Thursday, March 28, 2024

Việt Nam thất bại ‘lãnh đạo UNESCO’: Hậu quả từ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’?

Thiền Lâm

Việt Nam – Cali Today News – Việc Đại sứ Phạm Sanh Châu – trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao và Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO, một trong 9 ứng cử viên dự tranh ghế tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021, chỉ đạt được 5 phiếu trong tổng số 58 phiếu bầu tại vòng 2 diễn ra ngày 10/10/2017 cho chiếc ghế cao nhất UNESCO và xếp hạng áp chót cùng với đại diện của Trung Quốc, đã bồi thêm một thất bại đáng kể và cay đắng cho “nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế” và “sẽ giúp UNESCO đoàn kết hơn”, sau hàng loạt vụ khủng hoảng và rạn nứt ngoại giao giữa Việt Nam với Cộng hòa liên bang Đức và Campuchia.

Trang web chính thức của UNESCO cho biết trong một bức thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO Michael Worbs, đại sứ phái đoàn thường trực của Việt Nam tại UNESCO là bà Trần Thị Hoàng Mai đã thông báo với tổ chức của Liên Hiệp Quốc rằng chính phủ Việt Nam quyết định rút ứng viên khỏi cuộc đua.

Vụ thất bại trên xảy ra chỉ hai tháng sau một thông báo của Bộ Ngoại giao Đức phản đối mạnh mẽ vụ mật vụ Việt Nam đã tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào cuối tháng Bảy năm 2017, đồng thời trục xuất một tùy viên tình báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.

Vụ thất bại trên lại xảy ra chỉ gần 3 tuần sau Thông báo ngày 22/9/2017 của Bộ Ngoại giao Đức về việc quốc gia này tạm thời đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như trục xuất nhân viên ngoại giao thứ hai của Hà Nội, tạm thời kết thúc cơn bùng phát khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt để chuyển sang một giai đoạn đóng băng kéo dài trong quan hệ giữa hai nước.

Từ đầu tháng 8/2017, một tổ chức có tên là Liên hội nhân quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ đã mở một cuộc vận động toàn cầu, đặc biệt nhắm vào Bộ Ngoại giao và đại sứ của hầu hết các nước thành viên Hội đồng hành pháp UNESCO để thuyết phục họ bác ứng viên của Việt Nam trong cuộc đua vào chức vị cao nhất của tổ chức này. Liên hội nhân quyền nói Việt Nam “không thể nào được bầu vào chức tổng giám đốc UNESCO sau vụ tổ chức bắt cóc người giữa Berlin”.

Đại sứ Phạm Sanh Châu tại một vòng bầu chọn vào chức Tổng giám đốc UNESCO. Ảnh: VOA

Dù chưa có cơ sở rõ ràng để khẳng định liệu vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” có ảnh hưởng đến việc tranh cử của đại diện Việt Nam hay không, nhưng sự thật hiển nhiên là sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, phản ứng của các nghị sĩ và quan chức Đức lẫn của một số quan chức trong Liên minh châu Âu là rất phẫn nộ và kéo theo hành động chế tài Việt Nam.

Ở châu Âu, nước Đức không chỉ đóng vai trò là đầu tàu về kinh tế và có sức ảnh hưởng lớn về các động thái chính trị, mà còn là một thành viên quan trọng về văn hóa trong tổ chức UNESCO. Do vậy, rất nhiều khả năng những phản ứng chính trị của Đức đối với Việt Nam cũng kéo theo phản ứng về văn hóa và liên quan đến những quốc gia khác trong Liên minh châu Âu.

Sau khi cuộc khủng hoảng Đức – Việt nổ ra, có tin cho biết một số hoạt động giao lưu văn hóa của Đức tại Hà Nội đã chậm lại, thậm chí còn có thể bị ngừng hẳn trong tương lai gần.

Ngay sau bản thông báo “tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược” của Đức được phổ biến vào ngày 22 Tháng Chín, gần như đồng loạt Đại sứ quán các nước EU như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý, Thụy Điển đã đăng trên Facebook của mình bản Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Đức. Việc đăng lại như vậy là nhằm mục đích gì, nếu không phải để ủng hộ tuyên bố này của chính phủ Đức?

Trong số những nước đăng lại bản thông báo trên, Thụy Điển là quốc gia mà vào năm 2013 đã tuyên bố cắt giảm mạnh mẽ viện trợ ODA cho Việt Nam bởi lý do phía Thụy Điển đã phát hiện một phần viện trợ ODA bị giới chức Việt Nam ăn chặn và tham nhũng không chỉ lần đầu. Còn Bỉ là quốc gia mà một quan chức cao cấp của Việt Nam là Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ vừa công du để vận động nước này, cũng như một số nước Tây Âu khác, ủng hộ việc sớm thông qua EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu – Việt Nam), nhưng ông Huệ đã chẳng nhận được bất kỳ hứa hẹn nào từ các quốc gia này.

Một khả năng có thể xảy đến là trong thời gian tới, những quốc gia như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý, Thụy Điển sẽ có một số biểu cảm nào đó gần tương tự biểu hiện của người Đức đối với Việt Nam. Những biểu cảm này sẽ liên đới mật thiết với viện trợ không hoàn lại, tín dụng cho vay, cũng khiến đầu tư nước ngoài của Châu Âu vào Việt Nam có thể sụt giảm đáng kể. Những ưu đãi về hàng rào thuế quan trong nhập khẩu hàng Việt Nam cũng bởi thế sẽ được thả nổi theo mặt bằng thị trường chung. Thậm chí khách du lịch Châu Âu – khi đã được báo chí lục địa này dồn dập cảnh báo về “nhà nước bắt cóc,” sẽ chẳng còn mấy tha thiết đi dã ngoại ở một Việt Nam đầy rủi ro rình rập.

Vẫn chưa phải hết. Vào đầu tháng 10/2017, Bộ Nội vụ Campuchia bất ngờ tuyên bố bắt đầu xúc tiến kế hoạch thu hồi giấy tờ tùy thân, mà thực chất là thu hồi quyền công dân, của gần 70.000 người, đa phần là gốc Việt, đang sinh sống tại Campuchia…

Cứ với đà này, năm sau và những năm sau nữa, chính thể Việt Nam sẽ còn phải tiếp nhận không chỉ thái độ thờ ơ ghẻ lạnh từ nhiều nước phương Tây, mà có thể còn xảy ra một cú siết không tuyên bố trước, âm thầm nhưng kiên quyết từ những quốc gia này về bảo hộ thương mại, thuế quan, viện trợ phát triển, đầu tư nước ngoài và cả về ngoại giao, hợp tác văn hóa.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img