống.
Trong khi đó, vào khoảng 21h tối cùng ngày, tin từ người dân trong thôn Hoành cho biết, có khoảng 300 tên du côn, có thể là công an cải trang với mã tấu, gậy gộc đã tấn công vào làng. Song, với sự đoàn kết, người dân đã đẩy lùi được. Có tất cả 2 lần dân làng bị tấn công như vậy. Không những vậy, điện trong làng liên tục bị cúp. Cứ mỗi lần như vậy, dân làng lại đánh kẻng để báo động cho nhau.
Sau khi buổi đối thoại đã không thể diễn ra, ông Nguyễn Đức Chung đã biến nó thành buổi họp báo. Tại đó, những người có mặt là những lãnh đạo chủ chốt của xã Đồng Tâm, tuyệt nhiên không hề có bất cứ người dân nào.

Đường vào thôn Hoành bị chặn kín. Ảnh: Tuổi Trẻ
Một lãnh đạo xã Đồng Tâm cho hay, cho đến hiện nay, tại nhà văn hóa thôn Hoành, người dân vẫn còn đang giữ 19 cảnh sát cơ động. Tại tất cả những cổng làng đều có chướng ngại vật, làm cho việc đi vào làng rất khó khăn. Bất kỳ người lạ nào vào làng cũng đều bị dò xét rất kỹ lưỡng.
Thật khó hiểu cái “thiện chí” của chính quyền CSVN, trong khi ông Nguyễn Đức Chung xuống huyện Mỹ Đức, mà không xuống xã Đồng Tâm để đối thoại với dân, thì phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, sự việc ở Đồng Tâm phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm tính nghiêm minh.
Cách trả lời của bà Thu Hằng, cộng thêm bản thông cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy đã ra trước đó cho thấy, cho dù có thả người hay không, người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm cũng sẽ bị phạt tội, sẽ bị ở tù và bị trả thù. Vì rằng, cơ quan công an cho đến nay vẫn chưa hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án.
Nguoi Quan Sat