Trước việc dư luận Việt Nam quan tâm đến thông tin tàu Hải cảnh 5304 của Trung Quốc tiến gần giàn khoan Hải Thạch của Việt Nam, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn lặp lại những phát ngôn “hết sức quen thuộc” khi trả lời báo đài…
Dẫn nguồn thông tin của trang Dự án Đại sự ký Biển Đông cho biết, vào ngày 20/2/2021, tàu Hải cảnh 5304 rời Đá Chữ Thập di chuyển tới hoạt động ở phía đông bắc bãi ngầm Tư Chính, khu vực Lô 05.2 và Lô 05.3 trong thềm lục địa của Việt Nam.
Sáng 22/2, tàu hải cảnh Trung Quốc đã di chuyển vào khu vực mỏ Hải Thạch với khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác chỉ khoảng 1 hải lý.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo đài trong và ngoài nước đề nghị xác minh thông tin trên, vào ngày 25/2/2021 tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
“Hoạt động của các nước ở Biển Đông cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước quốc gia ven biển đã được quy định tại UNCLOS, đóng góp cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, dẫn lời bà Hằng tại báo Tiền Phong.
Cũng từ trang Dự án Đại sự ký Biển Đông chia sẻ dẫn ảnh vệ tinh từ các đối tác nói rằng có thể Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ tên lửa đất – đối – không thứ hai ở tỉnh Vân Nam, gần biên giới Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về vấn đề này, bà Hằng cho biết quan điểm của Việt Nam là chính sách quốc phòng của tất cả các quốc gia cần đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trước những phát ngôn “hết sức quen thuộc” của bà Hằng, không ít dư luận Việt Nam đã bày tỏ quan điểm cho rằng trước những hành động ngang ngược, đặc biệt là liên tục gây căng thẳng tình hình Biển Đông từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc thì Việt Nam vẫn dừng ở những phát ngôn ngoại giao là chính chứ chưa thấy có những hành động nào tương xứng để đáp trả lại phía Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của báo Cali Today, thạc sĩ Hoàng Việt- một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông hiện đang sinh sống tại Việt Nam cho biết:
“Điều này đã có nhiều tiếng nói: Thứ nhất, phía Việt Nam cần phải có những tàu ra ngăn chặn và thực thi pháp luật bởi vì theo quy định của Luật Biển 1982 thì những vùng đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam phải thể hiện sức mạnh của mình trong đó. Thứ hai, đương nhiên Việt Nam vẫn phải kiên trì để thực hiện quyền của mình, tức là vẫn tiếp tục thăm dò và khai thác tại khu vực đó không phải vì sức ép từ Trung Quốc mà Việt Nam phải rút lui. Thứ ba, Việt Nam kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới lên tiếng sẽ khiến cho phía Trung Quốc có phần nào đó e ngại như trong trường hợp năm 2014, giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đặt ngay vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì Việt Nam vẫn dùng giải pháp ngoại giao quyết liệt thì nó cũng đã khiến cho Trung Quốc phải rút khỏi giàn khoan ở khu vực đó. Thứ tư, Việt Nam vẫn có thể đệ đơn ra tòa trọng tài Phụ lục VII UNCLOS giống như Philippine đã làm để yêu cầu tòa ra phán quyết xem là Trung Quốc có đúng hay sai trong vấn đề này để có tính chính đáng đặng thế giới người ta có thể ủng hộ”.
Theo ông Hoàng Việt, Việt Nam hành động như trên với phía Trung Quốc không hẳn sẽ khiến cho việc giải quyết tình hình căng thẳng ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ gia tăng hơn mà là :
“Nếu chúng ta không lên tiếng ở đây thì chúng ta lên tiếng bằng biện pháp hòa bình và hoàn toàn theo luật pháp quốc tế. Chứ còn nếu mà chúng ta không làm gì thì cũng không có cách nào để ngăn cản được những hành động gây căng thẳng từ phía Trung Quốc cả. Đương nhiên, chúng ta phản đối nhưng không có nghĩa là chúng ta phản đối bằng cách dùng vũ lực, đó là vấn đề khác. “
Cũng từ những hoạt động gây căng thẳng trên Biển Đông từ phiá nhà cầm quyền Trung Quốc, nhiều năm qua người dân Việt Nam luôn có những cuộc xuống đường biểu tình phản đối. Không ít người dân trong những cuộc biểu tình này bị báo đài, chính quyền Việt Nam cho là gây rối trật tự công cộng, nhiều người bị lực lượng Công an-An ninh bắt bớ, phạt hành chính./,
THIÊN HÀ