Wednesday, March 22, 2023
spot_img

Viết cho Blogger Mẹ Nấm, thân phận người phụ nữ đấu tranh cho Việt Nam

Cali Today News – Ngày 10 tháng 10 năm 2016, Công an tỉnh Khánh Hòa đã bắt giam blogger Mẹ Nấm, tên thật Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” theo điều 88 Bộ luật hình sự. Những chứng cứ, vật chứng được đăng trên báo Công an nhân dân về “tội” này là các biểu ngữ “Cá cần nước sạch, nước cần minh bạch”, “Khởi tố Formosa”, “No Formosa”, “Formosa Get Out”, “No to Chinese Expansionism” và tập hồ sơ “Chấm dứt nạn công an giết dân thường” với dữ liệu về 31 người chết trong khi bị công an giam giữ được tổng hợp từ báo chí nhà nước. Vụ bắt giam blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã và đang được sự quan tâm và lên tiếng của cộng đồng trong nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế, chính phủ nhiều cường quốc tôn trọng nhân quyền, EU, Liên Hiệp Quốc. Ðã hơn 2 tuần từ ngày bị bắt giam, thân nhân của chị Quỳnh không nhận được bất kỳ tin tức gì từ nhà cầm quyền CSVN. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của chị Quỳnh đã nhiều lần viết thư yêu cầu chính quyền và cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Khánh Hòa để hỏi thăm về tình trạng chị Quỳnh, đồng thời gửi đơn đề nghị cho chị Quỳnh được gặp luật sư như mong muốn của chị trước khi bị bắt giam: sẽ tuyệt thực cho đến khi được gặp luật sư để được bảo vệ pháp lý. Ðây không phải là lần đầu tiên chị Quỳnh bị chính quyền CSVN bắt giam vì vi phạm quyền tự do ngôn luận hay tuyên truyền chống phá nhà nước, những năm gần đây, chị Quỳnh và gia đình thường xuyên bị nhà cầm quyền CSVN cưỡng chế, đánh đập, quấy rối bằng những chiêu thức dơ bẩn. Thầm nghĩ, một người phụ nữ tuổi chưa tròn 40, gánh nặng trên vai người mẹ già và hai đứa con thơ, vì đấu tranh cho nhân quyền, cho một nền tự do dân chủ, tự do ngôn luận của nước nhà phải sống trong cảnh đàn áp, cưỡng ép bao nhiêu năm qua dưới chế độ độc tài thì chị Quỳnh quả là người đáng khâm phục và đáng kính. Vừa làm phận người con gái thảo, vừa làm phận người mẹ đơn thân của hai đứa con thơ, chắc hẳn ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh gia đình chị, vậy mà gần mười năm qua, chị Quỳnh vẫn không ngừng kiên cường đấu tranh vì nhân quyền, vì tự do dân chủ, tự do ngôn luận cho đất nước, không ngừng mong mỏi một ngày không xa chế độ độc tài Cộng Sản sẽ sụp đổ ngay trên quê hương mình.

