Thursday, March 28, 2024

Việt Nam sẽ thắng Trung Quốc nếu kiện “đường Cơ sở thẳng”  

Nhân tưởng niệm 33 năm ngày Việt Nam mất bãi đá Gạc Ma- Trường Sa (14/3/1988- 14/3/2021) vào tay Trung Cộng, nỗi đau của nhân dân Việt Nam ngày một chất chồng khi mà công cuộc đấu tranh đòi lại toàn vẹn chủ quyền lãnh hải-lãnh thổ chưa biết đến ngày giành thắng lợi thì máu và nước mắt của người dân Việt Nam vẫn còn đổ trên chính lãnh hải của mình. Đối với kẻ xâm lược ngày một hùng mạnh như Trung Cộng ở hiện tại, Việt Nam dùng quân sự để giải quyết mâu thuẫn lãnh hải –lãnh thổ là điều không thể nhưng dùng pháp lý thì sao? …

Vào ngày 14/3 của 33 năm về trước, khi mà dư luận thế giới đang tập trung vào tình hình Campuchia, vấn đề Việt Nam đóng quân tại Camphuchia sau cuộc chiến với quân Pol Pot. Nhà cầm quyền Trung Cộng đã lệnh cho hải quân Trung Cộng nổ súng tấn công thủy binh của Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đồn trú tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao tại quần đảo Trường Sa. Cuộc tấn công diễn ra ngắn ngủi trong ngày, hải quân Trung Cộng đã thảm sát 64 thủy binh Việt Nam, chiếm được bãi đá Gạc Ma cho đến ngày hôm nay.

Từ khi Việt Nam mất một phần đảo Trường Sa và trước đó là mất toàn bộ quần đảo Hoàng Sa sau cuộc hải chiến Hoàng Sa giữa hải quân Trung Cộng với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 19/1/1974, tình hình Biển Đông luôn đặt trong trạng thái căng thẳng, mấy mươi năm qua máu và nước mắt của ngư dân Việt Nam không ngừng đổ trên chính lãnh hải của mình.

Việt Nam vẫn không ngừng nghỉ trong công cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền lãnh hải-lãnh thổ bị Trung Cộng cưỡng chiếm trên Biển Đông. Trung Cộng thì không ngừng phát triển và hùng mạnh cả quân sự lẫn kinh tế khiến công cuộc đấu tranh của Việt Nam ngày thắng lợi một xa vời hơn.

Như đã nói trên, Việt Nam không thể dùng quân sự lẫn kinh tế để giải quyết mâu thuẫn lãnh hải-lãnh thổ nhưng không vì vậy mà nói Việt Nam vô vọng. Vẫn còn đó cuộc chiến pháp lý quốc tế…

Theo nhà nghiên cứu luật Biển ông Hoàng Việt cho Cali Today biết, cuộc chiến Gạc Ma theo pháp lý thì khó nói, đương nhiên phía Việt Nam luôn luôn khẳng định Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Thời điểm xảy ra chiến tranh cả Việt Nam lẫn Trung Cộng chưa có bên nào cho người ra đóng ở đó. Sau đó Việt Nam đưa quân ra xây dựng đồn trú thì xảy ra cuộc xung đột, cho nên cũng khó nói chuyện pháp lý ngay lúc này.

Tuy nhiên, về mặt lý thuyết đứng về phía Việt Nam thì Việt Nam luôn khẳng định đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về pháp lý, Việt Nam vẫn khẳng định pháp lý chủ quyền thuộc về Việt Nam.

Theo ông Hoàng Việt, tranh chấp trên Biển Đông bao gồm rất nhiều tranh chấp khác nhau, tranh chấp về chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, đặc biệt là tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam-Trung Cộng, tranh chấp Trường Sa thuộc 5 nước 6 bên. Nếu giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thì nó là vấn đề khác, điều này phải đưa ra những Tòa án lớn của quốc tế như tòa án PCA, ITLOS hoặc ICJ. Nhưng mà quy định của luật quốc tế về vấn đề này quy định nếu giải quyết ra tòa thì tất cả các bên tranh chấp phải đồng ý, chấp nhận thẩm quyền của Tòa, điều này thì phía Trung Cộng không bao giờ chấp nhận. Như vậy, việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ngay lúc này là rất khó.  

Việc Philippines kiện tính pháp lý của “đường lưỡi bò trên Biển Đông” do Trung Cộng tự vẽ đã thành công rồi. Việt Nam cũng có thể kiện Trung Cộng ở rất nhiều vấn đề. Ví dụ Trung Cộng tuyên bố đường cơ sở thẳng Hải Nam- Tây Sa (tức Hoàng Sa) bao quanh quần đảo Hoàng Sa, theo Công ước luật Biển việc vẽ đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo nó chỉ được áp dụng đối với các quốc gia quần đảo như Indonesia hoặc Philippines chẳng hạn chứ còn Trung Cộng là quốc gia lục địa nên không được quyền vẽ như vậy. Nếu Việt Nam kiện thì Việt Nam có thể kiện đường cơ sở thẳng này của phía Trung Cộng là nó phù hợp hay không phù hợp theo Luật Biển?

Việt Nam có thể kiện được nhưng kiện hay không tùy thuộc vào các lãnh đạo.

Ông Hoàng Việt khẳng định, việc Việt Nam kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế nếu giải quyết tranh chấp chủ quyền thì hiện nay chưa làm gì được. Nếu Việt Nam kiện đường cơ sở thẳng giống như Philippines kiện đường lưỡi bò thì đã có án lệ- tiền lệ trước, Việt Nam có khả năng chiến thắng chẳng kém gì Philippines.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng việc kiện Trung Cộng như vậy sẽ được gì và mất gì? Phán quyết của Tòa án quốc tế khác với phán quyết của tòa án trong nước, trong nước còn có cơ quan thi hành án nhưng ở quốc tế thì không. Do vậy, chưa có cơ quan chế tài nào đặt ra để buộc các bên tham gia kiện tụng phải thực thi phán quyết quốc tế./.

 

THIÊN HÀ   

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img