Tôi có cơ duyên được quen biết chị Quỳnh khoảng 10 năm trước qua mạng xã hội blog Yahoo. Ấn tượng đầu tiền của tôi về blogger Mẹ Nấm là một người phụ nữ can đảm, dám nói dám làm, yêu thích sự thật và luôn ao ước tất cả mọi người trên quê hương mình đều được sống với quyền con người, quyền tự do ngôn luận. Ngày ấy, khi vừa mới quen chị, tôi biết chị có một gia đình hạnh phúc, có cuộc sống êm ấm bên người mẹ già, và một người chồng mẫu mực, hiền lành, một đứa con gái tên Nấm tuổi vừa mới chập chững biết đi. Có lẽ hạnh phúc được làm người con thảo, người vợ, người mẹ hiền đã không còn từ khi chị quyết tâm theo con đường đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do trên quê hương mình. Chị Quỳnh sinh ra và lớn lên tại Nha Trang trong một gia đình Công Giáo gốc Bắc. Theo tôi được biết, chị Quỳnh có ông nội và ông ngoại là sĩ quan cảnh sát dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và cả hai ông đều bị bắt đi tù cải tạo sau năm 1975. Ông ngoại Nguyễn Minh Sơn là một cảnh sát điều tra, chịu trách nhiệm thẩm vấn những vụ án liên quan đến chính trị. Bố của chị Quỳnh – ông Nguyễn Ngọc Anh sinh năm 1956 và là một Thương phế binh VNCH. Giấy tờ vẫn còn lưu giữ tại tư gia ghi rõ “Binh nhì Nguyễn Ngọc Anh, số quân 76/409.342, tham gia hành quân chiến dịch Hòa Bình 23/BÐQ/2/74 và bị thương ở tọa độ ZA199.200Pleime Pleiku bởi đạn AK vào chân trái”. Sau ngày 30/4/1975, người lính biệt động Nguyễn Ngọc Anh cũng trải qua những ngày tháng đày đọa trong nhà tù cộng sản.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh học chuyên ngành Anh ngữ tại Ðại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM. Sau này ra trường, chị làm việc trong một Công ty du lịch ở Nha Trang và không lâu sau đó, bị buộc thôi việc vì đã tham gia vào phong trào viết blog đấu tranh cho phong trào dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Rồi chị phải mưu sinh bằng nhiều nghề như bán nước mía, nấu ăn, để kiếm sống, vừa lo cho mẹ già, vừa nuôi dạy con thơ. Năm 2007, khi mới quen chị, Chị là một trong những Blogger nổi tiếng tại Việt Nam với tên gọi thân mật blogger Mẹ Nấm, được dư luận chú ý và ủng hộ rất nhiều bài viết chỉ trích, phê phán, lên tiếng nhà cầm quyền CSVN. Gần 10 năm kiên quyết đáu tranh cho phong trào nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam, tôi biết đây không phải là lần đầu tiên chị Quỳnh bị bắt giam, chị từng bị giam giữ chín ngày với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại lợi ích của nhà nước” hồi tháng 9/2009. Nhưng lần này, có lẽ là lần chị bị bắt giam lâu nhất, tính đến nay đã gần 20 ngày. Ðôi lúc nhìn những gì chị Quỳnh đã làm và đã đóng góp cho phong trào đấu tranh nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam, tôi thấy thật sự cảm phục chị, một người phụ nữ gánh nặng trên đôi vai gầy gò với trách nhiệm của một người con thảo, một người mẹ đơn thân, vừa đi làm mưu sinh kiếm sống, vừa kiên cường góp sức đấu tranh không ngừng nghỉ cho quê hương. Nghĩ mà thương thay, phận làm người phụ nữ Việt Nam đã khổ, chịu nhiều sức ép từ dư luận khi một thân một mình thay chồng nuôi con. Bé Nấm chỉ mới lên 10, còn Gấu chưa tròn 4 tuổi nay đã phải xa mẹ. Hai đứa bé đã phải chịu nhiều tổn thương sâu sắc, cả hai đứa trẻ không có một tuổi thơ đầm ấm như bao đứa trẻ khác bởi vì mẹ chúng là một người phụ nữ có nghị lực kiên cường đấu tranh cho nhân quyền, tự do, dân chủ. Có lẽ trong bất kỳ hoàn cảnh xã hội nào, chưa có nỗi đau nào bằng nỗi đau chia cắt tình mẫu tử. Ấy vậy mà những ngày qua, cả hai đứa trẻ con chị Quỳnh phải sống xa mẹ. Hình ảnh chị Quỳnh bị an ninh còng tay bắt đi như một tội phạm sẽ mãi là nỗi ám ảnh trong tâm trí của Nấm – một bé gái chỉ vừa tròn 10 tuổi đã phải chứng kiến cảnh người mẹ đánh kính của mình chịu nhiều uất ức, lúc đó Nấm chỉ biết thút thít khóc. Nhưng còn Gấu thì còn quá nhỏ để biết được nỗi đau xa mẹ, nỗi xót thương khi chế độ độc tài đối xử tàn nhẫn với mẹ của cậu. Những tổn thương sâu sắc của hai đứa trẻ rồi đây chẳng thể nào bù đắp được. Tuổi thơ hồn nhiên của bọn chúng cũng đã bị chính quyền nhà nước vùi dập một cách tàn nhẫn. Liệu rồi đây, khi lớn lên, hai đứa trẻ sẽ sống thế nào, nghĩ ra sao về một xã hội bất công, về một chính quyền nhà nước tàn độc mà bọn chúng đang phải sống? Có chăng cũng chỉ là nỗi căm phẫn, uất hận của một người con xứ Việt bị đánh mất đi tuổi thơ, bị cướp mất tình mẫu tử thiêng liêng và không có tự do, nhân quyền, dân chủ.

Có lẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của chị Quỳnh. Giống như bao người mẹ khác, bà Lan luôn là người ủng hộ tinh thần cho con gái mình trong mỗi bước đường tranh đấu cho phong trào tự do, dân chủ, nhân quyền. Ở tuổi sáu mươi của bà Lan, lẽ ra bà đã được nghỉ ngơi, vui đùa bên con cháu nhưng bà lại bắt đầu một chặng đường mới đầy chông gai, cơ cực. Không biết bà sẽ xoay xở ra sao để chăm cho hai đứa cháu nhỏ, một người mẹ già chín mươi tuổi ốm đau bệnh tật. Và nhất là làm hậu phương vững chắc, luôn theo dõi từng bước đường cho chị Quỳnh đang trong lao tù không biết bao giờ mới có ngày đoàn tụ. Bà Lan giờ đây mỗi ngày chỉ biết cầu nguyện ơn trên cho gia đình mình được bình an. Từ ngày công an Khánh Hòa ập vào nhà bắt chị Quỳnh, cả gia đình bà Lan luôn sống trong sợ hãi. Bà Lan đã chia sẻ trước dư luận với nỗi thương xót: “Mẹ tôi, tức là bà ngoại của Quỳnh năm nay ngoài 90 tuổi, luôn giật mình hoảng hốt mỗi khi nghe tiếng động ngoài cổng. Nấm, con gái của Quỳnh trở nên ít nói, cháu thường nhốt mình trong phòng mỗi khi đi học về. Còn đứa con trai út của Quỳnh năm nay mới bốn tuổi, cháu liên tục khóc đòi mẹ và hỏi tôi những câu hỏi như dao cứa vào lòng. Tôi không biết con gái tôi sẽ phải ở tù trong bao lâu, sức khỏe của con tôi sẽ ra sao sau khi ra tù. Nhưng nạn nhân của cuộc bắt bớ này không chỉ có con gái tôi, mà hậu quả của nó vô cùng nặng nề đã đè nặng lên hai đứa trẻ. Bản thân tôi và mẹ tôi (bà ngoại của Quỳnh) cũng luôn sống trong sự lo lắng, sợ hãi. Cuộc sống của chúng tôi thật sự khó khăn và bị đe dọa khi thiếu vắng Quỳnh.”

Nhiều lần về lại Nha Trang, tôi có ý muốn được gặp chị Quỳnh, thăm gia đình chị cùng hai cháu nhỏ, nhưng rồi vẫn chưa có dịp. Giờ chị đang trong lao tù, không biết ngày nào được tự do, tôi thấy cảm thương cho chị, thân phận một người mẹ đơn thân, vì đấu tranh cho quê hương đất nước, phải mang bao uất ức, phải sống trong tủi hờn, trong lao tù. Làm kiếp người phụ nữ trong xã hội còn mang nặng tính phong kiến cổ hũ, với nhiều toan tính của cuộc đời và bản chất độc tài của chính quyền nhà nước, chị Quỳnh đã rất kiên cường để vượt qua tất cả. Rồi đây tôi tin rằng, hai đứa con thơ của chị, Bé Nấm và ku Gấu sẽ luôn tự hào về mẹ của chúng, một người phụ nữ Việt Nam với ý chí sắt thép, một người mẹ đơn thân kiên cường mạnh mẽ. Bước chân vào nhà tù, chị Quỳnh để lại một khoảng trống lo âu không nhỏ trong lòng người mẹ già và những thương xót hai đứa trẻ phải xa mẹ. Tôi nghĩ cá nhân tôi và tất cả những ai cảm kích, yêu mến chị Quỳnh không ai muốn hai đứa trẻ phải chịu thêm bất cứ sự tổn thương nào sau nỗi đau mà chúng đang phải gánh chịu,. Chính quyền CSVN bao nhiêu năm qua đã gây biết bao tội ác cho người dân trong nước, nhưng tội ác chia cắt tình mẫu tử, tội ác vùi dập, bất công, tàn độc với thân phận của một người phụ nữ thì chẳng còn gì hèn hạ hơn. Chị Quỳnh sẽ không có tội nếu như chị đang sống ở một quốc gia tự do, nơi nhân quyền và quyền bình đẳng của người phụ nữ được đặt lên hàng đầu. Nhưng giờ đây chị Quỳnh đang phải chịu đựng sự đàn áp bất công, biết đến khi nào mới được tự do, mới được đoàn tụ bên gia đình cùng hai con thơ. Nghĩ mà chỉ thấy thương cho chị, thấy đau xót cho thân phận một người phụ nữ vì đấu tranh cho tự do, nhân quyền và dân chủ của quê hương đất nước mà phải đánh đổi cả hạnh phúc đời mình.

Lê Vi

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT